Làm thế nào để khám phá đam mê nghề nghiệp của bạn?
Ngày đăng tin: 06/10/2023 09:27
Câu nói “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn” chắc hẳn đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có một công việc mà mình thực sự đam mê. Ngay từ việc khám phá đam mê công việc của bản thân đã là một thử thách rất gian nan.
Nếu bạn đang mông lung không biết mình thực sự thích gì, hãy cùng Cevn tìm hiểu cách khám phá đam mê nghề nghiệp trong bài viết này nhé.
Tại sao tìm ra đam mê công việc lại quan trọng?
Không có đam mê khiến ta dễ mất định hướng và chán nản
Bạn có từng nghe đến cụm từ “zomebie nơi công sở” chưa?
Cụm từ này ám chỉ những người làm việc văn phòng một cách vật vờ, không có nhiệt huyết, say mê với công việc. Họ chán nản, uể oải, nhưng vẫn cố đi làm ngày 8 tiếng thay vì nghỉ việc.
Tình trạng này xảy ra ngày càng phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong số đó hẳn có nhiều “zombie công sở” không mặn mà gì với công ty hay không thực sự có đam mê công việc.
Thay vì tìm cho mình một công việc đúng với sở thích, nhiều người phải tạm chấp nhận công việc ổn định vì lý do tài chính và áp lực “trưởng thành”. Điều này càng khiến họ và đam mê trở nên xa cách.
Đam mê dường như là thứ gì đó quá xa xỉ. Khi đam mê không thể cho họ một công việc được trả lương đều đặn và không giúp họ trang trải cuộc sống ở những thành phố lớn.
Nhưng cũng vì thế, dần dần khi không còn đủ nhiệt huyết với công viêc, họ sẽ biến mình trở thành những cỗ máy trốn văn phòng.
Làm việc với đam mê mang lại hiệu quả công việc
Nếu thực sự có đam mê và được làm những gì mình thích, người ta sẽ thấy vui vẻ, và hạnh phúc khi làm nó. Dù đôi lúc sẽ mệt mỏi vì khó khăn nhưng năng lượng tích cực từ đam mê sẽ thôi thúc họ cố gắng để theo đuôi cái mình cho là đúng.
Thực tế, khi bạn làm một việc gì đó khiến mình hạnh phúc, năng suất sẽ tăng lên 12% (1). Có được những nhân viên thực sự đam mê với công việc cũng là lợi ích to lớn đối với bất cứ công ty nào.
Có nên làm việc vì đam mê?
Câu hỏi muôn thuở này vẫn luôn là nỗi niềm trăn trở của biết bao thế hệ trẻ.
Không có câu trả lời chung cho bất cứ ai. Mỗi người hãy nên tự có cách giải đáp cho riêng mình. Hãy tìm ra câu trả lời sau khi đã bao gồm những yếu tố như tài chính, khả năng, hạnh phúc của bản thân và tương lai nghề nghiệp trong cân nhắc của bạn.
Nếu đam mê cũng đồng thời là công việc giúp bạn có nguồn thu nhập như mong muốn, thì câu trả lời là có. Hãy theo đuổi và phát triển nó hơn nữa.
Nhưng nếu đam mê trở thành gánh nặng hay không đảm bảo cho bạn một cuộc sống “đủ”, hãy suy nghĩ thật kĩ về nó. Cuộc sống phát triển với nhiều mối lo toan, khiến bạn phải nghĩ thực tế hơn.
Điều này không có nghĩa là bạn phải từ bỏ đam mê để làm một công việc kiếm sống nhàm chán. Có rất nhiều cách để bạn dung hoà được cả hai thứ này. Bạn hoàn toàn có thể làm việc để đáp ứng các nhu cầu xã hội cần thiết nhưng vẫn sắp xếp thời gian riêng cho đam mê của mình.
Các cách để tìm ra đam mê công việc của bạn
Tìm kiếm đam mê là một hành trình dài, đôi khi là cả một đơi người. Có người tìm thấy đam mê ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cũng có người sau vài năm đi làm mới nhận ra mình thực sự muốn làm gì, trở thành ai.
Nếu bạn đang bối rối không biết bắt đầu từ đâu, hãy thử áp dụng những cách sau đây để tìm ra đam mê công việc là gì nhé.
Bạn sẽ không thể xác định cụ thể nó là gì ngay lập tức. Nhưng, có một điều chắc chắn là những cách này sẽ rút ngắn thời gian tìm kiếm của bạn. Biết đâu đấy, bạn sẽ thấy đam mê của mình không hề mơ hồ chút nào mà hiện hữu ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Những hành động tưởng chừng như nhỏ nhặt này sẽ giúp bạn khám phá đam mê của mình từng chút một:
- Suy nghĩ về thế mạnh của bạn
- Tìm điểm chung trong xu hướng giải trí hay tiêu tiền của bạn
- Chú ý đến những khoảnh khắc bạn mong chờ nhất trong một ngày
- Tập trung khám phá chi tiết sở thích của bạn
- Khám phá con đường sự nghiệp dựa trên những gì bạn vừa tìm hiểu
- Luôn dành 100% năng lượng khi làm bất cứ công việc nào
1. Suy nghĩ về thế mạnh của bạn
Nhiều người có tài năng rất rõ rệt trong một lĩnh vực nào đó như hội hoạ, âm nhạc, hay thể thao. Họ phát hiện và sớm rèn rũa tài năng trở thành một nghề nghiệp để theo đuổi.
Nếu thấy mình không có những tài năng nổi trội nào như họ, đừng vội bỏ cuộc. Mỗi người đều có một thế mạnh riêng mà đôi khi sẽ bị sự nghi ngờ và tự ti làm lu mờ.
Hãy thử nghĩ xem bạn có thể làm tốt nhất việc gì. Hoạt động nào bạn làm thường xuyên mang lại kết quả tích cực nhất và được mọi người công nhận? Dù là kỹ năng mềm hay cứng, bạn chắc chắn sẽ tìm ra thế mạnh của mình.
Đây có thể là mồi lửa làm bùng lên ngọn lửa đam mê công việc của bạn.
2. Tìm điểm chung trong xu hướng giải trí hay tiêu tiền của bạn
Trong lúc rảnh rỗi, bạn thường hay làm gì? Những chủ đề mà bạn quan tâm và tìm đọc qua sách, báo, mạng xã hội là gì? Tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này và xem xét liệu chúng có chung một xu hướng nào đó không.
Chúng ta thường dành thời gian và tiền bạc cho những thứ mình thực sự quan tâm. Vì vậy, rất có thể trong số đó sẽ có câu trả lời cho đam mê của bạn.
3. Chú ý đến những khoảnh khắc bạn mong chờ nhất trong một ngày
Điều gì khiến bạn mong chờ nhất trong một ngày? Đó là khoảng thời gian tập trung hoàn thành công việc hay giây phút ấm áp bên mâm cơm gia đình?
Tìm ra khoảnh khắc khiến bạn vui vẻ và háo hức nhất có thể giúp bạn xác định được đam mê của mình liên quan đến công việc, gia đình, hay bất cứ yếu tố nào khác.
4. Tập trung khám phá chi tiết sở thích của bạn
Sau khi đã xác định được điều gì khiến bạn để tâm và yêu thích nhiều nhất, hãy thực sự dành thời gian cho nó. Đam mê công việc có thể đến từ những sở thích nhỏ bé nhất như đọc sách, đi bộ, hay sự tò mò khám phá mọi thứ.
Chẳng hạn, nếu bạn nhận thấy điều tuyệt vời nhất bạn làm trong một ngày là đọc sách và nghiên cứu sâu hơn về nội dung một cuốn sách. Hãy tìm hiểu tại sao làm việc này lại khiến bạn hạnh phúc đến vậy?
Tìm ra câu trả lời sẽ mang lại cho bạn động lực để tiếp tục thực hiện. Từ đó, bạn có thể dễ dàng khám phá cơ hội nghề nghiệp liên quan đến sở thích này.
5. Khám phá con đường sự nghiệp dựa trên những gì bạn vừa tìm hiểu
Sau khi đã biết mình thực sự quan tâm đến điều gì, hãy tìm hiểu những công việc có liên quan đến chúng. Bạn có thể tìm đến các trang việc làm như Cevn để biết thêm về các loại công việc và đọc mô tả công việc để xem liệu chúng có phù hợp với mình không.
Từ sở thích cá nhân, bạn có thể phát triển lên thành những kỹ năng cần có cho một công việc.
6. Luôn dành 100% năng lượng khi làm bất cứ công việc nào
Đam mê công việc có thể được tìm thấy khi bạn đạt được kết quả cao và có được sự công nhận. Chính vì vậy, dù làm ở vị trí nào, công việc ra sao, hãy luôn cố gắng hết sức để đạt được kết quả cao nhất.
3 câu hỏi giúp bạn khám phá đam mê qua công việc hiện tại
Hãy pha một tách cafe và tìm một khoảng không gian riêng để nghĩ về đáp án của bạn cho những câu hỏi sau nhé:
1. Bạn có thể thức dậy mỗi ngày với công việc này không?
Kể cả khi công việc đang trải qua giai đoạn khó khăn; có nhiều vấn đề cần giải quyết thì bạn có sẵn sàng tiếp tục theo đuổi, v.v.
2. Bạn có yêu thích ngành hàng, sản phẩm mà mình đang làm việc cùng không?
Giả sử công ty bạn kinh doanh điện thoại thương hiệu A; bạn đã trải nghiệm sản phẩm và yêu thích nó chứ? Việc giới thiệu sản phẩm với khách hàng có làm bạn lưỡng lự không?
3. Bạn có thể học được điều mới mỗi ngày với lĩnh vực đó hay không?
Công việc này có cho bạn cơ hội để học hỏi nhiều điều mới? Càng làm việc lâu bạn thấy mình càng phát triển kỹ năng và chuyên môn tốt hơn?
Đến đây, nếu bạn nhận ra hầu hết câu trả lời của mình là không; thì có lẽ công việc hiện tại chưa phù hợp với đam mê của bạn.
Kết luận
Thật may mắn nếu bạn tìm được đam mê công việc và cảm thấy hạnh phúc khi theo đuổi nó. Nhưng nếu chưa tìm ra, đừng nản lòng bạn nhé. Cũng đừng thần thánh hoá đam mê. Điều quan trọng là không ngừng nỗ lực để bản thân trở nên tốt hơn mỗi ngày.