Ứng viên có nên hỏi ngược lại nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn không?
Ngày đăng tin: 10/04/2022 17:02
Phỏng vấn xin việc mang tính chất hai chiều, đối thoại chứ không phải chỉ một bên hỏi, bên còn lại trả lời. Đây không những là thời điểm nhà tuyển dụng khai thác thêm nhiều thông tin ứng viên, mà còn tạo cơ hội để ứng viên tìm hiểu sâu hơn về chính sách, văn hóa, môi trường công ty.
Mặc dù trong suốt quá trình phỏng vấn đã có sự tương tác hỏi đáp giữa hai bên nhưng thông thường nhà tuyển dụng vẫn sẽ dành riêng một phần để ứng viên đặt câu hỏi. Đưa ra câu hỏi như vậy thể hiện bạn là người có tư duy, cẩn thận và có hứng thú với vị trí công việc công ty đang tuyển dụng.
Nên hay không nên đặt ngược câu hỏi cho nhà tuyển dụng?
Vì sao ứng viên nên hỏi ngược lại nhà tuyển dụng?
1. Thể hiện bạn thích thú với công việc
Bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, nếu không yêu thích công việc của mình, bạn sẽ khó mà làm việc hiệu quả và kiên trì với nó. Đa số ứng viên miễn cưỡng với sự lựa chọn của mình đều được thể hiện rất rõ qua thái độ thờ ơ, không đặt câu hỏi, không có bất cứ thắc mắc nào trong suốt buổi phỏng vấn xin việc. Hiểu được tâm lý này, nhà tuyển dụng dĩ nhiên rất hoan nghênh những ứng viên có câu hỏi liên quan tới công ty và lĩnh vực đang tuyển dụng bởi điều này thể hiện niềm hứng thú và chờ mong với công việc tương lai.
2. Có sự tìm hiểu về công ty và lĩnh vực
Đừng hỏi những câu hỏi mà câu trả lời có thể dễ dàng được tìm thấy trên Google. Hỏi những câu như vậy sẽ phản tác dụng trong trường hợp này đấy nhé! Nếu bạn đã nghiên cứu và có nền tảng kiến thức nhất định về văn hóa, môi trường và lĩnh vực hoạt động của công ty, hãy hỏi những câu liên quan đến chúng. Vận dụng tư duy phản biện để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Những người phỏng vấn sẽ ngầm hiểu bạn đã dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu trước, bạn nghiêm túc cũng như trân quý cơ hội và vị trí công việc này.
3. Có óc tư duy
Một điểm cũng được thể hiện khi bạn đặt câu hỏi mang tính chuyên sâu và thảo luận cho nhà tuyển dụng là bạn có óc tư duy và kỹ năng phân tích tình huống. Đối với bất cứ vị trí nào trong một công ty, tổ chức, lối tư duy độc lập, nhạy bén luôn rất được. Đây chính là dấu hiệu cho thấy bạn là một ứng viên tiềm năng, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều tác động tích cực và lợi ích cho công ty sau này.
Nhà tuyển dụng khuyến khích ứng viên đặt câu hỏi ngược
4. Nhắn gửi thông điệp
Cơ bản mà nói, chức năng của câu hỏi là để thu thập thông tin và lấp đầy lỗ hổng kiến thức của bản thân. Tuy nhiên, trong trường hợp của một cuộc phỏng vấn, đưa ra thắc mắc lại là một cách ngầm nhắn gửi thông điệp tới nhà tuyển dụng. Thông điệp đó chính là bạn mong chờ và đã sẵn sàng cho vị trí công việc. Tiền lương hay đãi ngộ, những vấn đề này tốt hơn hết nên để thảo luận sau. Thay vào đó, hãy đưa ra câu hỏi về văn hóa, cách thức quản lý, hoạt động đảm nhiệm,... nếu làm việc ở vị trí đang tuyển dụng.
Đặt câu hỏi trong buổi phỏng vấn xin việc là cách ứng viên "thám thính" sâu hơn về môi trường công việc đang hướng tới xem có phù hợp với bản thân hay không. Hãy cứ chủ động và mạnh dạn đặt ra thắc mắc của mình nhé!