• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

122005
Tổng số truy cập:122005
Khách đang online: 42
Giữa những rối bời, làm sao vượt qua nghịch cảnh?
Ngày đăng tin: 08/04/2020 17:14

Thật khó để nói rằng tất cả chúng ta đều có thể tránh được cảm giác hoang mang và rối bời lúc này bởi lẽ đó là những cảm xúc đến rất tự nhiên nhưng dù sớm dù muộn, ai cũng sẽ phải học cách để tự mình vượt qua nghịch cảnh.

Bài viết này từ Cevn.com.vn xin được gửi đến tất cả bạn đọc như một lời chia sẻ, tâm tình và cùng nhau tìm ra những giải pháp để đối mặt và vững vàng đi qua mọi khó khăn!
 
PHẦN 1 – ĐỐI MẶT VỚI VẤN ĐỀ
  1. Chấp nhận sự thật và những thử thách đang diễn ra. Nhiều người thường tìm cách lảng tránh việc chấp nhận sự thật hay những khó khăn vì hy vọng nó sẽ không diễn ra với mình. Họ thường tự thuyết phục bản thân rằng chuyện đang xảy ra chỉ là vấn đề nhỏ mà quên mất rằng trước khi có cách nào đấy để giải quyết thì bản thân phải thừa nhận là đang thật sự có một vấn đề tồn tại. Có một lý do nữa khiến mọi người tìm cách bỏ qua việc thừa nhận những khó khăn là vì họ sợ phải đối mặt với tình cảnh thực tế. Thế nhưng, trong cuộc sống, nếu nghĩ kỹ thì ai trong chúng ta cũng đều đã từng trải qua nhiều vấn đề và rồi mọi thứ đều sẽ ổn thoả thôi. Và lần này, không có gì khác biệt!
  2. Bắt tay vào hành động. Điều quan trọng là sau khi đối mặt, chúng ta đều phải tìm một giải pháp bởi kể cả khi không làm gì, đó cũng là một lựa chọn rằng chúng ta chọn cách không đưa ra cách xử lý. Mọi vấn đề đều có xu hướng trầm trọng hơn hoặc nhân rộng hơn khi bị bỏ mặc, giống như một bầy thỏ vẫn tự chúng sản sinh. Vì vậy, càng nhanh chóng làm gì đó để xoa dịu tình hình, càng dễ dàng hơn để mỗi người vượt qua khó khăn.
  3. Cân nhắc thực tế.Tất nhiên để giải quyết một vấn đề, ta không thể chỉ lao đầu vào một cách thiếu cân nhắc. Chúng ta cần hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra và có một cái nhìn đánh giá toàn diện để hiểu rõ những rủi ro và đưa ra hướng xử lý.
  4. Tạo ra một danh sách để có thể đánh giá từng vấn đề, từ nhỏ đến lớn, chính đến phụ để xem đâu là thứ chúng ta sẽ đối mặt trước và sau. Tài chính? Sự nghiệp? Rắc rối trong gia đình? Sức khoẻ? Hãy tự mình đưa ra một danh sách.
  5. Hãy nói chuyện với một ai đó có chuyên môn hoặc liên quan đến vấn đề. Bạn có vấn đề về sức khoẻ? Hãy tìm đến đúng bác sỹ chuyên khoa. Bạn gặp khó khăn trong công việc? Hãy thảo luận cùng người quản lý hoặc đồng nghiệp. Bạn vướng mắc về tài chính, hãy tìm đến những người bạn đang làm nhiều hơn một công việc để học hỏi thêm kinh nghiệm gia tăng thu nhập.
  6. Tìm một người hướng dẫn phù hợp.Đó có thể là một người bạn cũ. Đó có thể là người quản lý của bạn. Là bất cứ ai hiểu được vấn đề của bạn, có thể trò chuyện, hướng dẫn bạn và quan trọng nhất là trao cho bạn niềm cảm hứng và sự tự tin.

PHẦN 2 – THAY ĐỔI NHẬN THỨC
 
  1. Mọi thứ đều sẽ qua. Thời gian không bao giờ cố định, vì vậy theo thời gian vạn vật đều đổi thay. Điều đơn giản này ai cũng biết nhưng lại ít người sử dụng nó để tự tạo niềm tin cho bản thân bởi họ thường chỉ đau khổ và thở than với những khó khăn hiện tại. Thế nhưng ngày mai sẽ không giống hôm nay, chỉ cần bạn lặp lại “câu thần chú” này mỗi ngày để hiểu rằng “rồi trời lại sáng và ta lại ... ráng”.
  2. Nhắc bản thân về những điều tốt đẹp bạn đã từng có trong cuộc sống. Khi chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng, chúng ta thường quên đi những giai đoạn đẹp đẽ trong cuộc sống trước đây. Thế nhưng, không có điều gì sẽ mãi mãi tốt và cũng không có điều gì là mãi mãi xấu. Bạn đã có những ngày tươi đẹp nên dù hôm nay khó khăn ra sao thì đâu có nghĩa tương lai sẽ như vậy, nó có thể lại tươi đẹp một lần nữa! Có một bài học rất hay mà nhà văn Vũ Trọng Phụng từng mô tả trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường”, đó là một chú bán hàng gốc Tàu gánh nồi mỳ và mằn thắn đi bán, vì bán ngon mà trở thành ông chủ mở được cao lâu. Khi mở cao lâu, chú lại bắt chước các ông chủ khác theo thói bài bạc rồi lại vỡ nợ và trắng tay. Nhưng điều đáng quý là chú đã nhận được sai lầm, lại ghé vai gánh mỳ & mằn thắn đi bán với nụ cười tươi nở trên môi. Và có lẽ điều tốt đẹp sẽ lại một lần nữa nhiều khả năng quay về với chú.
  3. Linh hoạt, luôn luôn phải linh hoạt.Tưởng tượng bản thân như một cái cây trôi theo thác nước, thay vì cứ thả mặc theo dòng chảy và liên tục va vào bất cứ chướng ngại vật nào trên đường đi, chỉ cần bạn uyển chuyển “lách” mình đôi chút, hướng đi của bạn có thể sẽ rất khác. Ví dụ như bạn nhận được tin sẽ bị giảm lương trong nhiều tháng tới hoặc có khả năng sẽ nằm trong danh sách các nhân viên tạm thời nghỉ việc không lương, bạn ngay lập tức cảm thấy công ty chắc không còn trọng dụng mình hoặc bạn không đáng bị đối xử như vậy. Bạn buông xuôi, buồn chán và đôi khi tỏ ra khá chống đối. Thế nhưng, với tình hình khó khăn chung, thay vì cá nhân hoá sự việc và cảm thấy bị đả kích, bạn có thể tìm cách thảo luận lại với công ty để hiểu rõ hơn tình hình xem việc giảm lương này sẽ kéo dài bao lâu, có nằm trong chính sách của công ty không và nếu bạn phải tạm ở nhà không lương thì liệu có chế độ hỗ trợ nào bạn có thể nhận được.
  4. Tìm ý nghĩa trong cuộc đời. Có lúc chúng ta thấy địa vị xã hội thật quan trọng, ta cần ngẩng mặt khi bước ra ngoài. Nhưng rồi khi một công việc đủ trang trải cuộc sống, cho ta sức khoẻ, sự cân bằng, thời gian ở cạnh gia đình lại quan trọng hơn. Vậy thì thay vì tìm cách so sánh với cuộc sống của ai đó, chăm chỉ làm tốt công việc hiện tại có thể khiến bạn hạnh phúc hơn nhiều bởi ngay lúc này đây bạn đã may mắn hơn rất nhiều người nếu vẫn còn một công việc để đôi lúc ... căng thẳng và để được cống hiến. Ví dụ như thay vì buông thả thời khoá biểu làm việc chỉ vì cho rằng không ai quản lý mình trong thời gian work from home (làm việc tại nhà), chúng ta hãy tự quản lý bản thân để làm mọi thứ ý nghĩa hơn khi work from heart (làm việc bằng trái tim). Ý nghĩa của cuộc đời mỗi người chỉ có thể do chính mỗi người tự định nghĩa.
  5. Luôn chuẩn bị cho bản thân những phương án phòng ngự. Cuộc sống luôn đầy rẫy những rủi ro và biến cố. Đây không phải là một nhận định khiến bạn bi quan hơn mà nó là một thực tế để chúng ta luôn “kích hoạt” chế độ chuẩn bị tốt nhất trong mọi hoàn cảnh. Khi dư dả, ta hãy học cách khiến “lương ơi, đừng sợ” để dành cho những lúc ốm đau, bệnh tật, dịch bệnh hoặc khó khăn khách quan. Nếu ta đang dần ... cạn kiệt tài chính, hãy học cách cắt giảm tối đa từ những thứ thích xuống những thứ thật sự cần. Và thay vì ngồi ủ rũ thụ động chờ đợi tình hình chung thay đổi, hãy thử tìm kiếm thêm cơ hội bên ngoài bởi dù cho thế nào, thế giới quanh ta vẫn không thể ngừng chuyển động và biết đâu đó một cơ hội phù hợp khác đang cần đến bạn.
 
Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ không cảm thấy cô đơn trong “cuộc chiến” hiện tại với tình hình dịch bệnh lan rộng và những khó khăn như một hệ quả tất yếu đang diễn ra. Hãy luôn nhớ cùng chúng tôi cập nhật những tin tức mới nhất về chính sách dành cho người lao động, những cơ hội nghề nghiệp đa lĩnh vực và những bài viết hữu ích mỗi tuần tại Cevn.com.vn!
Số lượt đọc: 464 -