Khi mất việc, bạn trải qua 16 giai đoạn cảm xúc nào
Ngày đăng tin: 22/04/2020 22:00
Tuy nhiên, hãy hiểu rằng cảm giác suy sụp hoặc trầm cảm sẽ không đến ngay khi bạn vừa mất việc, mà nó là hệ quả sau khoảng thời gian thất nghiệp kéo dài. Bên cạnh đó, không hẳn toàn bộ diễn biến này đều là chuyện xấu. Xét ở khía cạnh tích cực, nếu bạn có đủ sức bật, sau một cuộc “vấp ngã đau thương” trong hành trình sự nghiệp, bạn sẽ học thêm được nhiều bài học ý nghĩa để làm tốt hơn trong tương lai.
Ngay sau đây, hãy cùng Cevn.com.vn tham khảo bài viết phân tích về 16 giai đoạn cảm xúc mà một người sẽ trải qua khi không may rơi vào tình huống mất việc để nghiệm ra những điều giá trị cho riêng mình bạn nhé!
#1. Nhìn nhận nguyên nhân thất nghiệp
Bạn có thể rơi vào tình trạng “không việc làm” bởi một số lý do như suy thoái kinh tế, không hài lòng với văn hóa công ty,muốn tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp khác, không vượt nổi áp lực quá lớn, vấn đề sức khỏe, hoặc chuyện cá nhân.
Đối với người trẻ mới ra trường thì thất nghiệp có thể là do không tận dụng được cơ hội, thiếu năng lực, kỳ vọng quá mức. Một số khác tìm việc thất bại là vì không thường xuyên nâng cấp bản thân theo kịp xu hướng phát triển xã hội và công nghệ mới nên dẫn đến thiếu kỹ năng. Những người làm nghề tự do thì có thể thất nghiệp vì đã hoàn thành phần việc cộng tác và hợp đồng không gia hạn thêm nữa. Cũng có nhiều người thất nghiệp vì gây ra sai phạm tại nơi làm việc nên bị chấm dứt hợp đồng, hầu hết người thuộc nhóm này sẽ phải chịu cảnh thất nghiệp suốt thời gian dài.
#2. Nhiệt huyết
Chúng ta thường rời bỏ công việc vì chuyện cá nhân hoặc vấn đề với quản lý. Trong giai đoạn đầu sau khi vừa tạm biệt công ty, nhiều người sẽ thấy rất vui vẻ và tự do tận hưởng những ngày được giải thoát khỏi mọi trách nhiệm.
Bạn có nhiều thời gian để ngủ, đi chơi với bạn bè, xem các chương trình truyền hình yêu thích. Bạn còn hào hứng vì vẫn được nhận tiền lương từ tháng cuối cùng làm việc cho công ty. Bạn sẽ cảm thấy ổn và có thể tồn tại nhờ số tiền đó trong một khoảng thời gian nhất định.
#3. Khủng hoảng tài chính
Mọi chuyện bắt đầu từ khủng hoảng tài chính. Nếu bạn làm việc để có thu nhập trang trải cuộc sống thì khủng hoảng kinh tế là vấn đề sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng, nó khiến những ai thất nghiệp rất áp lực khi phải đối phó với các vấn đề tài chính cơ bản nhất như chi trả các hóa đơn điện, nước, điện thoại, xăng xe...
Ở giai đoạn này, lần lượt các vấn đề khác nhau bắt đầu phát sinh từng bước một. Nó khiến bạn hiểu ra rằng cuộc sống mình phụ thuộc vào tình trạng công việc. Bạn không hề có tiền thu vào mà chỉ toàn chi ra, trong khi đó, số dư ngân hàng đang có nguy cơ giảm về số không một ngày không xa. Tình trạng này khiến nhiều người bắt đầu rời xa dần thói quen “tận hưởng cuộc sống”.
#4. Tự vấn bản thân
Thất nghiệp lâu hơn chút nữa, bạn sẽ có cảm giác rất tệ về bản thân, tự trách mình sao lại đánh mất nhiều cơ hội. Bắt đầu hối hận về các trải nghiệm trong quá khứ và những cuộc phỏng vấn mà bạn thể hiện chưa tốt. Bạn tua lại câu chuyện, rồi băn khoăn về nó, và lãng phí toàn bộ thời gian chỉ cho việc ngồi không suy ngẫm.
Có người đã dành nhiều thời gian cho việc hối hận đến nỗi quên rằng ngày tháng đang trôi qua, không ý thức rằng điều đó chỉ tạo ra khoảng cách ngày lớn giữa mình và sự nghiệp. Bạn không thể tìm ra lời biện minh đúng đắn nào cho những sai sót xưa. Cuối cùng, khi đối mặt với các cuộc phỏng vấn mới, bạn vẫn không thể tìm được câu trả lời thật sự cho chuyện đã qua và cũng không cung cấp được thông tin cần thiết cho người phỏng vấn ở công ty mới.
Thay vì lãng phí thời gian cho quá khứ, nên nhớ rằng thực tại mới là điều cần được đánh động và hiểu đúng vào lúc này. Bởi chúng ta cứ luôn giả định rằng mọi chuyện không hay tới giai đoạn này cũng sẽ được sắp xếp ổn thoả, nên khi các vấn đề xảy ra không giống vậy, chúng ta lại hối hận vì đã khiến bản thân thất nghiệp.
#5. Hiện thực hóa
Lúc này bạn nhận ra rằng sự nghiệp của mình đã tụt lại phía sau. Bạn bắt đầu theo dõi mọi thông tin cập nhật mới, tạo tài khoản trên tất cả trang web nghề nghiệp, săn việc làm ở mọi nơi, “chộp lấy” mọi tin tuyển dụng trên báo hoặc mạng xã hội và bắt đầu gửi hồ sơ hàng loạt. Liên hệ với người quen để tiếp cận thông tin việc làm hoặc thúc giục họ giới thiệu công việc cho bạn.
Một số người còn chọn phương án trả tiền cho chuyên gia tư vấn để nhanh chóng tìm thấy cơ hội làm việc phù hợp với hồ sơ. Bạn háo hức chờ đợi một cơ hội gõ cửa.
#6. Kỳ vọng cao
Các ứng viên giàu kinh nghiệm và có hồ sơ tốt hay tự đặt ra các tiêu chuẩn trước khi dự phỏng vấn. Nhưng đôi khi bạn bỏ qua thực tế rằng mình đã có khoảng cách với nghề nghiệp lẫn thị trường, và cả các lý do không thuận lợi khi rời khỏi công việc trước đó nữa.
Vì vậy, đừng quá tự tin khi cứ máy móc “mặc cả” một vị trí hoặc mức giá rất cao trong mỗi cuộc phỏng vấn. Đây là lý do khiến nhiều người bị từ chối, bởi bạn quên rằng cần phải lùi một bước mới có thể nắm bắt kịp thời cơ hội lớn trước mắt sau hành trình dài bận rộn tìm “chỗ đáp” mà vẫn thất nghiệp.
Hãy tận dụng mọi cơ hội tốt nhất và chấp nhận thực tế rằng bạn không còn ở thế thượng phong để thoải mái đặt ra những kỳ vọng cao. Bạn chỉ có thể đưa ra nhiều điều kiện khi có lý do hợp lý về tình trạng nghỉ việc hoặc thất nghiệp lâu dài của mình.
#7. Chán nản, buồn khổ
Rồi sẽ đến lúc bạn trở nên chán nản vì thất bại trong sự nghiệp. Tình huống này khiến nhiều người nghĩ rằng họ nên chuyển nghề khác. Sau nhiều lần phỏng vấn xin việc không thành, họ đã bắt đầu suy sụp và chẳng thể chấp nhận thất bại này thêm nữa.
Thất nghiệp luôn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực, một trong số đó là nó khiến bạn ngừng nộp hồ sơ vào các vị trí tuyển dụng. Trong giai đoạn này, bạn sẽ dễ lãng phí thời gian và mất cơ hội lớn. Thậm chí, bạn bỏ qua cả việc kiểm tra email và một lần nữa bị chậm trễ trong việc cập nhật các kỹ năng cần thiết.
Bạn cứ luôn đặt ra câu hỏi về khả năng của mình, bắt đầu chỉ trích và tự hạ thấp bản thân. Bạn trở nên nhạy cảm với hầu hết tình huống trong cuộc sống, liên hệ mọi thứ với tình trạng thất nghiệp của mình, và cho rằng đó là lý do của mọi chuyện.
#8. Thiếu tự tin
Khi tham dự quá nhiều lần phỏng vấn mà đều bị thất bại, bạn sẽ mất niềm tin vào bản thân. Bạn cảm thấy không an toàn, mà thậm chí có lúc bạn thất bại với cả những điều mình dư sức làm tốt.
Cũng bởi vì sự gián đoạn, bạn mất luôn khả năng kiểm soát tình hình và hoảng sợ trước mọi chuyện. Lúc này, bạn mới chính là thủ phạm khiến nhiệm vụ của mình trở nên khó khăn hơn và thậm chí thất bại. Dù đã tiếp tục nỗ lực tìm việc nhưng bạn không thể thoát khỏi cảm giác mất tự tin. Rốt cuộc, bạn không biết phải làm thế nào để xoay chuyển và khắc phục tình trạng thất nghiệp này.
Tất cả chúng ta đều sẽ phải đối mặt với những trải nghiệm tồi tệ trong mọi cuộc phỏng vấn nếu không tin vào chính mình. Đặc biệt, ở giai đoạn này, chúng ta sẽ dễ làm sai và đưa ra nhiều quyết định không hợp lý.
#9. Khó khăn chồng chất
Ngày qua ngày các vấn đề gia tăng. Bạn bắt đầu ghen tị với người khác, hay tự đặt câu hỏi rằng sao người khác lại có điều kiện tốt hơn mình.
Cả về mặt tài chính lẫn tình cảm, bạn bắt đầu cảm thấy thấp kém. Bạn suy nghĩ nhiều về việc phải chi tiền cho nhu cầu giải trí, và thế là bạn dần xa lánh bạn bè, né tránh tiệc tùng, lễ hội. Bạn xấu hổ về bản thân, giấu mình đi để không phải gặp gỡ bạn bè hay họ hàng. Bạn cũng chẳng muốn bận tâm về những điều đang diễn ra xung quanh. Bạn cho rằng mình không có khả năng thanh toán cho thứ gì nữa, chi tiêu càng ít càng tốt.
Và tác động tiêu cực nhất mà tình trạng thất nghiệp có thể gây ra trong giai đoạn này là bạn bắt đầu vay mượn nợ “nơi này một chút, nơi kia một chút” để giải toả các đợt khủng hoảng tài chính.
#10. Đặt tiêu chuẩn thấp
Bước sang giai đoạn thất nghiệp này, bạn quyết định chấp nhận bất kỳ cơ hội nào đến với mình. Bạn ít bận tâm về chuyện kinh nghiệm hay tiềm năng tương lai nữa vì cần phải sống sót và giải quyết “nỗi đau thất nghiệp” quá lâu bằng mọi giá.
Có khả năng bạn sẽ nhận làm các công việc online để được trả tiền. Nhằm đối phó tạm thời với tình huống khủng hoảng, có người chọn làm cho quán cà phê và tiệm pizza hoặc nhà hàng, nhưng quyết định này có thể làm hỏng hồ sơ và tương lai sự nghiệp. Bạn gặp khó khăn vì không thể trình bày suôn sẻ các kinh nghiệm như vậy trong cuộc phỏng vấn tiếp theo.
Những biểu hiện khác của việc tự hạ thấp tiêu chuẩn là bạn sẽ chấp nhận làm việc với mức lương thấp so với thị trường, bị hạ cấp bậc, làm công việc không liên quan đến chuyên môn… Điều này xảy ra vì bạn đã lãng phí nhiều thời gian vào các lựa chọn hoặc lời mời không phù hợp.
#11. Quyết định ngẫu nhiên
Nhiều người làm việc với các công ty trên cơ sở hợp đồng. Khi thời hạn hợp đồng kết thức, chu kỳ thất nghiệp bắt đầu. Những gián đoạn nghề nghiệp này có thể khiến bạn trả giá nhiều hay ít, tất cả phụ thuộc vào mức độ thông minh trong việc đưa ra quyết định và khám phá vị trí tuyển dụng. Giai đoạn này là lúc dễ xảy ra tình trạng “sai người sai vị trí” nhất.
Có khả năng bạn sẽ khiến sự nghiệp bị hủy hoại theo cách này. Làm bừa công việc nào đó để nhận về mức lương tối thiểu, trong khi nó sẽ không giúp ích gì cho sự nghiệp của bạn. Sự nghiệp bắt đầu từ con số không lại lần nữa. Tất cả những nỗ lực và kinh nghiệm dường như bị vất vào “sọt rác”.
#12. Nghe theo lời khuyên của người khác
Lúc này bạn có xu hướng tìm kiếm lời khuyên bên ngoài mỗi khi bản thân không có lựa chọn. Bạn bắt đầu tham khảo ý kiến các chuyên gia nghề nghiệp để nhờ họ giải quyết tình huống. Một số khác tìm kiếm sự giúp đỡ từ đồng nghiệp và bạn bè.
Việc tham khảo ý kiến trong giai đoạn vừa bắt đầu thất nghiệp sẽ rất hữu ích, nó có thể giúp bạn quản lý sự nghiệp sau này tốt hơn.
Tuy nhiên, rất hiếm người thành công trong giai đoạn này vì khó liên hệ được với đối tượng phù hợp. Không ít người còn tự đưa mình vào thế “bí” vì hỏi ý kiến những người không đủ chuyên môn tư vấn nghề nghiệp. Hậu quả nặng nề là lời khuyên của họ có thể khiến bạn bẻ ngoặt lộ trình sự nghiệp đi sai hướng.
#13. Gom góp cảm hứng
Trong giai đoạn này, cảm hứng từ người khác sẽ tác động đến bạn. Bạn bắt đầu quan sát mọi người và tìm hiểu con đường sự nghiệp của họ, cố gắng so sánh và bắt đầu khám phá, học hỏi.
Bạn thường xuyên gặp gỡ và dành thời gian cho mọi người. Bạn tiếp thu ý tưởng của mọi người, bắt đầu suy nghĩ thông minh hơn để lấp đầy khoảng trống mình tự tạo ra, hun đúc sự nghiệp để thành công.
Bạn làm mới mình bằng những ý tưởng sáng tạo về cách tiếp cận và xử lý cơ hội mới tốt hơn, không ngừng tìm kiếm thách thức và cố gắng vượt qua chúng.
#14. Phát triển thái độ tích cực
Cơ hội là dành cho tất cả mọi người nhưng chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ vì nó. Bạn nên trang bị cho mình khả năng để kiểm soát những thay đổi trong sự nghiệp. Cũng đã đến lúc bạn học cách đưa ra những quyết định thay đổi cuộc sống.
Hãy ngừng làng phí thời gian bằng cách không tham dự các cuộc phỏng vấn chẳng mang lại tiến bộ nào trong cuộc sống. Bắt đầu học cách tập trung vào những dự án có thể khiến sự nghiệp của bạn trọn vẹn hơn. Khi tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia, bạn có thể nuôi dưỡng những giấc mơ mới và phát triển năng lượng tích cực trong nó.
#15. Hiểu nhược điểm
Hãy ngừng bận tâm về những gì đã qua, bạn có thể nhắc bản thân chỉ nhìn lại thành tựu để khởi động lại sự nghiệp. Chúng ta sẽ nhớ lại những lý do khiến mình bị từ chối. Lập danh sách tất cả các nhược điểm. Chuẩn bị kế hoạch hành động và sẵn sàng ứng biến. Đưa ra những lý do hợp lý để nói trong các cuộc phỏng vấn.
Bạn sẽ biết cách tránh lặp lại sai lầm trong các cuộc phỏng vấn trước đây. Bạn cảm thấy tự tin về bản thân, tập hợp sức mạnh ý chí để nắm lấy cơ hội bằng mọi giá. Hiểu những sai lầm trong quá khứ giúp bạn thoát khỏi chế độ “tụt dốc” cảm xúc vì thất nghiệp.
#16. Thời gian để phát triển
Khi đã học được nhiều điều từ cuộc sống, bạn cũng sẽ hiểu rằng muốn tồn tại trong thị trường lao động đầy cạnh tranh, bạn cần tiếp tục nâng cấp kỹ năng mới, hiểu được rằng thời gian quý giá như thế nào với sự nghiệp để có thể tránh đi những khoảng “đứt gãy” trong sự nghiệp.
Một lời khuyên cuối mà Cevn.com.vn dành cho bạn đó là trước khi quyết định rời bỏ một công việc, hoặc thậm chí ngay cả khi mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ, bạn vẫn luôn nên có sẵn những phương án dự phòng thích hợp và chủ động mở rộng kết nối nghề nghiệp để có thể linh hoạt ứng phó với các tình huống biến động khác nhau trong cuộc sống, vốn đôi khi không theo mong muốn!