Hãy bình tĩnh, không phải lúc nào nhiệm vụ này cũng phức tạp như bạn nghĩ! Thương lượng lương là một nghệ thuật tâm lý và đàm phán, trong đó yếu tố thời điểm vô cùng quan trọng. Ghi nhớ ngay 4 trường hợp NÊN và 3 thời điểm KHÔNG NÊN, đồng thời đơn giản hoá nhiệm vụ thương lượng lương bằng vài mẹo nhỏ được mình chia sẻ dưới đây nhé!
HÃY CÂN NHẮC THƯƠNG LƯỢNG KHI
1. Bạn đã nhận được đề nghị bằng email hoặc thư
Jenny Foss, chuyên gia tuyển dụng hơn 10 năm kinh nghiệm, chia sẻ rằng không ít người tìm việc đã có những bước đi sai lầm khi bắt đầu trở nên quá chủ động, vội vàng chọn cách “chơi rắn” trước khi chắc chắn rằng mình đã nắm trong tay một lời mời. Quy tắc cơ bản nhất khi thương lượng: Bạn có quyền lực và ưu thế hơn khi biết đối phương cần mình.
Vậy nếu đã giành được một đề nghị lương từ nhà tuyển dụng nhưng nó hoàn toàn không như bạn kỳ vọng, đây là thời điểm thích hợp để bạn đưa ra phản hồi và đàm phán thêm. Còn nếu vẫn đang đợi một lá thư chính thức, bạn nên chậm nhịp lại một chút.
2. Bạn nói được rành rọt những giá trị mang đến cho công ty
Điều cực kỳ quan trọng cần nhớ: Doanh nghiệp tiềm năng hoặc ông chủ tương lai của bạn sẽ không quan tâm đến các chi tiết như bạn phải trả tiền thuê nhà, thanh toán nợ vay mua xe hay đóng học phí hàng tháng cho con bao nhiêu. Họ muốn biết bạn sẽ bước vào công ty như thế nào và mang lại những kết quả gì.
Vì thế, nếu trước mắt là một đề nghị lương và bạn đã sẵn sàng bước vào thương lượng, phải chắc rằng bạn đã tập hợp đầy đủ lý lẽ trong tâm thế biết người biết ta và chuẩn bị phần trình bày ấn tượng nhất nhằm thuyết phục rằng mình xứng đáng nhận được một mức lương cao hơn. Những giá trị bạn sẽ mang đến cho tổ chức là gì, nó khiến quyết định tuyển dụng trở thành sự đầu tư ý nghĩa ra sao? Làm sáng tỏ từng luận điểm của mình!
3. Bạn biết mình sẽ sớm từ bỏ công việc nếu nhận mức lương thấp hơn mong đợi
Nếu nhìn vào con số nhà tuyển dụng đề nghị mà bạn thấy khó chịu, bất mãn hoặc bực bội thì hãy dành cho mình một khoảng dừng. Ngưng lại để hình dung cảm xúc của mình tại công ty sau 1 tháng, 6 tháng hoặc 3 năm sau như thế nào nếu bạn chấp nhận mức lương thực sự không ổn với mình. Để chắc chắn công ty mới của bạn đón được “tân binh” có đầy đủ nhiệt huyết với công việc, hài lòng về các cơ hội và mang tâm thế sẵn sàng gặt hái thành tựu thì hẳn bạn cần thương lượng thêm một chút. Chưa kể, bạn xứng đáng có được một công việc mà bản thân yêu thích và hài lòng với mức trả công.
4. Bạn định sẽ từ chối công việc trừ khi mức lương cao hơn
Không ít người từng quay lưng với vị trí ứng tuyển trong cảm giác tức giận sau khi nhận được mức lương đề nghị thấp hơn mong đợi, thay vì cân nhắc thấu đáo và cẩn thận hơn. Các chuyên gia nhân sự cho rằng phản ứng thế này hơi dại dột nếu bạn thực sự thích công ty và mong muốn được đảm nhiệm vai trò đó.
Thay vì nhanh chóng thốt ra câu chối từ cứng nhắc, trước tiên cần nghiêm túc cân nhắc một phương án tốt hơn: thương lượng lại lương. Kết quả xấu nhất thì cũng như bạn đã dự liệu ban đầu, ít ra bạn cũng đã cố gắng hết mình với công việc yêu thích.