• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

11371
Tổng số truy cập:11371
Khách đang online: 21
Kinh nghiệm làm shipper, giao hàng
Ngày đăng tin: 25/03/2022 09:42

Shipper còn có thể gọi là nhân viên giao hàng hay nhân viên giao nhận. Đây là ngành nghề lao động phổ thông không yêu cầu bằng cấp nên bất cứ ai cũng có thể tham gia. Tuy nhiên, muốn đảm nhận tốt công việc này cũng cần những kinh nghiệm, bí quyết ngành nghề riêng.

Shipper (người giao hàng, người vận chuyển) có vai trò quan trọng không thể thiếu trong xã hội hiện nay vì họ giúp hoàn thiện quy trình bán hàng, tạo ra sự tiện lợi cho người mua. Họ vận chuyển rất nhiều loại hàng hoá, từ quần áo, mỹ phẩm, phụ kiện đến đồ ăn, đồ uống,... Yêu cầu công việc nhân viên giao nhận đã được Cevn chia sẻ. Còn dưới đây, chúng tôi sẽ mách bạn kinh nghiệm để làm shipper, giao hàng hiệu quả cao.
 
 
Bí quyết hữu ích để bạn đảm nhận tốt việc làm shipper, nhân viên giao hàng
 
 
I. Mẹo giúp shipper, giao hàng có nhiều đơn mà không bị phàn nàn​
 
1. Kiểm tra, sắp xếp hàng hoá hợp lý trước khi vận chuyển
 
Khi nhận hàng để chuẩn bị vận chuyển, shipper cần kiểm tra thật kỹ tình trạng hàng hoá. Thông thường, chúng được đóng gói trong túi nilon, hộp nhựa hoặc hộp giấy nhưng bạn vẫn phải chắc chắn để không có sai sót trên đường. Đối với những mặt hàng dễ vỡ hoặc hư hỏng, đồ ăn cần giữ nóng hay lạnh thì cần công cụ khác nhau để đảm bảo an toàn, bàn giao nguyên trạng đến tay người nhận.
 
2. Giao hàng nhanh, thanh toán nhanh và chính xác
 
Tốc độ tạo nên sự khác biệt, đặc biệt là trong lĩnh vực vận chuyển, giao hàng. Cả người gửi và nhận hàng hoá đều muốn nhanh hoàn thành quá trình giao - nhận và nhiệm vụ đó phụ thuộc vào shipper. Thêm nữa, ngày nay mọi người đều bận rộn, vì vậy nếu như có thể ship hàng nhanh, tất cả các bên đều tiết kiệm được thời gian.
 
Thông thường, có 2 hình thức thanh toán chính khi đặt hàng là trả trước bằng cách chuyển khoản hoặc ship cod - trả tiền sau khi đã nhận hàng. Tuỳ vào giá trị hàng hoá và quy định của bên gửi hàng mà người nhận thanh toán trước hay sau khi kiểm tra hàng. Trong trường hợp shipper là người thu tiền hộ, bạn hãy đảm bảo mình xử lý thanh toán nhanh và chính xác.
 
3. Lựa chọn cung đường giao hàng hợp lý nhất
 
Là một shipper, mỗi ngày bạn sẽ phải giao rất nhiều đơn với loại hàng hoá khác nhau. Chắc chắn, bạn sẽ không muốn đi lòng vòng khắp thành phố trong cả ngày mà chỉ vận chuyển được vài đơn. Câu hỏi đặt ra là phải làm sao để tối ưu hoá cung đường và thời gian giao hàng?
 
Phương pháp hiệu quả nhất là bạn tự nhẩm tính, xác định cung đường hợp lý nhất. Chẳng hạn như bạn có 20 đơn, trong đó 10 đơn ở phía Tây thành phố, hãy sắp xếp giao hàng ở khu vực đó trước, rồi vòng về gửi những đơn lẻ. Ngoài ra, một nguyên tắc chọn đường ship hàng là nắm vững đường nào thường có mật độ giao thông cao vào một số thời điểm nhất định trong ngày. Tránh tắc đường, tránh đường nhỏ (nếu bạn ship đồ điện tử, máy móc,...) cũng là kỹ năng mà shipper cần rèn luyện.
 
4. Tính toán chỗ gửi, đậu xe khi giao hàng
 
Tuỳ vào loại hàng hoá và khu vực giao hàng mà bạn nên lựa chọn loại phương tiện phù hợp cũng như tính toán trước chỗ gửi hoặc đậu xe. Ví dụ, bạn ship hàng đến các khu chung cư nhưng hàng hoá cồng kềnh và được yêu cầu mang lên tầng cao, bạn buộc phải gửi xe để đảm bảo an toàn. Hãy chắc chắn rằng vị trí bạn và người giao hoặc nhận hàng lựa chọn đảm bảo an toàn, dễ dàng ra vào. Sẽ rất khó khăn nếu bạn phải mang hàng hoá vào ngõ ngách nhỏ không thể di chuyển được.
 

Để trở thành shipper chuyên nghiệp, bạn cần nắm được những kỹ năng cơ bản

5. Liên lạc với người nhận hàng để xác định thời gian giao hàng
 
Trước khi giao hàng đến tay người nhận, shipper nên liên lạc trước để xác định thời gian và địa điểm giao hàng, đảm bảo không xảy ra trường hợp mang đến nơi không có người ký nhận. Việc liên lạc trước cũng thể hiện sự chuyên nghiệp của shipper và rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển có quy định rõ ràng về trình tự này.
 
6. Lái xe an toàn
 
Do đặc thù công việc mà shipper phải dành hầu hết thời gian làm việc của mình ở trên đường. Cũng vì vậy mà bạn cần đảm bảo lái xe an toàn, không chỉ bảo vệ bản thân và hàng hoá mà còn đảm bảo an toàn cho cả những người xung quanh. Đặc biệt trong trường hợp bạn vận chuyển hàng hoá nặng, cồng kềnh, hãy sử dụng phương tiện và công cụ phù hợp nhất.
 
II. Tuyển dụng shipper, giao hàng nhiều không?​
 
Trên thực tế, sự phát triển của nền kinh tế dẫn đến nhu cầu vận chuyển hàng hoá cao hơn hẳn so với trước đây. Ở Việt Nam, tuỳ thuộc vào loại hình sản phẩm cụ thể mà shipper sử dụng các phương tiện khác nhau (ô tô hoặc xe máy).
 
Với những hàng hoá, đồ ăn thức uống trong nội thành, hầu hết shipper đều dùng xe máy. Bên cạnh đó, các công ty dịch vụ vận chuyển như Grab, Now, hoặc các trang thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada,... đều có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều nhân viên giao hàng.
 

Cơ hội việc làm cho shipper, giao hàng ra sao?
 
III. Khó khăn của shipper, giao hàng là gì? cách khắc phục?
 
Công việc nào cũng có những cơ hội và thách thức, làm shipper cũng vậy. Mặc dù vai trò này dễ xin việc, chỉ yêu cầu lao động trình độ phổ thông, thu nhập cũng tốt nhưng làm nhân viên giao hàng nghĩa là mỗi ngày bạn sẽ phải đối diện với những khó khăn đặc thù. Một số vấn để chủ yếu là:
  • Quá nhiều hoặc quá ít đơn hàng: Khi có nhiều đơn hàng, shipper dễ cảm thấy bị quá tải và phải di chuyển nhiều, cũng gia tăng nguy cơ làm thất thoát, đổ vỡ hàng nhưng đổi lại lương sẽ cao. Đổi lại, quá ít đơn hàng - nhất là khi bạn làm shipper tự do thì nghề này sẽ không đủ để bạn trang trải cuộc sống.
  • Khó khăn trong quá trình vận chuyển: Hàng hóa mà shipper, nhân viên giao hàng phụ trách vận chuyển có thể nhỏ gọn những đôi khi có hàng nặng, cồng kềnh. Ở những thành phố lớn như Hà Nội thì việc tìm địa chỉ và đưa hàng đến tận nơi đôi khi cũng khó khăn vì nhiều ngõ ngách, đông đúc.
  • Vấn đề với khách hàng: Có thể nói đây là một trong những khó khăn nghiêm trọng nhất với shipper. Khách hàng có thể không nghe máy, bùng hàng, khó tính,... tất cả đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của bạn.
  • Bị phàn nàn và khiếu nại, phải đền bù: Shipper, đặc biệt là những ai làm cho các sàn thương mại điện tử có thể phải trải qua tình huống bị đánh giá tiêu cực, bị khiếu nại dẫn đến bị đền bù cho các đơn hàng.
  • Tắc đường, thời tiết: Các khó khăn khác có thể là vấn đề giao thông như tắc đường, thời tiết xấu như mưa gió, quá lạnh hoặc quá nắng nóng. Những lúc như vậy, shipper không chỉ mệt mỏi mà còn áp lực về thời gian giao hàng.
Để vượt qua các thách thức trên thì phương pháp tốt nhất là bản thân nhân viên giao hàng phải hiểu về công việc của mình, nhận thức được các nguy cơ để có thể hạn chế tối đa hoặc sẵn sàng xử lý khi có tình huống phát sinh. Việc am hiểu các quy trình, thông thạo đường phố, lái xe cẩn thận và an toàn, có thái độ lịch sự với khách... sẽ giúp bạn hoàn thành tốt các đơn hàng, nhận được đánh giá tốt và gắn bó hơn với nghề shipper.
 
Nhìn chung, trở thành shipper, giao hàng là lựa chọn của nhiều người có kỹ năng lái xe tốt, biết sắp xếp, vận chuyển hàng hoá, thông thạo các cung đường, quản lý thời gian và công việc hợp lý. Tuy nhiên, công việc tương đối vất vả và để làm lâu dài, bạn cần thành thạo trong xử lý các tình huống phát sinh. Ngoài ra, để biết làm shipper lương có cao không thì bạn hãy tham khảo bài viết để cân nhắc lựa chọn ngành nghề có thu nhập như mong muốn nhé.
Số lượt đọc: 411 -