Xử lý thế nào khi nhân viên có hiệu suất làm việc kém?
Ngày đăng tin: 26/06/2021 15:34
Quản lý hiệu suất làm việc của nhân viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà quản lý. Chúng ta đều hiểu rằng nhân viên là tài sản lớn nhất của công ty, nhưng đôi khi có một vài thành phần không đáp ứng đủ điều kiện về hiệu suất làm việc, từ đó làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả công việc chung. Trong những trường hợp thế này, với cương vị là một người quản lý bạn phải làm thế nào? Hãy theo dõi bài viết sau đây nhé.
1. Có phản hồi cho nhân viên
Điều đầu tiên bạn cần làm là phải đưa ra phản hồi cho nhân viên một cách nhanh chóng. Nhưng trước khi làm điều này bạn phải nắm rõ kết quả làm việc của họ để làm minh chứng cho những nhận xét của bạn. Ví dụ, nếu nhân viên liên tục làm báo cáo sai trong một khoảng thời gian, hãy chỉ ra chính xác về tần suất và mức độ phạm lỗi của nhân viên đó. Bạn cũng cần nhớ là không nên phóng đại các sai sót của nhân viên và không dùng những từ ngữ gay gắt để làm tổn thương lòng tự trọng của họ. Chỉ cần đưa ra kết quả làm việc của nhân viên trực tiếp và chính xác, chính bản thân họ cũng sẽ nhìn nhận được những vấn đề của mình.
Nắm rõ kết quả làm việc của nhân viên để phản hồi cho họ
2. Lắng nghe ý kiến của nhân viên
Hiệu suất kém không phải lúc nào cũng là kết quả do sự bất cẩn của nhân viên mà đôi khi có những lý do chính đáng khác. Bạn cần cho nhân viên cơ hội để trình bày những suy nghĩ, cũng như các khó khăn gặp phải trong quá trình làm việc, tập trung vào những khó khăn đấy và cung cấp các giải pháp phù hợp cho họ. Chẳng hạn như nếu nhân viên không thể hoàn thành công việc do sự chậm trễ của các bộ phận khác thì bạn nên chấn chỉnh lại quy trình làm việc của tất cả bộ phận. Hoặc nếu nhân viên không thể tập trung vào công việc do một số căng thẳng cá nhân, hãy sắp xếp các buổi tư vấn và nếu cần thiết hãy cho họ thời gian nghỉ phép để lấy lại tinh thần.
3. Đặt mục tiêu về hiệu suất làm việc cho nhân viên
Để thúc đẩy nhân viên làm việc tốt hơn, bạn hãy cùng họ đặt ra những mục tiêu cụ thể về hiệu suất mà nhân viên phải đạt được. Hãy trao đổi với họ để biết được họ mong muốn đạt được những gì và những kỹ năng nào cần được cải thiện. Sau đó bạn cần theo dõi và đưa ra nhận xét, đánh giá theo định kỳ cho nhân viên. Sự kỳ vọng và quan tâm chân thành của bạn sẽ tạo động lực để nhân viên cảm kích và cố gắng làm việc hiệu quả hơn.
Cùng nhân viên đặt ra các mục tiêu cho hiệu suất công việc
4. Tạo điều kiện để nhân viên được nâng cao trình độ chuyên môn
Một sự hỗ trợ hữu ích khác để giúp nhân viên làm việc năng suất hơn là đạo tạo lại họ và cung cấp các công cụ hỗ trợ họ trong quá trình làm việc. Ví dụ, bạn có thể kết hợp một nhân viên làm việc kém hiệu quả với người có năng suất tốt hơn để làm cố vấn hỗ trợ cho họ. Bạn cũng có thể cung cấp cho anh ấy hoặc cô ấy những tài liệu hoặc khóa học có liên quan để họ nâng cao trình độ của mình.
5. Đưa ra mức thưởng – phạt công bằng
Một trong những phương thức được nhiều nhà quản lý áp dụng để thúc đẩy nhân viên của mình làm việc là đưa ra mức thưởng – phạt công bằng. Theo định kỳ mỗi tuần hoặc mỗi tháng, bạn hãy tổng kết kết quả làm việc của từng thành viên. Dành sự công nhận và phần thưởng xứng đáng cho những ai có biểu hiện tốt, đồng thời những cá nhân có hiệu suất kém hơn sẽ có các mức phạt tương ứng.
Thay vì đưa ra quyết định sa thải, tìm hiểu nguyên nhân và giúp nhân viên khắc phục hiệu suất làm việc là điều một nhà quản lý giỏi nên làm. Hy vọng với những chia sẻ ở trên bạn sẽ có cách quản lý nhân viên của mình hiệu quả hơn.