• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

70460
Tổng số truy cập:70460
Khách đang online: 350
7 bí kíp tạo mẫu CV xin việc thu hút nhà tuyển dụng
Ngày đăng tin: 11/04/2018 21:10
 
Tôi cũng đã từng coi nhẹ bước chuẩn bị CV xin việc , và tôi dám chắc trong số các bạn có rất nhiều bạn đã và đang có suy nghĩ như tôi lúc đó. Hãy cùng xem lại mục đích ban đầu của việc nộp CV tìm việc làm, đó là được-gọi-phỏng-vấn. Nhưng nếu CV của bạn không đủ hấp dẫn và có sức thuyết phục với nhà tuyển dụng, thì làm sao mà họ có thể liên lạc với bạn cơ chứ? Như vậy CV của bạn sẽ là bước đầu tiên, chiếm gần như 70% sự thành công, và hơn hết, bạn có toàn quyền kiểm soát đối với việc này thay vì đặt hi vọng vào sự may mắn của mình, vào những đối thủ cạnh tranh, vào trưởng phòng nhân sự, hay thậm chí vào yếu tố thời tiết.
 
 
Có một điều lạ là tôi đã đọc rất nhiều mẫu đơn xin việc, nhưng vẫn bắt gặp một cách rất thường xuyên những lỗi hiển nhiên mà tôi không nghĩ có thể gặp ở mẫu đơn xin việc làm của nhiều nhân sự cao cấp chứ đừng nói đến các bạn mới chập chững vào nghề. Những CV xin việc cẩu thả, thiếu tính chuyên nghiệp, gửi ngẫu nhiên tới vô số nhà tuyển dụng sẽ chỉ kết thúc trong thùng rác của nhà tuyển dụng trước khi chúng kịp khô mực. Bạn không muốn điều đó xảy ra. Tôi cũng vậy.
 
Những mẹo dưới đây được đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân, dưới con mắt của nhà tuyển dụng, học lỏm một chút từ một số bài viết từ chuyên gia. Hãy bắt tay vào chỉnh sửa mẫu CV xin việc của bạn để có được mẫu đơn xin việc chuẩn.
 
BÍ KÍP 1: TRÌNH BÀY THEO CẤU TRÚC KHOA HỌC
 
Hãy chọn một cấu trúc phù hợp cho CV của bạn dựa vào hai yếu tố: vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển và kinh nghiệm mà bạn có. Nếu bạn vẫn đang băn khoăn chưa biết trình bày ra sao, bạn có thể chọn 1 trong 3 cách dưới đây:
 
CÁCH 1: Trình bày theo thứ tự thời gian đảo ngược
 
Đây là cấu trúc phổ biến nhất và bạn có thể áp dụng nó cho hầu hết tất cả các vị trí. Đúng như tên gọi, nếu bạn chọn cách này bạn sẽ trình bày kinh nghiệm làm việc theo thứ tự thời gian gần nhất cho tới xa nhất. Ai nên áp dụng cách này? Những người ứng tuyển công việc trong cùng ngành với các công việc trước họ đã làm, những người có con đường sự nghiệp đồng nhất, sinh viên hoặc người mới tốt nghiệp bởi nó cũng rất phù hợp để liệt kê thông tin về quá trình học vấn.
 
CÁCH 2: Trình bày theo chức năng
 
Cấu trúc này phù hợp cho những bạn đang ứng tuyển ở vị trí giàu kinh nghiệm. Bạn liệt kê những kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp nhất với công việc đang ứng tuyển và tiếp theo tới những thứ có độ liên quan thấp hơn, không cần quan tâm tới thời gian. Hãy dùng cấu trúc này, để ghi điểm với sự khác biệt (so với hàng ngàn hồ sơ dùng cấu trúc thứ 1), khi bạn đang ứng tuyển vào vị trí cần kinh nghiệm hoặc những kỹ năng hơi đặc biệt một chút, hoặc bạn cảm thấy cần một danh sách mô tả chi tiết về những thành tựu đạt  được. Đặc biệt, những người hay nhảy việc hay có khoảng thời gian nghỉ nhiều giữa các công việc, thì nên dùng cấu trúc này.
 
CÁCH 3: Kết hợp các cách trình bày hoặc trình bày theo cách riêng
 
Bạn hoàn toàn có thể kết hợp cả 2 cách trình bày trên như sau. Liệt kê những kỹ năng và kinh nghiệm liên quan nhất (trình bày theo chức năng), sau đó nêu trong phần chi tiết những kỹ năng và quá trình học vấn theo thứ tự thời gian gần tới xa liên dùng những kỹ năng này (trình bày theo thời gian đảo ngược). Cấu trúc này đặc biệt thích hợp với những ứng viên giàu kinh nghiệm và kĩ năng muốn “phô diễn” bản thân.
 
Đối với các công việc liên quan tới sáng tạo, hãy thể hiện khả năng sáng tạo của bản thân bằng việc tạo ra những mẫu CV tìm việc làm hoàn chỉnh độc đáo, có phần hơi điên rồ chút xíu cũng không hề gì.
 
BÍ KÍP 2: NẰM LÒNG NGUYÊN TẮC “6 GIÂY”
 
 
6 giây. Đây là con số thể hiện số thời gian trung bình một nhà tuyển dụng dùng để lướt qua CV của bạn và có thể quyết định bạn có được gọi phỏng vấn hay vào vòng tiếp theo không. 6 giây thực sự rất ngắn ngủi, vì vậy hãy tận dụng những giây phút quý giá này.
 
Hãy chuẩn bị một đoạn tổng hợp giới thiệu về bản thân khoảng 1 tới 3 câu. Hãy lần lượt trả lời 3 câu hỏi này (1) Bạn nghĩ điểm nổi bật nhất của bạn so với các thí sinh khác là gì? (2) Định hướng nghề nghiệp tương lai của bạn là gì? (3) Hai điều đó phù hợp với công ty và vị trí tuyển dụng thế nào.
 
Ví dụ: Bạn A ứng tuyển vào vị trí nhân viên digital marketing tại một công ty phân phối rượu nhập khẩu, đoạn tổng hợp của bạn nên như sau:
“Tôi đã có 5 năm kinh nghiệm triển khai thành công các dự án digital marketing cho nhiều nhãn hàng toàn cầu về đồ uống có cồn cùng mục tiêu trở thành digital marketing manager trong 3 năm tới.”
 
BÍ KÍP 3: BẠN LÀ DUY NHẤT, ĐỪNG NGẠI THỂ HIỆN
 
Hãy chứng tỏ bạn là cá thể duy nhất một cách ngắn gọn. Đừng có dại cho vào CV tìm việc làm những sở thích điên rồ của cá nhân. Bạn độc nhất bởi kinh nghiệm làm việc, bởi những gì bạn học được, bởi tham vọng của bạn cho tương lai. Hãy cân bằng cá tính của bản thân với những gì công việc yêu cầu và mang chúng lại gần nhau. Việc nuôi chó từ nhỏ có thể mang lại công việc cho bạn ở một công ty về thực phẩm cho thú cưng nhưng chắc chắn không giúp ích gì nếu bạn đang ứng tuyển vào một công ty về thời trang.

BÍ KÍP 4: THỂ HIỆN TÍNH CHUYÊN NGHIỆP, NGAY CẢ CHI TIẾT NHỎ
 
Đây là việc tôi đã nhắc đi nhắc lại nhưng rất nhiều ứng viên giàu kinh nghiệm vẫn mắc phải.
 
Hãy bỏ ngay những hòm mail có địa chỉ tương tự như cobedangyeu2010@yahoo.com hay deptraicogisai2001@facebook.com hoặc dành chúng cho mục đích cá nhân. Lập hòm mail với cú pháp sau cho công việc:
Tên.họ@domain.com hoặc Họ.tên@domain.com – Ví dụ: trung.pham@gmail.com
Tên.họ.ngành nghề@domain.com – Ví dụ trung.pham.mkt@gmail.com
Kiểm tra chính tả trước khi gửi CV
Hãy dành thời gian mô tả công việc của bạn thay vì chỉ để chức vụ.
 

BÍ KÍP 5: ĐỪNG ĐÍNH KÈM ẢNH CHÂN DUNG
 
Bạn có còn nhớ quy tắc 6s? Nếu không muốn nhà tuyển dụng lãng phí mất 3s ngắm nhìn chân dung bạn thì đừng nên cho ảnh chân dung vào hồ sơ. Tôi biết có nhiều công việc yêu cầu bạn cần có ảnh chân dung, tuy nhiên phần lớn nhà tuyển dụng không chú ý tới điều này và không coi đó là yếu tố then chốt. Nhà tuyển dụng cũng là con người, và đôi khi có thể mất thiện cảm với người khác khi chỉ nhìn qua một tấm ảnh, và điều đó cũng đồng thời tước đi cơ hội gặp mặt phỏng vấn của bạn.

BÍ KÍP 6: CHUẨN BỊ NHIỀU CV CHO NHIỀU CÔNG VIỆC
 
Khi tìm việc, bạn nên tạo nhiều mẫu đơn xin việc làm khác nhau cho mỗi công việc ứng tuyển, phù hợp hơn với yêu cầu của từng vị trí và môi trường văn hóa của từng công ty, trừ phi bạn ứng tuyển vào các vị trí và công việc giống nhau tới 90%. Ví dụ khi ứng tuyển vào một công ty Nhật Bản, bạn nên nêu bật lên sự yêu thích văn hóa làm việc của người Nhật, tính kỷ luật cũng như khả năng làm việc theo nhóm.
 
BÍ KÍP 7: THIẾT KẾ SÁNG SỦA VÀ HIỆN ĐẠI
 
Ngoại trừ những công việc liên quan tới thiết kế hay sáng tạo, đừng biến CV của bạn thành một mớ lộn xộn những hình hoạt họa và sắc màu. Chúng có thể gây sự chú ý của nhà tuyển dụng, nhưng sẽ là ấn tượng xấu là con dao hai lưỡi nếu bạn không biết cách kiểm soát. Hãy giữ thiết kế sáng sủa, dễ đọc, hiện đại và chuyên nghiệp.
Số lượt đọc: 977 -