Hồ sơ xin việc gồm những gì? Cách viết để dễ trúng tuyển
Ngày đăng tin: 15/04/2024 09:15
Đôi khi chuẩn bị hồ sơ có thể làm bạn cảm thấy căng thẳng, nhưng hãy nhớ rằng đó là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong hành trình tìm kiếm việc làm mới. Hãy cùng Cevn xây dựng sự nghiệp mơ ước với một bộ hồ sơ thật ấn tượng nhé!
Mọi thông tin cá nhân của
ứng viên đều nằm trong hồ sơ xin việc, bạn có thể mua tại nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm
Hồ sơ xin việc cần những gì? Viết như thế nào là chuẩn nhất?
I. Một bộ hồ sơ xin việc chuẩn gồm những gì?
Khi chuẩn bị hồ sơ xin việc, bạn cần cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ sau:
CV xin việc
Đơn xin việc
Sơ yếu lý lịch
Sổ hộ khẩu
Thẻ căn cước công dân (CCCD)
Giấy khai sinh
Giấy khám sức khỏe
Bằng cấp chứng chỉ liên quan (nếu có)
Ảnh chân dung
Đây đều là những giấy tờ quan trọng giúp ứng viên giới thiệu về bản thân và kinh nghiệm làm việc một cách rõ ràng và ấn tượng. Ngoài ra, bổ sung thêm portfolio cũng là một cách hay để làm cho bộ hồ sơ xin việc trở nên đa dạng và phong phú hơn.
II. Hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ xin việc chuẩn
Bạn không biết phải chuẩn bị những loại giấy tờ gì, công chứng thế nào khi làm hồ sơ xin việc? Đừng lo lắng! Với 7 bước đơn giản dưới đây, bạn sẽ nhanh chóng xây dựng được một bộ hồ sơ ấn tượng và chuyên nghiệp!
Bước 1. Chuẩn bị CV xin việc
CV xin việc là loại giấy tờ bắt buộc cần có trong bộ hồ sơ xin việc. CV cần ghi đầy đủ các thông tin cơ bản như: Họ tên, thông tin liên hệ, mục tiêu nghề nghiệp, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng chuyên môn, các chứng chỉ và hoạt động ngoại khóa... đây là những tiêu chí để nhà
tuyển dụng có cái nhìn toàn diện về bạn.
Mẫu CV xin việc đơn giản cho mọi ngành nghề
(*) Lưu ý khi viết CV:
- CV nên được viết ngắn gọn, dễ đọc, tuy nhiên độ dài thường phụ thuộc vào kinh nghiệm và sự đa dạng của thông tin bạn muốn chia sẻ.
CV 1 trang: Phù hợp với ứng viên mới tốt nghiệp hoặc có ít kinh nghiệm làm việc. Một trang là đủ để trình bày về học vấn, kỹ năng và một số dự án từng tham gia hoặc các hoạt động liên quan.
CV 2 trang: Nếu đã có một số kinh nghiệm làm việc, bạn có thể mở rộng mô tả về các dự án và thành tựu đạt được một cách rõ ràng và chi tiết hơn.
CV 3 Trang: Trong trường hợp ứng tuyển các vị trí quản lý cấp cao, CV có thể dài đến 3 trang để thể hiện rõ hơn về hiểu biết chuyên sâu và thành tựu trong sự nghiệp.
- Nếu có điều kiện, bạn hãy in CV trong 1 mặt và đầu tư một loại giấy in tốt để thông tin được hiển thị một cách rõ ràng nhất. Bạn có thể tham khảo thêm cách viết CV ấn tượng để nội dung chuyên nghiệp và đúng ý nhà tuyển dụng.
Bước 2. Chuẩn bị Sơ yếu lý lịch tự thuật (cần công chứng)
1. Cách chọn mẫu sơ yếu lý lịch phù hợp
Mẫu sơ yếu lý lịch được thiết kế với nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh những điểm chung, sẽ có những nội dung khác biệt, nhằm phục vụ mục đích riêng cho từng ngành nghề cụ thể.
Mẫu sơ yếu lý lịch chuẩn: Dành cho những người tìm kiếm việc làm trong mọi lĩnh vực, tập trung vào thông tin cơ bản như thông tin cá nhân, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng cá nhân.
Mẫu sơ yếu lý lịch cán bộ công chức: Được thiết kế để đáp ứng yêu cầu chung của các đơn vị nhà nước như cơ quan tư pháp, hải quan, thanh tra, giáo dục đào tạo, y tế. Người điền điền phải cung cấp thông tin chi tiết như: cơ quan và đơn vị sử dụng cán bộ công chức, chức vụ (chức danh) hiện tại, ngạch công chức, mã ngạch, bậc lương, hệ số....
Mẫu sơ yếu lý lịch viên chức: Dành cho những người làm việc trong ngành giáo dục và nghiên cứu, chú trọng vào học vấn, công trình nghiên cứu, quá trình công tác...
Mẫu sơ yếu lý lịch tiếng Anh: Thích hợp cho những người muốn ứng tuyển vào công ty nước ngoài, các vị trí yêu cầu kỹ năng tiếng Anh tốt.
2. Cách viết sơ yếu lý lịch xin việc đúng chuẩn
Điền thông tin vào sơ yếu lý lịch là bước quan trọng để tạo ra một hồ sơ xin việc chất lượng. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách điền sơ yếu lý lịch đúng chuẩn, giúp bạn trở nên thật chuyên nghiệp khi nộp đơn ứng tuyển:
Thông tin cá nhân:
- Họ và tên: Viết đúng theo tên khai sinh, sử dụng chữ cái in hoa.
- Ngày sinh: Ghi đúng theo thông tin trên căn cước công dân (CCCD).
- Dân tộc: Điền chính xác dân tộc của mình (Kinh, Mường, Thái, H'Mông, ...).
- Tôn giáo: Điền theo Giấy khai sinh, ví dụ: Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo... Nếu không theo tôn giáo nào, điền "Không".
- Nguyên quán: Ghi nơi sinh của ông bà nội, cha của người kê khai (được ghi rõ tại sổ hộ khẩu).
- Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Ghi chính xác theo thông tin trên sổ hộ khẩu.
- Nơi ở hiện tại: Ghi theo giấy tạm trú nếu bạn đi học hoặc đi làm xa nhà. Nếu đang sinh sống, học tập và làm việc tại địa phương, ghi chính xác theo địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi cư trú hiện tại.
- Số điện thoại: Điền số điện thoại mà bạn đang sử dụng.
- Khi cần báo tin cho ai: Điền thông tin nhân thân: tên và số điện thoại của bố, mẹ hoặc anh, chị em thân thích.
- Bí danh: Là tên thường gọi ở nhà, bạn có thể bỏ trống không ghi nếu không có bí danh.
Thông tin về nhân thân:
- Sau cải cách ruộng đất: Gia đình thuộc diện nông dân, công chức hay viên chức. Ghi rõ "nông dân" hoặc "công chức", "viên chức".
- Ở thời điểm hiện tại: Ghi rõ họ tên, năm sinh, nghề nghiệp của từng thành viên trong gia đình.
Thông tin học vấn:
- Trình độ văn hóa: Ghi "12/12" nếu tốt nghiệp THPT, điền là "Cử nhân" nếu tốt nghiệp Đại học/Cao đẳng.
- Trình độ ngoại ngữ: Điền rõ chứng chỉ ngoại ngữ mà bạn có.
- Ngày kết nạp Đảng: Ghi ngày kết nạp Đảng. Nếu không là Đảng viên, bạn bỏ trống mục này.
- Nghề nghiệp và trình độ chuyên môn: Ghi chính xác nghề nghiệp của bạn.
Quá trình hoạt động của bản thân:
- Mô tả công việc và thành tích của bạn một cách rõ ràng và chi tiết.
- Thông tin về quá trình công tác tại công ty cũ nên phù hợp với vị trí việc làm đang ứng tuyển.
Khen thưởng/kỷ luật:
- Điền thông tin về khen thưởng hoặc kỷ luật nếu có.
- Điền thông tin vào sơ yếu lý lịch là một bước quan trọng để tạo ra một hồ sơ ứng tuyển chất lượng.
Sau khi điền đầy đủ thông tin, bạn hãy mang sơ yếu lý lịch đi công chứng tại UBND xã, phường, thị trấn tại địa phương hoặc tại văn phòng công chứng gần nhất.
Bước 3. Viết Đơn xin việc
Đơn xin việc thường được gửi kèm với sơ yếu lý lịch, là cách ứng viên bày tỏ sự quan tâm và nguyện vọng của mình đối với một vị trí công việc cụ thể.
1. Tải mẫu đơn xin việc chuẩn cho mọi ngành nghề
Đơn xin việc phản ánh được những thông tin chính và quan trọng nhất mà mọi nhà tuyển dụng muốn khai thác từ ứng viên.
2. Mẹo viết đơn xin việc ứng tuyển thành công
Không ít ứng viên nhầm lẫn giữa CV và đơn xin việc. Cần lưu ý, đơn xin việc được trình bày dưới dạng các đoạn văn ngắn, mục đích chính là để "gõ cửa" nhà tuyển dụng và khiến NTD lật mở CV xin việc của bạn. Dưới đây là một số mẹo khiến đơn xin việc của bạn trở nên thật nổi bật:
- Sắp xếp kinh nghiệm làm việc theo thứ tự từ công việc gần nhất. Điều này giúp nhà tuyển dụng dễ dàng theo dõi và đánh giá được kỹ năng hiện tại của bạn có phù hợp với vị trí hiện tại hay không.
- Mô tả kỹ năng và kinh nghiệm làm việc trong CV sao cho có liên kết với yêu cầu của vị trí ứng tuyển. Điều này tạo ra ấn tượng cho nhà tuyển dụng về sự phù hợp của bạn với vị trí đó.
Ví dụ: JD ghi là "Có khả năng quản lý dự án hiệu quả"
Bạn có thể mô tả kinh nghiệm như sau: Đảm nhiệm vị trí Quản lý dự án tại Công ty Cổ phần Cevn Toàn Cầu, tôi là người trực tiếp dẫn dắt dự án ABC, giảm 20% chi phí và vượt KPI 50%.
- Nếu bạn không có kinh nghiệm liên quan đến vị trí công việc ứng tuyển, hãy giải thích tại sao bạn tin mình có khả năng thích ứng và phát triển tại vị trí đó.
Ví dụ: Với bằng giỏi Cử nhân Tài chính và kinh nghiệm tích lũy được từ đơn vị thực tập, tôi tin rằng khả năng học hỏi nhanh chóng sẽ giúp bản thân nhanh chóng thích ứng và đạt được mục tiêu của dự án.
Bước 4. Photo Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh, CCCD (cần công chứng)
Khi làm hồ sơ xin việc, thủ tục nhập cảnh, hồ sơ xin visa hoặc thực hiện các thủ tục hành chính khác, bản sao Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh và Căn cước công dân công chứng là những giấy tờ quan trọng để đáp ứng yêu cầu xác minh danh tính.
Việc chứng thực Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh, CMND/CCCD có thể được thực hiện tại các địa điểm sau:
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố
Phòng công chứng, Văn phòng công chứng.
Bước 5. Chuẩn bị Giấy khám sức khỏe
Giấy khám sức khỏe giúp xác nhận rằng ứng viên có đủ sức khỏe để thực hiện công việc mà họ đang ứng tuyển. Đối với các ngành nghề đòi hỏi thể lực, giấy khám sức khỏe có thể là yếu tố quyết định quan trọng.
Có rất nhiều bạn thắc mắc giấy khám sức khỏe trong hồ sơ xin việc lấy ở đâu? Thực tế thì giấy khám sức khỏe có bán sẵn tại các cửa hàng văn phòng phẩm/nhà sách nhưng mẫu giấy này thường không được sử dụng. Giấy khám sức khỏe chỉ được cấp khi bạn đăng ký khám sức khỏe trực tiếp tại bệnh viện, phòng khám hoặc trung tâm y tế địa phương.
Nhiều công ty yêu cầu giấy khám có thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ, ứng viên cần chủ động tái khám thường xuyên để đảm bảo rằng giấy khám luôn còn hiệu lực khi cần thiết.
Bước 6. Photo Bằng cấp, Chứng chỉ (cần công chứng)
Chứng thực bản sao các bằng cấp và chứng chỉ như: Bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ ngoại ngữ/tin học... để đảm bảo tính chính xác và minh bạch về quá trình học vấn và kỹ năng của ứng viên, đây cũng là tài liệu quan trọng để bộ phận HCNS tạo lập hồ sơ nhân viên.
Để công chứng bằng đại học và các bằng cấp/chứng chỉ liên quan, bạn cần thực hiện tại các cơ quan có thẩm quyền sau:
Phòng Tư pháp quận/huyện/thị xã
UBND xã, phường, thị trấn.
Các văn phòng công chứng và phòng công chứng.
Bước 7. Chụp ảnh chân dung
Ảnh hồ sơ xin việc giúp tạo ấn tượng đầu tiên với nhà tuyển dụng. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi chọn ảnh CV:
Kích thước ảnh: Ảnh 4x6 thường được sử dụng cho các bộ hồ sơ thông dụng và giấy khám sức khỏe. Ảnh 3x4 thích hợp cho CV và đơn xin việc. Bạn nên lựa chọn đơn vị chụp ảnh uy tín để đảm bảo ảnh có chất lượng tốt nhất.
Màu nền ảnh: Màu trắng hoặc xanh là lựa chọn an toàn nhất cho ảnh hồ sơ xin việc. Ngoài ra, bạn có thể chọn phông nền nên phù hợp với màu áo bạn đang mặc để tạo sự hài hòa.
Trang phục lịch sự: Nên chọn áo sơ mi với cổ màu trắng hoặc kem, áo vest đen có thể làm tăng vẻ chuyên nghiệp.
Kiểu tóc và trang điểm: Tóc nên được chải gọn, kiểu tóc lịch sự. Bạn có thể trang điểm nhẹ nhàng để làm nổi bật đường nét trên gương mặt.
Không dán ảnh trong hồ sơ xin việc tại Mỹ, Vương quốc Anh hoặc Canada: Nhiều nhà tuyển dụng từ các quốc gia này có thể từ chối các hồ sơ có ảnh để tránh phân biệt đối xử hoặc thiên vị trong quá trình tuyển dụng.
3. Nên tải file hồ sơ xin việc ở đâu thì chuẩn nhất?
Bạn có thể tải hồ sơ xin việc tại trang web của các trang tìm việc uy tín.