• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

85442
Tổng số truy cập:85442
Khách đang online: 138
Xu hướng phỏng vấn video: Cơ hội và thách thức cho nhà tuyển dụng
Ngày đăng tin: 23/11/2021 16:38

Phỏng vấn online, chính xác là phỏng vấn video đã và đang trở thành một trong những xu hướng trong tuyển dụng. Ở thời đại công nghệ số như hiện nay, phỏng vấn video được cho là mang lại rất nhiều cơ hội cho cả nhà tuyển dụng và ứng viên, tuy nhiên, thực tế thì nhà tuyển dụng cũng phải đối mặt với một số thách thức nhất định.

Công nghệ hiện đại đã mang đến rất nhiều tiện ích cho công việc và cuộc sống, đặc biệt là khi nói đến giao tiếp và kết nối. Skype, Zoom hay các nền tảng khác không chỉ cho phép mọi người liên lạc với nhau vì mục đích giao lưu mà còn tạo điều kiện để các công ty, tổ chức tuyển dụng những tài năng tốt nhất. Sự phổ biến của phỏng vấn video rõ ràng mang lại nhiều lợi ích cho nhà tuyển dụng và ứng viên nhưng cùng với đó, các thách thức và khó khăn đi kèm cũng đòi hỏi nhà tuyển dụng phải nhanh chóng thích nghi và điều chỉnh.


Phỏng vấn video mang đến những lợi ích gì?

I. Phỏng vấn video là xu hướng
 
Trong vài năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp thực hiện các cuộc phỏng vấn video để tìm kiếm nhân tài. Đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 khiến các công ty, tổ chức trên toàn cầu phải thay đổi cách tiếp cận ứng viên, chuyển sang các hình thức tuyển dụng online, làm việc từ xa thì phỏng vấn video lại càng thể hiện được thế mạnh của mình.

Như đã nói, cách tiếp cận này có những ưu điểm riêng của nó nhưng đồng thời cũng sẽ có những nhược điểm. Không phải nhà tuyển dụng nào cũng quen thuộc và biết cách tiến hành những cuộc phỏng vấn video đúng chuẩn, đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong bài viết này, Cevn sẽ giúp bạn hiểu hơn về cơ hội cũng như thách thức cho nhà tuyển dụng khi phỏng vấn online, đồng thời cung cấp cho bạn một số giải pháp tốt nhất.

II. Cơ hội của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn video
 
1. Tiết kiệm chi phí
 
Chi phí của một buổi phỏng vấn trực tiếp thường tốn kém hơn so với phỏng vấn online. Nhà tuyển dụng chỉ sẽ không phải tốn nhiều thời gian sắp xếp nhân viên đón tiếp, chuẩn bị trà nước hay bánh kẹo, hoa quả mời ứng viên khi họ chờ đến lượt phỏng vấn, thậm chí trong một số trường hợp, các chi phí còn bao gồm cả sắp xếp xe đưa đón ứng viên. Tất cả đều được giản lược và tiết kiệm nếu thực hiện phỏng vấn video.

2. Lịch trình linh hoạt
 
Để cho thấy sự tôn trọng đối với các ứng viên đến phỏng vấn trực tiếp, đặc biệt là đối với nhân sự nhiều kinh nghiệm, đang đi làm tại doanh nghiệp khác thì nhà tuyển dụng thường phải cố gắng để họ gặp và trao đổi với hội đồng phỏng vấn trong một ngày. Tuy nhiên, việc sắp xếp lịch trình này lại rất khó khăn. Với các cuộc phỏng vấn video thì vấn đề đau đầu của nhà tuyển dụng là lên lịch phỏng vấn tại văn phòng sẽ lập tức được loại bỏ vì khi không phải di chuyển nhiều, ứng viên cũng sẽ dễ sắp xếp lịch trình của họ hơn và có thể chấp nhận phỏng vấn ngoài giờ hành chính.

3. Tuyển dụng nhanh hơn
 
Thời gian tuyển dụng thành công nhân sự cho vị trí đang trống là một loại số liệu rất quan trọng để theo dõi và đánh giá chất lượng tuyển dụng. Thời gian này thường phụ thuộc vào uy tín của doanh nghiệp, mức lương, yêu cầu trình độ và kỹ năng của vai trò cụ thể. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều gặp phải tình huống bị quá hạn tuyển dụng vì những tình huống phát sinh, chẳng hạn như số lượng ứng viên đến phỏng vấn quá ít, không sắp xếp được lịch trình phỏng vấn của các quản lý bộ phận... Với phỏng vấn video thì việc lên lịch có thể linh hoạt hơn, phỏng vấn nhanh hơn và trả kết quả nhanh hơn. Nói cách khác, nó sẽ giúp bạn giảm thời gian tìm kiếm, lựa chọn ứng viên.


Phỏng vấn video giúp tuyển dụng nhân tài nhanh chóng, hiệu quả

4. Sự nhất quán cho quy trình tuyển dụng
 
Một ưu điểm khác khi thực hiện phỏng vấn video là nhà tuyển dụng có thể ghi lại toàn bộ các buổi trò chuyện. Đôi khi, người phỏng vấn có thể quên mất những điều ứng viên đã nói trong buổi phỏng vấn, muốn xem xét lại nhưng không nhớ rõ quan điểm của ứng viên là như thế nào. Xem lại video, nghe lại bản ghi phỏng vấn có thể giúp bạn ra quyết định chính xác hơn, đồng thời đảm bảo tính khách quan, công bằng cho người tìm việc.

5. Thuận tiện
 
Phỏng vấn video cũng giúp loại bỏ hầu hết gánh nặng hành chính mà phỏng vấn trực tiếp đều gặp phải. Ứng viên không mất thời gian di chuyển, nhà tuyển dụng không phải chuẩn bị phòng họp, điều phối ở phòng chờ, lễ tân không phải chuẩn bị tiếp đón... Đồng thời, phỏng vấn qua video cũng đa dạng hóa nguồn ứng viên, cho phép bạn tìm kiếm nhân tài từ nhiều khu vực địa lý khác nhau.

III. Thách thức của phỏng vấn video với nhà tuyển dụng
 
1. Thay đổi cách tiếp cận và đặt câu hỏi phỏng vấn
 
Dù bạn có muốn thừa nhận hay không thì rõ ràng, phỏng vấn video có nhiều điểm khác biệt so với phỏng vấn trực tiếp. Làm sao để tiếp cận ứng viên đúng hướng và thiết kế bộ câu hỏi phỏng vấn để tìm hiểu, đánh giá toàn diện nhất về ứng viên là điều mà nhà tuyển dụng nào cũng phải chú ý và dành thời gian để chuẩn bị, hoàn thành.

Thực tế thì khi bắt đầu chuyển sang hình thức phỏng vấn video, nhiều nhà tuyển dụng gặp khó khăn, ngay từ việc chuẩn bị thiết bị, kết nối internet, không gian phỏng vấn online đến việc thay đổi một số tiêu chuẩn, cách đặt câu hỏi phỏng vấn. Bạn sẽ cần thời gian để chuẩn bị, học hỏi và hoàn thiện dần. Lời khuyên của Cevn trong trường hợp này là:
  • Tiếp cận ứng viên theo cách chuyên nghiệp nhưng thân thiện.
  • Đừng quên giới thiệu về công ty như một thương hiệu tuyển dụng mạnh, uy tín.
  • Cung cấp sự hướng dẫn chi tiết cho ứng viên: Rõ ràng về thời gian phỏng vấn, hướng dẫn họ cài đặt thiết bị, gửi link buổi phỏng vấn trước đó...
  • Có tiêu chí đánh giá ứng viên rõ ràng, chính xác để đảm bảo tính khách quan và công bằng.
  • Kết hợp các câu hỏi phỏng vấn chung và câu hỏi đánh giá chuyên môn, kỹ năng của ứng viên.

Những thách thức nhà tuyển dụng phải đối mặt khi phỏng vấn video

2. Khó đánh giá chính xác về ứng viên
 
Đây có thể là thách thức nghiêm trọng nhất của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn online vì nếu không giải quyết được, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyển sai người. Phỏng vấn trực tiếp thì nhà tuyển dụng có cơ hội quan sát, đánh giá rõ hơn về ứng viên qua cử chỉ, ấn tượng ban đầu, cách họ giao tiếp bằng mắt hay sử dụng ngôn ngữ cơ thể nói chung. Tuy nhiên, khi phỏng vấn online thì điều này khó hơn vì gần như tất cả chỉ thể hiện qua ánh mắt và cách ứng viên đưa ra câu trả lời.

Hơn nữa, phỏng vấn video cũng tạo điều kiện cho một số ứng viên "ăn gian", chẳng hạn như họ ghi chú một số thông tin, kiến thức chuyên môn và cố gắng tham khảo khi đưa ra câu trả lời.

Tất cả những gì nhà tuyển dụng có thể làm là tập trung lắng nghe và quan sát, đặt câu hỏi thật toàn diện để xem cách phản ứng của ứng viên. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể "chia nhỏ" các tiêu chí đánh giá để đảm bảo tính chính xác khi "chấm điểm".

3. Ứng phó với nhiều vấn đề có thể phát sinh trong phỏng vấn
 
Đang trao đổi với ứng viên thì nền tảng kết nối bị lỗi, internet gián đoạn, không nghe rõ... chỉ là một số trong nhiều vấn đề có nguy cơ phát sinh khi phỏng vấn video. Nhà tuyển dụng sẽ phải chuẩn bị trước nhiều kịch bản để khi có sự cố xảy ra thì bạn sẽ khắc phục kịp thời. Hơn nữa, bạn cũng đừng quên hướng dẫn, nhắc ứng viên có sự chuẩn bị để "nhỡ không may" thì hai bên đều nhanh chóng kết nối lại và tiếp tục cuộc trò chuyện.

Tạo ra nhiều cơ hội, lợi thế cho nhà tuyển dụng nhưng rõ ràng, phỏng vấn video cũng khiến bạn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Sự thích ứng, chuẩn bị kỹ càng, thay đổi từ những trải nghiệm thực tế sẽ giúp nhà tuyển dụng hoàn thiện quy trình phỏng vấn video của mình hướng tới nâng cao hiệu quả, tuyển được đúng người đúng việc.
Số lượt đọc: 469 -