10 mẫu mục tiêu nghề nghiệp hay nhất để làm CV và khi phỏng vấn
Ngày đăng tin: 28/12/2022 15:01
Khi tìm việc làm, ứng viên không chỉ viết phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV ứng tuyển mà thông thường, nhà tuyển dụng cũng sẽ hỏi rõ hơn câu hỏi này trong cuộc phỏng vấn. Dù cho mục tiêu nghề nghiệp của mỗi người là khác nhau, nhưng nếu muốn vượt qua vòng phỏng vấn, ứng viên đều cần biết cách diễn đạt thật thuyết phục, cho thấy đam mê, tham vọng của bạn.
Vẫn có những ứng viên và nhân viên thường xuyên đưa ra câu trả lời về mục tiêu nghề nghiệp không chắc chắn hoặc không mấy thuyết phục do hạn chế về mặt tư duy. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn? Chúng là gì? Làm thế nào để thiết lập mục tiêu ngắn hạn, dài hạn? Và làm sao để thuyết phục nhà
tuyển dụng với những mục tiêu này.
Các cách trả lời mục tiêu nghề nghiệp hay nhất
I. Mục tiêu nghề nghiệp là gì?
Trong khi hầu hết mọi người đều cho rằng mục tiêu nghề nghiệp chính là thành quả cuối cùng mà bạn muốn đạt được thì nó thực sự lại là các bước bạn cần thực hiện để đạt được kết quả cuối cùng. Đó chính là những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn sẽ đưa bạn đến con đường mà mình muốn cũng như giúp bạn đạt được mong muốn của mình.
Một khi đã xác định được mình muốn làm gì - trở thành CEO, quản lý, hay chủ doanh nghiệp,... thì việc xác định các bước đi để hiện thực hóa mục tiêu đó cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
II. Cách đặt mục tiêu nghề nghiệp giúp bạn phát triển sự nghiệp
Bạn chắc hẳn đã từng đặt ra cho mình một mục tiêu trong năm mới và cũng giống như 80% số người sinh sống trên trái đất này, mục tiêu ấy sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực.
Vậy, một khi đã xác định được mục tiêu cuối cùng của mình là gì, thì làm thế nào để có thể đánh bại mọi khó khăn và giữ vững mục tiêu ấy? Nếu như trước đây bạn chưa từng nghe nói tới cụm từ "SMART goals" (mục tiêu thông minh) thì đây chính là lúc để bạn làm quen với khái niệm này. SMART là từ viết tắt của những từ dưới đây và cũng là những nguyên tắc cơ bản cần áp dụng khi đặt mục tiêu cho bản thân:
- Specific (Cụ thể)
- Measurable (Vừa phải)
- Achievable (Khả thi)
- Realistic (Thực tế)
- Timely (Kịp thời)
Về cơ bản, bạn cần chia một mục tiêu lớn thành các công việc nhỏ, đơn giản hơn. Như vậy, bạn sẽ không bị nản chí trong quá trình thực hiện cũng như sẽ cảm thấy hài lòng mỗi khi hoàn thành một việc nhỏ và tự tạo động lực cho mình để hoàn thành mục tiêu lớn hơn.
III. 10 mẫu mục tiêu nghề nghiệp hay nhất để làm CV và khi phỏng vấn
3.1. Mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn
3.1.1. Rèn luyện kỹ năng mới
Cho dù bạn làm công việc gì đi chăng nữa, thì cũng có hàng trăm công ty khác nhau trên toàn cầu hiện đang tìm kiếm người tài. Do đó, khi càng tích lũy được nhiều kỹ năng thì cơ hội của bạn sẽ càng cao hơn. Tuy nhiên, không phải là bạn sẽ đi học Kickboxing khi đang làm trong ngành bảo hiểm. Hãy chắc chắn rằng kỹ năng mới mà bạn muốn rèn luyện phải liên quan đến mục tiêu của ngành nghề mà bạn đang theo đuổi nhé.
3.2.2. Xây dựng quan hệ
Khả năng kết nối với mọi người xung quanh và tạo ảnh hưởng tích cực sẽ giúp bạn tiến bộ và nhanh chóng đạt được mục tiêu trong công việc. Quá trình tạo dựng quan hệ không chỉ đơn giản là nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp. Đó còn là phát phát triển các mối quan hệ xã hội và công việc mà thông qua đó bạn có thể trao đổi thông tin và học hỏi nhiều điều mới.
3.1.3. Thực tập trong một công ty lớn để tích lũy kinh nghiệm
Bạn có biết rất nhiều người thành đạt hiện nay ban đầu đã phải làm những công việc không công. Những người nổi tiếng như Steven Spielberg, Oprah Winfrey, Tom Hanks, và Conan O'Brien đều phải bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất thế nhưng chúng lại mang đến những kinh nghiệm vô giá.
Cho dù bạn chỉ mới tốt nghiệp hay đang muốn bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn khác, thì việc đi thực tập trong một công ty lớn cũng là cách tốt nhất để giúp bạn có được cái nhìn chân thực nhất về ngành nghề đó. Tham khảo bài viết sinh viên không đi thực tập là một sai lầm để bạn rút đúc kinh nghiệm cho bản thân nhé.
Hướng dẫn cách trả lời mục tiêu ngắn hạn trong phỏng vấn
3.1.4. Khởi nghiệp
Thành lập doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng, nhưng không ai có quyền ngăn cản bạn làm điều đó. Nhờ có Internet, nhiều lĩnh vực kinh doanh đã trở nên dễ dàng hơn. Một ví dụ điển hình là bất cứ ai cũng có thể tự tạo một website để bán hàng.
Nếu mục tiêu của bạn là phải có một doanh nghiệp riêng thì đây chính là lúc lên kế hoạch và thực hiện từng bước một. Hãy xem xem bạn đam mê ngành nghề gì và bắt đầu tìm kiếm cơ hội với nó.
3.1.5. Cải thiện doanh số hoặc năng suất làm việc
Mỗi người lại đặt ra KPI riêng cho mình, theo tuần hoặc theo tháng. Vậy, làm thế nào để có thể cải thiện những con số này? Hãy dành thời gian tìm hiểu, phân tích những thói quen không mang lại kết quả tốt trong công việc của bạn và loại bỏ chúng để có năng suất lao động cao hơn. Khi phát triển thói quen tốt và nỗ lực đúng hướng, bạn sẽ ngạc nhiên với những gì mình làm được.
3.2. Mục tiêu nghề nghiệp dài hạn
3.2.1. Học thêm một bằng đại học hoặc chứng chỉ mới
Mặc dù bằng cấp đôi khi không phải là vấn đề, nhưng những người có bằng đại học thường có ưu thế hơn những người khác. Do đó, hãy xác định các khía cạnh liên quan đến ngành nghề mà bạn đã chọn và đăng kí tham gia các khóa học để nâng cao trình độ.
Việc học đại học sẽ mang đến nhiều kiến thức, lợi thế mà người khác không có được. Tuy nhiên, bạn sẽ phải mất tới 4 năm và một khoản chi phí không hề nhỏ cho mục tiêu này.
3.2.2. Chuyển sang một lĩnh vực khác
Bạn có đang cảm thấy hạnh phúc với công việc hiện tại hay không? Bạn có cơ hội để thăng tiến hay sẽ mãi giậm chân tại chỗ? Việc học thêm một bằng đại học hoặc chứng chỉ mới sẽ là tiền đề để bạn chuyển sang lĩnh vực nghề nghiệp khác. Sự yêu thích và niềm đam mê với công việc là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thành công; vì vậy, nếu bạn không cảm thấy vui vẻ mỗi khi đến công ty, thì có lẽ bạn nên tìm một việc làm mới.
3.2.3. Trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà mình đang theo đuổi
Ngày nay, có rất nhiều người tự nhận mình là một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó. Mặc dù khái niệm này có vẻ mơ hồ, nhưng BusinessDictionary đã định nghĩa chuyên gia là người có đủ kiến thức và dành nhiều thời gian nghiên cứu một lĩnh vực cụ thể để trở thành người hiểu biết nhất trong lĩnh vực đó. Như vậy, nếu bạn có thể chứng minh mình là một chuyên gia, thì bạn sẽ được rất nhiều nhà tuyển dụng săn đón và cơ hội kiếm tiền cũng sẽ cao hơn.
Cách trả lời mục tiêu dài hạn như thế nào không phải ai cũng biết
3.2.4. Thăng chức lên cấp quản lý
Bạn cảm thấy thế nào khi được thăng chức lên cấp quản lý? Quản lý không chỉ đơn giản là nói với nhân viên của mình nên làm cái này, cái kia. Người quản lý tài ba phải chứng minh được phẩm chất và năng lực của mình như:
- Có vốn kiến thức sâu rộng về lĩnh vực mà mình đang theo đuổi.
- Sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi lỗi lầm và cùng chia sẻ thành công với mọi người.
- Chấp nhận sự thật rằng có rất nhiều người còn giỏi hơn mình.
- Phải nỗ lực nhiều hơn người khác.
- Thích nghi với mọi thay đổi.
- Kỹ năng giao tiếp tốt.
- Có kỹ năng phân công công việc: Một nhà quản lý giỏi cần có kỹ năng tổ chức công việc tốt thì mới lãnh đạo nhân viên hoàn thành công việc được giao đúng thời hạn.
3.2.5. Giành giải thưởng
Có một điều chắc chắn là bạn sẽ có nhiều động lực hơn khi làm việc nếu như những nỗ lực của mình được công nhận bằng các giải thưởng, cho dù đó là giải thưởng từ công ty hay từ một bên thứ ba nào đó.
Ngoài việc hỏi về mục tiêu nghề nghiệp chung chung thì nhiều nhà tuyển dụng cũng đưa ra câu hỏi về mục tiêu cụ thể theo các năm. Do vậy, cách trả lời: Mục tiêu công việc của bạn trong 3 năm tới là gì bạn nên biết để tránh lúng túng khi được hỏi.