Đại học có phải con đường duy nhất để thành công?
Ngày đăng tin: 26/10/2023 08:35
Không ít sinh viên thắc mắc rằng đại học có phải con đường duy nhất để thành công không, nhất là khi các em cảm thấy chuyện học hành quá mệt mỏi, áp lực, đang muốn từ bỏ để rẽ hướng sang con đường khác. Để trả lời câu hỏi này một cách chính xác, chúng ta cần phân tích vấn đề trên nhiều khía cạnh, đánh giá khách quan, sâu sát, và nên bắt đầu bằng chuyện tìm ra định nghĩa thành công của mình là gì?
Định nghĩa thành công của các em là gì?
Để tránh trường hợp bị mông lung, mất phương hướng, cố gắng phấn đấu mà không biết mình đang ở đâu, làm gì, sẽ đi tới đâu, tương lai sau này ra sao,… thì ngay từ lúc bắt đầu, các em phải tự xác định trước xem định nghĩa thành công của mình là gì? Sau này, cho dù có chọn con đường đại học hay không, tiếp tục học để tốt nghiệp ra trường lấy bằng, hay ngừng học để rẽ sang hướng đi mới, thì các em cũng cần phải dựa trên cơ sở thành công do chính mình tự định nghĩa, chứ không thể nào quyết định một cách mông lung, cảm tính, rằng thấy học hành mệt mỏi, áp lực quá nên không muốn học nữa, muốn nghỉ học để tìm hướng đi mới đỡ áp lực hơn, thì khả năng cao rằng quyết định cảm tính ấy sẽ mang lại kết quả không tốt.
Bằng đại học có phải yếu tố quyết định hơn thua?
Khi đã xác định thành công mà mình muốn đạt được, thì tiếp theo, tất nhiên chúng ta cần phải hướng về nó, cần hình dung rõ xem nếu muốn chạm tay tới thành công ấy thì có những con đường nào, cần tích luỹ những hành trang nào để giúp mình gia tăng lợi thế cạnh tranh, tự tin tiến về phía trước. Lúc này, có một hành trang thường được mọi người xem trọng, đó chính là bằng cấp, vậy liệu bằng đại học có phải yếu tố quyết định hơn thua trong tương lai không?
Đối với một số ngành nghề đặc thù, đòi hỏi phải cực kỳ vững chuyên môn, nắm chắc kiến thức chuyên ngành, thì tất nhiên bằng cấp sẽ là tiêu chí đầu tiên mà nhà tuyển dụng xem xét khi tuyển dụng ứng viên, nhất là với các bạn sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm làm việc, thì tiêu chí bằng cấp, kiến thức chuyên môn sẽ càng được đánh giá sát sao hơn. Tuy nhiên, cũng có một số ngành không yêu cầu bằng cấp, không quan trọng chuyện ứng viên có đi học đại học hay không, miễn sao mình đáp ứng các tiêu chí khác thì vẫn có cơ hội thành công. Tất nhiên, điều này không cổ suý cho sinh viên về chuyện bỏ học, ngừng học, mà chỉ muốn đánh giá một cách khách quan, cho các em hình dung được rõ rằng bằng cấp có phải yếu tố quyết định hơn thua sau này hay không, và câu trả lời như các em đã thấy, nó phụ thuộc vào việc sau này mình muốn theo đuổi lĩnh vực nào, và liệu lĩnh vực ấy có cần phải có bằng cấp chuyên môn không?
Đại học có phải con đường duy nhất để thành công?
Quay trở lại với câu hỏi được đặt ra ở đầu bài viết, đại học có phải con đường duy nhất để thành công không? Câu trả lời là không, vì vẫn còn nhiều hướng đi khác để chúng ta chinh phục thành công, chứ không nhất thiết phải học đại học giống như số đông mọi người. Tuy nhiên, như đã làm rõ ở phần trước, điều này cũng phụ thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực mà các em muốn theo đuổi sau này, nếu lĩnh vực đó đòi hỏi chuyên môn mà các em không học đại học, thì đó sẽ là bất lợi rất lớn, khiến mình mất lợi thế cạnh tranh so với các ứng viên khác.
Còn nếu lĩnh vực mà các em theo đuổi không yêu cầu đào tạo đại học, mà cần các tiêu chí khác, thì các em hãy tập trung trau dồi, rèn luyện các tiêu chí ấy để tăng cơ hội thành công trong tương lai. Thực tế cũng chứng minh rằng có một số người dù tốt nghiệp đại học, cầm trên tay tấm bằng cử nhân, vẫn gặp nhiều chật vật khi tìm việc làm, ngược lại, một số người không học đại học, lựa chọn hướng đi khác, kiên trì, quyết tâm theo đuổi, vẫn đạt được thành công.
Không chọn đại học, phải nỗ lực hơn ra sao để thành công?
Vì nhiều lý do khác nhau, không phải ai cũng có thể theo đuổi con đường đại học đến cùng, chẳng hạn như lý do sức khoẻ, hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn, biến cố cá nhân, hoặc lựa chọn sai ngành học, càng học càng thấy không hợp, nên đành phải dừng việc học giữa chừng. Khi đó, không có tấm bằng đại học trong tay, mang tiếng bỏ học đại học, thì liệu tương lai của các em sẽ như thế nào? Thật ra, các em vẫn có thể tìm được việc làm, nhưng đó là các công việc không yêu cầu bằng cấp, chuyên môn, khi vào làm việc sẽ dần được đào tạo, và song song đó thường sẽ là mức lương thấp, rồi những ai tiếp thu nhanh, tiến bộ nhanh, sẽ lần lượt được thăng tiến lên các vị trí yêu cầu chuyên môn cao hơn, lương cao hơn.
Tất nhiên, để làm được điều đó thì các em phải cố gắng rất nhiều, nỗ lực gấp đôi so với những bạn khác, thì mới có thể nhanh chóng tiếp thu kiến thức chuyên môn của một ngành mà mình còn xa lạ, chưa hiểu rõ, và bản thân cũng chưa có sẵn nhiều kiến thức chuyên ngành. Con đường này, nếu đã lỡ lựa chọn, thì các em hãy chuẩn bị trước cho mình một tinh thần thép, sẵn sàng đương đầu với rất nhiều khó khăn, thử thách đang chờ mình ở phía trước. Tóm lại, nếu muốn thành công mà không chọn con đường đại học, thì các em phải nỗ lực rất nhiều, gấp đôi, thậm chí gấp ba so với người khác.
Bài viết này đã phân tích trên nhiều khía cạnh để giải đáp băn khoăn rằng đại học có phải con đường duy nhất để thành công không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!