Nghĩ hay nhưng nói không tốt, chưa truyền tải hết ý thì phải làm sao?
Ngày đăng tin: 19/01/2024 09:36
Có những người cực kỳ thông minh, khả năng tư duy, phân tích tốt, có những suy nghĩ, ý tưởng sáng tạo và khả thi. Tuy nhiên, khi chuyển đổi những điều mình nghĩ sang lời nói, thì họ lại chưa làm tốt, chưa truyền tải được hết những điều trong suy nghĩ. Bạn có đang gặp phải trường hợp thế này không? Nghĩ hay nhưng nói không tốt, chưa truyền tải hết ý thì phải làm sao? Hãy cùng Cevn giải đáp trong bài viết này nhé!
Vì sao bạn nghĩ hay nhưng nói không tốt?
Ủa sao tự nhiên mình có ý tưởng tốt, mình nghĩ hay quá trời, mình hình dung trong đầu rất chỉn chu, đầy đủ và logic, mà sao mình không nói ra được, không trình bày được đầy đủ như khi mình suy nghĩ. Ủa sao kỳ vậy ta? Thật ra, đây là trường hợp cũng khá phổ biến, nhiều người cũng rơi vào tình trạng tương tự, chứ không chỉ riêng mình bạn.
Vì sao bạn nghĩ hay nhưng nói không tốt? Điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như vốn dĩ bạn là người không giỏi ăn nói, không nhạy bén trong việc chuyển từ suy nghĩ sang lời nói, hoặc cũng có thể bạn đang giao tiếp với những người lạ, hoặc nói trước nhiều người nên tâm lý lo lắng, bị run, dẫn tới việc bị rối, không trình bày rõ được những điều mình đã suy nghĩ, phân tích trong đầu. Hoặc cũng có khả năng bạn nói quá dài dòng, lủng củng, khiến người nghe cảm thấy vòng vòng, bị rối và không nắm bắt chính xác được những nội dung quan trọng. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng trình bày bằng lời nói, khả năng giao tiếp của bạn đang chưa tốt, và bạn cần phải sớm có biện pháp khắc phục. Vậy nghĩ hay nhưng nói không tốt thì phải làm sao?
Nghĩ hay nhưng nói không tốt thì phải làm sao?
Có rất nhiều phương án để bạn khắc phục tình trạng nghĩ hay nhưng nói không tốt, điều quan trọng là bạn phải chọn ra được xem đâu là giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất với mình. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể tham khảo:
Viết những điều mình nghĩ ra giấy, tóm tắt nội dung chính: Cách đầu tiên, đơn giản và dễ thực hiện nhất chính là bạn hãy viết những điều mình nghĩ ra giấy, tóm tắt nội dung chính, rồi dựa vào đó để triển khai thành lời nói, đây là bước cơ bản mà bạn nên rèn luyện và làm quen trước khi tiến tới các phương án nâng cao hơn. Điều này vẫn tồn tại một nhược điểm là bạn phải cầm giấy, nhìn vào giấy khi trình bày, nhưng đừng quá lo ngại, vì đây vẫn là ý tưởng của bạn, bạn đang trình bày điều mình nghĩ chứ không copy của ai cả.
Sắp xếp các luận điểm theo thứ tự, ghi nhớ luận điểm rồi triển khai: Một tip nữa giúp bạn có thể trình bày những gì mình nghĩ một cách mạch lạc, chính là hãy sắp xếp các luận điểm theo đúng thứ tự, ghi nhớ kỹ từng luận điểm và hướng triển khai, rồi từ đó sẽ chuyển thành văn nói, sao cho đảm bảo sự đầy đủ, đúng ý.
Rèn luyện sự tự tin khi trình bày ý tưởng trước đám đông: Tất nhiên, bạn không thể cứ cầm giấy mãi được, bạn cần phải level up mình lên một đẳng cấp cao hơn, hãy cố gắng rèn luyện sự tự tin khi trình bày ý tưởng trước đám đông, sao cho để mình không còn cảm giác bị run, không sợ quên bài, không cần phải nhìn vào giấy nữa, điều này đòi hỏi một khoảng thời gian dài để bạn cố gắng, và khi bạn kiên trì, thì bạn sẽ làm được.
Trau dồi kỹ năng giao tiếp sao cho lưu loát, tự nhiên: Sau khi đã gạt bỏ được nỗi sợ, run khi đứng trước đám đông, thì điều tiếp theo bạn nên làm chính là trau dồi kỹ năng giao tiếp sao cho lưu loát, tự nhiên, và ở một mức độ cao hơn nữa, thì bạn nên tập thêm về chuyện phản xạ nhanh, nhảy số trong đầu rồi trình bày một cách nhanh gọn, chính xác, đủ ý. Tất nhiên, những điều này cũng đòi hỏi một quá trình không ngừng nỗ lực và kiên trì rèn luyện, và cần phải có phương pháp rèn luyện đúng đắn thì mới đạt hiệu quả tối ưu. Cụ thể hơn về cách trau dồi kỹ năng giao tiếp, bạn có thể tham khảo tại đây.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng nghĩ hay nhưng nói không tốt, chưa truyền tải hết ý thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!