Trò lừa của não hay khả năng tiên tri?
Ngày đăng tin: 23/02/2020 19:34
Hiện tượng bí ẩn Déjà vu xảy ra khi con người lần đầu tiên đặt chân đến một nơi, lắng nghe một đoạn đối thoại hay trải qua một khoảnh khắc mới mẻ nhưng lại có cảm giác quen thuộc như thể những sự kiện, thời điểm đó đã từng xảy ra trong quá khứ. Trường hợp như vậy khiến nhiều người nghĩ rằng phải chăng họ có khả năng đặc biệt đoán trước được tương lai.
Deja Vu (Déjà Vu) là một từ tiếng Pháp với nghĩa là "đã từng nhìn thấy", và nó có rất nhiều biến thể: Deja vecu - đã từng trải qua, Deja Senti - đã từng nghĩ tới, Deja Visite - đã từng ghé qua. Emile Boira, một nhà khoa học người Pháp, một trong những người đầu tiên nghiên cứu hiện tượng này đã chọn cái tên Deja Vu đặt cho hiện tượng này vào năm 1876.
Hiện tượng bí ẩn Deja vu vẫn chưa thực sự có lời giải đáp
Déjà vu là hiện tượng rất khó nghiên cứu vì cảm giác "quen thuộc khó hiểu" chỉ xảy ra bất chợt trong vài giây ngắn ngủi, không thể được dự đoán trước hay mô tả một cách rõ ràng. Song chính sự bí ẩn của hiện tượng này đã thu hút sự chú ý với rất nhiều giả thiết được đặt ra, từ thuần túy mê tín dị đoan, tâm linh hay lý giải khoa học do trục trặc trong quá trình ghi nhớ, các hoạt động phức tạp của tiềm thức…
Mỗi một nhà nghiên cứu khác nhau lại chọn cho mình một cách thức phân loại khác nhau, và điều này tùy thuộc vào giả thuyết mà họ theo đuổi. Alan Brown, một giáo sư tâm lý học đang giảng dạy tại đại học South Methodist, đồng thời là tác giả cuốn sách "Trải nghiệm về Deja Vu" cho rằng có 3 loại Deja Vu. Ông tin rằng Deja Vu sinh ra do rối loạn chức năng sinh học (ví dụ như động kinh), do những ký ức tiềm ẩn quen thuộc và do nhận thức bị phân chia. Năm 1983, Tiến sĩ Vernon Neppe, giám đốc viện Tâm thần-Thần kinh Thái Bình Dương ở Seattle đã đề xuất cách phân chia Deja Vu thành các loại nhỏ hơn, bao gồm động kinh, tâm thần phân liệt, chủ quan huyền bí và các loại Deja Vu liên hợp.
Theo nghiên cứu năm 2003, déjà vu xảy ra ở cả hai giới với tỷ lệ xấp xỉ như nhau và không có sự khác biệt giữa các chủng tộc, nhưng phổ biến nhất trong độ tuổi 15-25. Tần số trải nghiệm hiện tượng này giảm dần theo sự gia tăng tuổi tác và dễ gặp hơn ở người thường nghiên cứu học thuật, đọc nhiều sách và đi du lịch nhiều nơi. Những người này được cho là có điều kiện phát triển trí tưởng tượng và khả năng ghi nhớ các giấc mơ cao hơn.
Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng bí ẩn Deja vu có thể liên quan đền bộ phận Hồi hải mã của não
Bước đầu, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên quan giữa những ký ức gần với thùy thái dương của vỏ não. Bên trong thùy thái dương là hồi hải mã, vỏ não mũi và các hạch hạnh nhân. Hồi hải mã được cho là nơi giúp con người nhớ lại mọi việc, đồng thời xác định được cái gì là quen thuộc và cái gì là không. Để rút ra được kết luận này các nhà nghiên cứu đã từng nghiên cứu các cơn động kinh ở người động kinh thùy thái dương và thực hiện kiểm tra cấu trúc não của người bình thường bằng cộng hưởng từ và một phương pháp phân tích hình thái học của từng vùng não.
Ngoài những nghiên cứu trên, déjà vu còn được lý giải bằng nhiều giả thiết khác nhau như thuyết phân chia nhận thức khiến những điều xung quanh đi vào tiềm thức một cách tự nhiên khi con người đang tập trung rồi bị sao nhãng, thuyết biểu tượng với lập luận bạn có khả năng tái tạo những hình ảnh từ những mảnh vụn ký ức trong quá khứ hay sự thất bại của trí nhớ trong việc cố gợi lại một trải nghiệm tương tự đã xảy ra trong quá khứ khiến nó không thể tìm được ký ức phù hợp để lý giải cho cảm giác ngờ ngợ đã trải qua… Song, giới khoa học vẫn cần rất nhiều thời gian để có thể giải mã một cách thỏa đáng hiện tượng lắm kỳ bí này.