• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

123985
Tổng số truy cập:123985
Khách đang online: 145
Bạn có đang mắc phải 5 lỗi tư duy phổ biến này?
Ngày đăng tin: 12/10/2023 14:33

Những lỗi tư duy (thinking errors) hay còn gọi là suy nghĩ méo mó (cognitive distortions) là các suy nghĩ sai lầm, thiếu chính xác hoặc không có cơ sở lý luận. Những lỗi tư duy này có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, dù là người trẻ tuổi hay người lớn tuổi, và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta ở nhiều cách khác nhau. Chúng ta cần nhận ra những lỗi tư duy này để có thể khắc phục chúng và phát triển bản thân một cách toàn diện hơn.

Bài viết này sẽ thảo luận những lỗi tư duy phổ biến, cách chúng hoạt động, ảnh hưởng của chúng đến hành vi và tinh thần của bạn cùng cách vượt qua. 
 
Những lỗi tư duy này được tổng hợp từ nhiều nguồn, trong đó có cuốn sách Feeling Good: The New Mood Therapy của tác giả David Burn. 
 
 
1. Lối tư duy Hoặc-tất-cả-hoặc-không-gì-hết (All-or-nothing Thinking)
 
Tư duy hoặc tất cả hoặc không gì hết còn được gọi là tư duy trắng đen hay tư duy phân cực. Đây là kiểu suy nghĩ luôn nhìn mọi thứ một cách tuyệt đối. 
 
Người có tư duy này luôn cho rằng mọi tình huống, hoàn cảnh đều chỉ mang một tính chất duy nhất: trắng hoặc đen, tất cả hoặc không có gì, tốt hay xấu, thành công hay thất bại, v.v. 
 
Ví dụ điển hình cho lối tư duy này là luôn chìm đắc trong sai lầm, cho rằng mình không thể làm tốt được thay vì nhận thức lỗi sai và tìm cách vượt qua nó. Nó khiến bạn chỉ tập trung vào lỗi sai của bản thân hay người khác mà không cho mình hoặc ai đó cơ hội để sửa chữa. Khả năng nhìn nhận vấn đề cùng bị ảnh hưởng khi suy nghĩ bị giới hạn trong một góc nhìn duy nhất, không có sự đa dạng, khách quan. 
 
Một cách để loại bỏ lỗi tư duy này là tập nhìn nhận và đánh giá mọi sự vật sự việc dưới góc nhìn đa chiều và khách quan nhất có thể. Bằng cách đó, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự tiến bộ và thế mạnh của mình. 
 
2. Lỗi tư duy Khẳng định tuyệt đối/khái quát hoá quá mức (Overgeneralization)
 
Tư duy khẳng định tuyệt đối xảy ra khi bạn đưa ra một kết luận, một tuyên bố dựa trên một sự kiện hoặc một chuỗi trùng hợp ngẫu nhiên thay vì các nghiên cứu/sự thật được đúc kết sau khi nghiên cứu số đông. 
 

Lỗi tư duy Overgeneralization rất phổ biến
 
Người mắc lỗi tư duy này khi trải qua một sự kiện theo một cách nào đó mặc định những sự kiện tương tự trong tương lai sẽ có kết quả giống vậy. Chẳng hạn, một người phụ nữ đổ vỡ trong hôn nhân do chồng cô ấy nghiện cờ bạc, ngoại tình. Kết luận của người phụ nữ này là “tất cả đàn ông trên thế giới này đều tệ bạc.”
 
Những từ như luôn luôn, không bao giờ, mãi mãi hay tất cả như trong ví dụ trên thường xuất hiện trong những khẳng định thể hiện lối tư duy này. 
 
Suy nghĩ khái quát hoá quá mức khiến cho luận điểm của bạn thiếu tính chính xác và thuyết phục, nhiều khi còn dẫn đến thông tin sai lệch và hiểu lầm. 
 
Một trong những cách để khắc phục lỗi tư duy phổ biến này là tập trung vào hiện thực và sử dụng ngôn ngữ không mang tính tuyệt đối. Tính tương đối sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng và tránh sai sót sau này. 
 
3. Lỗi tư duy Ngụy biện kết luận ẩu (Jumping to Conclusions)
 
Jumping to conclusions là đưa ra kết luận trước khi có thông tin, dữ liệu xác thực sự thật bất kể kết luận đó đúng hay sai. 
 
Có hai trường hợp của ngụy biện kết luận: 
 
Mind reading: Trường hợp này xảy ra khi bạn mặc định người khác sẽ phản ứng theo một chiều hướng nào đó hoặc tin rằng họ có những suy nghĩ mà họ không hề. Bạn đang đọc tâm trí của người khác nhưng thường là đọc sai. 
Fortune telling: Bạn dự đoán một sự kiện sẽ xảy ra theo một cách cụ thể, thường để tránh đối mặt với khó khăn. 
Ví dụ cho từng trường hợp: 
 
Ví dụ thứ nhất: Tình huống giả định khi A nhìn thấy B trong bộ váy mới. 
 
A: Hôm nay cậu mặc váy trông xinh quá. 
 
B: Ý cậu là những hôm tớ không mặc váy thì không xinh à? 
 
Trong hoàn cảnh này, B đang mắc lỗi nguỵ biện kết luận ẩu, cụ thể là Mind reading. B mặc định cho rằng ý A nghĩ mình không xinh khi không mặc váy cho dù câu nói của A chỉ đơn thuần là khen B rất xinh trong chiếc áy cô ấy đang mặc. B đã gán cho A suy nghĩ mà cô ấy tin rằng A đang nghĩ. Sự thật thì A có nghĩ như vậy không khó có thể chắc chắn được vì tình huống không có thêm dữ liệu. Tuy nhiên, câu nói đầu tiên của A hoàn toàn không có ý đó. 
 
Ví dụ thứ hai: Phương nghĩ rằng cô ấy nhất định sẽ trượt Đại học vì thành tích trên lớp vốn không tốt. Do vậy, cô ấy đã bỏ bê học tập, không cố gắng và chăm chỉ ôn luyện. 
 
Lỗi tư duy này khiến bạn trở thành một người giao tiếp kém hiệu quả và gây khó chịu cho người khác. Nó có thể dẫn đến những nhận định sai lầm và huỷ hoại kế hoạch của bạn. 
 
Để khắc phục lỗi Jumping to conclusions, hãy xem xét kỹ lưỡng sự việc, chứng cớ, dữ liệu trước khi vội đưa ra kết luận. Hãy vận dụng tư duy phản biện để đặt câu hỏi xác minh tính khách quan và minh bạch của bất cứ sự kiện nào. 
 
4. Lỗi tư duy Phóng đại (Magnification)
 
Lỗi tư duy magnification (tư duy phóng đại) là một trong những lỗi tư duy phổ biến mà chúng ta có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Khi bị lỗi tư duy này ảnh hưởng, chúng ta sẽ tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của một tình huống và phóng đại chúng lên. 
 


Lỗi tư duy phóng đại (Magnification)
 
Chẳng hạn, khi gặp một thất bại nhỏ, chúng ta có thể cảm thấy rằng mình đã thất bại toàn diện và không còn cách nào để khắc phục. Lỗi tư duy magnification có thể gây ra rất nhiều rắc rối, như làm giảm động lực, gây ra lo lắng và trầm cảm, và có thể khiến chúng ta mất niềm tin vào khả năng của mình.
 
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra rằng mình đang bị lỗi tư duy magnification. Chính vì vậy, quan trọng là bạn phải cố gắng nhận ra các dấu hiệu của lỗi tư duy này và tìm cách khắc phục nó. 
 
Một số giải pháp hữu ích có thể bao gồm việc tập trung vào những khía cạnh tích cực của một tình huống, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh, hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ một chuyên gia tư vấn. Với những giải pháp này, bạn có thể vượt qua lỗi tư duy magnification và tìm lại niềm tin vào khả năng của mình.
 
5. Lỗi tư duy Dán nhãn (Labeling) 
 
Một trong những lỗi tư duy phổ biến tiếp theo là tư duy dán nhãn. Labeling là một tư duy bóp méo nhận thức trong đó chúng ta lấy một đặc điểm của một người và gắn mác lên toàn bộ con người họ. Lỗi tư duy này cũng phản ánh trên chính bản thân chúng ta. 
 
Bởi vì tôi trượt bài kiểm tra Toán nên tôi là đứa học dốt. Bởi vì cô ấy thường xuyên đi muộn, nên cô ấy là người vô trách nhiệm. Bởi vì hôm môn học hôm nay chán ngắt nên tôi cảm thấy ngành học này chẳng có gì thú vị. Đó đều là ví dụ của tư duy dán nhãn. 
 
Thay vì suy nghĩ khách quan hơn về các hành vi/đặc điểm trên, chúng ta nhanh chóng dán nhãn và mô tả cả một con người/sự việc theo cách chúng ta muốn và chi rằng nó hợp lý. 
 
Tư duy dán nhãn có hại như thế nào? Đây là một lối suy nghĩ lệch lạc, có thể bóp méo sự thật và khiến chúng ta trở nên thiển cận. Tôi trượt bài kiểm tra Toán nhưng có thể làm tốt ở các bộ môn khác. Cô ấy hay đi muộn có lẽ bởi vì cô ấy đã thức khuya làm thêm. Môn học hôm nay chán ngắt nhưng những môn khác có thể thú vị hơn nhiều. Đưa ra một giả định khái quát chỉ dựa trên một dữ liệu không thể đảm bảo tính chính xác hoàn toàn. 
 
Lỗi tư duy dán nhãn bóp méo nhận thức. Nó không chỉ tạo ra những suy nghĩ không chính xác mà còn thúc đẩy các cảm xúc tiêu cực. Nếu chỉ vì một bài kiểm tra Toán thất bại mà nghĩ mình là kẻ dốt, chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng, chán nản và dễ bỏ cuộc. 
 
Nếu nhận thấy bản thân đang có tư duy dán nhãn, hãy tập nhìn nhận hành vi/đặc điểm một cách khách quan và hãy xem nó như một vấn đề chứ không phải là một con người/sự vật/sự việc. Như vậy, điều quan trọng tiếp theo là giải quyết vấn đề chứ không phải là dán nhãn. 
 
Kết
 
Trên đây là những lỗi tư duy phổ biến mà chúng ta dễ mắc phải trong cuộc sống. Chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, công việc và hạnh phúc của chúng ta. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về từng loại tư duy sai lầm từ đó tránh mắc phải để trở nên thông thái hơn, văn minh hơn. 
Số lượt đọc: 290 -