Những câu hỏi phỏng vấn mà bạn cần biết
Ngày đăng tin: 12/08/2019 09:26
Bạn đang ngồi đối diện với nhà tuyển dụng, tim đập thình thịch, chân tay lạnh ngắt, mồ hôi chảy khắp mặt,… và bạn chỉ có vài giây để trả lời những câu hỏi “hóc búa” từ nhà tuyển dụng. Làm thế nào để bạn có thể đưa ra một câu trả lời đầy thuyết phục nhưng cũng chân thật nhất để hai bên có thể hiểu nhau hơn?
Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?
Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc ít nhất một công ty, thì khi bước sang công ty mới, chắc hẳn bạn sẽ không thể tránh khỏi câu hỏi của nhà tuyển dụng về lý do nghỉ việc ở công ty cũ. Và câu hỏi này có thể gây ra phản ứng cảm xúc trong bạn. Hãy trả lời ngắn gọn thôi, đừng để quá dài về những chuyện ở công ty cũ nếu nó không mấy tốt đẹp. Đừng quên cho nhà tuyển dụng biết những gì mà bạn đã học và phát triển được mình khi ở công ty cũ, đây mới thật sự là điều họ muốn nghe.
Hãy kể cho tôi nghe về khoảng thời gian bạn làm việc với một người khó tính
Sẽ có ít nhất một lần trong đời bạn sẽ phải làm việc với một người khó tính và bạn cảm thấy rằng sẽ rất “khó khăn” hoặc không muốn làm việc với họ nữa. Cách tốt nhất để bạn cũng như người đó có thể hiểu nhau hơn là thay đổi cách suy nghĩ, thông cảm về những khó khăn trong công việc mà họ đang phải chịu đựng. Chỉ khi đó, câu trả lời của bạn sẽ làm nhà tuyển dụng thấy được, không chỉ tập trung làm việc mà bạn còn biết dành thời gian ra để tìm hiểu tính cách của người khác.
Bạn có nguyện vọng gì nếu được làm việc ở đây?
Mục đích của câu hỏi này muốn nhắc bạn nói ra những đam mê, tâm tư, nguyện vọng của bạn nếu được làm việc tại vị trí mới. Và đây sẽ là lúc cho phép bạn thể hiện bản thân của mình qua một “câu chuyện” do chính bạn viết ra. Các nhà tuyển dụng sẽ rất thích câu chuyện của bạn nếu bạn sẵn sàng chia sẻ cho họ, vì như vậy, họ sẽ có một cái nhìn khác hẳn về bạn như: bạn là ai, tính cách bạn như thế nào và phong cách làm việc của bạn ra sao,…
Bạn có định hướng gì trong 5 năm nữa?
Đây được xem là một câu hỏi “phức tạp” vì nó buộc bạn phải nói ra những định hướng của mình trong tương lai hoặc sẽ khiến bạn cảm thấy bối rối vì hiện tại bạn chưa có một kế hoạch nào cho sự nghiệp lâu dài của mình. Để trả lời câu hỏi này, bạn chỉ cần nói rằng: “Tôi mong muốn được làm việc trong môi trường thông minh, thân thiện và nhiệt tình.” Ngoài ra, bạn cũng nên nói chi tiết cụ thể về những điều mới mà bạn muốn học, về những chức danh, nhiệm vụ nếu được làm việc tại công ty.
Cấp trên ở công ty cũ của bạn là một người như thế nào?
Cách tốt nhất để trả lời này là nên đi vào quá chi tiết cụ thể - đặc biệt là những chi tiết tiêu cực, chỉ cần trả lời chung chung là tốt rồi, vì khi bạn nói quá chi tiết, nó sẽ ảnh hưởng đến bạn và công việc sau này.
Hãy cho tôi biết về người quản lý “khó ưa” nhất mà bạn đã từng làm chung
Khi được hỏi câu hỏi này, đừng nói ngay những suy nghĩ tiêu cực của mình về người quản lý đó mà hãy xem đây là kinh nghiệm cho bạn khi bạn đã từng làm việc với một cấp trên mà bạn cho là khó tính. Sau đó hãy trả lời với nhà tuyển dụng rằng: “Ông chủ cũ của tôi đã dạy cho tôi rất nhiều điều, đã giúp tôi có thêm kinh nghiệm mặc dù đôi lúc ông ấy “bực mình” với cách làm việc của tôi.”
Công việc làm bạn cảm thấy “khó khăn” từ trước tới giờ là gì?
Một lần nữa, câu hỏi “đổ lỗi” này có thể xuất hiện trong buổi phỏng vấn và công việc có làm bạn hài lòng hay không còn phụ thuộc vào chính bạn nên hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi trả lời vì mỗi công việc nếu bạn làm tốt, được cấp trên khen thưởng thì bạn sẽ cảm thấy “thoải mái” làm việc, còn không, chính bạn sẽ cho rằng đây là một công việc “tồi tệ nhất” từ trước tới giờ.
Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?
Đây là một câu hỏi thông thường mà hầu như nhà tuyển dụng nào cũng muốn hỏi bạn nhằm tìm hiểu xem bạn có quan tâm tới công ty không, có sự nghiên cứu chu đáo về công ty không,… Ngoài ra, đừng bao giờ hỏi những câu hỏi mà bạn dễ dàng tìm thấy câu trả lời trên website của công ty mà hãy hỏi những câu hỏi như: “Những thách thức lớn nhất mà tôi phải đối mặt là gì?” Hoặc “Tầm nhìn dài hạn của công ty trong vài năm tới sẽ ra sao?”,….