Bí quyết để có một Referral mạnh mẽ: Cách thu hút sự giúp đỡ từ người trong nghề
Ngày đăng tin: 12/12/2024 22:11
Referral – sự giới thiệu từ người trong nghề – luôn là một cách "ghi điểm" hiệu quả với nhà tuyển dụng. Nhưng làm sao để người khác sẵn lòng giúp bạn mà không thấy phiền phức? Bạn đã bao giờ ngại ngần khi phải nhờ người quen giới thiệu? Và làm thế nào để chia sẻ thông tin công việc nhờ họ giúp đỡ một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn?
Referral – Cầu nối quan trọng trong sự nghiệp
Một hồ sơ xin việc ấn tượng hay kinh nghiệm dày dặn đôi khi vẫn… chưa đủ để giúp bạn nổi bật trước nhà tuyển dụng. Không phải vì bạn thiếu năng lực, mà bởi bạn cần có một “cầu nối” để bước qua cánh cửa đầu tiên. Referral – sự giới thiệu từ người trong nghề – chính là cầu nối vàng đó.
Referral không chỉ đơn thuần là một lời giới thiệu thông thường, mà là bạn tận dụng sự uy tín và niềm tin của người khác để tăng cơ hội. Theo nhiều nghiên cứu, những ứng viên được giới thiệu có khả năng được tuyển dụng cao hơn nhiều so với các ứng viên tự ứng tuyển. Điều này xuất phát từ tâm lý chung của nhà tuyển dụng: họ thường đặt niềm tin vào các mối quan hệ sẵn có hơn là chỉ dựa trên thông tin từ hồ sơ.
Hơn nữa, một referral tốt còn giúp bạn tiếp cận thêm nhiều cơ hội khác trong tương lai. Họ không chỉ là người đánh giá cao năng lực của bạn, mà còn có thể là đồng minh mạnh mẽ trong sự nghiệp của bạn về lâu dài. Vì thế, hiểu và tận dụng sức mạnh của referral là một chiến lược không thể bỏ qua trên con đường chinh phục sự nghiệp của bất kỳ ai.
Bí quyết để có Referral luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn
Referral không phải là một sự giúp đỡ bất ngờ hay may mắn. Nó đến từ những nỗ lực xây dựng mối quan hệ và sự tín nhiệm từ bạn. Để có những referral sẵn lòng đứng về phía bạn khi cần, bạn cần đầu tư thời gian và công sức để tạo ra giá trị trong mắt họ.
Xây dựng lòng tin trước khi nhờ vả
Bạn không thể đợi đến lúc cần nhờ ai đó giúp đỡ mới vội vàng kết nối với họ. Nếu làm vậy, họ sẽ thấy bạn chỉ tìm đến khi có lợi ích và khả năng từ chối bạn sẽ rất cao. Hãy đặt câu hỏi là: “Nếu là tôi, tôi có sẵn sàng giúp người này không?” và nếu chưa có câu trả lời tích cực, có lẽ bạn chưa thực sự đầu tư vào mối quan hệ đó.
Đừng đợi đến khi cần mới bắt đầu liên lạc. Thay vào đó, bạn nên tạo kết nối chân thành từ sớm bằng những hành động nhỏ nhưng chân thành, như hỏi thăm tình hình công việc, chia sẻ kinh nghiệm, hoặc đơn giản là giữ liên lạc qua những cuộc trò chuyện ngắn gọn. Bạn hãy lưu ý rằng sự giúp đỡ cũng là một dạng trao đổi: bạn xây dựng niềm tin và sự thiện cảm trước, họ sẽ sẵn sàng đứng về phía bạn khi bạn cần.
Làm việc thật tốt ở hiện tại
Đồng nghiệp, quản lý hay đối tác sẽ dễ dàng ghi nhớ bạn là người có năng lực, đáng tin cậy, và điều đó khiến họ cảm thấy an tâm hơn khi giới thiệu bạn cho người khác. Không cần phải cố gắng hoàn hảo, nhưng hãy làm tốt nhất trong phạm vi công việc của mình, chủ động giải quyết vấn đề và luôn giữ thái độ chuyên nghiệp.
Kết quả công việc không chỉ là minh chứng cho năng lực của bạn mà còn là lý do để người khác tự hào khi giới thiệu bạn. Nói cách khác, nếu bạn làm tốt ở hiện tại thì bạn sẽ khiến những người xung quanh cảm thấy rằng việc giúp đỡ bạn là hoàn toàn xứng đáng.
“Chọn mặt gửi vàng”
Khi nhờ ai đó giới thiệu, việc chọn đúng người cũng là một yếu tố quyết định. Không phải ai cũng phù hợp để làm người giới thiệu ngay cả khi họ sẵn sàng giúp bạn. Người giới thiệu nên là người hiểu rõ về bạn, từng làm việc cùng hoặc hiểu rõ về năng lực của bạn.
Ví dụ một đồng nghiệp từng hợp tác chặt chẽ với bạn trong một dự án quan trọng có thể mô tả chính xác cách bạn giải quyết vấn đề và đóng góp ra sao, hơn là một người quen biết bạn qua mối quan hệ xã giao. Ngoài ra bạn cũng cần cân nhắc đến vị trí của người giới thiệu trong công ty hoặc ngành nghề. Một người ở vị trí càng cao hoặc có uy tín trong lĩnh vực liên quan sẽ càng giúp tăng giá trị cho referral của bạn.
Biết rõ bạn muốn gì
Khi nhờ người khác giới thiệu, bạn không thể chỉ nói đơn giản là hãy giúp bạn và mong họ hiểu ngay bạn đang cần gì. Sự mơ hồ sẽ khiến người ta cảm thấy không biết bắt đầu từ đâu hoặc phải làm sao cho đúng. Do đó bạn nên rõ ràng mọi thông tin và mục tiêu với người đó.
Chẳng hạn như nếu bạn muốn ứng tuyển vào một vị trí trên VietnamWorks, hãy gửi kèm thông tin chi tiết như tên công ty, vị trí, và lý do bạn nghĩ mình phù hợp. Ngoài ra, hãy chuẩn bị sẵn bản CV được cập nhật mới nhất, hồ sơ LinkedIn, hoặc danh sách những thành tựu nổi bật của bạn. Những thông tin này sẽ giúp người giới thiệu dễ dàng giới thiệu bạn với nhà tuyển dụng hơn, rằng bạn là một người chuyên nghiệp và nghiêm túc với mục tiêu của mình.
Sau cùng thì bạn cũng đừng quên thể hiện sự biết ơn. Một lời cảm ơn chân thành, dù công việc đó có thành công hay không, sẽ giúp bạn duy trì mối quan hệ lâu dài. Người khác sẽ sẵn lòng giúp bạn lần sau nếu họ cảm nhận được sự tôn trọng từ phía bạn.