7 bước xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng giúp giữ chân nhân tài
Ngày đăng tin: 21/02/2024 14:15
Trong thị trường nhân lực biến động hiện nay, việc tuyển được người tài đã khó, giữ chân được nhân tài lại là một nhiệm vụ cam go hơn. Có nhiều phương pháp doanh nghiệp có thể áp dụng để giữ chân được những nhân viên xuất chúng, một trong số đó có thể kể đến việc xây dựng cho nhân viên một lộ trình thăng tiến rõ ràng, từ đó giúp nhân viên nhìn thấy được sự phát triển khi gắn bó với doanh nghiệp. Vậy làm sao để xây dựng lộ trình thăng tiến hiệu quả?
Lộ trình thăng tiến cho nhân viên là gì?
Lộ trình thăng tiến cho nhân viên là một bản kế hoạch chi tiết về các cấp bậc, vị trí và vai trò mà nhân viên có thể đạt được trong công ty. Lộ trình này thường bao gồm các yêu cầu về kỹ năng, kinh nghiệm, đào tạo và thời gian cần thiết để đạt được từng cấp bậc.
Tại sao xây dựng lộ trình cho ứng viên quan trọng?
Việc xây dựng lộ trình thăng tiến cho nhân viên là vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp. Lộ trình này mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhân viên, bao gồm:
Thu hút và giữ chân nhân tài: Lộ trình thăng tiến rõ ràng giúp nhân viên hiểu rõ về cơ hội phát triển trong công ty. Điều này giúp họ có động lực làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có một lộ trình thăng tiến rõ ràng và hấp dẫn, nó trở thành một điểm thu hút quan trọng cho các ứng viên tiềm năng. Ứng viên thường muốn biết rằng họ sẽ có cơ hội phát triển sự nghiệp và thăng cấp trong tổ chức. Một lộ trình thăng tiến rõ ràng thể hiện rằng doanh nghiệp đầu tư vào sự phát triển của nhân viên và làm cho công việc trở nên hấp dẫn hơn đối với các ứng viên có tiềm năng.
Tăng hiệu suất làm việc: Khi nhân viên đã xác định mục tiêu rõ ràng để phấn đấu, họ sẽ có động lực để học hỏi và phát triển bản thân. Điều này dẫn đến hiệu suất làm việc cao hơn.
Tạo sự hài lòng của nhân viên: Khi được công ty quan tâm và tạo điều kiện phát triển, Nhân viên sẽ cảm thấy sẽ hài lòng hơn với công việc của mình.
Xây dựng lộ trình thăng tiến chi tiết sẽ mang lại lợi ích gì?
Lộ trình thăng tiến chi tiết sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp và cả chính bản thân nhân viên. Lộ trình này sẽ giúp:
Nhân viên dễ dàng xác định mục tiêu nghề nghiệp của mình
Tùy vào các vị trí khác nhau trong công ty sẽ có một hướng đi khác nhau, việc có được lộ trình thăng tiến chi tiết dành cho từng vị trí hay cá nhân trong doanh nghiệp sẽ giúp cho chính nhân viên không cảm thấy mông lung và xác định rõ mục tiêu để từ đó nỗ lực tập trung vào con đường định hướng sẵn để phát triển mà không bị sa đà vào những ngã rẽ khác.
Doanh nghiệp có thể đánh giá năng lực và tiềm năng của nhân viên một cách chính xác
Xây dựng lộ trình thăng tiến chi tiết cho phép doanh nghiệp đánh giá năng lực và tiềm năng của từng nhân viên một cách chính xác. Thay vì dựa vào ấn tượng cá nhân, doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu cụ thể từ quá trình làm việc và đánh giá hiệu suất để xác định sự phù hợp của nhân viên với các vị trí cao hơn.
Doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nhân viên phù hợp
Lộ trình thăng tiến chi tiết cung cấp thông tin quý báu để xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển cá nhân hóa. Doanh nghiệp có thể xác định rõ những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho mỗi vị trí trong tương lai và phát triển các chương trình đào tạo phù hợp để đảm bảo nhân viên được chuẩn bị tốt cho quá trình thăng tiến.
Doanh nghiệp có thể tạo động lực và thúc đẩy nhân viên phấn đấu
Những lộ trình thăng tiến rõ ràng tạo ra mục tiêu cụ thể cho nhân viên. Điều này có thể tạo động lực mạnh mẽ, bởi vì nhân viên biết rằng họ có cơ hội thăng tiến và phát triển sự nghiệp trong tổ chức. Sự rõ ràng về cơ hội thăng tiến cũng thúc đẩy sự phấn đấu và cam kết của nhân viên đối với công việc và tổ chức.
Gợi ý 7 bước xây dựng lộ trình thăng tiến
Dưới đây là 7 bước xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng giúp giữ chân nhân tài:
Bước 1: Cập nhật sơ đồ tổ chức
Đây là quá trình cập nhật hoặc điều chỉnh sơ đồ tổ chức của công ty. Sơ đồ tổ chức thường ghi lại cấu trúc bộ phận, vị trí công việc, và quan hệ giữa các bộ phận. Việc cập nhật sơ đồ tổ chức giúp định rõ các vị trí và vai trò trong công ty, từ đó làm cho việc xây dựng lộ trình thăng tiến dễ dàng hơn.
Bước 2: Mô tả vị trí công việc chi tiết
Mô tả vị trí công việc là việc trình bày chi tiết về nhiệm vụ, trách nhiệm, kỹ năng cần thiết và yêu cầu công việc cho mỗi vị trí trong tổ chức. Điều này giúp nhân viên và quản lý hiểu rõ về công việc của họ và cần gì để phát triển trong vị trí đó.
Bước 3:Tạo lộ trình đi cùng những kỹ năng nhân viên cần phát triển
Lộ trình phát triển nhân viên liên quan đến việc xác định những kỹ năng và năng lực mà nhân viên cần phát triển để thăng tiến trong sự nghiệp của họ. Điều này có thể bao gồm việc học các kỹ năng mới, phát triển năng lực lãnh đạo, hoặc tham gia vào các khóa học đào tạo.
Bước 4: Xác định nhu cầu đào tạo
Xác định nhu cầu đào tạo là quá trình xác định những kỹ năng và kiến thức mà nhân viên hiện tại cần phải học hoặc cải thiện để đáp ứng yêu cầu công việc hoặc mục tiêu sự nghiệp. Điều này đòi hỏi xác định điểm yếu của nhân viên, so sánh chúng với yêu cầu công việc, và lập danh sách nhu cầu đào tạo cụ thể. Cuối cùng, quyết định độ ưu tiên và ưu đãi giúp tổ chức tập trung vào những mục tiêu đào tạo quan trọng nhất cho sự phát triển của nhân viên.
Bước 5: Đề ra chương trình đào tạo cần thiết
Sau khi xác định các nhu cầu đào tạo, công ty hoặc tổ chức phải tạo ra các chương trình đào tạo cụ thể để đáp ứng những nhu cầu này. Chương trình đào tạo này có thể bao gồm các khóa học, hội thảo, hoặc các hoạt động đào tạo khác.
Bước 6: Tổng kết những yếu tố cần thiết cho một lộ trình sự nghiệp
Tổng hợp lại, doanh nghiệp nên có những thông tin sau đây:
Sơ đồ tổ chức
Mô tả vị trí công việc
Người hướng dẫn
Lộ trình sự nghiệp
Kế hoạch đào tạo
Bước 7: Xác định lộ trình phù hợp cho mỗi cá nhân
Cuối cùng, bộ phận quản lý và nhân sự cần xác định lộ trình phù hợp với từng cá nhân dựa trên nhu cầu, mục tiêu sự nghiệp, và năng lực của họ. Mục tiêu là tạo ra các lộ trình thăng tiến cá nhân hóa để giữ chân nhân tài trong tổ chức.
Kết nối lộ trình thăng tiến cho nhân viên
Khảo sát về nhu cầu của nhân viên
Để đưa ra được lộ trình phù hợp, doanh nghiệp cần biết về yêu cầu và mong muốn của nhân viên. Do đó, việc đưa ra các cuộc khảo sát và tìm hiểu về tâm tư, nguyện vọng, năng lực hiện tại cùng những khó khăn đang gặp phải của từng nhân viên. Từ đó, doanh nghiệp sẽ hiểu được mục tiêu sự nghiệp cũng như các yếu tố đang thúc đẩy họ làm việc để xây dựng lộ trình thăng tiến theo cá nhân hóa. Đồng thời cung cấp những hỗ trợ cần thiết để họ phát triển kỹ năng và năng lực.
Họp 1 – 1
Việc tổ chức cuộc họp 1 – 1 là rất quan trọng để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về định hướng nghề nghiệp của từng nhân viên. Trong cuộc họp này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội lắng nghe chi tiết về tâm tư, mong muốn và mục tiêu của từng nhân viên. Nhờ đó, các bước trong lộ trình sẽ đực cụ thể hóa và nhân viên có cơ hội phát triển để đạt được mục tiêu của mình.
Tạo sự đồng thuận giữa nhân viên và doanh nghiệp
Nguồn lực của doanh nghiệp có hạn và không thể đáp ứng được mọi nhu cầu của nhân viên. Vì thế, thay vì hứa hẹn suông quá nhiều, doanh nghiệp nên tạo cơ hội để thảo luận với nhân viên, để từ đó tìm ra điểm đồng thuận giữa 2 bên. Từ đó, lộ trình thăng tiến xây dựng ra sẽ thực tế và hợp lý với mỗi nhân viên, doanh nghiệp.
Chia sẻ về mục tiêu của doanh nghiệp
Trong quá trình triển khai lộ trình xây dựng sự nghiệp cho nhân viên, doanh nghiệp hãy chia sẻ với họ về triết lý phát triển nghề nghiệp, mục tiêu của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp nhân viên cảm nhận được doanh nghiệp quan tâm đến quyền lợi và sự phát triển lâu dài của họ. Từ đó tạo động lực và xây dựng lòng trung thành với doanh nghiệp.
Một số mẫu lộ trình thăng tiến nghề nghiệp theo từng ngành
Ngành marketing
Thực tập sinh Marketing (Marketing Intern) => Nhân viên Marketing (Marketing Executive) => Trưởng nhóm (Marketing Team Leader) => Trưởng phòng Marketing (Marketing Manager) => Giám đốc bộ phận Marketing (Marketing Director) => Vice Chief Marketing Officer => Giám đốc Marketing (Chief Marketing Officer).
Ngành HR
HR intern => HR Staff / HR Admin => HR Executive => HR Manager => HR Director.
Ngành Sales
Nhân viên kinh doanh => Chuyên viên kinh doanh => Trưởng phòng kinh doanh => Giám đốc kinh doanh.
Ngành kiểm toán
Trợ lý kiểm toán (Junior/Assistant) => trưởng nhóm kiểm toán (Senior) => Chủ Nhiệm kiểm toán (Manager) => Giám đốc kiểm toán (Director) => Đối tác kiểm toán (Partner)
Ngành kế toán
Trợ lý kế toán => kế toán viên => kế toán tổng hợp => kế toán trưởng => Giám đốc tài chính
Việc xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng là một chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp thu hút, giữ chân và phát triển nhân tài. Bằng cách thực hiện theo 7 bước nêu trên, doanh nghiệp có thể xây dựng được một lộ trình thăng tiến hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và nhân viên.