• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

106082
Tổng số truy cập:106082
Khách đang online: 137
Bộ câu hỏi phỏng vấn về định hướng nghề nghiệp và gợi ý trả lời
Ngày đăng tin: 04/04/2024 09:41

Tìm hiểu và chuẩn bị trước bộ câu hỏi phỏng vấn về định hướng nghề nghiệp là bước quan trọng giúp ứng viên tự tin hơn khi gặp nhà tuyển dụng. Dưới đây là danh sách các câu hỏi về định hướng nghề nghiệp hay gặp nhất, bạn hãy tham khảo ngay để chuẩn bị thật tốt cho buổi phóng vấn sắp tới nhé.

Câu hỏi phỏng vấn về mục tiêu nghề nghiệp thường rất hay gặp, nhưng không phải ai cũng biết rõ về mục tiêu của mình, thậm chí là hoang mang không rõ sau này sẽ có những hướng đi thế nào. Trong cuộc phỏng vấn việc làm, nhà tuyển dụng có thể đặt ra những câu hỏi trực tiếp hoặc gián tiếp để tìm hiểu định hướng nghề nghiệp của ứng viên.
 

Tham khảo câu hỏi định hướng nghề nghiệp và gợi ý trả lời
 
I. Định hướng nghề nghiệp là gì?
 
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu định hướng nghề nghiệp là gì khi phỏng vấn xin việc. Định hướng hay còn được hiểu là mục tiêu nghề nghiệp, là những gì một cá nhân muốn hướng đến, muốn đạt được trong công việc, tính theo từng khoảng thời gian khác nhau. Ví dụ, định hướng nghề nghiệp của bạn là trở thành kỹ sư phần mềm hay chuyên viên nhân sự sau 3 năm làm ở vị trí kỹ thuật phần mềm và nhân viên hành chính nhân sự. Đó được coi là mục tiêu ngắn hạn. Trong khi đó, những thành công bạn muốn đạt được sau 4, 5 năm trở lên thì được coi là mục tiêu dài hạn.
 
Định hướng nghề nghiệp có những đặc điểm như sau:
 
Mỗi cá nhân khác nhau có định hướng nghề nghiệp khác nhau.
 
Định hướng nghề nghiệp ngắn hạn thường là bước chuẩn bị cho mục tiêu dài hạn.
 
Định hướng nghề nghiệp có tính chất thay đổi theo thời gian và các điều kiện phát sinh.
 
Nhìn chung, việc tìm hiểu, xác định được định hướng nghề nghiệp sẽ giúp ích nhiều cho bạn vì một khi có mục tiêu, định hướng rõ ràng bạn có thể biết về những việc mình muốn làm, cần làm và sau đó kiên trì, vượt qua những khó khăn thử thách để đạt được mục tiêu đó. Định hướng nghề nghiệp giống như kim chỉ nam để bạn biết mình phải đến đâu, đi trên con đường như thế nào.
 
II. Vì sao nhà tuyển dụng muốn hỏi về định hướng nghề nghiệp của ứng viên?
 
Với xu hướng tuyển dụng ngày nay, hầu hết nhà tuyển dụng đều đặt câu hỏi phỏng vấn về định hướng nghề nghiệp cho ứng viên. Không chỉ vậy, trên thực tế thì các mẫu CV online, những thiết kế CV xu hướng nhất cũng luôn có phần mục tiêu nghề nghiệp. Điều đó cho thấy, tìm hiểu về định hướng của ứng viên cũng là một thông tin cực kỳ quan trọng mà NTD muốn biết.
 
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là, lý do nào khiến nhà tuyển dụng muốn hỏi về định hướng nghề nghiệp của bạn - trong khi đó vốn là mục tiêu cá nhân của mỗi người? Những lý do thực sự gồm có:
 
NTD muốn xác định xem ứng viên có hiểu rõ về ngành nghề, năng lực của bản thân hay không.
 
Tham vọng của ứng viên là gì? Những người có tham vọng lớn thường có động lực mạnh mẽ, quyết tâm cao độ để một lòng hướng về mục tiêu của mình. Tuy nhiên, khi nói về mục tiêu thì những người biết mình biết ta cũng sẽ được đánh giá cao - nói về các định hướng phù hợp với điều kiện hiện tại có thể thuyết phục hơn những tham vọng quá khó đạt thành.
 
So sánh, đánh giá xem định hướng nghề nghiệp của ứng viên có liên quan, trùng khớp với các mục tiêu của công ty hay không.
Biết được liệu ứng viên có muốn gắn bó lâu dài với vị trí việc làm họ đang ứng tuyển không hay chỉ coi là một cơ hội bước đệm cho sau này?
 
So sánh xem liệu công ty có đáp ứng được kỳ vọng của ứng viên hay không, giả sử ứng viên muốn trở thành giám đốc sau 2 năm làm việc, trong khi công ty TNHH chỉ có chưa tới 10 nhân viên thì rõ ràng là không phù hợp.
 

Lý do nhà tuyển dụng hay đưa ra những câu hỏi định hướng nghề nghiệp

III. Tuyển tập câu hỏi phỏng vấn về định hướng nghề nghiệp hay gặp nhất
 
Đa phần nhà tuyển dụng sẽ đọc phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV bạn gửi, đồng thời cân nhắc đặt những câu hỏi phỏng vấn về định hướng nghề nghiệp trong cuộc phỏng vấn trực tiếp. Một số câu hỏi hay gặp là:
 
1. Định hướng nghề nghiệp/ Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?
 
Với câu hỏi chung chung như thế này, bạn chỉ cần trình bày đơn giản về mục tiêu nghề nghiệp của mình, có thể nói cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn kèm theo giải thích hoặc diễn giải. Mục tiêu phải tùy theo ngành nghề và bản thân bạn.
 
Gợi ý trả lời: Ví dụ, bạn xin việc kế toán thì có thể trả lời NTD rằng "Định hướng nghề nghiệp của tôi là trước hết có thể áp dụng những kiến thức, nghiệp vụ kế toán được học ở trường cũng như mài dũa trong 2 năm làm việc ở vai trò kế toán nội bộ vào công việc mới, hoàn thành các nhiệm vụ được công ty tin tưởng, giao phó. Tôi kỳ vọng có thể sớm hòa nhập với môi trường làm việc mới, đồng thời phấn đấu lên kế toán tổng hợp sau 3 năm và có thể lên kế toán trưởng sau 7 năm nữa".
 
2. Bạn muốn đạt được gì ở công việc này?
 
Thông qua câu hỏi "bạn kỳ vọng gì ở vị trí công việc này", nhà tuyển dụng muốn hiểu kỳ vọng của ứng viên đối với công ty chứ không riêng gì định hướng hay mục tiêu nghề nghiệp. Bạn nên trả lời khéo léo dựa trên thông tin bạn biết về công ty cũng như nội dung trong JD (về mức lương hay cơ hội thăng tiến). Khi trả lời, bạn cũng nên tránh nói về tiền bạc và đồng thời trình bày rằng so với kỳ vọng cá nhân thì bạn càng mong rằng có thể đạt được thành công cho bản thân trong nỗ lực đóng góp cho mục tiêu chung của công ty.
 
Gợi ý trả lời: "Đối với tôi, công việc [tên vị trí] tại công ty [tên công ty] là một cơ hội tuyệt vời để được làm việc, cống hiến trong một môi trường tích cực, một thương hiệu lớn có danh tiếng tốt trên thị trường. Tôi mong rằng mình có thể học hỏi được ở quy trình làm việc chuyên nghiệp, nỗ lực mang đến những đóng góp và thay đổi tích cực hơn nữa cho công ty. Dĩ nhiên, thông qua nỗ lực của mình, tôi cũng mong muốn công ty tạo điều kiện để tôi có thể hỗ trợ đồng nghiệp, trong khi cạnh tranh để thăng tiến lên vai trò quản lý sau 5 năm nữa".
 

Cách trả lời các câu hỏi định hướng nghề nghiệp chuyên nghiệp
 
3. Mục tiêu của bạn là gì trong 3 - 5 năm tới?
 
Định hướng nghề nghiệp trong 3-5 năm tới cũng là câu hỏi trực tiếp về mục tiêu dài hạn của ứng viên. Bạn không nên "để lộ" ra rằng mình chưa nghĩ tới lâu dài như vậy mà nên phản ứng nhanh, trả lời về một mục tiêu thuyết phục nào đó (phù hợp với định hướng ngắn hạn), đồng thời nói thêm rằng trước mắt bạn đặt kỳ vọng như vậy nhưng cũng có thể thay đổi tùy vào điều kiện thực tế trong công việc.
 
Gợi ý trả lời: "Mặc dù 3 đến 5 năm là một khoảng thời gian khá dài, song tôi cũng đã từng nghĩ mình sẽ thành công như thế nào trong sự nghiệp trong vài năm tới. Tôi hy vọng có thể từng bước chứng minh được năng lực bản thân, phát triển toàn diện bộ kỹ năng, học lấy bằng cấp sau đại học và dùng thực lực để thăng tiến lên vị trí trưởng bộ phận sau 5 năm làm việc".
 
4. Bạn có từng nghĩ về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của mình? Bạn đã làm gì để hướng tới các mục tiêu đó?
 
Có thể bạn chưa biết, đây chỉ là câu hỏi mẹo của nhà tuyển dụng. Theo phản ứng của hầu hết ứng viên sẽ nói ngay là mình đã suy nghĩ về tương lai lâu dài, mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên, vấn đề là ở sau đó: Bạn đã chuẩn bị như thế nào.
 
Nếu bạn nghĩ mình có thể làm giám đốc sau 10 năm nhưng hiện tại bạn chẳng có sự chuẩn bị gì thì đáp án sẽ không thuyết phục. Ngược lại, bạn học để lấy bằng cấp, lăn xả để có nhiều kinh nghiệm, học chứng chỉ về kỹ năng lãnh đạo, nâng cao năng lực về tin học và công nghệ,... thì đó là sự chuẩn bị tốt nhất.
 
Gợi ý trả lời: "Ngay từ khi còn trên ghế nhà trường tôi đã nghĩ về những gì muốn làm, muốn đạt được trong tương lai. Đối với định hướng nghề nghiệp trong ngắn hạn, tôi hy vọng sẽ được làm việc trong một công ty lớn, nhiều tiềm năng phát triển như quý công ty vì tôi tin rằng tôi có sức trẻ, có nhiệt huyết và bằng cấp chuyên nghiệp, có thể được mài dũa để cống hiến thật nhiều, đổi lại tôi cũng có thể học hỏi trong môi trường tốt, tạo nền tảng tốt. Về dài hạn, tôi kỳ vọng sẽ có thể thăng tiến lên vị trí leader team sau khoảng 2 - 3 năm và lên tới vị trí quản lý dự án sau 5 năm.
 
Tôi cũng đã chủ động chuẩn bị cho mình các kỹ năng cần thiết. Ngoài chương trình học, tôi có tham gia học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Nhật N2, có chứng chỉ quản lý dự án học trong 3 tháng. Tôi tin rằng tất cả sẽ hữu ích cho công việc".
 

Nhà tuyển dụng kỳ vọng ứng viên có định hướng nghề nghiệp ra sao?

5. Theo bạn, định hướng nghề nghiệp có thực sự quan trọng? Bạn làm thế nào để định hướng cho chính mình?
 
Với câu hỏi này, bạn phải khẳng định tầm quan trọng của việc tự định hướng nghề nghiệp và tự tin chia sẻ cách bạn đã thực hiện để tìm ra mục tiêu cho chính mình.
 
Gợi ý trả lời: "Theo tôi, định hướng nghề nghiệp là cách xác định mục tiêu để hướng đến, nói cách khác là tạo động lực và thúc đẩy bản thân tiến bộ. Vì vậy, rõ ràng là việc định hướng nghề nghiệp cực kỳ quan trọng và ý nghĩa. Để tìm ra định hướng cho mình, tôi đã cân nhắc dựa trên sở thích, mong muốn cá nhân, đồng thời đánh giá năng lực của bản thân theo trình độ, kinh nghiệm, bộ kỹ năng và tính cách, phân tích thị trường lao động và các cơ hội thăng tiến".
 
6. Nếu phát hiện định hướng nghề nghiệp của mình chưa phù hợp, liệu bạn có chấp nhận thay đổi hay không?
 
Đối với câu hỏi định hướng nghề nghiệp này, nhà tuyển dụng có thể muốn biết liệu bạn có kiên định với mục tiêu hay không và có đủ linh hoạt để sẵn sàng thay đổi khi cần hay không. Cách trả lời là hãy khẳng định, có niềm tin với mục tiêu nhưng đồng thời cũng có thể biết tiến biết lùi khi cần.
 
Gợi ý trả lời: "Đối với tôi, định hướng và mục tiêu nghề nghiệp không phải đặt ra cho có mà là đích đến tôi một lòng muốn đạt được. Tôi sẽ không từ bỏ cho tới khi đã cố gắng hết sức mình. Dù vậy, tôi hiểu là sẽ có nhiều yếu tố tác động trên con đường sự nghiệp, trường hợp có trải nghiệm thực tế và phát hiện hóa ra mục tiêu mình kỳ vọng bấy lâu nay khá vô lý hoặc không phù hợp thì tôi sẽ thay đổi".
 
Ngoài ra, bạn có thể gặp phải một số câu hỏi định hướng về mục tiêu nghề nghiệp khác với cách hỏi khác như sau:
 
7. Mục tiêu ngắn hạn của bạn là gì? Khi đặt ra mục tiêu nghề nghiệp bạn cảm thấy khả năng đạt được là bao nhiêu %?

8. Bạn định nghĩa thế nào về thành công trong sự nghiệp?

9. Bạn có cho rằng mục tiêu nghề nghiệp của bản thân nhất định phải trùng khớp với mục tiêu của công ty?

10. Định hướng nghề nghiệp của bạn được đặt ra dựa trên căn cứ nào?
 

Làm thế nào để trả lời câu hỏi phỏng vấn về định hướng nghề nghiệp thuyết phục?
 
IV. Lưu ý khi trả lời câu hỏi về định hướng nghề nghiệp
 
Khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn về định hướng nghề nghiệp bản chất vẫn là hỏi về mục tiêu, chỉ là thay đổi cách diễn đạt mà thôi. Muốn trả lời tốt, bạn nên có "khung" đáp án - không phải đáp án chi tiết mà là biết cách trình bày, những gì có thể nói và không nên nói. Nhờ vậy, đáp án cuối cùng bạn đưa ra chắc chắn sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng.
 
Khi trả lời câu hỏi phỏng vấn về định hướng nghề nghiệp, bạn nên đảm bảo:
 
Trả lời với thái độ tự tin, mỉm cười và có giao tiếp bằng mắt với người phỏng vấn. Bạn đang diễn đạt về mục tiêu, kỳ vọng của bản thân nên không cần phải ngại ngùng (dĩ nhiên là cũng đừng quá nhiệt tình, khua chân múa tay).
 
Trả lời ngắn gọn, có trọng tâm nhưng đôi khi cũng cần khéo léo để không nói cụt ngủn, không giải thích gì.
 
Chắc chắn định hướng nghề nghiệp của bạn phải phù hợp với ngành nghề, tránh ứng tuyển một nghề lại trình bày mục tiêu ở nghề khác.
 
Có sự đồng nhất giữa định hướng trình bày trong phỏng vấn với mục tiêu nghề nghiệp viết trong CV.
 
Tốt nhất hãy thể hiện cam kết của bạn về việc đóng góp, cống hiến cho công ty, gắn mục tiêu cá nhân với mục tiêu chung của doanh nghiệp.
 
Tránh đề cập tới lương, thưởng, các mục tiêu về tiền bạc.
 
Tránh nói đến những mục tiêu kiểu như thay thế được người lãnh đạo hiện tại.
Nhấn mạnh vào kỳ vọng học hỏi ở đội ngũ nhân viên, quản lý chuyên nghiệp; đồng thời hòa đồng, hòa nhập với môi trường và xây dựng văn hóa công ty tích cực.
 
Thể hiện được lòng yêu nghề, đam mê với công việc.
 
Như vậy, Cevn vừa chia sẻ đến bạn bộ câu hỏi phỏng vấn về định hướng nghề nghiệp mà nhà tuyển dụng hay dùng. Qua phân tích và gợi ý trả lời, hy vọng rằng các thông tin sẽ hữu ích, giúp bạn tạo thiện cảm và ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng, từ đó có cơ hội việc làm như ý.
Số lượt đọc: 174 -