• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

111606
Tổng số truy cập:111606
Khách đang online: 230
4 cách giúp bạn trẻ tránh ỷ lại và sớm giỏi hơn
Ngày đăng tin: 09/02/2024 17:16

Vin vào cái cớ mới ra trường, còn non trẻ nên nhiều bạn đi làm thường có tâm lý ỷ lại vào người khác, nhất là Sếp. Chủ động trong mọi thứ là cách giúp bạn sớm nâng cao năng lực, nhanh chóng phát triển sự nghiệp vững chắc. Sau đây là 4 cách hữu ích giúp các bạn trẻ tránh ỷ lại và sớm giỏi hơn.


Tự học hỏi để phát triển bản thân và nghề nghiệp
 
Nhiều bạn trẻ khi thấy đồng nghiệp và Sếp không nhiệt tình hỗ trợ mình phát triển năng lực làm việc, đã nhảy việc. Trước khi nhảy việc, hãy tự hỏi bản thân xem ai là người quan tâm đến việc phát triển năng lực của bạn nhất? Đáp án tất nhiên chính là bạn!

Thay vì trông chờ người khác hỗ trợ giúp đỡ, hãy tự học hỏi để trau dồi kiến thức và nâng cao kỹ năng làm việc. Bạn có thể nhờ đồng nghiệp hỗ trợ và yêu cầu Sếp giúp đỡ trong công việc, chứ không thể hoàn toàn ỷ lại vào người khác. 

Chẳng hạn nhờ đồng nghiệp gửi dự án đã hoàn thành tốt của họ để bạn tham khảo, học hỏi kinh nghiệm. Luôn chuẩn bị trước những câu hỏi trước khi nhờ Sếp giải đáp, thông tin nào đã có sẵn trên Google tuyệt đối không được hỏi lại

Chủ động cập nhật thông tin, nắm tình hình công ty
 
Mới vào công ty còn nhiều bỡ ngỡ nên nhiều bạn khá thụ động. Thay vì chủ động cập nhật tin tức, các bạn trẻ thường trách sao không ai cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình công ty cho mình, về các dự án, về đội ngũ nhân sự… Nếu cứ ngồi yên đợi người khác cung cấp thông tin cho bạn, bạn sẽ không bao giờ nhận đủ những gì mình muốn biết.

Đơn giản là vì ai cũng bận rộn, nhất là Sếp của bạn. Chẳng ai có đủ thời gian để ý xem bạn đang thiếu thông tin gì cả. Vậy nên hãy tự tìm hiểu và chủ động cập nhật tin tức để nắm được tình hình công ty. Nhất là những thông tin hữu ích cho công việc và các mối quan hệ của bạn. 

Nên tạo “mạng lưới thông tin” phủ rộng khắp công ty. Chẳng hạn làm quen với nhân viên ở các phòng ban khác, thường xuyên ăn uống ở căn tin để nghe ngóng tình hình, tham gia các nhóm chat đông người của công ty… Quan trọng nhất là bạn phải thường xuyên trực tiếp liên hệ với quản lý và Sếp để cập nhật tin tức và hỏi những thông tin mình cần biết, chủ động trong công việc bạn sẽ có nhiều cơ hội ghi điểm trong mắt Sếp. 

Đánh giá hiệu quả công việc định kỳ
 
Nhân viên mới đi làm rất cần sự đánh giá hiệu quả công việc để biết bản thân làm tốt chưa, cần phát huy và khắc phục điểm nào. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ hay đổ lỗi vì Sếp chẳng bao giờ đánh giá công việc mình làm nên mình chẳng biết bản thân làm tốt hay kém. Thay vì đợi Sếp đánh giá, bạn có thể chủ động nhờ người khác đánh giá cũng như tự đánh giá năng lực bản thân.

Nếu bạn thấy hiệu quả công việc tốt, hãy nhờ Sếp đánh giá và công nhận năng lực của mình. Nếu bạn thấy hiệu quả công việc chưa cao, hãy tự mình nỗ lực hơn và nhờ Sếp đánh giá kết quả theo quá trình nỗ lực đó. Nhớ cho Sếp biết rằng, bạn rất muốn có người đánh giá công việc của mình để biết nên phát huy và khắc phục điểm gì. 

Bên cạnh đó, có thể hỏi khách hàng xem khách hàng có hài lòng với kết quả công việc bạn mang lại không. Đây là cách khách quan giúp bạn biết được năng lực bản thân đang thế nào.

Chỉ cam kết nhận công việc hợp năng lực bản thân
 
Nguyên nhân chủ yếu tạo nên áp lực cho các bạn trẻ mới đi làm là không làm tốt công việc được giao. Vì quá khả năng nên bạn cứ lo lắng về hậu quả và mải tìm cớ biện minh, khiến bản thân không thể tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vậy nên trước khi nhận việc, hãy đánh giá xem mình có khả năng hoàn thành tốt công việc này không. Tránh đảm nhận những việc bản thân không đủ năng lực làm tốt, hoặc không có thời gian hoàn thành kịp. Trường hợp bị giao việc quá khả năng hay không đủ thời gian để làm, nên đề xuất hỗ trợ thêm nhân sự và gia hạn thêm thời gian. 

Trên đây là 4 cách giúp bạn trẻ tránh ỷ lại và sớm giỏi hơn. Hãy chủ động trong mọi việc để nhanh chóng phát triển sự nghiệp bạn nhé.  
Số lượt đọc: 184 -