Phỏng vấn qua điện thoại hay video, đừng bao giờ quên 7 điều sau
Ngày đăng tin: 09/04/2018 12:07
Hiện nay, với mục đích tiết kiệm thời gian cho cả nhà tuyển dụng và ứng viên, hình thức phỏng vấn qua video call hay Skype ngày càng trở nên phổ biến. Hình thức này còn đặc biệt hữu dụng khi bạn có nguyện vọng làm việc tại một nơi khác, xa nơi mà bạn đang sống.
Vậy làm thế nào để có một cuộc phỏng vấn qua video thành công?
1. Chuẩn bị trang phục và có tác phong như một cuộc phỏng vấn trực tiếp
Một sai lầm phổ biến của các ứng viên tham gia phỏng vấn qua video call hay Skype là sự qua loa về trang phục và bối cảnh xung quanh.
Bạn cần phải thể hiện sự chuyên nghiệp của mình trên mọi phương diện. Dù không mặt đối mặt với nhà tuyển dụng nhưng trang phục công sở, nói năng rõ ràng chắc chắn là điều dễ ghi điểm với nhà tuyển dụng hơn hết.
Hãy chắc chắn rằng ngôn ngữ cơ thể và cách diễn đạt của bạn đủ chuyên nghiệp.
Đừng ngại mất công chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn video. Hãy luôn tự tin, cư xử chuyên nghiệp để nhà tuyển dụng thấy được bạn là người phù hợp với vị trí này.
2. Có phương án dự phòng khi tín hiệu đường truyền kém
Có rất nhiều yếu tố khách quan có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc phỏng vấn, ví dụ như tiếng ồn xung quanh, tiếng ti vi, tiếng trẻ con, hay tín hiệu kém…
Bạn hãy cố gắng tìm một nơi yên tĩnh và tín hiệu tốt hơn ngay khi có thể. Nếu cuộc gọi của bạn bị gián đoạn, hãy trung thực thừa nhận điều này và hỏi người phỏng vấn bạn có thể lặp lại câu trả lời hoặc sắp xếp lại cuộc gọi hay không.
Về vấn đề tín hiệu, bạn nên dành chút thời gian tìm hiểu trước khi cuộc phỏng vấn diễn ra, để tránh rủi ro bị gián đoạn và có kế hoạch thay đổi địa điểm phỏng vấn. Điều này cũng phần nào cho thấy sự có chuẩn bị của bạn, sự tôn trọng dành cho nhà tuyển dụng.
3. Luyện tập phỏng vấn mẫu qua video hay điện thoại
Để thể hiện được tốt trên một cuộc gọi phỏng vấn đòi hỏi một loạt các kỹ năng.
Đầu tiên, vì bạn không mấy khi dùng video call nên việc xuất hiện trên màn hình khiến bạn thấy xấu hổ, ngại ngùng. Vậy thì hãy làm quen trước với camera bằng cách nhờ sự trợ giúp từ bạn bè hay người thân.
Thực hành trước với một người bạn, ghi hình lại và xem nó, để biết được bạn đã làm tốt chỗ nào và còn thiếu sót chỗ nào để tiến hành bổ sung.
Thêm một vấn đề nữa là việc diễn đạt ý qua ngôn ngữ cơ thể. Việc diễn đạt qua video thường sẽ khó khăn hơn bình thường. Do đó, bạn cần luyện tập và xem lại những gì mình đã thể hiện để có sự điều chỉnh phù hợp, đảm bảo nhà tuyển dụng hiểu được điều bạn đang muốn nói.
4. Dành thời gian để thiết lập điện thoại và webcam.
Cuộc gọi Skype và video call thường sẽ mất vài phút để thiết lập trạng thái tốt nhất, vì vậy bạn cần phải dành chút thời gian chuẩn bị, đảm bảo cuộc phỏng vấn được diễn ra suôn sẻ.
5. Đừng chuẩn bị thái quá, hãy cứ là chính bạn
Chuẩn bị trước một vài câu hỏi có khả năng được đưa ra là điều tốt. Đương nhiên rồi! Nhưng nếu giọng của bạn nghe cứ như đang đọc từ một kịch bản có sẵn thì sao nhỉ? Hãy chú ý giọng nói của mình, và tham gia phỏng vấn bằng một chất giọng tự nhiên và nhiệt tình.
Victoria McLean, một chuyên gia về viết CV và phỏng vấn cũng đồng ý, “Tôi đã từng tiến hành một cuộc phỏng vấn qua điện thoại và ứng viên cũng đã chuẩn bị sẵn hết các câu hỏi có khả năng được hỏi. Mỗi lần tôi đưa ra câu hỏi, tôi lại nghe thấy tiếng xào xạc dữ dội. Rõ ràng là cậu ấy đang lật tìm câu trả lời của mình. Không cần phải bàn cãi gì hết, cậu ấy bị loại ngay lập tức.”
6. Cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người phù hợp với văn hóa công ty.
Điều quan trọng khác bạn cần thể hiện với nhà tuyển dụng không chỉ có năng lực và kỹ năng, mà còn có sự phù hợp với văn hóa công ty. Hãy cố biến cuộc phỏng vấn thành một cuộc trò chuyện.
7. Nói chậm rãi và rõ ràng
Khi bạn đang lo lắng, bạn thường nói rất nhanh, nhưng điều này dễ trở thành vấn đề khi nhà tuyển dụng không thể nhìn thấy bạn một cách trực diện để dựa trên các tín hiệu thị giác khác và chọn bạn, bạn có thể bị bỏ lỡ một cách rất đáng tiếc.
Hãy nói lên quan điểm của bạn một cách chậm rãi và rõ ràng nhé.