Làm sao để không trễ deadline?
Ngày đăng tin: 26/03/2019 15:09
1. Nhận thức rõ thói quen xấu của mình và quyết tâm sữa chữa
Bạn có một dự án đang cần nộp gấp cho đúng deadline, và bạn dồn mọi sự tập trung và tâm trí vào nó. Nhưng đột nhiên bạn nhận ra hôm nay bạn chưa lướt web để cập nhật tin tức, và bạn quyết tâm dành ra 20 phút để lướt newfeed Facebook. Tiếp đó bạn lại lướt Instagram để xem những tấm ảnh đẹp với lí do giải trí trước khi ngập đầu vào công việc. Và rồi cuối cùng, bạn mở 1 bộ phim ra coi vì vẫn chưa có hứng làm việc. Bạn có cảm thấy tình huống này rất quen không? Một trong những lý do phổ biến nhất khiến bạn trì hoãn là chiếc smartphone thân yêu của bạn, bạn có thấy điều đó đúng không? Và cả tỷ tỷ lí do ngoài kia sẽ được nêu ra để bao biện khi bạn trễ deadline. Thực tế, trễ deadline không phải vì bạn không có đủ thời gian làm việc mà bởi vì bạn đã quá dung túng cho bản thân. Nhiều lần như vậy, những hành vi đó sẽ được thực hiện một cách vô thức, nhận thức bạn sẽ dần “ nuôi trồng” một thói quen xấu.
Việc bạn nên làm là phải thành thật với chính mình, biết rõ lỗi của mình khi trễ deadline là do đâu. Hãy luôn nhớ rằng, nhiệm vụ bạn đang làm có liên quan đến những thành viên khác trong team. Nếu bạn không hoàn thành đúng hạn thì công việc của những người khác cũng sẽ bị ảnh hưởng và làm kết quả chung sẽ không đạt được. Như vậy, bạn đã vô trách nhiệm với công việc, với mọi người và bạn nên sửa chữa. Tất nhiên nói dễ hơn làm, nhưng nếu bạn quyết tâm thì bạn vẫn có thể thực hiện được
2. Đưa ra một deadline cụ thể và thực tế
Hãy đặt deadline trong tầm kiểm soát của bạn . Trước khi nhận một công việc nào đó, hãy xem lại kế hoạch và lịch trình của bạn để sắp xếp cho phù hợp , xem :”Liệu rằng bạn có thể hoàn thành xong công việc trong thời gian này không ?” . Nếu không, hãy thương lượng lại thời hạn công việc.
Và để tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” thì bạn nên ghi ra một mục tiêu cụ thể bạn muốn đạt được. Và từ đó lập nên kế hoạch rõ ràng cho từng công việc. Một cái nhìn tổng thể, rồi đến phân tích chi tiết từng nhiệm vụ, mỗi tuần mỗi ngày nên làm gì. Để bản kế hoạch trơn tru hơn nữa thì bạn cần tính rõ thời gian cụ thể hoàn thành mỗi việc. Công việc nào quan trong hơn, cấp thiết hơn thì giải quyết trước và dành nhiều thời gian cho nó hơn, và bạn cũng phải để thời gian dự trù cho những vấn đề phát sinh. Kế hoạch càng chi tiết càng tốt, vì như thế bạn sẽ không bị rối hay stress khi làm việc, bạn chỉ cần có cái đầu lạnh và đi theo 1 lộ trình cụ thể
3. Tìm môi trường phù hợp để làm việc
Nơi bạn làm việc cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của bạn. Hãy chọn nơi làm việc và người cùng làm một cách thông minh. Không khí môi trường phù hợp sẽ khiến cho bạn tập trung hơn khi làm việc. Nên tránh những nơi nhiều tiếng ồn, cạnh TV, hay hỗn âm và đặc biệt nên tránh xa mạng xã hội lúc làm việc. Như đã nói ở trên, mạng xã hội là tác nhân chính gây nên sự xao nhãng khi làm việc ở giới công sở hiện nay. Theo một thống kế từ VnExpress năm 2015, người Việt dành trung bình mỗi ngày 2,5 tiếng đồng hồ cho Facebook, chưa tính các mạng xã hội hay website khác. Đây thực sự là một con số không hề nhỏ khi chúng ta chỉ có 16 tiếng để giải quyết hết mọi việc trong ngày kể cả ăn uống sinh hoạt. Vì vậy hãy cố gắng giảm thiểu các tác nhân làm xao nhãng bạn để tạo ra một môi trường làm việc tập trung cho bạn
4. Tự đặt ra khen thưởng và phạt chính mình
Nếu bạn làm tốt, không chỉ đúng dealine mà còn hoàn thành công việc xuất sắc thì bạn nên tự thưởng cho chính mình, ăn mừng những công việc thành công. Điều đó như khen ngợi bản thân đã nổ lực và có tiến bộ trong thời gian qua. Sự vui mừng, cảm thấy thỏa mãn với những cố gắng của mình là đòn bẩy thúc đẩy bạn muốn làm tốt hơn, muốn được cống hiến cho công việc hơn vào nhưng lần tiếp theo.
Và tương tự, nếu trễ deadline, bạn nên tự chủ, và nghiêm khắc với chính mình. Tìm ra những nguyên nhân khiến bạn trễ deadline, xem lại quá trình mình làm việc và rút kinh nghiệm. Và nếu công việc không suôn sẻ như theo kế hoạch của bạn bởi những lý do khách quan thì bạn sau khi nhận sai từ bản thân, hãy tha thứ cho mình. Vì không có điều gì là hoàn hảo và sự tha thứ là củng cố cho làm việc tốt hơn trong tương lai
5. Nhờ sự trợ giúp
Hai cái đầu thì luôn tốt hơn một cái đầu. Đôi khi có nhiều người ngồi cùng bàn bạc và đưa ra góp ý cho bạn có thể sẽ đem lại cho bạn nhiều ý tưởng hơn. Và kể cả những người đó không thể đưa giải pháp cho bạn thì họ cũng có thể ở bên cạnh an ủi, động viên giúp bạn có tinh thần hơn trong công việc, kinh nghiệm họ chia sẻ có lẽ sẽ đem đến một ý tưởng nào đó giúp ích cho vấn đề của bạn.
Một sự trợ giúp khác là bạn hãy sử dụng các công cụ nhắc nhở, note ra giấy hoặc là ghi chú hẹn giờ trên điện thoại để nhắc nhở bạn khi cần thiết