Cạnh tranh không lành mạnh khi đi làm & cách xử lý
Ngày đăng tin: 07/05/2024 10:07
Khi đi làm, ai cũng muốn hoàn thành tốt những việc được giao, đạt target, đủ KPI, để công việc luôn diễn ra suôn sẻ, thuận lợi và được công ty trọng dụng. Sẽ có những người làm việc đàng hoàng, cạnh tranh lành mạnh, tuy nhiên, bạn cũng có thể gặp phải những đồng nghiệp kỳ cục, cạnh tranh không lành mạnh, bất chấp đúng sai để mang lại lợi ích cho cá nhân họ. Vậy cạnh tranh không lành mạnh khi đi làm là gì, kéo theo các tác hại gì và làm cách nào để xử lý? Hãy cùng Cevn giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
Cạnh tranh không lành mạnh là gì?
Cạnh tranh không lành mạnh là trường hợp bất chấp thủ đoạn, bất chấp đúng sai để làm theo các hành vi, hành động sai trái, đạp lên lợi ích của người khác để làm điều có lợi cho bản thân, thậm chí hành vi ấy có thể trái với chuẩn mực đạo đức, sai quy định công ty, vi phạm pháp luật, nhưng đối phương vẫn nhắm mắt làm đại. Mặc dù cạnh tranh không lành mạnh khi đi làm là điều không nên, và cũng chẳng công ty nào chấp nhận nhân viên của mình có những hành vi không đúng chuẩn mực như thế, nhưng đâu đó vẫn tồn tại những người bất chấp tất cả, thấy sai vẫn làm. Để tránh vướng phải các hệ luỵ không mong muốn từ những người đó, thì bạn cần phải tỉnh táo, sớm phát hiện ra các biểu hiện bất thường của họ, chứ đừng ngây thơ để tới ngày mình trở thành nạn nhân…
Các biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh khi đi làm
Dù ở bất kỳ ngành nghề nào, cấp bậc nào, công ty nào, thì bạn đều có thể phải đối mặt với rủi ro rằng đồng nghiệp xung quanh đang cạh tranh không lành mạnh. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi đi làm rất đa dạng, càng lúc càng có nhiều biến tướng khác nhau, nên chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, nhất là khi thấy mấp mé có các biểu hiện sau:
Đồng nghiệp thường xuyên viện lý do này kia, đổ lỗi cho người khác khi chính họ làm sai, mắc lỗi, và biết đâu được sẽ có ngày người bị đổ lỗi là bạn;
Đồng nghiệp có thái độ bàng quang, thờ ơ, thậm chí còn ủng hộ những hành vi sai trái, gian lận, vi phạm quy định công ty, có thể hiện tại bạn chưa thấy họ làm gì, nhưng chính hành động thấy sai mà còn ủng hộ như thế thì sẽ sớm có ngày họ làm những hành vi sai trái, cạnh tranh không lành mạnh với bạn và đồng nghiệp xung quanh;
Đồng nghiệp đã từng cạnh tranh không lành mạnh với một đồng nghiệp khác, hoặc gian lận KPI để ăn thêm tiền bonus của công ty nhằm trục lợi cá nhân;
Đồng nghiệp chia bè kết phái, nhóm này cực kỳ ghét nhóm kia, ngứa mắt khi thấy nhóm đối thủ làm tốt hơn, mang lại kết quả tốt hơn mình, vậy thì có nguy cơ họ sẽ làm những điều gì đó “sai trái” để đổi trắng thay đen;
Giành giật khách, âm thầm lấy khách của người khác trong khi biết rõ đó là hành vi kỳ cục, lén lút sau lưng;
Đồng nghiệp cố tình kiếm chuyện, thường xuyên soi mói, bắt lỗi bạn, thậm chí còn vẽ chuyện, gài bẫy, bịa đặt ra những điều sai sự thật để hạ bệ, khiến bạn bị mọi người nghi ngờ, đánh giá không tốt;
Đồng nghiệp có những hành vi kỳ quặc, lén lút, lâu lâu bạn xuất hiện đột ngột thì thấy họ có vẻ giật mình, biết đâu họ đang nung nấu một ý định sai trái nào đó?
Cạnh tranh không lành mạnh kéo theo các tác hại gì?
Cạnh tranh không lành mạnh khi đi làm là điều không tốt, ngay trong cái tên gọi của nó thôi là bạn đã thấy chẳng lành mạnh chút nào rồi, đó là một hành vi tiêu cực và sẽ kéo theo nhiều tác hại, hệ luỵ khôn lường. Đầu tiên, nó sẽ khiến môi trường làm việc trở nên toxic, nội bộ bất hoà, chia bè kết phái, càng để lâu mà không xử lý thì công ty sẽ càng gặp nhiều vấn đề. Tiếp theo, cạnh tranh không lành mạnh sẽ làm nhân viên cảm thấy ức chế, bất công, nhất là khi những hành vi sai trái vẫn không được xử lý, để họ nhởn nhơ tiếp tục hoành hành trong tương lai.
Điều đó sẽ kéo theo trường hợp những nhân viên giỏi vì thấy môi trường làm việc quá toxic, không công bằng, nên không thể tiếp tục làm việc, đồng loạt xin nghỉ, khiến công ty tuyển người mới không kịp, mà tuyển vào thì nhiều khi cũng bị những người cạnh tranh không lành mạnh kia tiếp tục chèn ép, rồi lại nghỉ tiếp. Ngoài ra, cạnh tranh không lành mạnh khi đi làm tất nhiều cũng kéo theo tác hại cho hoạt động kinh doanh của công ty, khiến kết quả doanh thu ngày càng sa sút, thậm chí có thể đối mặt với những phản hồi không tốt từ phía khách hàng vì có nhân viên bất chấp bán hàng sai quy định để cạnh tranh, mạnh miệng hứa hẹn lung tung với khách rồi không làm được, không đáp ứng hết được.
Cách xử lý cạnh tranh không lành mạnh khi đi làm
Chính vì cạnh tranh không lành mạnh kéo theo rất nhiều hệ luỵ và tác hại khôn lường như đã làm rõ ở phần trước, nên hầu như chẳng có công ty nào cổ suý cho hành vi ấy cả, tức là khi phát hiện ra có nhân viên cạnh tranh không lành mạnh, kèm theo nhân chứng bằng chứng rõ ràng, cụ thể, thì công ty sẽ xử lý ngay, nhanh chóng cho nhân viên ấy nghỉ việc, chứ không để họ tiếp tục hoành hành thêm. Nhiệm vụ của bạn khi thấy có đồng nghiệp cạnh tranh không lành mạnh chính là hãy thu thập bằng chứng sao cho đầy đủ & thuyết phục nhất, rồi trình bày với cấp trên và để phía ban lãnh đạo công ty tự có biện pháp theo dõi và xử lý, miễn sao những gì bạn nói là sự thật và khách quan, tránh trường hợp bạn ghét người này người kia nên nghĩ xấu, vu oan cho họ, như thế thì tự dưng bạn lại trở thành người xấu, và bạn lại có rủi ro bị cho nghỉ việc.
Bên cạnh đó, khi đi làm, cho dù thấy đồng nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép bạn quá nhiều trong công việc, nhưng bạn cũng cần giữ bình tĩnh và không nên xử lý theo hướng cá nhân, tức là không nên đáp trả lại hoặc có những hành vi cạnh tranh không lành mạnh ngược lại, mà tốt nhất bạn cứ trình bày sự việc kèm bằng chứng cho cấp trên.
Bài viết này đã giúp bạn nắm được cách xử lý trường hợp cạnh tranh không lành mạnh khi đi làm. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!