• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

92262
Tổng số truy cập:92262
Khách đang online: 73
Làm thế nào mới được tăng lương khi mà sếp bạn cứ nói “Không!”?
Ngày đăng tin: 16/08/2018 21:15

Chắc hẳn bạn đã đọc rất nhiều lời khuyên về việc làm thế nào để đàm phán tăng lương với sếp. Một số bài báo sẽ cho bạn một vài ý tưởng. Một số người sẽ chỉ cho bạn tất cả những thế mạnh mà bạn có thể đưa ra đàm phán trong cuộc gặp. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sếp của bạn nói “không”? Những lập luận của bạn dù có sắc bén đến đâu đi nữa cũng không phải là điều kiện để sếp tăng lương cho bạn, mà đôi khi ông ấy sẽ nhìn vào nỗ lực của bạn để quyết định tăng lương.

Vậy thì bạn sẽ làm thế nào mới được tăng lương khi mà sếp cứ nói”không”? Thông thường thì người ta sẽ bỏ cuộc và quay về làm việc như bình thường, nhưng nếu bạn chắc chắn giá trị của bản thân phải cao hơn những gì bạn đang được trả, và bạn đang thất vọng với việc cơ hội thăng tiến trong công việc quá ít ỏi thì bạn vẫn có những lựa chọn khác.

 Vũ khí mang tên “nhảy việc”
 
 
Dù cho bạn có thích công ty hiện tại đến mấy đi nữa, thì nhảy việc cũng là một trong những cách duy nhất để có mức lương cao hơn. Bạn có thể dùng một lời mời hợp tác với mức lương cao để làm công cụ đàm phán lại với sếp. Dùng cách này sẽ cho bạn thêm những lựa chọn khác. Hơn nữa, phương pháp này đưa sếp bạn vào vị trí phải lựa chọn là phải đồng ý tăng lương cho bạn, hoặc sẽ mất một nhân viên như bạn.
 
Điều quan trọng là bạn phải tìm việc trong im lặng, đừng nói với bất kỳ ai và duy trì tiến độ công việc bình thường. Tìm nhiều cơ hội ngang tầm với vai trò hiện tại hoặc một vị trí cao hơn. Hãy chắc chắn rằng họ có thể trả cho bạn một mức lương tương tự hoặc cao hơn. Tìm kiếm cho đến khi bạn có được 1-2 lời đề nghị hợp tác mà bạn thực sự sẵn sàng nhận lời. Đó là lúc bạn nên nói chuyện với sếp của mình.
 
Mang theo bảng đề nghị hợp tác vào cuộc họp xin tăng lương. Giải thích rằng bạn thích công việc của mình, nhưng lại cảm thấy tiền lương không xứng đáng với giá trị thực tế của bạn. Đưa ra những dẫn chứng đủ sức thuyết phục về sự chăm chỉ, số liệu cụ thể về sự đóng góp của bạn cho nhóm, công ty. Sau đó, đưa ra bảng đề nghị hợp tác từ công ty khác và hỏi sếp xem có thể đáp ứng yêu cầu của bạn hay không. Nhớ là phải chú ý đến phản ứng của sếp bạn nhé.
 
Có thể bạn sẽ nhận được một trong ba câu trả lời sau đây: Sếp của bạn hoàn toàn có thể đồng ý tăng lương cho bạn. Nếu vậy thì xin chúc mừng! Sếp bạn nói ông ấy cần suy nghĩ và xem xét nguồn ngân sách. Trong trường hợp này, hãy đưa ra thời hạn để bạn quyết định chấp nhận lời đề nghị khác. Hoặc là sếp bạn sẽ nổi giận đùng đùng và từ chối tăng lương. May mắn thay, bạn đã có một lời đề nghị hợp tác khác trên bàn rồi.
 
Phương án chuyển đổi nội bộ
 
 
Một cách khác để được tăng lương là thay đổi công việc trong nội bộ công ty, đặc biệt là khi công ty đủ lớn để có nhiều bộ phận. Khi bạn có nhiều bạn bè hay tiền bối ở bộ phận khác, và bạn biết được rằng đang có cơ hội thăng tiến trong nội bộ, thì hãy tự ứng cử để có cơ hội được tăng lương và một chức danh cao hơn.
 
Để mắt đến các cơ hội thăng tiến trong nội bộ công ty, tiếp cận trực tiếp với những người thân quen của bạn đang làm trưởng nhóm bộ phận mà bạn nghĩ là mình sẽ phù hợp. Tám về công việc gần đây của họ, cho họ ý tưởng, và giúp họ động não. Tỏ ra nhiệt tình với công việc của họ và bạn muốn được tham gia bằng mọi cách. Tên của bạn sẽ là sự lựa chọn đầu tiên nếu họ cần thêm một sự giúp đỡ.
 
Đừng cố gắng để thay đổi công việc trong nội bộ công ty chỉ để được tăng lương, như vậy dễ làm tổn hại danh tiếng của bạn trong toàn bộ công ty. Kế hoạch hành động này là để giúp bạn tìm kiếm một con đường khác, khi bạn quyết định chuyển đến một bộ phận khác, hoặc được thăng chức. Nếu bạn không thiết tha gì với sự chuyển đổi công tác thì điều này không thể trở thành một chiến thuật đàm phán tốt được, do đó, đừng lạm dụng chiến thuật này.
 
Tăng lợi nhuận hoặc năng suất cho công ty
 
Đây là cách khó khăn nhất nhưng cũng là phương pháp có khả năng thành công cao nhất để được tăng lương. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng tăng lợi nhuận hoặc năng suất cho công ty không phải là điều mà cá nhân bạn có thể chịu trách nhiệm được, nhất là khi bạn không phải là một nhân viên kinh doanh. Nhưng đừng đánh giá thấp giá trị kiến thức nội bộ của bạn và sự hiểu biết về kinh doanh cũng như khách hàng của bạn.
 
Một thợ cắm hoa ở tiệm hoa sẽ biết cách nào để bán hoa tốt nhất và tại sao lại như vậy. Họ có thể lên kế hoạch bài trí lại cửa hàng để nhấn mạnh vào những điểm hấp dẫn nhất. Một nhà thiết kế web có sự am hiểu sâu sắc về tâm lý người dùng để có sự tinh chỉnh giao diện phù hợp, nhằm tăng lượng truy cập và bắt người dùng phải trả tiền cho họ. Một kỹ sư dân dụng có thể biết được tiền đang bị “rút” ở phân đoạn nào trong dự án. Họ có thể đưa ra ý tưởng để tiết kiệm tiền cho đến khi công việc được hoàn thành.
 

 
 Nếu bạn không thể giúp ích gì được về khoản tiền nong một cách trực tiếp thì hãy suy nghĩ xem bạn có thể thay đổi điều gì để góp phần vào việc gián tiếp tăng năng suất cho công ty. Nếu nhóm của bạn chưa bao giờ có một quản lý thật sự thì tại sao bạn không ngồi vào vị trí này? Từ đó nâng cao năng suất công việc cho công ty. Hoặc có thể bạn đã làm một điều gì đó rất quan trọng cho những người khác trong công ty một cách không chính thức và bạn muốn mở rộng vai trò đó vào một công việc toàn thời gian cho bản thân thì sao?
 
Việc tìm ra các lĩnh vực chuyên môn hoặc điểm cần cải thiện trong công ty sẽ giúp công ty bạn tiết kiệm hay kiếm được nhiều tiền hơn. Đính kèm thêm bản kế hoạch của bạn vào bản phân tích và trình bày với sếp. Nếu họ đồng ý, mạnh dạn triển khai và theo dõi hiệu quả công việc bạn tiến hành. Ngoài ra, bạn có thể xem dự án như một công việc mới để thử thách bản thân dựa trên những vấn đề mà bạn đang phải giải quyết. Hãy cho sếp của bạn biết rằng bạn không mong được tăng lương, trừ khi đạt được mục tiêu trong dự án mới.
 
Đưa ra những quan điểm này để cho sếp của bạn thấy rằng bạn không chỉ chăm chăm vào ngân sách của họ, mà những nỗ lực đóng góp của bạn cũng đã có tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh. Yêu cầu tăng lương một lần nữa với mục tiêu đã đạt được sẽ tăng khả năng thành công lên nhiều lần hơn lời nói suông sáo rỗng. Nếu đến lúc này bạn vẫn bị từ chối, thì bạn cũng đã hoàn thành được một dự án tuyệt vời cho hồ sơ nếu bạn quyết định nhảy việc.
 
Bị từ chối tăng lương ở lần đầu đàm phán không phải là sự kết thúc cho những nỗ lực của bạn. Bạn có thể tiếp cận một phương pháp trực tiếp hơn để được tăng lương, cho dù là bằng cách nhắm tới một cơ hội khác hay chứng minh giá trị của bản thân đối với nhóm. Nếu bạn bị từ chối, đừng bỏ cuộc. Nếu bạn thật sự có giá trị như bạn nghĩ, và khi bạn yêu cầu tăng lương thì sẽ có một nhân vật quan trọng nào đó để ý và cân nhắc.
Số lượt đọc: 1455 -