Nên ghi gì vào mục hoạt động trong CV xin việc?
Ngày đăng tin: 01/10/2022 21:16
Mục hoạt động ngoại khóa trong CV không chỉ là một cách tuyệt vời để thể hiện sở thích và cá tính của ứng viên mà còn chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn sở hữu một loạt các kỹ năng có giá trị mà bạn có thể áp dụng trong công việc.
Trong CV, mục hoạt động dường như chỉ là một nội dung "bổ sung" chứ không phải phần thông tin chính mà nhà tuyển dụng quan tâm. Dù vậy thì nếu bạn biết điều chỉnh, phần này có thể đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng hình ảnh cá nhân như một ứng viên đa tài, năng nổ, tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng. Vậy câu hỏi đặt ra lúc này là bạn nên ghi những gì vào mục hoạt động trong CV xin việc?
Cách ghi mục hoạt động trong CV xin việc
Những trải nghiệm nên được ghi vào mục hoạt động trong CV xin việc
1. Thể thao
Chơi thể thao là một cách tuyệt vời để thể hiện cá tính, đam mê và sức mạnh của một người. Nếu bạn thích chơi thể thao và chơi giỏi một (vài môn), tham gia các câu lạc bộ, các đội thi đấu thì tại sao bạn lại không đề cập đến nó trong CV? Chỉ cần đảm bảo rằng bạn có thể liên kết hoạt động chơi thể thao này với vai trò bạn đang ứng tuyển thì bạn đã thành công một nửa trong việc để lại ấn tượng tích cực hơn với nhà tuyển dụng. Ví dụ như, bản chất cạnh tranh của bạn có thể khiến bạn kiên trì, tham vọng và không lùi bước trong công việc.
Các kỹ năng mà hoạt động chơi thể thao phản ánh: teamwork (làm việc nhóm), cống hiến, thể lực, khả năng cạnh tranh, độ tin cậy.
2. Văn hóa, văn nghệ
Một hoạt động khác cũng có thể đưa vào mục hoạt động trong CV xin việc đó là những gì liên quan đến văn hóa văn nghệ như biểu diễn trên sân khấu, làm MC, v.v. Cần rất nhiều can đảm và sự tự tin để đứng trước đám đông, để biểu diễn thành công - và đó cũng là những gì nhà tuyển dụng muốn thấy, đặc biệt là trong những công việc cần sự quyết đoán như chăm sóc khách hàng, kinh doanh, bảo hiểm, hay truyền thông nội bộ, marketing.
Nếu khi còn đi học bạn là thành viên của ban nhạc, nhóm nhạc của lớp, của trường, từng trình diễn trong các sự kiện, v.v. thì bạn đừng quên ghi vào CV của mình nhé.
Một số kỹ năng mà các hoạt động này phản ánh về năng lực của bạn là: Sự tự tin, khả năng giới thiệu bản thân, kỹ năng hợp tác, chú ý đến chi tiết và sáng tạo, năng động.
3. Học ngoại ngữ
Dù bạn
xin việc vào vị trí nào, làm công việc trong ngành nào thì hầu hết các nhà tuyển dụng đều yêu thích ứng viên ham học hỏi và chủ động sắp xếp để đạt được mục tiêu. Việc học một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ, ngoài ngoại ngữ bắt buộc trong trường, v.v. không chỉ giúp bạn sẵn sàng cho các vai trò trong giảng dạy, phiên dịch hay đơn giản là khi đi du lịch mà nó cũng có thể giúp CV xin việc của bạn tỏa sáng. Không chỉ thu hút nhà tuyển dụng trong nước mà sự nhiệt tình, ham học hỏi của bạn cũng có thể khiến các tổ chức phi chính phủ, tập đoàn đa quốc gia đánh giá cao.
Khi liệt kê các chương trình học ngoại ngữ (hoặc năng khiếu) vào mục hoạt động trong CV xin việc, bạn có thể bao gồm các thành tích mà mình đạt được hoặc mức độ thành thạo. Những
kỹ năng mà hoạt động này cho thấy là sự tận tâm, sẵn sàng học hỏi, kỹ năng giải quyết vấn đề, kiên nhẫn và nỗ lực.
Kỹ năng ngoại ngữ nếu có sẽ gia tăng lợi thế trúng tuyển cho ứng viên
4. Tình nguyện và gây quỹ
Thông thường, nội dung được ghi nhiều nhất trong mục hoạt động của CV xin việc là các hoạt động tình nguyện. Xu hướng này có nguyên nhân cụ thể, là vì các hoạt động tình nguyện, gây quỹ hoặc cố vấn đều là những cách tuyệt vời để thể hiện cách bạn đóng góp cho xã hội. Từ việc quyên góp sách vở, quần áo cũ, bán hàng thủ công gây quỹ đến dạy ngoại ngữ cho trẻ em vùng cao vào dịp Hè đều là những cố gắng rất đáng quý của bạn và bạn hoàn toàn có thể đề cập đến trong CV.
Thông qua đó,
nhà tuyển dụng sẽ thấy ở bạn kỹ năng lãnh đạo, sự khéo léo, tinh thần chủ động, sự mạnh mẽ và bản lĩnh.
5. Các hoạt động liên quan đến công việc
Mặc dù hiện tại bạn có thể chưa nhận ra nhưng nhiều hoạt động ngoại khóa có thể là bước đầu tiên bạn thực hiện để hướng tới sự nghiệp mơ ước của mình. Nếu bạn có sở thích và thường tham gia các hoạt động liên quan đến một ngành nhất định như viết bài truyền thông, lập trình, tham gia các cuộc thi vẽ, v.v. thì bạn nên đề cập đến trong CV của mình - khi xin làm biên tập, nhân viên truyền thông, lập trình viên hay thiết kế.
Mục hoạt động trong CV xin việc không quá quan trọng nhưng lại giúp nhà tuyển dụng có ấn tượng rõ hơn về bạn như một
ứng viên toàn diện, từ đó mở rộng
cơ hội trúng tuyển. Bạn có thể cân nhắc đề cập tới một vài hoạt động mà bạn có tham gia và xuất sắc nhất.