• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

102635
Tổng số truy cập:102635
Khách đang online: 496
Vì sao kỹ năng lắng nghe giúp bạn thành công trong sự nghiệp?
Ngày đăng tin: 30/09/2019 08:58

 Trên con đường phát triển sự nghiệp của mỗi người, nếu ví năng lực chuyên môn là phương tiện đưa chúng ta tiến tới đích, thì những kỹ năng mềm sẽ là hành trang cần thiết khiến cho hành trình của chúng ta trở nên dễ dàng, êm ả và thuận lợi hơn. Chính vì vậy, các kỹ năng mềm luôn được chú trọng đặc biệt, thậm chí nhiều ý kiến còn cho đây là một lĩnh vực cần được đào tạo trong các trường đại học song song với kiến thức chuyên môn.

Một trong những kỹ năng mềm khá cơ bản và quan trọng mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn thấy ở người tìm việc làm, đó chính là lắng nghe. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, sự lắng nghe, trao đổi thông tin trực tiếp giữa con người với con người dần bị thay thế bởi nhiều cách thức giao tiếp hiện đại khác. Thế nhưng, bạn có biết tất cả những chính trị gia, nhà kinh doanh hay lãnh đạo thành công đều có chung một phẩm chất - họ là những người rất giỏi lắng nghe.
Dưới đây là lí do vì sao chúng ta nên “tập lắng nghe" và rèn luyện kỹ năng tưởng như đơn giản này.

1. Lắng nghe giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích
 
“Lắng nghe" chắc chắn là một phương thức tiếp nhận thông tin cơ bản nhất của con người. Tuy vậy, việc thực sự tập trung và lắng nghe một cách sâu sắc sẽ đem lại cho bạn rất nhiều thông tin hữu ích mà người bình thường không có được. Một người nghe giỏi không chỉ tiếp nhận những gì người khác nói, họ sẽ “nghe" được những tín hiệu, sắc thái, biểu cảm của người nói, đọc vị những ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ của họ, để từ đó thu nhận được những tầng ý nghĩa sâu xa hơn của thông tin. Chính vì vậy, những người bán hàng giỏi nhất luôn lắng nghe rất kỹ, để từ đó nắm bắt và đáp ứng những nhu cầu, mong muốn thầm kín của khách hàng. Những nhân viên giỏi nhất cũng thường là những người tập trung lắng nghe hoàn toàn khi có người phát biểu trong cuộc họp, thay vì nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính hay đọc tài liệu. Bởi vì khi thực sự tập trung lắng nghe, bạn sẽ nhận được nhiều thông tin quý giá mà đa phần những người khác đều bỏ qua dễ dàng.
 
2. Lắng nghe là nền tảng xây dựng mối quan hệ
 
Không chỉ trong công việc, mà trong mọi mối quan hệ của đời sống, chúng ta đều cần kỹ năng lắng nghe để vun đắp, xây dựng sự kết nối giữa mọi người. Gia đình sẽ hòa thuận và vui vẻ khi mọi người lắng nghe nhau. Tương tự, một tập thể sẽ luôn tìm được tiếng nói chung nếu mỗi cá nhân đều có thể lắng nghe. Trong giao tiếp, lắng nghe giúp đối tác cảm thấy được tôn trọng, được khuyến khích, đem lại thiện cảm và không khí thân mật. Nếu muốn trở thành người nghe giỏi, bạn hãy thật tập trung, giao tiếp bằng ánh mắt với người nói, tỏ thái độ tán thành, khuyến khích, đôi khi hãy lặp lại họ. Bạn sẽ tạo ra được kết nối rất tích cực với họ, chỉ bằng cách đơn giản này, cho dù đó là sếp, đồng nghiệp hay khách hàng.
3. Lắng nghe giúp giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian
 
Một trong những lý do chúng ta cần rèn luyện kỹ năng nghe thật tốt, đó là để giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian. Qua giao tiếp thông thường, có một lượng nhỏ thông tin sẽ bị thất thoát, sai lệch, và đôi khi bị hiểu lầm, đây chính là hiện tượng “tam sao thất bản". Điều này đôi khi dẫn đến những sai sót, nhầm lẫn trong công việc, khiến năng suất làm việc kém và lãng phí thời gian. Những người nghe giỏi sẽ không mắc phải những vấn đề này, khi họ luôn tập trung, ghi nhớ và thậm chí, xác nhận lại nhiều lần những thông tin mà họ nghe được để đảm bảo sự chính xác. Điều này giảm thiểu đáng kể những sai sót, hiểu lầm không đáng có trong công việc.
 
 
4.Lắng nghe là “phương thuốc” giải quyết mâu thuẫn
 
Một trong những lý do để lắng nghe trở thành kỹ năng vô cùng quan trọng đối với bất cứ ai, ở bất cứ ngành nghề nào, đó là vì nó giúp chúng ta hàn gắn và giải quyết các mâu thuẫn đôi khi không thể tránh khỏi, trong đời sống cũng như trong công việc. Bất cứ mâu thuẫn hay cuộc tranh luận nào cũng đều sẽ đi vào ngõ cụt, nếu như chúng ta không dành thời gian để lắng nghe trọn vẹn những ý kiến, quan điểm của đối phương. Nghe để hiểu, để cùng suy ngẫm và tìm ra giải pháp. Điều đó cũng thể hiện bạn có một tư duy mở, một cái nhìn khách quan và cả sự bao dung, kiên nhẫn. Chỉ riêng việc bạn chịu khó lắng nghe với toàn bộ sự quan tâm mà không phán xét hay đổ lỗi, bạn cũng đã giúp đối phương giải tỏa ức chế, làm dịu tâm trạng và bình tĩnh cùng nhau giải quyết vấn đề thay vì đẩy mâu thuẫn đi xa hơn.
 
 
 
 
 
Số lượt đọc: 521 -