Trả lời phỏng vấn thế nào khi nhà tuyển dụng hỏi "Khuyết điểm của bạn là gì?"
Ngày đăng tin: 28/11/2022 11:07
Nói về những điểm yếu của mình thực sự là một việc làm mạo hiểm, đặc biệt là trong quá trình phỏng vấn xin việc. Vậy làm thế nào khi nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi "Khuyết điểm lớn nhất của bạn là gì?"
Câu hỏi về điểm yếu, khuyết điểm cũng là một cách để nhà tuyển dụng đánh giá xem bạn có thực sự phù hợp với công việc này hay không. Họ muốn chắc chắn rằng bạn là người ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu những kiến thức mới và chinh phục mọi thử thách. Vì vậy, thay vì coi đây là nỗi sợ hãi, hãy cố gắng biến câu hỏi "Khuyết điểm lớn nhất của bạn là gì?" thành một cơ hội để thể hiện bản thân.
Cách trả lời câu hỏi về khuyết điểm khéo léo
I. Làm thế nào để trả lời câu hỏi về "Khuyết điểm lớn nhất của bạn?" khi phỏng vấn?
Cách 1: Tập trung vào những kỹ năng không cần thiết đối với công việc
Một cách tiếp cận khá hoàn hảo là bắt đầu từ những
kỹ năng quan trọng nhất đối với vị trí mà bạn đang ứng tuyển rồi sau đó mới đề cập đến điểm yếu là những kỹ năng không thực sự cần thiết cho công việc này.
Ví dụ, khi phỏng vấn ứng tuyển vị trí y tá, bạn có thể nhấn mạnh rằng kỹ năng giao tiếp và truyền đạt thông tin 1 - 1 của bạn rất tốt nhưng bạn lại không thành thạo trong việc tổ chức các cuộc họp nhóm đông người, từ 10 người trở lên. Khi đó, nhà tuyển dụng sẽ chỉ tập trung vào kỹ năng tương tác trực tiếp của bạn bởi điều này cực kì cần thiết khi chăm sóc bệnh nhân.
Cách 2: Đề cập đến những kỹ năng mà bạn đã cải thiện được
Một cách khác là đề cập đến những kỹ năng là điểm yếu nhưng hiện nay bạn đã cải thiện được nhờ sự chăm chỉ của bản thân hoặc là những kinh nghiệm bạn đã đúc rút được từ công việc trước đây. Điều này sẽ giúp bạn ngầm khẳng định với người phỏng vấn rằng bạn là người ham học hỏi và không ngừng tự phát triển bản thân.
Hãy bắt đầu câu trả lời bằng cách chia sẻ thực trạng trước đây của bạn và từng bước bạn đã làm để khắc phục điều đó. Cuối cùng, hãy nhấn mạnh vào thành quả mà bạn đã đạt được. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý không nêu những kỹ năng mềm hoặc trình độ là thực sự cần thiết đối với vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Nếu không, nhà tuyển dụng cũng sẽ đặt câu hỏi về trình độ của bạn.
Cách 3: Biến một điều tiêu cực thành tích cực
Đôi khi, một điều tiêu cực cũng có thể trở thành tích cực nếu như có cái nhìn và cách tiếp cận đúng đắn. Ví dụ, sự vội vàng của bạn có thể là một điểm yếu. Tuy nhiên, đây sẽ là một điểm cộng cho bạn nếu như bạn luôn muốn nhanh chóng hoàn thành những công việc được giao, bạn muốn đảm bảo mọi công việc đều được hoàn thành đúng thời hạn cho phép. Hoặc, bạn là một người quá kỹ tính nên lúc nào bạn cũng phải kiểm tra lại bản báo cáo hoặc nội dung email 2 - 3 lần trước khi gửi đi. Đây sẽ là một ưu điểm chứ không còn là khuyết điểm nữa.
Dẫu vậy, cho dù bạn nêu ra điểm yếu gì đi chăng nữa thì cũng phải chắc chắn rằng bạn hiểu rõ nét tính cách này của mình và có thể kiểm soát tốt điều đó, sẽ không để nó ảnh hưởng đến năng suất công việc chung.
Cần lưu ý gì khi trả lời câu hỏi về điểm yếu trong phỏng vấn?
II. Những lưu ý khi trả lời câu hỏi về "Khuyết điểm lớn nhất của bạn?"
- Chuẩn bị sẵn câu trả lời: Bạn sẽ có thể trả lời tự tin hơn nếu như có sự chuẩn bị từ trước. Khi không có bất cứ ý tưởng gì trong đầu và phải trả lời một cách vội vàng thì câu hỏi này rất có thể sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Bạn chẳng những không thể chứng minh năng lực của bản thân mà còn làm hại chính mình.
- Trung thực: Câu trả lời của bạn cần phải trung thực và dựa trên trải nghiệm thực tế của bạn. Không chỉ riêng đối với câu hỏi này mà tất cả những câu khác trong quá trình phỏng vấn.
- Biến những thông tin tiêu cực thành tích cực.
- Không trình bày quá dài dòng cả về điểm yếu và những gì mà bạn đã làm được nếu không muốn nhà tuyển dụng nghi ngờ.
- Đừng cho rằng mình là người hoàn hảo. Người nghe chắc chắn sẽ đánh giá bạn là người thiếu trung thực hoặc tự kiêu.
Có rất nhiều cách khác nhau để trả lời câu hỏi "Khuyết điểm lớn nhất của bạn là gì?" khi phỏng vấn. Bạn có thể đề cập đến những kỹ năng không cần thiết cho vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển, những điều mà trước đây là điểm yếu nhưng nay bạn đã khắc phục được. Nói cách khác, hãy cố gắng biến những điều tiêu cực thành tích cực để nhà tuyển dụng có được cái nhìn lạc quan nhất về tiềm năng của bạn.