• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

112535
Tổng số truy cập:112535
Khách đang online: 317
​Đàm phán lương, chốt lương: Những điều tuyệt đối không nên nói
Ngày đăng tin: 20/10/2022 10:32

Khi nói đến đàm phán lương và chốt lương, chúng ta đều nghĩ về một tình huống căng thẳng vì nếu "trót" nói những điều không nên nói thì bao công sức chuẩn bị xin việc trước đó "đổ sông đổ bể".

Đàm phán lương và chốt lương là cơ hội để ứng viên chứng minh bản thân và giành lấy quyền lợi về thu nhập cũng như các chế độ cạnh tranh nhất, hợp lý nhất cho mình. Do đó, việc lựa chọn các câu hỏi, tuyên bố cá nhân khi đàm phán lương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu như vô tình nói những nội dung thiếu khôn khéo, không phù hợp, rất có thể bạn sẽ trượt phỏng vấn.


Hướng dẫn cách đàm phán lương đạt hiệu quả cao
 
1. Tầm quan trọng của đàm phán lương, chốt lương
 
Đàm phán lương là bắt buộc dù là bạn lần đầu đi xin việc hay chuyển việc sang một vai trò mới. Đây cũng đồng thời là bước cực kỳ quan trọng ứng viên nào cũng nên thành thạo và cải thiện khả năng giao tiếp, thuyết phục và thậm chí là "PR" nâng cao giá trị bản thân để cuối cùng có được mức thu nhập lý tưởng như bạn kỳ vọng (hoặc cao hơn).
 
Cụ thể, việc đàm phán lương, chốt lương quan trọng là vì những lý do sau:
  • Quyền lợi của ứng viên: Ngày nay, việc trao đổi về mức thu nhập, ngày công, lương tháng, các khoản bonus,... là quyền lợi hợp pháp của ứng viên - không phải nhà tuyển dụng đưa bao nhiêu thì bạn đồng ý ngay lập tức. Nếu chưa cảm thấy thỏa đáng, hãy nói lên quan điểm của mình. Đàm phán lương giúp bạn và nhà tuyển dụng ra quyết định dễ dàng hơn (nhận việc hay không và gửi job offer hay không) và một khi đã đi đến thỏa thuận thì cả 2 bên đều hài lòng.
  • Khẳng định giá trị bản thân với nhà tuyển dụng: Trình độ, kỹ năng, phẩm chất của một ứng viên được thể hiện xuyên suốt quá trình tìm việc từ CV xin việc đến trả lời phỏng vấn, làm bài kiểm tra,... Tuy nhiên, bạn đừng quên rằng tất cả có thể bị mờ nhạt đi hoặc trở thành "phí hoài" khi bạn thể hiện kém trong đàm phán và chốt lương. Thông qua đàm phán và đạt được thỏa thuận, bạn khẳng định được giá trị, năng lực bản thân cũng như cho thấy kỹ năng giao tiếp, đàm phán hiệu quả.
  • Cơ hội nâng cao thu nhập: Làm việc trong bất kỳ ngành nghề nào, mục tiêu của hầu hết chúng ta là có mức lương tốt và các cơ hội phát triển nghề nghiệp. Lý do phổ biến để nhiều ứng viên lựa chọn công việc, công ty ứng tuyển và nhảy việc, chuyển việc cũng vì kỳ vọng thu nhập cao hơn. Thể hiện tốt trong phỏng vấn và đặc biệt là khi đàm phán lương là yếu tố quyết định việc bạn có tăng lương được không và tăng bao nhiêu.
2. Nên đàm phán lương qua email hay trực tiếp?
 
Có 2 phương thức đàm phán lương hay được sử dụng nhất là trực tiếp (ngay trong phỏng vấn) và gián tiếp (qua email). Tùy vào trường hợp cụ thể mà bạn lựa chọn một trong hai nhưng trước hết, hãy nắm được đặc điểm của mỗi hình thức trao đổi để đạt được thỏa thuận về lương nhé.

2.1. Đàm phán lương trực tiếp
 
Trong phỏng vấn, nhiều nhà tuyển dụng sẽ hỏi ứng viên về mức lương để ra quyết định tuyển dụng hay không. Những câu hỏi hay gặp về lương sẽ là:
  • Mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu?
  • Nếu trúng tuyển, bạn kỳ vọng mức lương thế nào?
  • Bạn có yêu cầu gì về mức lương không?
Đây chỉ là các câu hỏi để nhà tuyển dụng tìm hiểu, khai thác thông tin về kỳ vọng cũng như "định giá" mà ứng viên tự nhìn nhận về giá trị bạn đóng góp cho công ty. Nhiều nhà tuyển dụng nghe "để biết", sau đó đánh giá nếu bạn trúng tuyển sẽ gửi job offer kèm mức lương, các điều kiện phúc lợi qua email.
 
Bên cạnh đó, cũng có những nhà tuyển dụng sẽ nói luôn mức lương họ có thể trả cho bạn. Ở trường hợp thứ 2, bạn cần phải đàm phán lương trực tiếp.
 
Ưu điểm:
  • Bạn đã thể hiện tốt và có khả năng trúng tuyển cao.
  • Quan sát được thái độ, lắng nghe ngữ điệu giọng nói của nhà tuyển dụng để điều chỉnh cách đàm phán kịp thời và hướng hiệu quả.
  • Có bất kỳ thắc mắc nào về công việc, mức lương và chế độ, quyền lợi và nghĩa vụ có thể trao đổi ngay lập tức để minh bạch thông tin.
Nhược điểm:
  • Áp lực.
  • Không có nhiều thời gian suy nghĩ, cân nhắc và so sánh với các cơ hội khác.
  • Có thể luống cuống hoặc nóng vội và đi đến thỏa thuận lương bất lợi, "thiệt thòi" cho bạn; hoặc thái độ quá cứng rắn khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng xấu về bạn.

Tìm hiểu ưu và nhược điểm của đàm phán lương trực tiếp
 
2.2. Đàm phán lương qua email
 
Trong khi đó, đàm phán lương qua email thì có phần phổ biến hơn là trực tiếp. Sau khi hỏi bạn về mức lương mong muốn, nhà tuyển dụng sẽ so sánh ứng viên, quyết định chọn ai và nếu người đó là bạn, thư mời nhận việc sẽ được gửi tới bạn. Trong email sẽ bao gồm thông báo trúng tuyển, vị trí, công việc, thời gian đi làm, giờ giấc, lương (và phụ cấp) cũng như các thông tin chi tiết khác về cơ hội công việc.
 
Khi chưa hài lòng với mức lương nhà tuyển dụng đưa ra (hoặc có câu hỏi nào khác), bạn có thể gửi email hỏi lại, xác nhận lại. Đàm phán lương qua email có đặc điểm là:

Ưu điểm:
  • Ứng viên và nhà tuyển dụng có thời gian suy nghĩ, cân nhắc và phản hồi.
  • Ít áp lực hơn so với trao đổi trực tiếp.
  • Vì có thời gian suy nghĩ nên cách diễn đạt, trình bày sẽ hoàn thiện hơn, logic và thuyết phục hơn.
Nhược điểm:
  • Có thể phải gửi email qua lại nhiều lần khi 2 bên chưa thống nhất được mức lương.
  • Kéo dài thời gian ảnh hưởng tới cơ hội việc làm.
  • Ứng viên khó đoán biết thái độ của nhà tuyển dụng, không biết lúc nào nên tiếp tục deal lương và lúc nào nên dừng lại (vì không còn cơ hội tăng).
Kết luận: Mỗi hình thức đàm phán và chốt lương đều sẽ có ưu, nhược điểm nên điều quan trọng nhất vẫn là ứng viên biết cách chuẩn bị và sẵn sàng đàm phán trong tất cả các tình huống.
 
3. Thời điểm phù hợp để đàm phán lương
 
Thực tế, việc đàm phán lương thì nhà tuyển dụng thường là bên chủ động đề cập đến, nghĩa là ở vai trò ứng viên, bạn nên nói khi đã được hỏi và thông báo về lương. Có những thời điểm được cho là thích hợp nhất để đàm phán lương là:
  • Khi biết rõ khối lượng, yêu cầu công việc và được nhà tuyển dụng hỏi trong phỏng vấn: Như bạn đã biết, phỏng vấn là cơ hội để nhà tuyển dụng hiểu về bạn, trong khi bạn hiểu hơn về công việc và công ty. Đừng vội đàm phán lương khi chưa thực sự hiểu rõ về công việc, các nhiệm vụ, yêu cầu. Thời điểm bạn đã tường minh mọi thông tin có thể và được nhà tuyển dụng hỏi về lương, lúc đó hãy nói về mong muốn của bạn.
  • Sau khi nhận được lời mời làm việc: Đây chắc chắn là thời điểm phù hợp nhất để bạn đàm phán lương vì lúc này, bạn đang ở thế chủ động, đã chính thức trúng tuyển.
Ngược lại, có những thời điểm hoàn toàn không phù hợp để đề cập tới mức lương mong muốn như:
  • Ngay khi vừa bắt đầu phỏng vấn.
  • Vào cuối buổi trao đổi, khi nhà tuyển dụng hỏi "Bạn có câu hỏi nào không?".
  • Chưa có phản hồi, thông báo về kết quả phỏng vấn mà bạn đã gọi điện, gửi email hỏi về lương.

Khi nào nên đàm phán chốt lương?
 
4. Những điều cấm kỵ không nên đề cập khi đàm phán lương
 
Đàm phán lương là một nghệ thuật giao tiếp và đàm phán không phải ai cũng giỏi. Càng là những điều liên quan trực tiếp tới lợi ích, sự nghiệp thì người ta càng dễ phạm sai lầm - có nhiều ứng viên đã không may "lỡ lời" nói những điều tuyệt đối không nên nói trong đàm phán và chốt lương.

4.1. Tôi muốn mức lương là....
 
Đây là cách trả lời quá trực tiếp và tạo cảm giác không thể đàm phán thêm, nghĩa là bạn đã quyết định chỉ làm việc khi được trả mức lương đó. Hơn nữa, rõ ràng bạn có mong muốn của mình nhưng nhà tuyển dụng cũng vậy. Trong đàm phán, đừng vội nói ra kỳ vọng của mình mà hãy quan sát và điều chỉnh giao tiếp theo đối phương.
 
Thay vì nói "Tôi muốn mức lương là...", bạn cần đảm bảo sẽ có sự dẫn dắt khéo léo, ví dụ "Dựa trên những tìm hiểu của tôi về thị trường thì mức lương trung bình cho vị trí [tên vị trí] hiện nay là khoảng...".
 
4.2. Đây là con số cuối cùng công ty muốn trả để thuê tôi?
 
Không quá khi nói rằng cách bạn hỏi lại nhà tuyển dụng "Đây là con số cuối cùng công ty muốn trả để thuê tôi?" có phần ngạo mạn và một chút "xấc xược". Cách đặt câu hỏi như thế này rất phản cảm và tạo cảm xúc tiêu cực cho chính bạn cũng như đối phương. Có phải là mức lương "chốt" cuối cùng hay không thì chính cuộc đàm phán lương đang diễn ra sẽ là yếu tố quyết định, hãy bình tĩnh và kiên nhẫn, không nói điều này (hoặc tương tự) bạn nhé.
 
4.3. Với mức lương thế này thì không đủ sống
 
Mỗi người có một mức sống, thói quen chi tiêu và nhu cầu sử dụng tiền bạc khác nhau. Với bạn, mức lương như nhà tuyển dụng đưa ra không đủ sống nhưng năng lực, kinh nghiệm của bạn chỉ được "định giá" như thế. Cũng có thể, quỹ lương của công ty cho vị trí bạn ứng tuyển được giới hạn, tối đa là vậy. Nếu không chấp nhận nổi thì bạn vẫn có thể đàm phán thêm hoặc tìm cơ hội việc làm khác. Việc than vãn "đủ" hay không không phải cách hay để đàm phán lương.
 
4.4. Hiện tại tôi có nhiều offer cao hơn nhiều
 
Một hiểu lầm tai hại mà nhiều ứng viên phạm phải đó là thể hiện rằng mình đang được săn đón, mình rất giỏi nên nhiều công ty muốn tuyển và sẵn sàng trả lương cao hơn. Tuyên bố "Hiện tại tôi có nhiều offer cao hơn nhiều" không giúp bạn gia tăng giá trị bản thân, ngược lại, nó khiến nhà tuyển dụng khó chịu vì cảm thấy không được tôn trọng.
 
Nếu có offer cao hơn, bạn có thể cân nhắc lựa chọn công việc đó - thay vì nói với nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, nếu bạn chứng minh được mình, rất có thể ở công ty bạn đang đàm phán lương cũng sẽ trả cho bạn mức lương cao hơn. Nói cách khác, bạn hãy tập trung vào việc vì sao bạn xứng đáng với mức lương cao hơn chứ không phải "chém gió" rằng bạn được trọng vọng ra sao.
 
4.5. Có rất nhiều công ty muốn tuyển tôi
 
Tương tự như câu trên, việc bạn nói trong đàm phán lương rằng có rất nhiều công ty muốn tuyển tôi là một cách thuyết phục rất "trẻ con" và kém hiệu quả. Lời khuyên của Cevn là bạn hãy tập trung vào ngụ ý của nhà tuyển dụng khi đặt câu hỏi cũng như khi dẫn dắt bạn trong phỏng vấn. Tập trung vào ngụ ý của họ thay vì "trần sì" trả lời câu hỏi hoặc đưa ra các tuyên bố kiêu ngạo, tự phụ.
 

Những điều cần tránh nói khi đàm phán lương
 
4.6. Lúc mới ra trường tôi đã có mức lương như anh/ chị vừa đưa ra rồi
 
Phỏng vấn và deal lương giống như một quá trình "mua - bán", nghĩa là "thuận mua vừa bán". Bạn có yêu cầu, mong muốn của mình, nhà tuyển dụng cũng vậy và đàm phán sẽ thành công (hay thất bại) tùy theo khả năng chấp nhận và nhượng bộ của 1 trong 2 bên (hoặc cả 2).
 
Việc nói rằng bạn đã được trả mức lương mà nhà tuyển dụng đề nghị từ khi ra đường cho thấy sự kiêu ngạo và thái độ cự tuyệt, sẽ không muốn thảo luận gì thêm về mức lương.
 
4.7. Không (và thái độ cự tuyệt, tiêu cực)
 
Những câu trả lời cộc lốc và kiên quyết như "Không", "Tôi không chấp nhận mức lương đó", "Không đời nào",... hoàn toàn không phải điều đúng đắn mà bạn nên nói trong đàm phán lương. Sự từ chối rõ ràng, không nhân nhượng, thậm chí là không kèm theo lời giải thích của bạn sẽ kết thúc ngay lập tức buổi đàm phán mà kết quả là bạn và nhà tuyển dụng không có cơ hội nào để đạt được thỏa thuận.
 
4.8. Tôi xứng đáng nhận mức thu nhập tối hơn con số anh/ chị đưa ra
 
Thêm một kiểu tuyên bố cá nhân quá tự tin và kiêu ngạo khác một số ứng viên "trót" thể hiện trước nhà tuyển dụng là khẳng định rằng bạn xứng đáng nhận được nhiều hơn. Việc bạn có xứng đáng hay không không hoàn toàn do bạn quyết định, hơn nữa, đôi khi dù bạn giỏi chuyên môn và có kinh nghiệm nhưng chưa phù hợp với công ty thì có nghĩa là bạn vẫn bị loại hoặc không được trả lương cao.
 
Tất cả những gì bạn có thể làm là hãy thể hiện hình ảnh bản thân tốt nhất có thể trong phỏng vấn và nếu chưa hài lòng với offer nhà tuyển dụng đưa ra,hãy lịch sự và khéo léo đề nghị xem xét thêm.
 
4.9. Tôi cần nhiều tiền hơn
 
Tiền quan trọng nhưng không có nghĩa bạn thể hiện rõ ràng, sòng phẳng rằng bạn "cần nhiều tiền hơn". Cách nói, cách diễn đạt của bạn với câu khẳng định này sẽ khiến đối phương nghĩ rằng bạn đi làm là hoàn toàn vì tiền, quá thực tế và không có định hướng nghề nghiệp, không muốn trân trọng cơ hội học hỏi cũng như phát triển bản thân.
 
Với câu này, nếu bạn trót nói ra và dù sau đó đàm phán lương vẫn tiếp tục diễn ra thì trong quan điểm của nhà tuyển dụng, bạn không phải là ứng viên "an toàn", có nguy cơ dễ nghỉ việc nếu bên khác trả lương cao hơn. Ngoài ra, hình ảnh của bạn cũng có thể là người không có lý tưởng nghề nghiệp tương lai, khó vượt khỏi ngưỡng hiện tại.
 
4.10. Với mức lương như thế này, tôi e là anh/ chị sẽ chẳng tuyển được nhân tài nào đâu
 
Khác với những câu hỏi, lời tuyên bố ở trên, khi bạn đánh giá mức lương nhà tuyển dụng đưa ra với thái độ "Với mức lương như thế nào, tôi e là anh/ chị sẽ chẳng tuyển được ai đâu" có vẻ giống như lời đe dọa, dự đoán tiêu cực. Bạn có thể không chấp nhận mức lương đó hoặc cảm thấy ít nhiều không hài lòng vì "tại sao họ lại đưa ra mức lương thấp tới vậy" nhưng rồi bạn và công ty đều sẽ tìm được việc làm/ ứng viên phù hợp.
 
5. Nên nói gì, hỏi gì với nhà tuyển dụng khi đàm phán lương?
 
Trái ngược với những câu nói, câu hỏi cấm kỵ khi deal lương, chốt lương là những điều bạn nên nói để giành thế chủ động và có thể đạt được thỏa thuận tốt nhất, điển hình như:
  • Công ty có hỗ trợ những chế độ phụ cấp, lương thưởng nào khác hay không: Kiểu câu hỏi này cho thấy bạn là ứng viên có tầm nhìn xa, quan tâm toàn diện tới quyền lợi cũng như các cơ hội của mình thay vì chỉ chú ý đến mức lương - mà thậm chí bạn còn chưa biết nó sẽ bao gồm những khoản nào. Ở nhiều vị trí công việc, đôi khi lương cứng nghe khá thấp nhưng phụ cấp, các khoản thưởng doanh số,... lại cao hơn lương nên tổng thu nhập sẽ rất cạnh tranh.
  • Công ty có những quy định gì về việc tăng lương hay không: Thực chất, khi hỏi câu này, bạn vừa thể hiện được rằng bạn chưa hài lòng với offer, vừa tìm hiểu kỹ hơn về quy chế, cơ hội tăng lương của bạn. Nhà tuyển dụng có thể cho bạn biết bao lâu thì công ty tiến hành review lương một lần và/ hoặc một số tiêu chuẩn để được tăng lương, tỷ lệ phần trăm mỗi lần tăng lương thấp nhất và cao nhất là bao nhiêu. Qua đó, bạn cũng có thể ra quyết định chính xác hơn và đặt mục tiêu phấn đấu nếu chấp nhận được.
  • Khi nào thì em/ tôi được đóng bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm sức khỏe rất quan trọng với nhân sự mọi ngành nghề. Đây là phúc lợi cơ bản và là một "khoản thu" khác của bạn về lâu dài. Hỏi về bảo hiểm không bao giờ là thừa trong đàm phán lương vì có công ty đóng bảo hiểm 100% lương hoặc đóng theo mức lương cơ bản, cũng có công ty chỉ đóng cho nhân sự làm việc sau 3 - 6 tháng,...
  • Anh/ Chị có thể cho em/ tôi thêm thời gian suy nghĩ không: Vì quyền lợi của mình, khi chưa nghĩ kỹ thì bạn có thể xin thêm thời gian suy nghĩ và quyết định nhận việc hay không. Lưu ý là để chuyên nghiệp, bạn có thể đưa ra một thời hạn là mình sẽ báo lại trong thời gian bao lâu, qua "kênh" nào (email hay điện thoại).

Đàm phán lương nên nói gì để giành thế chủ động?
 
6. Mẹo đàm phán lương, chốt lương hiệu quả

6.1. Chuẩn bị đàm phán lương
 
Giai đoạn chuẩn bị giúp ích rất nhiều để quá trình đàm phán lương, chốt lương suôn sẻ sau đó. Quy trình chuẩn bị sẵn sàng để đàm phán lương gồm có:
  • Tìm hưởng mức lương, thu nhập của ngành nghề, lĩnh vực: Bạn sẽ biết được với vị trí bạn ứng tuyển, số năm kinh nghiệm tương ứng thì thị trường đang trả lương bao nhiêu - cả mức khởi điểm, trung bình và mức cao.
  • Biết giá trị của bạn (xứng đáng với mức lương bao nhiêu): Từ bước 1, bạn sẽ tự đánh giá khách quan nhất có thể để ước chừng khoản lương mình muốn nhận và có thể nhận.
  • Đặt ra khoảng giới hạn bạn có thể chấp nhận từ trước: Từ khi bắt đầu tìm việc, bạn đã cần có một khoảng lương mong muốn bao gồm cả thấp nhất là bao nhiêu (thì chấp nhận được). Qua đó, bạn sẽ kiên định hơn khi chính thức deal lương và cũng tránh hạ tiêu chuẩn, hạ lương tới mức quá thấp.
  • Bỏ qua cân nhắc dựa trên mức lương trước đây của bạn: Lúc trước, bạn có thể đang nhận lương 10 triệu và sang công việc mới bạn có thể nhận tới 15 - 17 triệu/ tháng hoặc chỉ còn 9 triệu/ tháng kèm theo nhiều điều kiện phúc lợi và cơ hội đào tạo lý tưởng hơn. Việc căn cứ vào mức lương cũ dễ khiến bạn tự hạn chế kỳ vọng và cơ hội hoặc cứng nhắc khi đàm phán lương.
  • Tập trung vào mức lương và điều kiện phúc lợi: Lương chỉ là một phần, các loại bảo hiểm, chế độ nghỉ phép, thiết bị làm việc, thưởng, nghỉ lễ tết, du lịch,... cũng quan trọng không kém.
  • Hy vọng vào mức lương lý tưởng nhất nhưng có chuẩn bị cho trường hợp tệ nhất: Tất cả chúng ta đều có quyền kỳ vọng vào điều kiện tốt nhưng đừng quên "chuẩn bị tâm lý" cho các trường hợp kém lý tưởng hơn vì nghĩ đến tình huống tệ nhất thì khi xảy ra, bạn nghe thấy một đề nghị thấp "không tưởng" cũng không quá thất vọng hoặc bực bội.
6.2. Khi đàm phán lương, chốt lương
 
Đến khi thực sự bắt đầu trao đổi đề đàm phán đi đến thỏa thuận về mức lương, bạn cần:
  • Tự tin: Thái độ và tâm thế ảnh hưởng tới cách bạn nói, lắng nghe và phản hồi cũng như đàm phán. Nếu bạn tự tin, bạn dễ deal được lương cao hơn.
  • Cho thấy bạn có thể đóng góp những gì: Có thể nói, đây là phần thông tin quan trọng nhất quyết định mức lương cuối cùng bạn có thể thỏa thuận với nhà tuyển dụng. Chứng minh được giá trị của mình, bạn sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng rằng bạn xứng đáng được trả lương cao vì tài năng hiện tại cũng như triển vọng đóng góp trong tương lai.
  • Nhìn vào tương lai, không phải quá khứ: Có những cơ hội nào để bạn tăng lương, thăng chức, tham gia đào tạo, phát triển thương hiệu cá nhân để tiến xa trong nghề nghiệp của mình? Hãy luôn nhớ, lương là một phần nhưng các điều kiện khác công ty đưa ra có thể giúp bạn thực hiện ước mơ, nguyện vọng trong dài hạn thì còn quan trọng và ý nghĩa hơn.
  • Thái độ tích cực: Lắng nghe tích cực và phản hồi với sự thoải mái, hợp tác, cho thấy bạn có thể trao đổi thêm sẽ tốt hơn là đàm phán lương nhưng bạn chán nản, cáu giận hoặc căng thẳng khi nghe được các thông tin từ nhà tuyển dụng. Trong một số tình huống, rất có thể nhà tuyển dụng chỉ đang "thử" bạn mà thôi.
  • Nói ra một con số cao hơn thực tế kỳ vọng của bạn, chờ NTD phản ứng: Chắc chắn không nhà tuyển dụng nào đồng ý ngay mức lương ứng viên đề xuất, vì thế, để tránh bị "đì" lương sau đó, bạn hãy nói con số cao hơn cả kỳ vọng thực tế của bạn (nhưng không quá).
  • Yêu cầu mức cao hơn nếu nhà tuyển dụng đưa ra con số thấp hơn: Nếu bạn cảm thấy con số nhà tuyển dụng đưa ra hơi thấp, chưa phù hợp, hãy thẳng thắn đề nghị rằng "Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu...", "Tôi sẽ cảm thấy thoải mái và yên tâm làm việc hơn nếu...".
  • Không đưa ra khoảng lương: Ứng viên có thể thấy nhiều lời khuyên rằng đừng nói ra con số chính xác mà hãy nói về khoảng lương. Tuy nhiên, chắc hẳn bạn cũng biết rằng, nếu bạn nói một khoảng, ví dụ 10 - 15 triệu/ tháng thì nhà tuyển dụng sẽ chỉ offer mức thấp 10 - 11 triệu thôi.
  • Liên kết với mức trung bình của thị trường (theo vị trí, số năm kinh nghiệm): Một cách khôn khéo và thông minh để đàm phán lương là bạn liên kết với mức lương phổ biến của ngành nghề, vị trí tương tự mà bạn đã tìm hiểu. Hãy nói với nhà tuyển dụng rằng "Qua tìm hiểu, em/ tôi thấy rằng....", "Tìm hiểu mức lương của các vị trí với số năm kinh nghiệm tương tự, em/ tôi thấy là...".
  • Nói về lương, không nói về nhu cầu cá nhân: Bạn cảm thấy lương thấp, chưa phù hợp với nhu cầu, mức sống, "chẳng đủ" để bạn mua đồ này hay chi tiêu khoản khác nhưng đó là vấn đề của từng cá nhân. Deal lương cần tránh nói về nhu cầu của bạn, thay vào đó, chỉ tập trung vào lý do vì sao bạn xứng đáng nhận được nhiều hơn.
  • Đặt câu hỏi: Có thông tin nào chưa rõ, bạn hãy thẳng thắn hỏi lại miễn là lịch sự và đúng trọng tâm vì bạn đang nghiêm túc xem xét cơ hội hợp tác.
  • Xem xét các lựa chọn khác: Trường hợp bạn cảm thấy không khả quan để tiến xa hơn trong đàm phán lương, hãy duy trì thái độ lịch sự và tiếp tục tìm cơ hội khác.

Bí quyết đàm phán lương như mong muốn
 
7. Phản ứng khi không đàm phán được mức lương mong muốn
 
Lưu ý: Không có đảm bảo thực sự trong đàm phán lương, nghĩa là bạn có thể nhận lương rất cao, phù hợp hoặc được đề nghị mức lương thấp hơn bạn nghĩ. Bởi vì chưa thống nhất được nên bạn và nhà tuyển dụng đang trao đổi, có thể thỏa thuận hoặc không.
 
Một khi thất bại trong nỗ lực đàm phán lương, bạn hãy:
  • Không cáu giận, tỏ thái độ tiêu cực: Nếu bạn có thái độ tồi, bạn đang tự chứng minh với nhà tuyển dụng rằng mình thậm chí còn không có sự chuyên nghiệp xứng đáng với mức lương họ đưa ra.
  • Nghe về mức lương thấp hơn nhiều, bạn vẫn có thể tiếp tục đàm phán: Luôn có cơ hội để "nói lại" về lương và chế độ, do đó, bạn đừng nên vừa nghe nhà tuyển dụng nói rằng "Mức lương chúng tôi trả cho bạn sẽ là X triệu/ tháng" và bạn ngay lập tức nói ra đáp án bạn không đồng ý. Một khi bạn có thiện chí, nhà tuyển dụng cũng có thể cân nhắc thêm.
  • Luôn đàm phán lương khi xét tới các điều kiện khác (thưởng, cơ hội đào tạo, thăng tiến,...): Như đã nói, đừng quá cứng nhắc với con số tiền lương chính thức, hãy nhìn tới các cơ hội và cam kết khác của nhà tuyển dụng để deal lương hiệu quả.

Tránh nói những điều cấm kỵ và tập trung vào thế mạnh như kinh nghiệm, trình độ, năng lực thực tế sẽ giúp bạn đàm phán lương, chốt được mức lương lý tưởng nhất cho mình. Vận dụng ngay những tips Cevn chia sẻ trên đây để deal lương thành công nhé!

Số lượt đọc: 829 -