• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

83506
Tổng số truy cập:83506
Khách đang online: 226
Mẹo sử dụng từ khóa trong CV xin việc để nhà tuyển dụng đọc không rời mắt
Ngày đăng tin: 09/03/2022 10:21

Trong vô số mẹo để tạo CV xin việc thật chuẩn chỉnh và ấn tượng thì đưa từ khóa vào CV cũng là một tip quan trọng không thể bỏ qua. Từ khóa và các cụm từ liên quan sẽ giúp bạn thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng đồng thời nâng cao cơ hội được mời phỏng vấn.

Một bản CV xin việc hiệu quả phải có bố cục rõ ràng, hấp dẫn và thể hiện được đầy đủ những kỹ năng và trình độ cụ thể đáp ứng yêu cầu công việc. Trong CV xin việc, bạn cần phải đưa vào những từ khóa phù hợp để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng cũng như để vượt qua vòng sàng lọc của hệ thống xét duyệt CV tự động trong trường hợp nhà tuyển dụng có sử dụng công cụ này.
 
 

Cách sử dụng từ khóa trong CV xin việc để gây ấn tượng
 
I. Từ khóa trong CV xin việc là gì?
 
Từ khóa trong CV xin việc là những từ hoặc cụm từ ngắn liên quan trực tiếp đến vai trò, vị trí bạn ứng tuyển. Từ khóa sẽ giúp mô tả kỹ năng, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và những phẩm chất khác mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên của họ. Nó bao gồm những danh từ liên quan đến công việc, giúp thể hiện kỹ năng và trình độ của ứng viên. Đó cũng có thể là động từ thể hiện những thành tích mà ứng viên đã đạt được trước đây.
 
Thông thường, trong quá trình xét duyệt CV, nhà tuyển dụng sẽ không đọc toàn bộ CV mà chỉ tìm kiếm những từ khóa mà họ cho là quan trọng nhất. Có được những từ khóa này nghĩa là bạn đã tiến gần hơn đến cơ hội được mời phỏng vấn.

II. Tại sao từ khóa trong CV xin việc lại quan trọng?
 
Từ khóa trong CV xin việc là vô cùng quan trọng bởi nhà tuyển dụng thường không có đủ thời gian để đọc hết toàn bộ thông tin trên CV. Họ sẽ chỉ tìm kiếm những từ khóa chính và đánh giá ứng viên dựa trên những từ khóa đó. Ngoài ra, ngày càng có nhiều công ty sử dụng hệ thống xét duyệt CV tự động (Applicant Tracking System - ATS) để quét từ khóa trên CV xin việc của ứng viên.
 
Hệ thống xét duyệt CV tự động thường rất phức tạp và được lập trình để:
  • Tìm kiếm những CV có từ khóa liên quan đến yêu cầu công việc.
  • Đếm và xếp hạng CV dựa theo tần suất xuất hiện các từ khóa.
  • Đánh giá cao những CV có chứa những từ khóa quan trọng.
  • Phát hiện những trường hợp spam từ khóa.
  • Xếp thứ hạng cao đối với những CV sử dụng từ khóa trong một câu và có các kỹ năng liên quan khác.
Công nghệ được sử dụng trong hệ thống xét duyệt CV tự động vô cùng tiên tiến; bởi vậy, ứng viên cần phải sử dụng từ khóa một cách thông minh và có mục đích cụ thể. Ngay cả trong trường hợp duyệt CV bằng tay thì nhà tuyển dụng cũng thường chỉ dành một vài giây để tìm ra những từ khóa quan trọng nhất. Đừng cố đưa vào quá nhiều từ khóa không liên quan hay sử dụng những từ ngữ mô tả kỹ năng, kinh nghiệm mà mình không có được. Khi đó, bạn sẽ bị đánh giá là lạm dụng từ khóa hay tồi tệ hơn là nói dối trong CV xin việc.
 

Vai trò của từ khóa trong CV xin việc

III. Tìm từ khóa phù hợp để đưa vào CV xin việc
 
Để biết được đâu là những từ khóa quan trọng nhất cần có trong CV xin việc, bạn có thể vận dụng những cách sau:
  • Phân tích tin tuyển dụng để biết những kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu.
  • Phân tích những tin tuyển dụng chức danh tương tự.
  • Tìm hiểu website công ty.
  • Tìm hiểu những kỹ năng và kinh nghiệm cần có đối với các vị trí cao cấp hơn.
1. Phân tích tin tuyển dụng và mô tả công việc
 
Phân tích tin tuyển dụng và mô tả công việc là việc đầu tiên mà bạn cần làm để xác định xem những từ khóa nào cần được đưa vào CV xin việc. Nhà tuyển dụng sẽ liệt kê chi tiết những tiêu chuẩn mà họ cần ở ứng viên tiềm năng, những tiêu chí quan trọng thường được đặt lên hàng đầu. Khi đọc tin tuyển dụng và mô tả công việc, hãy đánh dấu lại tất cả những từ khóa mà bạn cho là quan trọng.

2. Phân tích tin tuyển dụng chức danh tương tự
 
Bạn cũng có thể phân tích những tin tuyển dụng vị trí tương tự của các công ty khác. Sau khi đã phân tích ít nhất khoảng 10 tin, hãy lựa chọn ra những từ khóa quan trọng và được sử dụng thường xuyên nhất. Đây có thể là những kỹ năng, kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn ở ứng viên của họ.
 
3. Tìm hiểu website công ty
 
Tìm hiểu website công ty cũng sẽ giúp bạn tìm kiếm thêm được những từ khóa khác thể hiện thương hiệu và những giá trị mà họ đang hướng tới. Sử dụng những từ khóa này trong CV xin việc sẽ giúp chứng tỏ rằng bạn phù hợp với văn hóa, định hướng phát triển của công ty.
 
4. Tìm hiểu những kỹ năng và kinh nghiệm cần có đối với các vị trí cao cấp hơn
 
Bên cạnh tìm hiểu vị trí ứng tuyển và các chức danh tương tự thì bạn cũng nên phân tích các vị trí cao hơn vị trí ứng tuyển hiện tại một bậc. Nếu thấy bản thân có kỹ năng và kinh nghiệm làm việc phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng thì hãy ngay lập tức liệt kê vào CV xin việc. Điều này sẽ giúp bạn trở nên nổi bật, khác biệt hơn so với những ứng viên khác - những người có thể chưa sở hữu kỹ năng tuyệt vời này.
 
Nếu có thể, hãy đưa những kỹ năng cao cấp hơn mà bạn muốn được học tập, rèn luyện vào phần "Sở thích." Đây là một cách để chứng tỏ với nhà tuyển dụng động lực và mong ước của bạn được thành thạo những kỹ năng này.


Làm thế nào để tìm từ khóa phù hợp đưa vào CV xin việc?
 
IV. Cách sử dụng từ khóa trong CV xin việc
 
1. Sử dụng nhiều từ khóa khác nhau
 
Đa dạng hóa từ khóa bằng cách sử dụng các từ đồng nghĩa, trái nghĩa để tránh lặp từ trong CV xin việc. Bạn sử dụng càng nhiều từ khóa khác nhau thì lại càng chứng tỏ được rằng bạn có khả năng về nhiều khía cạnh khác nhau cũng như giúp cho CV của bạn được chú ý nhiều hơn. Ví dụ, bạn trở về sau một thời gian du học ở Canada với tấm bằng Bachelor of Arts thì bên cạnh từ khóa "Bachelor of Arts" bạn cũng nên đưa vào CV cụm từ viết tắt "B.A."
 
Hãy cố gắng sử dụng càng nhiều từ khóa càng tốt nhưng đây đều phải là những từ ngữ có liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Nếu bạn ứng tuyển Nhân viên bán hàng, cả CV xin việc nhân viên bán hàng không nên chỉ toàn từ khóa là chức danh. Thay vào đó, bạn có thể dùng các từ, cụm từ khác như "kinh doanh", "bán hàng", "tiếp thị", "tư vấn khách hàng", ...
 
2. Tập trung vào các từ khóa chỉ kỹ năng cứng
 
Nhiều người thường tập trung đề cập kỹ năng mềm trong CV xin việc để nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng thể nhất về việc họ là ai và họ có thể đóng góp những gì cho công ty. Tuy nhiên, kỹ năng mềm tốt nhất nên được đánh giá qua quá trình phỏng vấn trực tiếp hoặc phỏng vấn qua điện thoại. Bởi vậy, trong CV xin việc, hãy cố gắng thể hiện các kỹ năng cứng, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, bằng cấp và kinh nghiệm làm việc của bạn. Hệ thống ATS cũng có xu hướng ưu tiên các kỹ năng cứng hơn bởi nó có thể quét được một cách dễ dàng.
 
3. Từ khóa trải đều trong suốt bản CV
 
Từ khóa trong CV xin việc cần phải được trải đều trong 4 phần chính:
 
3.1. Phần giới thiệu
 
Hãy sử dụng những từ khóa phù hợp để mô tả ngắn gọn về kinh nghiệm làm việc và kỹ năng của bạn cũng như những giá trị mà bạn sẽ có thể mang lại cho công ty. Đây là phần đầu tiên mà nhà tuyển dụng hoặc hệ thống ATS chú ý tới; do đó, cần phải bao gồm ít nhất hai từ khóa quan trọng nhất là tên chức danh và tên công ty.
 
3.2. Phần kinh nghiệm làm việc
 
Đây cũng là một phần khá lý tưởng để bạn đưa vào các từ khóa quan trọng. Bạn có thể sử dụng các động từ mạnh để khẳng định những thành tích mà mình đã đạt được, kết hợp với danh từ chỉ kỹ năng và kinh nghiệm liên quan. Ví dụ: 2 năm làm việc trong vai trò Nhân viên PR tại công ty [tên công ty], kinh nghiệm 1 năm làm Chuyên viên nhân sự... Bạn đừng chỉ ghi số năm kinh nghiệm ở doanh nghiệp nào mà thiếu chức danh cụ thể.
 
3.3. Phần kỹ năng
 
Trong phần này, bạn cần liệt kê những kỹ năng quan trọng nhất của bản thân đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Không nên liệt kê quá nhiều, luôn tuân thủ quy tắc ngắn gọn, chính xác để cả hệ thống ATS và nhà tuyển dụng đều có thể nhanh chóng nắm bắt những ý chính. Bạn cũng có thể chia phần này thành các phần nhỏ hơn (Kỹ năng cứng và Kỹ năng mềm) nếu muốn.
 
Đặc biệt, bạn chỉ liệt kê kỹ năng liên quan đến công việc, có vai trò quyết định với thành công của công việc, ví dụ với nhà thiết kế thì kỹ năng dùng phần mềm thiết kế, chỉnh sửa hay khả năng sáng tạo sẽ quan trọng; trong khi đó nghề kế toán thì cần kỹ năng tính toán, phân tích...

3.4. Phần trình độ học vấn
 
Đối với nhiều vị trí việc làm thì trình độ học vấn chính là yếu tố quyết định ứng viên có được mời đến phỏng vấn hay không. Nhà tuyển dụng tin rằng ứng viên phải đạt đến một trình độ học vấn nhất định thì mới có thể hoàn thành tốt công việc được giao. Do đó, đừng quên liệt kê các loại bằng cấp, chứng chỉ mà bạn có theo yêu cầu từ phía công ty.
 
Một lưu ý khác cho bạn là khi ghi bằng cấp, đừng chỉ ghi loại bằng, thay vì viết vào CV: Bằng cử nhân đại học, bạn hãy ghi rõ ràng "Bằng cử nhân ngành Quản trị kinh doanh". Ở đây, Quản trị kinh doanh chính là từ khóa để bạn ứng tuyển vào vô số vị trí trong lĩnh vực kinh doanh, tiếp thị, thậm chí là truyền thông, giảng dạy...
 
Sử dụng từ khóa trong CV xin việc một cách hiệu quả là việc làm cần thiết để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng cũng như nâng cao cơ hội được mời phỏng vấn. Để làm được điều này, bạn cần phải lựa chọn những từ khóa phù hợp nhất và phân bổ đều trong suốt bản CV xin việc tiếng Anh, tiếng Việt hay bất cứ ngôn ngữ nào khác.
Số lượt đọc: 467 -