Các vị trí việc làm ngành kỹ sư: Cơ hội nghề nghiệp và thách thức
Ngày đăng tin: 17/01/2022 20:37
Trở thành một kỹ sư là ước mơ của nhiều bạn trẻ thích kỹ thuật và công nghệ, muốn làm việc trong một lĩnh vực đầy hấp dẫn với mức thu nhập cao. Các công việc trong ngành kỹ sư rất đa dạng và khác biệt. Các bạn hãy cùng Cevn tìm hiểu về các vị trí việc làm ngành kỹ sư cùng những cơ hội và thách thức nhé.
Ngành kỹ sư có tính chất công việc, xu hướng việc làm, cơ hội thăng tiến và thách thức nhất định. Mong rằng những thông tin trong bài viết này có thể giúp bạn xác định liệu ngành kỹ sư có phù hợp với mình hay không.
Ngành kỹ sư mang đến cơ hội nghề nghiệp như thế nào?
Các kỹ sư là những người áp dụng lý thuyết toán học và khoa học vào lĩnh vực thực tế, cụ thể. Kết quả công việc của kỹ sư tác động trực tiếp tới điều kiện sống của cộng đồng (kỹ sư dân dụng), cách chúng ta đi lại, sản xuất (kỹ sư ô tô, kỹ sư cơ khí), công nghệ chúng ta có thể tiếp cận (kỹ sư máy tính) và cách chúng ta khắc phục các vấn đề sức khỏe (kỹ sư hóa học và y sinh),...
1. Nhu cầu của thị trường đối với kỹ sư
Với nhu cầu ngày càng tăng về công nghệ, sản phẩm và vật liệu mới, bằng kỹ sư của bạn có thể là điểm khởi đầu cho một sự nghiệp thú vị với mức lương và đãi ngộ tốt.
Một báo cáo được thực hiện tại Vương quốc Anh cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể bị đe dọa nếu gia tăng khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung kỹ sư. Báo cáo đó cũng nêu bật vai trò không thể thiếu mà các kỹ sư đóng góp cho sự phát triển của kinh tế.
Báo cáo đã điều tra hơn 10.000 người ở 10 quốc gia về quan điểm của họ về một loạt các công việc kỹ sư. Mọi người từ Anh (63%), Mỹ (59%), Trung Quốc (63%), Đức (62%) và Nam Phi (67%) đều khẳng định thị trường đang thiếu kỹ sư. Báo cáo cũng tiết lộ rằng tổng thể hơn một nửa số người được hỏi (53%) cảm thấy nguồn cung kỹ sư lành nghề đang bị thiếu nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát ở Mỹ cho thấy 87% người được hỏi tin rằng các kỹ sư là người biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn vì họ giúp giải quyết nhiều thách thức của thế giới. Đặc biệt, công chúng tin rằng kỹ sư giúp giải quyết các vấn đề nóng như năng lượng và môi trường (tìm năng lượng tái tạo, giảm ô nhiễm,...).
Những vai trò kỹ sư thiếu nhiều nhất ở Mỹ
2. Thời gian thử việc
Thời gian thử việc của các công việc kỹ sư thường tuân thủ theo quy định của Luật Lao động: thử việc 2 tháng. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp, cơ quan và vị trí kỹ sư cụ thể mà thời gian thử việc có thể được điều chỉnh. Trên thực tế, trước khi tốt nghiệp các kỹ sư cũng thường có những đợt thực tập dài, làm nhiều đồ án khác nhau.
3. Mức lương khởi điểm
Mức lương khởi điểm của kỹ sư cũng tương đương với những ngành nghề khác nhưng tăng nhanh sau khi bạn đã có từ 1 - 2 năm kinh nghiệm. Tuỳ vào công việc kỹ sư cụ thể của bạn mà bạn sẽ nhận được mức lương ban đầu khác nhau.
Kết quả khảo sát của các trang tuyển dụng hàng đầu như Cevn, CareerBuilder cho thấy kỹ sư kinh tế xây dựng có mức lương khởi điểm khoảng 5 triệu, kỹ sư điện: 4 triệu, kỹ sư hệ thống 5 triệu,... Nếu trong quá trình đào tạo và thực tập bạn có thành tích tốt, tham gia nhiều dự án và xin được vào công ty lớn, mức lương khởi điểm của bạn sẽ cao hơn. Trong khi đó, trên thế giới, mức lương của một kỹ sư có thể bắt đầu từ khoảng hơn 50.000 USD/năm (tương đương khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm).
4. Mức lương theo năm kinh nghiệm
So với các ngành nghề khác, lĩnh vực kỹ sư thường có xu hướng tăng lương rất nhanh theo kinh nghiệm và số dự án bạn hoàn thành. Kết quả khảo sát cho thấy với 1, 2 năm kinh nghiệm, lương kỹ sư kinh tế xây dựng đạt mức 9 - 14 triệu đồng/tháng (tăng gần gấp 2 hoặc 3 lần so với ban đầu).
Với những người lành nghề, mức lương lên tới khoảng 27 triệu đồng/tháng. Vị trí kỹ sư điện cũng đạt mức trung bình khoảng 8,4 - 13,1 triệu/tháng sau khoảng 2 đến 3 năm kinh nghiệm. Với tay nghề cao, bạn có thể kiếm được tới 30 triệu đồng/tháng.
Trong một nghiên cứu được tiến hành vào nửa sau năm 2019 cho thấy tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, lương kỹ sư có thể lên tới 4.000 USD/tháng (khoảng xấp xỉ 100 triệu đồng) và các vị trí kỹ sư trưởng có thể là 8.000 USD/tháng (gần 200 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, thực tế là rất ít kỹ sư nhận được mức lương cao như thế này, ngoài trình độ cũng sẽ cần kinh nghiệm lâu năm, uy tín cá nhân và tùy vào đơn vị, doanh nghiệp làm việc.
5. Cơ hội sự nghiệp (chính là các vị trí công việc của ngành)
Có rất nhiều vai trò công việc dành cho kỹ sư. Nhìn chung, nếu học các ngành kỹ sư, bạn có thể làm các công việc cụ thể như:
- Kỹ sư hàng không vũ trụ.
- Kỹ sư nông nghiệp.
- Kỹ sư ô tô.
- Kỹ sư cầu đường
- Kỹ sư y sinh.
- Kỹ sư hóa học.
- Kỹ sư xây dựng.
- Kỹ sư máy tính.
- Kỹ sư thiết kế.
- Kỹ sư hệ thống
- Kỹ sư điện.
- Kỹ sư môi trường.
- Kỹ sư địa chất.
- Kỹ sư hàng hải.
- Kỹ sư cơ khí.
- Kỹ sư dầu khí.
- Kỹ sư phần mềm.
- Kỹ sư hệ thống điện
Một số vị trí kỹ sư phổ biến
5.1. Làm việc tại Việt Nam
Những vai trò kể trên chỉ là một số vị trí công việc phổ biến trong ngành kỹ sư. Tuỳ vào chuyên ngành cụ thể mà bạn xin việc vào các doanh nghiệp, cơ quan ở Việt Nam với mức lương như đã trình bày ở trên. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nền kinh tế năng động, phát triển nhanh với nhiều cơ hội việc làm đến từ doanh nghiệp trong nước và các công ty đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực dân dụng, kỹ sư sản xuất, phần mềm,...
5.2. Làm việc tại nước ngoài
Với tấm bằng kỹ sư, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm cơ hội công việc ở nước ngoài. Kỹ sư nông nghiệp hay kỹ sư điện, kỹ sư phần mềm rất dễ tìm được việc ở những quốc gia phát triển như Nhật Bản. Mức lương kỹ sư khi xuất ngoại cũng cao hơn tại Việt Nam.
Nếu sang Nhật, bạn có thể nhận mức lương từ 180.000 yên/tháng trở lên (tương đương khoảng 36 triệu đồng), tuỳ vào kinh nghiệm. Nếu có năng lực, lương của bạn có thể lên tới 250.000 yên hoặc 300.000 yên (50 - 60 triệu/tháng).
6. Khi nào thì được thăng chức?
Bất cứ kỹ sư nào cũng muốn phấn đấu để trở thành kỹ sư trưởng. Các vị trí quản lý không chỉ cho thu nhập cao hơn mà còn thể hiện sự nỗ lực, đóng góp và tài năng của bạn. Kỹ sư trưởng đóng một vai trò không thể thiếu trong thành công chung của công việc kỹ sư.
Vị trí này đòi hỏi một bằng kỹ sư theo chuyên ngành nhất định, tối thiểu 4 năm kinh nghiệm trong vai trò giám sát, tốt nhất là quản lý một nhóm từ 10 kỹ sư trở lên và chứng minh được khả năng trong ngành. Bằng cấp cao hơn thường được ưu tiên.
Để có thể thăng chức, trở thành một kỹ sư trưởng, bạn phải thể hiện được kỹ năng giải quyết vấn đề xuất sắc cũng như khả năng phân tích sắc sảo, có khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, cũng như kỹ năng giao tiếp tuyệt vời. Hồ sơ của bạn phải phản ánh được sự hiểu biết về các công nghệ mới và các phương pháp tiên tiến trong lĩnh vực. Điều quan trọng là các kỹ sư trưởng liên tục học hỏi, tìm kiếm chứng chỉ bổ sung để phục vụ công việc.
Một số kỹ sư dân dụng hoặc các công việc định hướng cộng đồng khác có thể cần đạt được yêu cầu, thi lấy giấy phép của nhà nước để làm việc và thăng tiến.
7. Cơ hội tăng thêm thu nhập
Nghề nghiệp kỹ sư cũng tương đối thuận tiện cho việc làm thêm tại nhà vào thời gian rảnh để kiểm thêm thu nhập. Dĩ nhiên, khả năng kiếm thêm thu nhập tuỳ vào chuyên ngành cụ thể và các mối quan hệ, uy tín của bạn trong ngành. Kỹ sư điện có thể nhận sửa chữa thêm, trong khi kỹ sư phần mềm có thể nhận các dự án lập trình; còn kỹ sư xây dựng cũng kiếm thêm được bằng cách thiết kế công trình, dự án nhận từ bên ngoài.
8. Thách thức với ngành kỹ sư
Vào năm 2020, có vẻ như ngành kỹ sư đã đạt đến thời điểm then chốt. Năm 2019 là một năm với nhiều thay đổi về mặt công nghệ cũng như kinh tế, nhiều công ty không chắc chắn trong dự đoán xu hướng ngành công nghiệp trong 5 năm tới. Các chuyên gia đã nhận định một số thách thức mà những kỹ sư có thể đối mặt trong tương lai gần:
8.1. Mất cân bằng giới tính: Đa số kỹ sư là nam
Mặc dù đã nâng cao nhận thức và có nhiều sự thay đổi trong ngành nhưng trên thực tế, đa số kỹ sư đều là nam giới. Ở khắp nơi trên thế giới, tỷ lệ nam - nữ trong các công việc kỹ sư khác nhau đều có chênh lệch rất lớn. Điều này cũng ảnh hưởng tới sự đa dạng về giới trong toàn ngành.
Việc làm ngành kỹ sư có những thách thức gì?
Nghiên cứu của Engineering UK (Anh) cho thấy chỉ 25,4% học sinh nữ trong độ tuổi 16-18 sẽ xem xét theo học các chuyên ngành về kỹ thuật, kỹ sư, trong khi con số này lên đến 51,9% với các học sinh nam. Hơn nữa, khi khảo sát đến độ tuổi lớn hơn, chỉ có khoảng 16% sinh viên ngành kỹ thuật là nữ.
Do đó, điều quan trọng là khuyến khích nữ giới theo đuổi công việc trong ngành kỹ sư để đa dạng hoá, bù vào thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ sư lành nghề và gia tăng các ý tưởng tích cực cho các lĩnh vực kỹ thuật cụ thể.
8.2. Nhiều kỹ sư có kế hoạch chuyển ngành
Khảo sát ở Anh cho thấy có đến 65% kỹ sư được hỏi nói rằng họ đang xem xét chuyển việc, 48% dự tính thực hiện kế hoạch trong vòng 12 tháng tới. Đây có thể là xu hướng kéo dài trong khoảng 10 năm tới. Xu hướng này đặt ra mối lo ngại về số lượng kỹ sư khi mà hiện tại nguồn cung đã không đủ cầu.
Ngoài những vị trí việc làm kỹ sư trên các bạn cũng có thể tìm việc làm kỹ sư kinh doanh. Đây cũng là một trong số những vị trí nổi bật của ngành kinh doanh, được nhiều doanh nghiệp tuyển dụng. Những việc làm cụ thể cùng thông tin chi tiết được cập nhật khá đầy đủ, các bạn hãy tìm hiểu cũng như lựa chọn cho mình việc làm phù hợp và dễ dàng nhất trên Cevn nhé.