Cách hòa nhập cho người hướng nội
Ngày đăng tin: 11/09/2022 20:45
Nhiều người hướng nội nhìn nhận việc quảng giao thật sự mệt mỏi, mất thoải mái và không thật lòng - trái ngược với những người hướng ngoại. Nhưng điều này sẽ hạn chế người hướng nội trong công việc. Phải làm sao?
Hãy tìm kiếm động lực phù hợp để hòa nhập tập thể
Bạn biết điều đó, nhưng không biết có cách nào để cải thiện kỹ năng đó mà không bị cảm giác khiên cưỡng? Hãy thử các cách dưới đây:
1. Xuất phát từ tinh thần học tập
Rõ ràng bạn thấy mấy chuyện giao lưu, tạo dựng mối quan hệ này như một hoạt động xã hội mang tính nghĩa vụ hơn là tự nguyện. Nhưng thay đổi cách nhìn nhận vấn đề sẽ giúp bạn tiếp cận và thử sức dễ dàng hơn. Thay vì nói “Mình ghét phải làm mấy trò bắt chước để ra vẻ gắn kết thế này”, thì hãy thử nghĩ: “Biết đâu việc quan sát và thử nghiệm này thú vị. Biết đâu mình cũng tìm ra người cùng chí hướng và học hỏi được góc nhìn của người khác”.
Đương nhiên bạn không thể ép bản thân nhảy từ “hướng nội” sang “hướng ngoại”, nhưng bạn có thể lựa chọn động lực phù hợp để tham gia vào tập thể. Tập trung vào những mặt tích cực - nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết trong công việc - và bạn sẽ thấy mọi chuyện trở nên có giá trị hơn.
2. Tìm ra các mối quan tâm chung
Người hướng nội có xu hướng tìm kiếm những mối quan hệ sâu sắc và chất lượng. Vậy hãy nghĩ đây là cơ hội để tìm ra người có chung sở thích và mục tiêu với mình. Điều này không thể ngày một ngày hai mà khám phá ra được, bạn chỉ có thể tìm ra trong quá trình kết bạn, trò chuyện và cùng đóng góp trong một dự án chung để có căn cứ cho những mối quan hệ hợp tác lâu dài và đáng tin trong tương lai.
Càng ổn hơn nếu thông qua trò chuyện, bạn cho đối phương thấy hai bên có thể phối hợp, đóng góp cho nhau để đạt được một thành quả tốt đẹp hơn. Nếu bạn quá ngại mở lời để tìm hiểu đối phương, hãy đọc thông tin về họ, tìm hiểu về họ trước khi có cơ hội trao đổi trực tiếp. Vì bạn đã biết về mối quan tâm của họ, cả 2 sẽ dễ tìm ra những điểm chung có thể dễ dàng chia sẻ trong tương lai.
Hỏi xin sự giúp đỡ cũng là một cách để kéo mọi người lại gần bạn
3. Nghĩ về sự tích cực mà bạn có thể trao đi
Có nhiều người ngại phát biểu, xung phong cho những công việc chung vì tự ti vào khả năng của bản thân cũng như sợ rằng mình không phải là người cần thiết cho số đông. Nhưng biết đâu bạn mới là người có nhiều ý tưởng nhất, có thể đóng góp nhiều nhất trong tình huống đó?
Hãy nhớ lại những lúc bạn thấy vui vì có thể hỗ trợ người khác một cách sâu sắc. Ví dụ như đưa ra một lời khuyên khôn ngoan, sự hỗ trợ trong khả năng của bạn. Và giờ đây, nhờ cởi mở với tập thể, bạn có thể đóng góp điều đó trên quy mô lớn hơn. Qua đó, bạn sẽ cảm thấy việc trở thành một phần của tập thể/mạng lưới trở dễ dàng hơn và bớt cảm giác vị kỷ hơn.
Đương nhiên, thời gian đầu có thể sự đóng góp của bạn chưa được đánh giá cao, đừng nản chí, nhưng về lâu dài, cần đảm bảo là sự nhiệt tình của bạn được đánh giá đúng mức. Sự hỗ trợ, tư vấn của bạn với người khác nên nhận được sự tôn trọng, chứ không phải lợi dụng. Đó là nền tảng căn bản để bạn có đủ dũng khí tiếp tục cho đi. Bạn không nợ ai điều gì, vì thế hãy tránh giúp đỡ những người không xứng đáng để bảo vệ bản thân khỏi thương tổn.
4. Tập trung vào lợi ích tập thể
Đây là một lý do dễ dàng để bạn cải thiện bản thân theo hướng cởi mở, thân thiện hơn. ‘Hành động vì một ý nghĩa lớn lao’ giúp bạn có động lực thay đổi hơn.
Ví dụ, bạn là một nữ trưởng phòng chỉ thích làm việc chuyên môn thay vì quan hệ công chúng. Nhưng khi buộc phải phát biểu với báo chí về thành tích của nhóm, bản thân, hãy nghĩ rằng việc bạn phát biểu góp phần gia tăng tiếng nói của phụ nữ trong ngành nghề đặc thù nhiều nam giới, làm thay đổi định kiến giới của xã hội…
Điều khó khăn nhất để thay đổi chính là vượt qua định kiến, ác cảm của chính mình về việc giao lưu, xây dựng mối quan hệ, tạo thiện cảm với người khác. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên bán linh hồn mình để hùa vào những trò xấu chơi mà một nhóm áp đặt lên cá nhân khác như bắt nạt, nói xấu, cách ly, kỳ thị… Vì sự yếu đuối đó sẽ mang đến những mối quan hệ dưới tầm ‘tiêu chuẩn chất lượng’ mà bạn hằng mong đợi.