UX Designer là làm gì? Công việc của họ khác gì với những nhà thiết kế khác?
Ngày đăng tin: 28/09/2022 16:29
UX Designer là một vai trò khá mới nhưng nhu cầu tuyển dụng thì luôn ở mức cao, tạo ra vô số cơ hội việc làm cho những ai có bằng cấp và trình độ phù hợp. Để ứng tuyển, trước hết bạn sẽ cần thực sự hiểu về công việc này, biết rõ UX Designer là làm gì, thiết kế ra sản phẩm, dịch vụ như thế nào nhé.
Bởi lẽ chính bản thân từ "thiết kế" đã là một khái niệm khá rộng và mơ hồ, cộng thêm sự xuất hiện chỉ mới gần đây của UX nên nhiều người còn chưa hiểu rõ UX Designer là gì và họ làm những công việc gì?
UX Designer là làm gì?
I. UX Design là gì?
UX Design (User Experience Design - thiết kế trải nghiệm người dùng) là hoạt động tạo ra các sản phẩm kỹ thuật số (ứng dụng web, ứng dụng di động, phần mềm, ...) nhằm mục đích mang đến cho người dùng một trải nghiệm nhanh chóng, liền mạch và hiệu quả khi sử dụng Internet. Quá trình thiết kế này sẽ giúp người dùng cuối tương tác với các sản phẩm kỹ thuật số một cách dễ dàng và thuận tiện. Thậm chí, UX Designer còn phải đảm bảo người dùng có thể tìm thấy niềm vui, coi đây là một công cụ giải trí cũng như có được trải nghiệm tốt nhất với sản phẩm mà mình thiết kế.
II. Nhiệm vụ của UX Designer
UX Designer về cơ bản là cầu nối giữa người dùng cuối và lập trình viên - những người phát triển sản phẩm. Họ nghiên cứu về thói quen sử dụng và tâm lý của khách hàng và lấy đó làm cơ sở để phát triển sản phẩm, xây dựng các tính năng, giao diện, ... đáp ứng yêu cầu của người dùng.
Mỗi công ty lại đặt ra những yêu cầu về công việc, trách nhiệm khác nhau đối với từng UX Designer. Tuy nhiên một
nhà thiết kế trải nghiệm người dùng chuyên nghiệp sẽ cần phải thực hiện những nhiệm vụ chung nhất như:
- Nghiên cứu, tìm hiểu thói quen, tâm lý của khách hàng và kết hợp nó với mục tiêu kinh doanh.
- Nghiên cứu nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm mình dự định phát triển.
- Xây dựng chân dung khách hàng (personas).
- Lên kế hoạch và tiến hành phân tích người dùng cuối cũng như đối thủ cạnh tranh.
- Xác định các mô hình tương tác thích hợp và thiết kế sản phẩm.
- Phối hợp với nhóm UI Designer để nghiên cứu về navigation (điều hướng), định tuyến trang, thiết kế trang sản phẩm, v.v.
- Dự đoán mọi kịch bản có thể xảy ra khi sử dụng sản phẩm.
- Phối hợp đưa sản phẩm ra thị trường.
III. Mô tả công việc của UX Designer
1. Nghiên cứu sản phẩm
Được thực hiện khi dự án bắt đầu khởi động, mục đích của hoạt động này nhằm tìm hiểu mọi thứ liên quan đến khách hàng, người dùng cuối và chính sản phẩm. Từ đó, làm cơ sở để UX Designer có thể thực hiện các bước tiếp theo: phác thảo ý tưởng, dòng sản phẩm, các chức năng chính, ... Đây cũng là giai đoạn các UX Designer thu thập thông tin và dữ liệu chính xác để loại bỏ các giả định và đưa ra những quyết định cuối cùng.
Không chỉ thế, bước nghiên cứu sản phẩm còn giúp UX Designer nắm bắt được hành vi, mục tiêu, động cơ và nhu cầu của người dùng; từ đó tối ưu hóa chất lượng sản phẩm đầu ra. Từ những dữ liệu thu thập được, họ sẽ có được cái nhìn toàn diện nhất về sản phẩm từ nhiều góc độ khác nhau, từ vai trò của nhà phát triển cho tới quan điểm của người dùng. Nhờ đó mà tạo ra sự kết nối đặc biệt giữa người dùng và sản phẩm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mỗi nghiên cứu sẽ đưa ra các kết quả khác biệt vì mỗi kiểu người dùng lại có nhu cầu và động cơ không giống nhau. Hơn nữa, mỗi sản phẩm hay dự án đều nhắm tới mục đích khác nhau, từ đó các UX Designer phải tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn cụ thể khi
thiết kế sản phẩm cho từng ngành nghề hoặc doanh nghiệp cụ thể.
2. Xây dựng chân dung khách hàng và các giả định khi sử dụng sản phẩm
Sau khi thu thập kết quả nghiên cứu chi tiết, loạt personas (chân dung khách hàng) sẽ tiết lộ đặc tính của người dùng mà bạn sẽ phục vụ trong tương lai. Các personas không chỉ giúp UX Designer nắm bắt tâm lý người dùng mà còn thể hiện rõ những bất cập và mục tiêu của họ khi sử dụng ứng dụng hoặc trang web. Tuy nhiên, tương tự như việc nghiên cứu sản phẩm, một personas không thể dùng cho nhiều trường hợp khác nhau.
Xây dựng personas xong sẽ đến bước thiết lập các kịch bản người dùng nhằm mô phỏng hoạt động của họ. UX Designer có thể dựa vào mục tiêu của personas để xây dựng các kịch bản một cách hiệu quả nhất.
Mô tả công việc của UX Designer chi tiết nhất
3. Thiết kế
Sau khi hoàn tất các bước nghiên cứu và xây dựng
thông tin khách hàng, UX Designer có thể bắt tay vào công đoạn thiết kế. Họ sẽ phải phác thảo thiết kế sản phẩm và sau đó tạo kiến trúc thông tin. Kiến trúc thông tin là việc tạo ra một cấu trúc của website/ứng dụng để người dùng có thể hiểu họ đang ở đâu, thông tin mà họ cần tìm kiếm ở chỗ nào, ... Kiến trúc thông tin này cũng sẽ góp phần vào việc điều hướng, phân cấp và phân chia bố cục sản phẩm.
Tiếp theo, họ thiết lập wireframe (bản nháp) cho sản phẩm, cho thấy các yếu tố như biểu tượng, nút bấm, CTA, chữ viết, ... sẽ được hiển thị như thế nào trên màn hình thiết bị. Nhiệm vụ của wireframe chỉ đơn giản là thể hiện hình dạng, kích thước và vị trí giao diện trang web mà thôi.
4. Chạy thử
Sau khi hoàn tất wireframe sẽ đến bước chạy thử. Họ sẽ phải nhấn vào tất cả các trang để xem sản phẩm hoạt động như thế nào. Điều quan trọng nhất của bước này là xem chất lượng trải nghiệm tương tác khi sử dụng chứ không phải là màu sắc hay hình ảnh trên sản phẩm. Nói một cách ngắn gọn thì đây là lúc UX Designer thiết kế một sản phẩm mẫu để thử nghiệm trước khi tung ra thị trường.
Công việc của UX Designer khá phức tạp và có sự liên quan mật thiết đến những cảm nhận, trải nghiệm của người dùng đối với sản phẩm. Họ đóng một vai trò quyết định một sản phẩm có thành công hay không sau khi được tung ra thị trường.