• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

122179
Tổng số truy cập:122179
Khách đang online: 350
Dù trung thành nhưng lỗi sau có thể khiến nhân viên lâu năm mất việc
Ngày đăng tin: 17/04/2020 21:12

CÁCH NHÌN NHẬN VỀ GIÁ TRỊ NHÂN VIÊN

Người ta thường nói rằng có 2 dạng nhân viên sẽ được công ty đánh giá cao đó là: nhân viên trung thành và “ngôi sao mới nổi” (rising star).
 
Nhân viên trung thành là những người có biểu hiện xuất sắc. Họ làm việc thông minh và chăm chỉ, rất hiếm khi nhòm ngó đến các cơ hội làm việc khác bên ngoài. Họ tự hào đại diện cho công ty và xem nơi làm việc như ngôi nhà thứ hai.
 
Trong khi đó, các ngôi sao mới nổi cũng là những người thể hiện xuất sắc, nhưng ngoài công việc hàng ngày, họ còn tích cực và chủ động đầu tư phát triển sự nghiệp theo các hướng khác. Họ được công nhận là giàu tiềm năng và được trao nhiều cơ hội để có bước thăng tiến ổn định.
 
Nếu phải đo lường hiệu suất chỉ dựa trên kết quả đóng góp cho công ty, cả nhân viên trung thành và ngôi sao mới nổi nên được xếp hạng ngang nhau. Tuy nhiên, nhân viên trung thành thường đi theo quỹ đạo sự nghiệp định sẵn và có những phần thưởng khác biệt đáng kể so với những ngôi sao mới nổi.
 
Thực tế, nhân viên trung thành phải đấu tranh rất nhiều mới được thăng chức. Họ khó tìm công việc mới bên ngoài. Và đặc biệt, trong những giai đoạn suy thoái kinh tế hay thiếu hụt tài chính, các công ty có xu hướng buông bỏ nhân viên lâu năm để giữ lấy các ngôi sao mới nổi.
 
Thời thế đã thay đổi, ngày nay các công ty đã có mục tiêu mới để đánh giá cao hơn cả sự gắn bó lâu năm. Trong bối cảnh làm việc thời hiện đại, nếu bạn còn giữ lấy niềm tin “mù quáng” về lòng trung thành, bạn dễ mắc phải sai lầm gây ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp. Nhưng trước khi phân tích sâu về sai lầm đó, chúng ta cần hiểu xem quá khứ, hiện tại và tương lai đang có những thay đổi như thế nào về ảnh hưởng của các nhân viên trung thành.
 
Kỷ nguyên của nhân viên trung thành đã lùi về phía sau
 
 
Biểu đồ áp dụng công nghệ trên đây cho thấy phải mất lâu để những công nghệ mới và đột phá trở thành xu hướng trong vòng hai thế kỷ qua. Điện phải mất 46 năm mới trở nên thịnh hành so với Internet chỉ mất 7 năm. Hiện tại, tỷ lệ áp dụng công nghệ là cao nhất trong lịch sử loài người. Kể từ đầu những năm 2000, tỷ lệ này càng tăng tốc hơn nữa cùng với sự gia tăng của các phương tiện truyền thông xã hội và điện thoại thông minh. So với tỷ lệ trung bình 35 năm để một xu hướng trở nên thịnh hành trong thế kỷ 20, hiện tại chỉ mất khoảng 3-4 là các công nghệ đột phá đã được áp dụng trên toàn thế giới.
 
Tốc độ áp dụng công nghệ nhanh hơn mang đến những thay đổi đáng kể lên động lực của thị trường lao động.
 
Trong quá khứ, tốc độ tiếp nhận chậm nghĩa là các kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc còn hiệu quả sẽ được giữ nguyên qua nhiều thập kỷ. Đó là thời đại mà bạn có thể đảm nhận một vai trò và tiếp tục làm nó cho đến khi nghỉ hưu. Sự ổn định và lòng trung thành là giá trị nghề nghiệp quan trọng lúc bấy giờ. Cho đến tận cuối những năm 1980, việc duy trì tốt một công việc trong thời gian dài là điều hợp lý. Từ quan điểm của nhà tuyển dụng thời điểm đó, nhân viên càng gắn bó lâu, họ càng trở nên năng suất và hiểu biết, tức là càng có giá trị đối với sự thành công liên tục của công ty. Lòng trung thành của nhân viên sẽ được khuyến khích và khen thưởng.
 
NHÀ TUYỂN DỤNG NGÀY NAY ĐỀ CAO KHẢ NĂNG HỌC HỎI HƠN CẢ LÒNG TRUNG THÀNH
 
Nhưng ngày nay, các tập đoàn đã và đang chịu áp lực rất lớn về yêu cầu đổi mới để duy trì hoạt động. Tất cả chức năng từ R&D cho đến kinh doanh, đều cần được liên tục đánh giá và điều chỉnh theo sự xuất hiện của công nghệ mới.
 
Cùng với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, tiền điện tử, internet kết nối vạn vật (IoT), những thay đổi đột phá đang đến nhanh hơn, thêm vào đó là tốc độ toàn cầu hoá nhanh chóng của lực lượng lao động. Các công ty ngày nay cần một đội ngũ nhân viên có thể theo kịp sự thay đổi liên tục.
 
Các kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt công việc ngày nay thay đổi sau khoảng 3-4 năm. Nhân viên giỏi không chỉ phải theo kịp những thay đổi mà còn cần chủ động dự đoán và thậm chí là khởi xướng nó. Khả năng học hỏi và thích nghi là kỹ năng mềm quan trọng mà tất cả mọi người ngày nay cần có.
 
Nếu đội ngũ nhân viên hiện có không theo kịp công nghệ mới, áp lực dành cho doanh nghiệp là phải nhanh chóng đi tìm những người lao động sở hữu kỹ năng mới để thay thế và bổ sung. Áp lực này dẫn đến hiện tượng nghịch lý là đôi khi công ty lại đề nghị mức lương cho nhân viên mới cao hơn từ 10-20% so với mức lương mà họ đang dành cho các nhân viên trung thành lâu năm.
 
Nâng cấp kỹ năng và chuyển đổi công việc giờ đây lại là giải pháp an toàn và có lợi về mặt tài chính hơn là tiếp tục làm việc cho một công ty thêm thời gian dài nữa.
 
NHẢY VIỆC KHÔNG CÒN BỊ XEM LÀ DẤU HIỆU XẤU TRONG HỒ SƠ TÌM VIỆC
 
Các thống kê lao động đã cho thấy hiệu quả của việc áp dụng công nghệ nhanh chóng trên thị trường việc làm. Theo một báo cáo gần đây về nhiệm kỳ làm việc từ Cục Thống kê Lao động (Mỹ), ngày nay người lao động thay đổi công việc trung bình 4 năm/lần. Khung thời gian này tương quan tốt với tốc độ áp dụng công nghệ (3-4 năm).
 
Nhảy việc đang giúp người lao động bắt kịp với nhu cầu thay đổi kỹ năng nhanh chóng trong các lĩnh vực công nghệ mới. Nghiên cứu của Harvard Business Review cho thấy rằng thế hệ Millennial dự kiến sẽ chuyển đổi khoảng 20 công việc trong đời, trong khi lứa Baby Boomer thì thay đổi tối đa trên 12 công việc. Nhảy việc đang trở thành tiêu chuẩn.
 
Trong quá khứ, nhảy việc được xem là dấu hiệu xấu chủ yếu vì nó ám chỉ các vấn đề liên quan đến cá tính tiềm ẩn trong mỗi nhân viên, đưa họ đến tình trạng thường xuyên chuyển đổi công việc không đúng thời điểm. Tuy nhiên, ở hiện tại, miễn là bạn có được sự tiến cử hoặc lời chứng nhận tốt, đồng thời hồ sơ thể hiện được các dấu mốc phát triển tích cực thì nhảy việc không còn là vấn đề. Thay vào đó, nó chính là bằng chứng về khả năng học hỏi và sự nhanh nhẹn.
 
CHÍNH SỰ TRÌ HOÃN CỦA BẢN THÂN LÀ THỦ PHẠM THẦM LẶNG GIẾT CHẾT SỰ NGHIỆP
 
Ngay cả khi không có nguyên tắc cấm kỵ về nhảy việc, việc thay đổi chỗ làm vẫn không phải là điều mà nhân viên trung thành mong muốn vì họ coi trọng mối quan hệ lâu dài với công ty và đồng nghiệp. Nhưng cần hiểu rằng, mặc dù bạn có thể phát triển kỹ năng và cấp độ tại một công ty theo thời gian, nhưng điều đó không xảy ra tự nhiên mà cần rất nhiều nỗ lực chủ động từ nhân viên đó.
 
Mỗi công việc đều sẽ đi theo một đường cong học tập hình chữ S được gọi là “đường cong kỹ năng”.
 
 
Sơ đồ 1: Đường cong kỹ năng
 
Sau đoạn dốc học tập đầu tiên, người ta sẽ đi đến điểm ổn định và dừng lại việc học, tại đó bạn sẽ thành thạo (mastery) kỹ năng cần thiết cho công việc. Theo đó, sự phát triển nghề nghiệp chỉ xảy ra nếu tại điểm thành thạo, bạn tiếp tục thử thách bản thân bằng cách học thêm kỹ năng mới hoặc nhận trách nhiệm mới.
 

Sơ đồ 2: Chiến lược xếp chồng đường cong kỹ năng
 
“Skill Curve Stacking” (tạm dịch xếp chồng đường cong kỹ năng) là chiến lược của các ngôi sao mới nổi. Nó giúp họ xây dựng quỹ đạo nghề nghiệp theo hướng tăng trưởng cả về sự nghiệp lẫn lương bổng, phúc lợi.
 

Sơ đồ 3: Chiến lược kéo giãn đường cong kỹ năng
 
Nhân viên trung thành có xu hướng triển khai chiến lược kéo giãn đường cong kỹ năng. Họ tiếp tục làm việc rất chăm chỉ nhưng với cùng một kỹ năng mà họ đã thành thạo.
 
Điểm thành thạo trên đường cong kỹ năng, khi mà bạn ngừng học, chính là nơi sự nghiệp của bạn bị đình trệ. Trong quá khứ, đường cong kéo giãn kỹ năng cũng không phải là một kết thúc tệ. Nó cho thấy rằng dù không thăng tiến, nhưng nhìn chung công việc vẫn ổn định một khi bạn vẫn triển khai được thành thạo các công việc. Đây là cách các thế hệ trước ổn định vị trí tại một chỗ cho đến lúc nghỉ hưu.
 

Sơ đồ 4: Chiến lược kéo giãn đường cong kỹ năng trong thị trường việc làm thay đổi nhanh chóng
 
Ngày nay, khi bạn đạt đến điểm thành thạo thì các công nghệ mới vẫn đang phát triển. Do đó, nếu cứ tiếp tục làm cùng một công việc vượt qua điểm thành thạo, thì bộ kỹ năng của bạn sẽ dần suy giảm so với thị trường. Đường cong kỹ năng thời nay luôn bị tụt dốc mạnh sau khi đã qua đỉnh thành thạo. Việc để đường cong kỹ năng kéo dài qua điểm thành thạo sẽ làm xói mòn khả năng cạnh tranh và đáp ứng thị trường của bạn.
 
Sự trì trệ và tụt dốc kỹ năng rất khó nhận ra, bởi trong khi mải mê bận rộn bạn cho rằng mình đang phát triển, nhưng thực tế không phải vậy. Trường hợp nhân viên lâu năm phớt lờ hoặc bỏ lỡ các dấu hiệu cảnh báo này khi đang chăm chỉ làm việc là kết quả hết sức tự nhiên. Vì thế, việc “điểm mặt” thủ phạm này là cực kỳ quan trọng.
 
Hậu quả nghề nghiệp kéo theo khi kỹ năng bị tụt hậu so với thị trường là bạn không được tăng lương nhiều, sa thải đột ngột, không dễ tìm việc mới… Trường hợp này có thể nói là: Sự nghiệp kết thúc không phải do mất việc mà vì bị thiếu mất kỹ năng cạnh tranh trên thị trường.
Số lượt đọc: 493 -