CV xin việc Thực tập sinh viết thế nào để thuyết phục NTD?
Ngày đăng tin: 15/04/2024 09:27
Phần lớn sinh viên và người mới tốt nghiệp đều chưa có nhiều kinh nghiệm viết CV. Hiểu được những khó khăn đó, trong bài viết Cevn sẽ hướng dẫn bạn cách viết CV xin việc thực tập sinh hiệu quả, săn job nhanh chóng.
Thị trường lao động thường xuyên thay đổi, xu hướng viết CV cũng được làm mới liên tục. Bài viết này sẽ giúp sinh viên năm 1, 2, 3, 4 đặc biệt là người mới tốt nghiệp/ người muốn chuyển ngành cập nhật những chiến lược viết CV hiệu quả nhất khi
ứng tuyển việc làm thực tập sinh.
Làm thế nào để có được bản CV xin việc thực tập sinh chuyên nghiệp?
I. Cách chọn mẫu CV xin việc thực tập chuẩn
Hầu hết thực tập sinh đều là sinh viên đang đi học hoặc sắp ra trường/mới ra trường, chỉ có số ít những người chuyển nghề sang một lĩnh vực hoàn toàn mới. Nói cách khác, đa số mọi người đều chưa có kinh nghiệm làm việc. Do đó, CV nên được thiết kế đơn giản, tốt nhất là chọn CV theo ngành nghề hoặc mẫu CV cho người chưa có kinh nghiệm. Nếu chọn đúng bố cục CV, bạn có thể làm nổi bật kỹ năng và trình độ học vấn, phần nào khiến điểm yếu chưa có kinh nghiệm mờ nhạt đi.
Lưu ý: Bạn nên chọn các mẫu CV thực tập sinh có sẵn tại các trang web tuyển dụng uy tín để CV trông chuyên nghiệp và độc đáo.
II. Chiến lược viết CV xin việc thực tập thuyết phục NTD
1. Trước khi viết CV
Đầu tiên, cần hiểu rõ mục đích viết CV là gì, hãy xác định rõ vị trí thực tập mà bạn muốn ứng tuyển.
Tiếp đến, liệt kế danh sách các kỹ năng và kinh nghiệm liên quan. Bạn chỉ nên tập trung vào kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến vị trí ứng tuyển. Đừng quên phân tích JD để xem nhà tuyển dụng có yêu cầu đặc biệt gì về kỹ năng, kinh nghiệm hay không. Nếu bạn có thể đáp ứng được thì hãy liệt kê trong CV của mình.
2. Hướng dẫn viết CV xin việc Thực tập sinh để NTD đánh giá cao
Khi đưa thông tin về những công việc mà bạn đã từng làm, các hoạt động mà bạn đã từng tham gia, bạn nên sắp xếp chúng theo thứ tự thời gian ngược, từ công việc gần đây nhất đến công việc đầu tiên của bạn. Nếu đã làm hai việc cùng lúc, hãy đặt công việc có liên quan nhất đến vị trí bạn đang ứng tuyển lên đầu.
2.1. Cách làm nổi bật Trình độ học vấn
Bên cạnh các chi tiết quan trọng như tên trường, chuyên ngành, bằng cấp, năm tốt nghiệp, GPA (nếu GPA của bạn không cao, bạn có thể bỏ qua), có nhiều yếu tố khác bạn có thể thêm vào mục này. Chẳng hạn như các thành tích, giải thưởng bạn đã đạt được, các học bổng, chương trình du học, ... Bạn không nên đưa bảng điểm hay quá trình học cấp ba vào CV nếu chúng không thật sự cần thiết.
2.2. Hướng dẫn trình bày Kinh nghiệm làm việc
Đừng lo lắng ngay cả khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc. Thay vì để trống phần này, bạn có thể đưa vào các vị trí bạn từng đảm nhiệm ở trường hay trong các câu lạc bộ. Chẳng hạn bạn đã từng làm chủ tịch hội sinh viên, bạn phụ trách tổ chức các sự kiện của khoa, hãy liệt kê những thông tin này vào CV xin thực tập. Đó là điểm cộng lớn cho CV của bạn.
2.3. Mẹo mô tả Kỹ năng
Hãy cân nhắc các kỹ năng mà bạn học được từ bất kỳ công việc nào, chúng có thể hỗ trợ đắc lực cho vị trí bạn mong muốn. Cho dù bạn từng làm lái xe, bán sách hay thu ngân, tất cả đều sẽ giúp bạn học hỏi được những kỹ năng mềm quan trọng. Một số kỹ năng như sử dụng máy tính, thành thạo ngoại ngữ, làm việc nhóm cũng rất cần thiết cho quá trình ứng tuyển.
Hướng dẫn cách điền thông tin cụ thể trong CV xin việc
2.4. Cách ghi Hoạt động khác
Có rất nhiều câu lạc bộ trong các trường Đại học và nếu như bạn từng tham gia bất kỳ câu lạc bộ nào, hãy cân nhắc việc đưa chúng vào CV. Một vài câu lạc bộ như kinh doanh, dịch thuật, ... sẽ cho bạn những kỹ năng rất hữu ích khi đi xin việc làm.
Thời gian và công việc của bạn trong các câu lạc bộ cũng tạo những ảnh hưởng khác biệt. Ví dụ như việc bạn tham gia câu lạc bộ kinh doanh trong bốn năm sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn cao hơn so với việc bạn ở trong câu lạc bộ bóng đá trong một tháng.
2.5. Cách ghi Sở thích
Bạn có thể bổ sung sở thích của mình nếu CV của bạn chưa quá dài. Hãy nêu những sở thích độc đáo khiến bạn khác biệt và thu hút sự chú ý của người đọc.
Sau khi hoàn thiện CV của mình, hãy dành thời gian trau chuốt lại để đảm bảo không có gì sai sót. Các thông tin bạn sử dụng đã chính xác chưa? Bạn có lỗi sai nào về chính tả không? Nếu như bạn viết sai tên công ty, CV của bạn sẽ nhanh chóng bị từ chối. Nếu không chắc chắn về khả năng của mình, bạn có thể nhờ người thân hoặc bạn bè xem giúp.
Ngay cả khi chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, bạn vẫn có thể làm cho CV của mình nổi bật hơn so với các ứng viên khác. Chỉ cần viết CV xin thực tập của bạn ngắn gọn, các mục được sắp xếp hợp lý, thể hiện được những kỹ năng mà công việc đòi hỏi, bạn sẽ nhanh chóng nhận được hồi âm của nhà
tuyển dụng. Chúc bạn thành công trong quá trình xin việc!