• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

90179
Tổng số truy cập:90179
Khách đang online: 108
Đối phó với 7 “kẻ phá bĩnh” nơi công sở
Ngày đăng tin: 21/03/2019 20:01

 Dù có là một người cuồng việc hay đang mang tâm trạng bão hoà với các nhiệm vụ công sở, chắc hẳn rồi sẽ có những ngày bạn thấy thật chán nản, không thể tập trung và làm mãi mà không xong việc gì. Bạn trở nên bực dọc vô cớ và ấm ức vì lẽ ra mình đã hoàn thành những công việc này từ lâu rồi.

Bạn có biết đâu là lý do? mình đã truy lùng được tông tích một số “kẻ phá bĩnh” vô hình này rồi, cùng nhau điểm lại từng cái tên và tìm cách để thôi bị quấy rầy nữa nhé!
 
 
 
1. Ai cho tôi yên tĩnh? Tôi muốn được một chút yên tĩnh!
Chuyện vô cùng quen thuộc tại rất nhiều văn phòng: đồng nghiệp quá ồn ào. Có thể là ai đó đang sử dụng điện thoại với âm lượng rất to, mà dường như họ nói mãi không hết chuyện hoặc phải gọi liên tục cho rất nhiều người; vài đồng nghiệp tranh luận cực kỳ căng thẳng và nảy lửa để chốt dự án nhưng tiếc thay họ không vào phòng họp; một nhóm người đang liên tục ăn uống kể chuyện cười giỡn hết sức sôi nổi với nhau, vui như không có hồi kết…
Thỉnh thoảng chúng ta cũng sẽ gặp được những người thích ngồi giữa đám đông và thường hay nảy sinh ý tưởng sáng tạo trong không gian ồn ào vội vã, họ không e ngại hay chấp nhặt sự phiền nhiễu về âm thanh hay không gian. Tuy nhiên cá tính khác biệt này là trường hợp ngoại lệ. Còn với những người khác, đây thực sự là vấn đề. Các tình huống điển hình trên là nỗi niềm của rất nhiều nhân viên văn phòng, đặc biệt với những ai cần không gian yên tĩnh để viết lách hay sự chính xác chi tiết như kế toán, lập trình. Bởi sự ồn ào này chắc chắn sẽ tác động ít nhiều đến khả năng tập trung suy nghĩ, làm giảm tốc độ làm việc và gây ra tâm lý bực dọc.
Nỗi khổ tâm này cần được giải quyết từ gốc rễ hơn là tình huống. Nghĩa là cần sự tâm lý của phòng hành chính công ty ngay từ đầu, như sắp xếp chỗ ngồi làm việc theo tính chất đặc thù cho từng phòng ban/ nhân sự, ra các quy định về không gian họp hành và thư giãn, hoặc khéo léo chia sẻ với nhân viên về ý tứ khi sinh hoạt trong môi trường tập thể. Đôi khi vì phấn khích hoặc hăng hái quá mà chúng ta quên mất chuyện tiếng ồn, thế nên xử lý ở góc độ hành chính sẽ dễ chịu và hiệu quả hơn là bạn trực tiếp lên tiếng bảo ai đó “đi chỗ khác”, “nhỏ tiếng lại” hoặc “đừng cười to” với ánh mắt khó chịu.
Hình thành nề nếp và thói quen hành xử cũng cần có thời gian. Hơn thế nữa, tin là bạn cũng đồng ý rằng một văn phòng “vắng lặng như tờ” suốt năm này qua tháng nọ, đồng nghiệp ai nấy đều lặng lẽ đăm chiêu sẽ là cảnh tượng cực kỳ đáng sợ, sợ hơn cả cảnh ồn ào huyên náo. Thế nên trong khi chờ tất cả có thể vui đúng nơi - ồn đúng chỗ, cá nhân bạn cần học cách “sống chung với lũ”: tự rèn luyện kỹ năng tập trung vào mục tiêu, giữ tâm trí không xao nhãng hay chia trí bởi ngoại cảnh. Khi không quá quan tâm vào những điều người khác không chủ đích làm với mình, bạn sẽ không còn cảm thấy phiền nhiễu nữa. Sau tất cả, kỹ năng bạn học được lại giúp ích rất nhiều cho bản thân cả trong những trường hợp khác, chứ không phải chỉ là đối phó với “kẻ ồn ào phá bĩnh” này đâu!
 
 
2. Những “vị khách” nhiệt tình khó lòng từ chối
Đây là tình huống hết sức khó xử, rất thân tình nhưng đầy ngang trái! Bạn biết rồi đấy, những khi đang cực kỳ tập trung (ý tưởng tuôn ào ạt phải viết ra ngay hoặc đang cộng trừ tính toán căng thẳng hay chăm chú gõ nốt đoạn code phức tạp) mà đùng một cái anh đồng nghiệp thân đến vỗ vai rồi ngồi xuống bên cạnh hỏi han. Nếu chỉ dừng lại ở dăm ba câu thôi thì mọi chuyện không đến nỗi nào, đằng này người ấy tâm sự tỉ tê đủ thứ mãi không đi.
“Ôi trời ơi, rất cảm kích nhưng mà em không thích”! Làm sao bạn có thể nói ra câu này đây? Nếu rơi vào hoàn cảnh này, dù biết sẽ khó mở lời và áy náy, nhưng nhất định bạn phải tìm cách “bẻ lái” câu chuyện thật khéo léo và tế nhị. Mấu chốt là không để đối phương bị tổn thương hay buồn lòng. Đừng bao giờ ngắt lời hay gạt phăng hết tất cả những cởi mở đó khiến họ hụt hẫng nhé! Cố lắng nghe vài câu nhằm nắm được ý chính vấn đề và lựa lời hứa hẹn sẽ trao đổi nhiều hơn sau. Ví dụ như: “Ồ chuyện này hay ho/ gây cấn/ phức tạp đây! Em không muốn nghe qua loa đâu, mình hẹn nhau chút ăn trưa hoặc đi café nói rõ hơn nhé. Chứ bây giờ đang phải hoàn thành cho xong chút việc gấp này này anh ơi”. Đồng nghiệp của bạn sẽ tự hiểu ra tình huống và vui vẻ chấp nhận mà không hề có cảm giác “quê độ” vì bị từ chối đâu.
 
3. Nắng mưa là chuyện của trời
Thời tiết nóng lạnh thất thường cũng dễ khiến mọi người sinh bệnh. Những thay đổi liên tục và đột ngột sẽ làm cơ thể khó chịu và mệt mỏi, tất nhiên nó ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Chắc chắn bạn sẽ khó hoàn thành được các nhiệm vụ một cách suôn sẻ, nhanh chóng và hoàn hảo nếu như cứ chốc chốc bị sổ mũi, hắt xì, ho khan hay là phải chống chọi với cái đầu đau như búa bổ và cảm giác ớn lạnh ngày một nhiều hơn.
Biết rằng không ai có thể kiểm soát được chuyện nắng mưa, nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động lên kế hoạch bảo vệ sức khoẻ, rèn luyện thể chất và trí lực cho bản thân. Hãy tập thể dục, chơi thể thao, ăn uống điều độ đủ dưỡng chất, giữ năng lượng tích cực và tinh thần lành mạnh. Thực hiện điều này thường xuyên mỗi ngày để về sau không phải than thở bất cứ điều gì. Chỉ là một chút “mưa nắng” thôi, chẳng đủ sức làm bạn gục ngã! Thủ sẵn bên mình dù che nắng, áo đi mưa, áo khoác, vitamin, thuốc cảm… để dùng khi cần thiết và vũ khí mạnh nhất là tinh thần lạc quan, bạn dư sức đánh bại “kẻ phá bĩnh” này!
 
 
 
4. Bi kịch chợt đến từ “cảm hứng của sếp”
Không chỉ nắng mưa, có những hôm cả sếp cũng gây khó khăn cho bạn. Sếp bỗng nhiên thất thường như thời tiết, đột ngột giao xuống một nhiệm vụ với thời hạn (deadline) cực kỳ “trời ơi đất hỡi”. Làm sao trở tay đây, nói không với Sếp thì sợ mà nói dạ với Sếp thì chết vì bạn còn hàng tá việc xếp hàng chờ giải quyết? Lời khuyên để ứng phó tình huống này chính là sự uyển chuyển. Bạn cần nhận định được mức độ cần thiết và tính cấp bách của từng nhiệm vụ, cuối cùng là ưu tiên cho việc quan trọng nhất.
 
Nhưng công việc vẫn phải được xử lý đầy đủ, và không phải là một mình bạn với tất cả nhiệm vụ. Sếp đôi lúc không thể biết tường tận từng nhân viên của mình ai bận ai rảnh. Nên bạn có thể khéo léo giải thích để không nhận việc hoặc dời lại thời hạn một công việc khác. Đừng cảm thấy có lỗi! Không như ta vẫn thường lo rằng từ chối việc làm xấu đi hình ảnh người nhân viên chăm chỉ, nhiệt tình, làm mất lòng sếp hay cơ hội thăng tiến, thực tế rất nhiều người sẽ đánh giá cao sự thẳng thắn và chuyên nghiệp của bạn. Họ thậm chí cảm ơn vì bạn đã cho biết tình hình ngay từ đầu, còn hơn là nhận việc rồi sau đó nhiều thứ “xôi hỏng bỏng không”.
 
5. “Bé ơi ngủ đi!”
Lại thêm những ngày bạn nghĩ dường như toán thế giới chống lại mình, ngay cả đôi mắt cũng không biết nghe lời. Kẻ phá bĩnh công sở thứ 5 thường ập đến vào các buổi xế chiều sau giờ ăn trưa, nó mang tên “Cơn buồn ngủ”. Đây là rắc rối chung nhiều người gặp phải, rất muốn làm việc và mong mỏi hoàn thành công việc nhưng mi mắt cứ sụp xuống, đầu óc lơ mơ không thể tập trung và tâm trạng vô cùng uể oải.
Là phản ứng rất đỗi tự nhiên, cơ thể con người thường sẽ hoạt động chậm lại vào xế chiều nên đôi khi nó gây cho bạn chút rắc rối. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều cách để tác động vào cảm giác buồn ngủ và sự mệt mỏi này. Biện pháp tức thời như: đứng lên đi dạo một vòng, tập thể dục nhẹ nhàng hoặc thư giãn tại chỗ, trò chuyện ngắn cùng đồng nghiệp, nghe nhạc hay uống một ly nước mát… Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến việc ngủ đủ giấc mỗi ngày, ăn sáng ăn trưa đúng cách để giữ năng lượng nữa.
 
 
 
6. Hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
Không chỉ là tâm sự buồn vu vơ như trên, có những giai đoạn chúng ta còn gặp phải chuyện phiền muộn hoặc sự cố không mong muốn trong cuộc sống gia đình hoặc xã hội. Dù tránh thế nào, những nỗi lo buồn, sự bấn loạn sẽ khiến bạn cảm giác rất tệ, không giữ được vẻ bình tĩnh, sự sáng suốt trong công việc, đôi lúc suy sụp đến nỗi chẳng thể nhấc tay chân lên làm bất cứ điều gì. Kẻ phá bĩnh này thật đáng sợ!
Dù biết rằng, một nhân viên chuyên nghiệp sẽ không để cảm xúc và vấn đề cá nhân ảnh hưởng đến công việc. Nhưng mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng, với những ngày như thế này bạn được gợi ý rằng đừng cố trốn tránh mà hãy tìm hướng đi cho mình! Hoặc là nói ra để nhẹ lòng và bớt căng thẳng, hoặc nếu không thể chia sẻ với ai thì xin nghỉ phép để về giải quyết các trục trặc. Khi tâm trạng ổn định hơn, căng thẳng được đẩy lùi, kết quả công việc bạn thực hiện mới đảm bảo chất lượng và có giá trị.
 
7. Ở đâu đó có người gọi tôi
Gần như là vấn nạn của mọi người trong thời đại thông tin, theo thói quen chúng ta sẽ thường xuyên tắt mở các trang mạng xã hội cá nhân (như Facebook, Instagram, Twiter…), xem clip trên Youtube, và truy cập các website tin tức. Bạn luôn cảm giác như có ai đó đang gọi mình, có sự kiện đặc biệt nào đấy đang diễn ra… mà tất cả không thể chờ đợi thêm được nữa. Người ta gọi tình trạng này là FOMO (Fear of Missing Out) tức là nỗi sợ mình bỏ lỡ điều gì đó.
Một khi bị lôi kéo vào cơn tò mò hoặc những cuộc vui bất tận trên mê hồn trận internet, chúng ta sẽ dần quên đi mục đích ban đầu của bản thân. Lẽ ra báo cáo đó đã hoàn thành từ 30 phút trước nhưng 2 tiếng sau vẫn chưa có, lúc này bạn vẫn đang loay hoay trả lời Messenger thay vì đã gửi file và bắt tay vào việc khác.
Tất nhiên bạn sẽ không hoàn thành được bao nhiêu việc nếu cứ liên tục phân chia sự chú ý. Hành động này vừa làm giảm khả năng ghi nhớ dài hạn,vừa ảnh hưởng đến khả năng tư duy và nhập thông tin. Thời gian thực hiện công việc kéo dài ra gấp nhiều lần bởi vì sau mỗi lần lướt web ngắt quãng bạn phải xem lại các thông tin để bắt được nhịp.
Biện pháp là phải tự nghiêm khắc với bản thân hơn. Hãy quên đi cảm giác sợ bị bỏ rơi, xem và phản hồi thông tin có chọn lọc, không phải mọi việc đều cần phải cập nhật hay giải đáp tức thì. Rèn tính kỷ luật và tôn trọng deadline, đừng cho phép mình lỡ hẹn với đồng nghiệp hay cấp trên. Đây là hình ảnh chuyên nghiệp của bạn, và chỉ có chính bạn mới giúp được mình thôi!
 
Mỗi ngày chúng ta đều sẽ có nhiều nhiệm vụ khác nhau cần thực hiện, nếu cứ bị “phá đám” thế này thì hôm sau công việc sẽ ngập đầu đến “lũ lụt” mất thôi! Đôi lúc công việc bị gián đoạn bởi những lý do khách quan bên ngoài hoặc sự phiền nhiễu của người khác, nhưng lắm khi công việc không thể hoàn thành và tâm trạng không vui lại xuất phát từ chính bản thân chúng ta nữa. Dù thế nào thì những “kẻ phá bĩnh” này cũng hết sức đáng ghét! Đã có biện pháp rồi, cứ mạnh dạn tống cổ những phiền nhiễu này đi thật xa, ngay và luôn bạn nhé!
 
Số lượt đọc: 1270 -