• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

109772
Tổng số truy cập:109772
Khách đang online: 490
Chịu trách nhiệm thế nào khi mắc sai sót trong công việc?
Ngày đăng tin: 29/11/2023 11:12

Chẳng ai muốn đi làm mà để xảy ra sai sót trong công việc, vì nó sẽ kéo theo nhiều hệ quả khôn lường, rồi mình lại phải mất công đi giải quyết, phải chịu trách nhiệm với những hậu quả mà sai sót ấy gây ra. Dẫu vậy nhưng trong thực tế bạn sẽ khó lòng tránh khỏi sai sót, nhiều khi cũng đã kỹ lưỡng, kiểm tra lại vài lần, nhưng vẫn không phát hiện ra lỗi sai, để tới khi nhận ra thì đã muộn, mọi chuyện đã lỡ. Trong bài viết này, hãy cùng Cevn tìm hiểu xem mình cần chịu trách nhiệm thế nào khi mắc sai sót trong công việc?

 
Vì sao bạn để xảy ra sai sót khi làm việc?
 
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta để xảy ra sai sót khi làm việc, mặc dù không mong muốn nhưng chúng hoàn toàn có thể xảy ra, nếu bạn muốn hạn chế các trường hợp ấy trong tương lai, thì hãy điểm quá các nguyên nhân thường gặp sau, để mình có thể rút kinh nghiệm và chủ động phòng tránh:
  • Không tập trung trong quá trình làm việc, vừa làm vừa chơi, bị xao nhãng bởi những chuyện khác;
  • Làm việc không có tâm, làm đại cho có, làm lẹ cho xong, không quan tâm chất lượng đầu ra của công việc;
  • Đi làm không lo làm việc, lo tám chuyện, nói xấu người này người kia, nói xấu luôn cấp trên và công ty;
  • Không nắm rõ quy trình làm việc, thường tự làm theo cảm tính, theo quan điểm cá nhân;
  • Không làm theo lời sếp, cho rằng làm theo cách của mình hay hơn, hợp lý hơn;
  • Bản thân thiếu cẩn thận, kỹ lưỡng, chưa đào sâu vào bản chất từng việc mình làm;
  • Làm xong việc là xong, không chịu kiểm tra lại xem đã ổn chưa, đảm bảo chất lượng chưa;
  • Khả năng làm việc nhóm chưa tốt, phối hợp với đồng nghiệp chưa chặt chẽ, hiểu sai ý nhau dẫn tới sai sót trong công việc, tam sao thất bản,…
Những sai sót thường gặp trong công việc
 
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, trong thực tế vẫn tồn tại nhiều lý do khác khiến bạn để xảy ra sai sót trong công việc, và tất nhiên, các biến thể của chúng cũng rất nhiều, hôm qua sai lỗi này, hôm nay sai lỗi kia, ngày mai sai lỗi khác nữa. Để sớm kiểm soát và khắc phục tình trạng này, thì trước tiên, bạn cần phải nắm được những trường hợp sai sót thường gặp trong công việc, chủ yếu sẽ xoay quanh các vấn đề sau:
  • Hoàn thành công việc không đạt chất lượng, mang tiếng là làm xong việc nhưng cuối cùng lại chẳng đâu vào đâu, thậm chí có làm cũng như không, kết quả đầu ra của bạn không sử dụng được;
  • Không hoàn thành công việc đúng deadline, có làm xong nhưng trễ so với thời hạn được yêu cầu, vì quá tải công việc hoặc cũng có thể vì bạn sơ suất, không chú ý tới deadline nên bị lỡ mất;
  • Không lắng nghe kỹ yêu cầu của sếp ngay từ đầu, tự hiểu theo ý mình nhưng lại hiểu sai, khiến bạn cắm đầu làm việc nhưng mang lại kết quả không đúng như mong đợi của sếp, điều này cũng tương tự với trường hợp bạn nhận yêu cầu từ khách hàng, đối tác nhưng từ đầu không chịu nghe kỹ;
  • Giao tiếp chưa tốt, dẫn tới sai lệch thông tin, có gì không hiểu, không rõ cũng ngại không hỏi lại nên làm sai;
  • Làm việc sai quy trình, vi phạm quy định công ty một cách tỉnh bơ, thậm chí còn không biết mình đã sai;
  • Làm sai thứ tự công việc, đánh giá sai mức độ ưu tiên, hoặc làm đại theo thứ tự ngẫu nhiên, khiến công việc bị rối;
  • Sai kiến thức, tư duy sai hướng do có lỗ hổng về kiến thức, chưa nắm vững chuyên môn…
Chịu trách nhiệm thế nào khi mắc sai sót trong công việc?
 
Khi mắc sai sót trong công việc, chúng ta thường xem nó tương tự như một lần thất bại để mình rút kinh nghiệm, khắc phục và không mắc phải sai lầm ấy trong tương lai nữa. Nhưng khoan, trước khi nghĩ tới việc rút kinh nghiệm, thì bạn cần phải chịu trách nhiệm với sai sót ấy, chứ không phải cứ im lặng cho qua được, nhất là khi sai sót này xảy ra trong công việc, mình cần phải có tinh thần trách nhiệm và chuyên nghiệp xử lý khi bản thân có lỗi sai.
 
Đầu tiên và cơ bản nhất chính là xin lỗi, hãy dành lời xin lỗi chân thành tới những ai chịu ảnh hưởng bởi sai sót công việc của bạn, chẳng hạn như với đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng, đối tác,… Điều này sẽ giúp bạn thể hiện tác phong chuyên nghiệp trong công việc, có lỗi thì nhận và lịch sự xin lỗi, chứ không chối bỏ, đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi tùm lum. Tiếp theo, nếu sai sót đó khiến công việc rối tung lên, thì bạn cần phải đích thân động não, tìm cách gỡ rối, giải quyết hậu quả do mình gây ra, hoặc nếu bạn cảm thấy điều này vượt quá khả năng của mình, thì có thể nhờ sự trợ giúp của đồng nghiệp, cùng nhau tìm cách giải quyết vì lợi ích chung của công ty, của tập thể. Khi đã nghĩ ra được cách giải quyết, bạn cần phải hành động, bám sát phương án ấy để đảm bảo các hậu quả đều được khắc phục triệt để. Ngoài ra, nếu sai sót trong công việc gây ra thiệt hại, thì bạn cần chịu trách nhiệm đền bù, hoặc nếu số tiền thiệt hại quá lớn, vượt ngoài khả năng thì bạn có thể thoả thuận lại với công ty một con số hợp lý, khi bạn có thành ý thì cấp trên cũng sẽ không làm khó bạn.
 
Rút kinh nghiệm để hoàn thành công việc tốt hơn
 
Sau khi hoàn thành chuyện chịu trách nhiệm với lỗi sai của mình, thì tất nhiên bước tiếp theo bạn cần làm chính là rút kinh nghiệm để hoàn thành công việc tốt hơn, thuận lợi, trơn tru hơn trong tương lai. Đây là điều đương nhiên bạn sẽ làm được, vì vốn dĩ chuyện rút kinh nghiệm là điều không quá khó, ai cũng có thể tự đánh giá, nhận ra, và rút kinh nghiệm sâu sắc cho những lỗi sai của bản thân, nhất là khi điều đó liên quan tới những công việc quen thuộc mà bạn đang làm thường ngày. Khi bạn đặt cái tâm vào trong công việc, tập trung và nghiêm túc rút kinh nghiệm, thì chắc chắn bạn sẽ rút ra được rất nhiều bài học hữu ích từ những lỗi sai, những sai lầm mà mình từng trải qua. Đó sẽ là những bài học kinh nghiệm vô giá, giúp bạn ngày càng trưởng thành hơn, vững vàng hơn và tự tin hơn về năng lực của mình.
 
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng chịu trách nhiệm thế nào khi mắc sai sót trong công việc? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
Số lượt đọc: 219 -