• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

61282
Tổng số truy cập:61282
Khách đang online: 112
Những "bài test" quan trọng bậc nhất trong tuyển dụng nhân sự
Ngày đăng tin: 08/04/2022 21:52

Để tuyển dụng đúng người đúng việc, mỗi doanh nghiệp đều sẽ có quy trình kiểm tra, đánh giá riêng để chọn ra ứng viên tiềm năng nhất. Dù hình thức khác nhau nhưng nhìn chung, hầu hết các chuyên gia nhân sự sẽ tập trung vào một số "bài test" nhất định nhằm đánh giá chính xác năng lực, kỹ năng và tâm lý của ứng viên.

Thực hiện các bài kiểm tra trước, trong và sau khi phỏng vấn là một hình thức tương đối khách quan, hiệu quả, đáng tin cậy để nhà tuyển dụng nắm được phần nào kỹ năng và năng lực chuyên môn của từng ứng viên. Tùy thuộc vào tính chất, đặc thù của từng công việc cụ thể mà các hình thức bài kiểm tra sẽ khác nhau.
 

Tuyển dụng nhân sự hiệu quả cần có những bài kiểm tra nào?

I. Đâu là bài test quan trọng nhất để đánh giá ứng viên?
 
Nhà tuyển dụng sẽ dùng những hình thức khác nhau để kiểm tra ứng viên, ví dụ như ứng viên vị trí Nhân viên kế toán sẽ test năng lực qua việc tính toán, xử lý báo cáo mẫu trong khi ứng viên vị trí BTV thường được yêu cầu viết nhiều dạng bài khác nhau (thể hiện qua những đoạn văn ngắn)... Dù thế nào, mục đích của nhà tuyển dụng vẫn là có thêm căn cứ để đánh giá, so sánh các ứng viên với nhau và chọn ra người xuất sắc cũng như phù hợp với công ty.
 
1. Bài kiểm tra năng lực
 
Nhờ khả năng đo lường, đánh giá tương đối chính xác kỹ năng tiếp nhận thông tin, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện... của ứng viên nên bài kiểm tra năng lực được sử dụng rất nhiều trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Theo đó, chỉ số IQ, năng lực chuyên môn cũng như những kỹ năng thiết yếu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao sẽ được thể hiện tương đối rõ ràng.
Cụ thể, bài kiểm tra năng lực sẽ đánh giá khả năng tính toán nhanh, khả năng tư duy logic, vận dụng kiến thức chuyên môn để xử lý vấn đề, v.v. là những dạng bài xuất hiện nhiều nhất.
 
2. Bài kiểm tra tâm lý
 
Bài kiểm tra tâm lý được thiết kế để nhận định mức độ phù hợp của một người với yêu cầu công việc. Điều này giúp nhà tuyển dụng tiết kiệm thời gian sàng lọc lượng lớn ứng viên ứng tuyển.
Chẳng hạn, bài kiểm tra khả năng xử lý tình huống có thể đo lường chính xác hành vi, thái độ, cách xử lý của ứng viên trong các tình huống bất ngờ, khi bị đặt dưới áp lực thời gian, khi xảy ra bất đồng với đồng nghiệp,...
 
3. Bài kiểm tra kỹ năng
 
Nhằm mục đích đánh giá kỹ của ứng viên trong các vai trò cụ thể, bài kiểm tra kỹ năng có phạm vi khá linh hoạt từ ngôn ngữ, toán học, giao tiếp cho đến khả năng đánh máy, kỹ năng tin học văn phòng, v.v. Nói cách khác, phương pháp này cho phép nhà tuyển dụng sàng lọc những người có CV "đẹp" nhưng lại không thể chứng minh bản thân trong thực tế và ngược lại. Mặc dù tốn khá nhiều thời gian nhưng cách thức kiểm tra này sẽ giúp nhà tuyển dụng tìm ra những ứng viên sáng giá nhất. Đối với ứng viên thì đây sẽ là cơ hội để họ tỏa sáng bằng những kỹ năng của mình.
 
II. Những nội dung kiểm tra khác
 
So với 3 bài test tiêu chuẩn kể trên, có một số dạng kiểm tra khác mà một số nhà tuyển dụng có thể dùng đến. Tùy vào công việc, mức độ chuyên môn hóa... mà tính phức tạp của bài test sẽ không giống nhau.
 
4. Bài kiểm tra năng lực nhận thức
 
Với nhiệm vụ đánh giá những vấn đề liên quan đến trí tuệ như ngôn ngữ, toán học, khả năng đọc - hiểu và ghi nhớ, v.v. các bài kiểm tra năng lực nhận thức được chia thành hai loại như sau:
  • Trí thông minh mềm (fluid intelligence): Khả năng phân biệt các yếu tố trừu tượng, tiếp nhận thông tin mới và xử lý từng tình huống cụ thể.
  • Trí thông minh cứng (crystallized intelligence): Khả năng phân tích dữ liệu, áp dụng kiến thức chuyên môn sẵn có để giải quyết mọi vấn đề phát sinh.
Thực tế cho thấy đây là dạng bài được nhà tuyển dụng sử dụng nhiều nhất bởi chi phí thấp nhưng vẫn đánh giá chính xác được hiệu suất làm việc của ứng viên.
 
5. Bài kiểm tra tính cách
 
Được thiết kế để đánh giá hành vi, tính cách của ứng viên, bài kiểm tra tính cách sẽ tập trung vào các yếu tố như thái độ tận tâm trong công việc, tư duy cởi mở, hướng ngoại, kỹ năng tự tạo động lực, v.v.
Một điểm thú vị của dạng bài này là không có câu trả lời đúng - sai rõ ràng như hai màu đen và trắng. Vấn đề mà nhà tuyển dụng quan tâm ở đây là quan điểm, thái độ của ứng viên có phù hợp với yêu cầu công việc và văn hóa của công ty hay không.
 
Bài kiểm tra tính cách còn được gọi với cái tên khác là trắc nghiệm MBTI. Với hình thức kiểm tra này, nhà tuyển dụng sẽ có thể hiểu rõ hơn về con người, tính cách, phẩm chất của ứng viên để tuyển dụng vào vị trí hợp lý nhất, giúp định hướng con đường sự nghiệp đúng đắn. Để đưa ra bài trắc nghiệm tính cách hiệu quả khi đánh giá ứng viên, nhà tuyển dụng có thể tham khảo thêm thông tin trong bài viết sau.
 

Những bài kiểm tra không thể bỏ qua khi tuyển dụng nhân sự

6. Bài kiểm tra thể lực
 
Bài kiểm tra thể lực được áp dụng trong một số lĩnh vực, ngành nghề nhất định để đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu về sức khỏe, sức bền của ứng viên. Chẳng hạn, những công việc như nhân viên cứu hỏa, cứu hộ, quân nhân, công nhân xây dựng, biên đạo múa, cảnh sát... đều đòi hỏi thể lực tốt. Mặt khác, các yếu tố như giới tính, tuổi tác, v.v. sẽ có tác động nhất định đến kết quả bài kiểm tra này.
 
7. Bài kiểm tra tính trung thực
 
Với mục đích đánh giá về mức độ trung thực, tinh thần trách nhiệm trong công việc, hình thức kiểm tra này được rất nhiều công ty áp dụng để đánh giá ứng viên và cả nhân viên chính thức. Tuy nhiên, do đặc thù liên quan đến cảm xúc cá nhân nên nhược điểm lớn nhất của dạng bài này là khó kiểm soát được độ chính xác các câu trả lời từ ứng viên.

8. Bài thuyết trình
 
Với bài kiểm tra này, nhà tuyển dụng thường sẽ yêu cầu ứng viên thuyết trình về một sản phẩm của công ty hoặc những gì họ biết về công ty trong một khoảng thời gian nhất định. Dựa vào đó, họ sẽ có thể đánh giá chính xác kỹ năng giao tiếp; tác phong chuyên nghiệp, tự tin; khả năng nghiên cứu và tìm kiếm thông tin; .... của ứng viên.
 
Các bài kiểm tra, đánh giá ứng viên ngày càng được áp dụng rộng rãi, vừa giúp tiết kiệm thời gian vừa nâng cao chất lượng tuyển dụng. Ứng viên trước khi đi tìm việc làm cũng nên tìm hiểu và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng trước các bài kiểm tra này để thể hiện mình tốt nhất trong suốt quá trình ứng tuyển.
Số lượt đọc: 558 -