4.0 rồi, liệu ngành nông nghiệp, ngư nghiệp còn cơ hội phát triển?
Ngày đăng tin: 06/06/2022 10:00
Thời đại của khoa học, công nghệ và kỹ thuật tiến bộ khiến nhiều người băn khoăn không biết có nên phát triển sự nghiệp của mình trong các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp - ngư nghiệp hay không. Câu hỏi đặt ra là, 4.0 rồi, liệu ngành nông nghiệp, ngư nghiệp còn cơ hội phát triển?
Những người làm việc trong các lĩnh vực này thực hiện những nhiệm vụ để nuôi trồng, đánh bắt, sản xuất rau quả, ngũ cốc và cây trồng, bò thịt, bò sữa, gia cầm và chăn nuôi gia súc khác, dịch vụ nông nghiệp (tất cả mọi thứ từ thuốc trừ sâu đến máy móc nông nghiệp), săn bắn và đặt bẫy, lâm nghiệp và khai thác gỗ, đánh bắt cá biển và nuôi trồng thủy sản.
Xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp, ngư nghiệp
Hàng hóa được sản xuất trong các ngành này thường được các nhà sản xuất mua để chế biến thành phẩm, bán nguyên liệu tươi trong nước hoặc xuất khẩu ra nước ngoài.
I. 4.0 rồi, liệu ngành nông nghiệp, ngư nghiệp còn cơ hội phát triển?
Ngành nông nghiệp, ngư nghiệp đã có những thay đổi đáng kể cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ. Ngày nay, ngành này đang được chuyển đổi bằng cách ứng dụng khoa học và công nghệ trong hầu hết các giai đoạn của quá trình nông nghiệp.
Ví dụ, cây trồng sinh học có khả năng kháng sâu bệnh hoặc sương giá, chịu được điều kiện khô hạn cho phép nông dân sản xuất nhiều lương thực hơn mà không cần sử dụng thuốc trừ sâu và tưới tiêu tốn kém. Việc sử dụng GPS trong máy kéo giúp nông dân cắt giảm thời gian trồng và thu hoạch một loại cây trồng, cho phép nhiều hàng cây trồng hơn được trồng trên mỗi mẫu đất. Khoa học mới nhất về di truyền học đang được sử dụng để nhân giống động vật với những đặc điểm cụ thể,...
Việc sử dụng các thiết bị và công nghệ hiện đại đã thay đổi cách thức phát triển ngành nông nghiệp, ngư nghiệp. Chẳng hạn tiêm phòng gia súc hay xây dựng thương hiệu trang trại, cơ sở nuôi trồng, sản xuất, v.v. đều được cơ giới hoá, hiện đại hoá. Việc sử dụng xe tải, thiết bị liên lạc di động và thiết bị định vị toàn cầu hiện nay cũng dần trở lên phổ biến và tiết kiệm thời gian quý báu cho người chăn nuôi.
Marketing đang trở nên quan trọng hơn trong nông nghiệp và ngư nghiệp. Nông dân đang nghĩ cách bỏ qua các đối tượng trung gian để bán trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc người dùng cuối khác. Ví dụ, một số người trồng rau và trái cây sử dụng chiến lược tiếp thị sản phẩm tự chọn, tham gia hội chợ nông sản, thiết lập các quầy hàng, ký hợp đồng với cửa hàng hoặc hàng tạp hoá để bán nông sản. Thậm chí, ở nhiều nơi, người ta bắt đầu bán sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp qua mạng xã hội hoặc nền tảng thương mại điện tử.
Qua những ví dụ trên chúng ta có thể thấy những tiến bộ của khoa học công nghệ thời 4.0 không những không cản trở cơ hội của việc làm trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp mà ngược lại còn thúc đẩy ngành phát triển theo hướng hiện đại hoá tập trung vào chất lượng và hiệu suất.
II. Việc làm trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và cơ hội phát triển
1. Nhu cầu của thị trường
Không chỉ nông dân, ngư dân làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp mà ngành này còn thu hút nhiều cá nhân quan tâm đến môi trường sống và tự nhiên. Một số vị trí công việc đòi hỏi số lượng lao động thể chất đáng kể trong khi những nghề nghiệp khác đòi hỏi kỹ thuật quan sát khoa học và trình độ chuyên môn cao. Nông nghiệp và ngư nghiệp luôn có vai trò quan trọng, cần thiết vì những sản phẩm, nguyên liệu của ngành này đóng góp, tác động đến cuộc sống của chính chúng ta.
Cơ hội phát triển của các ngành truyền thống như nông nghiệp, ngư nghiệp
Rất khó thống kê chính xác nhu cầu nhân lực với ngành nông nghiệp, ngư nghiệp vì hầu hết các cơ sở thường rất nhỏ. Nhìn chung, ngành này đa phần là những người lao động gia đình tự làm chủ và không tự trả lương. Bên cạnh đó, nhân công trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp cũng có xu hướng già hoá so với các ngành khác.
Có một thực tế là tỷ lệ chuyển đổi lực lượng lao động từ ngành nông nghiệp, ngư nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ rất đáng kể. Nhu cầu thị trường lao động với ngành này đang giảm dần nhưng nhu cầu với lao động có trình độ lại tăng, cụ thể là nhu cầu nhân lực được đào tạo chính quy có thể đóng góp vào nghiên cứu, phát triển giống mới, tăng năng suất của cây trồng, vật nuôi. Điều quan trọng nhất là nhân công phải có trình độ, kỹ năng, sẵn sàng áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào nuôi trồng, đánh bắt và chế biến, tiếp thị sản phẩm.
Theo thời gian, các sản phẩm của ngành nông nghiệp, ngư nghiệp sẽ hướng đến sản xuất hữu cơ, có chất lượng tốt, "sạch". Mô hình trang trại hoặc cơ sở nuôi trồng, chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn đang dần được ưa chuộng và đón nhận.
2. Thu nhập
Thu nhập của những người làm việc trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp rất khác nhau, tuỳ vào quy mô sản xuất và vị trí công việc. Nông dân có thu nhập dựa trên những gì họ nuôi trồng, ngư dân thu nhập dựa vào sản lượng đánh bắt,...
Trong khi đó, những sinh viên tốt nghiệp đại học, trở thành kỹ sư nông nghiệp có mức lương khởi điểm là khoảng từ 5 triệu. Khi đã có kinh nghiệm, bạn có thể kiếm được từ 9 đến 13 triệu đồng/tháng sau 2, 3 năm làm việc. Kỹ sư nông nghiệp có thâm niên có mức lương lên tới trên 30 triệu đồng/tháng.
3. Cơ hội sự nghiệp
Có nhiều vị trí công việc dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, trong đó phổ biến nhất là:
- Kỹ sư nông nghiệp.
- Nhân viên kinh doanh.
- Nhân viên phát triển thị trường.
- Cán bộ nghiên cứu.
- Cán bộ quản lý.
3.1. Cơ hội việc làm tại Việt Nam
Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn có thể về làm việc tại các cơ sở sau:
- Viện nghiên cứu.
- Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng về nông - lâm - ngư nghiệp.
- Công ty thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.
- Công ty giống cây trồng vật nuôi.
- Công ty nuôi trồng thuỷ sản xuất khẩu.
- Cơ quan nhà nước: Phòng/Sở Tài nguyên và Môi trường,...
- Công ty phân bón.
- Lập trang trại.
- Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp.
3.2. Cơ hội việc làm tại nước ngoài
Sinh viên tốt nghiệp các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp có thể cân nhắc tham gia các chương trình trao đổi hoặc tìm kiếm việc làm ở nước ngoài như Israel, Nhật Bản, v.v. Làm việc ở nước ngoài cung cấp cho bạn cơ hội nhận mức lương cao đáng mơ ước và có khả năng được tiếp cận với công nghệ mới ứng dụng trong nông nghiệp.
4. Khi nào thì được thăng chức?
Rất nhiều vị trí trong số các công việc của ngành nông nghiệp, ngư nghiệp là làm việc trong môi trường nhà nước, vì vậy thời gian thăng chức có thể lâu hơn so với làm tại công ty bên ngoài. Bạn có thể mất từ 5 - 7 năm, thậm chí là 10 năm để được cất nhắc lên các vị trí cấp cao hơn.
Trong khi đó, nếu phát triển sự nghiệp trong các viện nghiên cứu, công ty phân bón, thuốc thú y, giống cây trồng,... quá trình thăng tiến của bạn phụ thuộc nhiều vào khả năng và đóng góp thực tế.
Ngoài cơ hội thì ngành nông nghiệp, ngư nghiệp cũng có nhiều thách thức
5. Thách thức
5.1. Thiếu nguồn nhân lực trình độ cao
Ngành nông nghiệp, ngư nghiệp ở Việt Nam hiện nay đang thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, được đào tạo bài bản. Do đó, nếu muốn phát triển lâu dài trong ngành này, điều quan trọng là bạn phải học các chương trình chuyên nghiệp trong trường đại học, cao đẳng để có kiến thức, chuyên môn vững chắc.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo có thể chưa có được sự chuẩn hoá và bắt kịp với tiến bộ của các nước khác. Điều này đặt ra vấn đề về chất lượng đầu ra đối với sinh viên chuyên ngành nông nghiệp, ngư nghiệp.
5.2. Thích nghi với tiến bộ khoa học, công nghệ
Một thách thức khác với nhân lực trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp là phải liên tục học hỏi và sẵn sàng thích nghi với những thay đổi về mặt khoa học, công nghệ. Bạn cũng sẽ phải không ngừng nghiên cứu tìm ra những ứng dụng mới, cải thiện năng suất và chất lượng cho quy trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng. Nếu không thể bắt kịp, bạn sẽ dễ bị tụt hậu lại và không mang đến được những thay đổi tích cực cho công việc của mình.