• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

109850
Tổng số truy cập:109850
Khách đang online: 169
Có nên “phông bạt” kinh nghiệm với nhà tuyển dụng?
Ngày đăng tin: 09/01/2023 22:17
Mỗi khi tìm kiếm một công việc mới thì việc nộp CV cho nhà tuyển dụng là điều chắc chắn. Tuy nhiên, một số ứng viên có thói quen “phông bạt” lên để ghi điểm tốt trong nhà tuyển dụng. Vậy có nên "phông bạt" kinh nghiệm với nhà tuyển dụng? Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu nhé!
 
 
1. Phông bạt là gì?
 
Với nghĩa đen thì phông bạt được hiểu là những vật dụng được dùng để che nắng, che mưa. Còn hiểu theo nghĩa bóng thì phông bạt được sử dụng để chỉ một phong cách làm việc gắn mác hào nhoáng nhưng thực sự bên trong lại không có gì. 
 
Từ phông bạt cũng được sử dụng nhiều trên các trang mạng xã hội trong đó các mọi người thường dùng từ này dùng để mỉa mai, châm biếm những người có lối sống ngụy tạo, khoe khoang hay giấu diếm, che đậy tính cách cũng như lối sống thật của mình không dám đối mặt với sự thật. Cũng chính vì không dám đối mặt mà họ đã sử dụng những cái phông bạt hào nhoáng để tạo ra một cuộc sống, một con người khác với hiện tại. 

2. Những dấu hiệu của việc phông bạt kinh nghiệm với nhà tuyển dụng
 
Mô tả quá nhiều và dài dòng kinh nghiệm không liên quan đến công việc
 
Thực tế cho thấy nhiều ứng viên khi ứng tuyển thường “chém gió” khá nhiều ở phần mô tả công việc tại vị trí cũ, với suy nghĩ là “Thừa còn hơn thiếu”. Suy nghĩ như vậy cũng không hẳn sai, tuy nhiên sẽ khiến CV trở nên dài dòng và lan man, thiếu tập trung. Nhà tuyển dụng khi nhìn vào CV chỉ quan tâm nhiệm vụ bạn được giao nhiều nhất là gì và kết quả của những công việc đó.
 
Có một giải pháp tốt hơn thay vì “phông bạt” quá nhiều ở mục mô tả công việc. Đó là ghi rõ những đầu việc chính bạn thường làm tại vị trí cũ, những bài học kinh nghiệm rút ra bên cạnh thành tích bạn đạt được trong quá trình làm việc. Như vậy nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy ấn tượng hơn về CV, nó cho thấy bạn hiểu được mình đang làm gì và rút ra được bài học kinh nghiệm để làm điều đó tốt hơn trong tương lai.
 
Cố gắng kéo dài thời gian làm việc tại một tổ chức để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng
 
Đây là chuyện thường thấy trong CV ứng tuyển, ứng viên sẽ cố gắng khiến thời gian làm việc trông dài nhất có thể. Điều này nhằm mục đích chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mình thực sự gắn bó với một tổ chức và ít khi nhảy việc.
 
Tính gắn bó và sự kiên trì trong công việc là đức tính đáng tuyên dương. Tuy nhiên bạn không nên nói quá về nó với nhà tuyển dụng. Bởi họ có thể xác nhận thông tin bất kỳ lúc nào. Trường hợp lời bạn nói không khớp với thông tin xác thực họ nhận được. Bạn sẽ để lại ấn tượng không tốt về cả tín nhiệm lẫn năng lực.

“Đánh bóng” CV bằng các khóa đào tạo
 
Có một số trường hợp ứng viên thêm thắt vào hồ sơ số lượng khóa học nhiều hơn thực tế. Ví dụ: một ứng viên tham gia trung tâm và học một khoá ngắn hạn nhưng ghi vào CV hai đến ba khoá cùng trung tâm đó. Hoặc bạn học giữa chừng không hoàn thành mà vẫn điền vào thông tin ứng tuyển rằng đã tốt nghiệp. Tại Việt Nam hầu như các tổ chức đều không yêu cầu ứng viên đưa ra bằng cấp của các khóa đào tạo nghề hay kỹ năng mềm. Tuy nhiên nếu bạn thực sự đã được đào tạo, điều đó sẽ thể hiện ngay trong vòng phỏng vấn. Càng cố “phông bạt” về trình độ thực sự, bạn sẽ càng ghi dấu không tốt trong mắt nhà tuyển dụng về khía cạnh trung thực và thái độ.
 
Trong trường hợp ngược lại, nếu hồ sơ của bạn vắng mặt các thông tin về học vấn, trình độ đào tạo sẽ khiến bạn mất điểm trước các hồ sơ của ứng viên khác. Để tránh điều này xảy ra, hãy đầu tư cho bản thân nhiều hơn về mặt kiến thức. Hiện nay việc nâng cao kỹ năng đã không còn gò bó ở các trung tâm hay lớp học nghề. Bạn có thể thoải mái học tập, nâng cao kiến thức thông qua các khóa trực tuyến, những buổi talk show, câu lạc bộ để bổ sung kỹ năng và hiểu biết, hỗ trợ cho công việc.
 
Phóng đại mức lương và các con số
 
Một trong những điều thường thấy ở các ứng viên là cộng gộp tất cả các khoản mà bạn nhận được bao gồm lương, thưởng, phụ cấp, tiền bảo hiểm… lại thành một khoản (lương Gross) và nói với nhà tuyển dụng mới rằng đó là mức lương NET. Cách này khá mạo hiểm bởi bạn sẽ phải tính toán kỹ lưỡng cơ cấu lương của mình như thế nào phòng khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi hoặc yêu cầu bạn phải giải thích. Nếu không có sự tính toán tỉ mỉ, bạn sẽ rất dễ để lộ ra rằng mình đang nói dối.
 
Bên cạnh đó, thổi phồng các con số thể hiện thành tích làm việc, điểm thi hay năng lực làm việc cũng không phải là chuyện hiếm khi viết CV xin việc. Tuy nhiên, bạn cũng không nên đưa vào những con số được phóng đại quá mức. Ví dụ, bạn là một Nhân viên kinh doanh xe ô tô và thành tích cao nhất của bạn là 5 chiếc mỗi tháng thì trong CV xin việc bạn cũng chỉ nên để con số 5 hoặc đến 7, 8. Con số 20 chiếc xe ô tô mỗi tháng chắc chắn sẽ khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ.
 
3. Vậy có nên “phông bạt” kinh nghiệm trước nhà tuyển dụng?
 
Trong bối cảnh thị trường việc làm đầy khó khăn như hiện nay, liệu có đáng để đưa những lời nói dối này vào hồ sơ xin việc? Liệu bạn có thể đạt được điều bạn mong muốn bằng cách nói dối như vậy?
 
Kinh nghiệm cho thấy, câu trả lời cho những câu hỏi này là “không”. Trước khi bà Marissa Mayer lên nắm vai trò Giám đốc điều hành (CEO) ở Yahoo, người tiền nhiệm Scott Thompson đã mất chức vào năm ngoái khi bại lộ thông tin ông không hề có bằng khoa học máy tính như ông tự khai trước đó.
 
Cũng vì khai man bằng cấp mà George O’Leary mất chức huấn luyện viên đội bóng Notre Dame, Dave Edmonson không giữ được ghế CEO của hãng bán lẻ hàng điện tử Radio Shack.
 
Các chuyên gia lưu ý rằng, những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật số đã cho phép rà soát kỹ càng hơn các bộ hồ sơ xin việc, đặt những ứng viên nói dối vào thế rủi ro lớn hơn. “Khách hàng yêu cầu chúng tôi kiểm tra nhiều thứ hơn trước kia. Điều này cho thấy họ quan tâm hơn đối với chuyện thật, giả”, ông Ben Allen, Chủ tịch kiêm CEO của công ty an ninh Kroll, cho biết.
 
Theo tổ chức Society for Human Resource Management, ở Mỹ, việc kiểm soát hồ sơ nhân viên ngày càng được thắt chặt trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây. 10 năm trước, chỉ có khoảng 2/3 số công ty thực hiện rà soát tính trung thực trong hồ sơ nhân viên. Đến nay, tỷ lệ này là 96%.
 
Chuyên gia nghề nghiệp Miriam Salpeter cho rằng, kịch bản xấu nhất của việc bạn nói dối trong hồ sơ xin việc chính là khi bạn nhận được công việc đó. Vì sau cùng, bạn sẽ bị phát giác. Và đó lý do vì sao các chuyên gia khuyến cáo người tìm việc tuyệt đối không “đi đường tắt” bằng cách nói dối.
 
Đánh giá về vụ xì-căng-đan gian dối bằng cấp của cựu CEO Yahoo Scott Thompson, giới phân tích cho rằng, ích lợi của việc ông Thompson được ngồi vào ghế CEO là không thể “lãi” được so với những mất mát quá lớn về uy tín của ông. Cái tên Thompson đã bị nhiều người đánh đồng với “kẻ dối trá”.
Số lượt đọc: 420 -