• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

103910
Tổng số truy cập:103910
Khách đang online: 181
Không thích công ty cũ, cái giá khi tìm việc 9 tháng mãi chưa xong
Ngày đăng tin: 30/10/2024 14:29

Chỉ vì chán việc hoặc không thích công ty cũ mà nhiều người sẵn sàng nhảy việc trong bối cảnh thị trường lao động đầy biến động như hiện nay. Cái giá phải trả cho quyết định bồng bột đó là tình trạng thất nghiệp kéo dài, thậm chí có người tìm việc 9 tháng mãi chưa xong. Nếu bạn cũng đang chán ngán công ty và đang nhen nhóm ý định nghỉ việc thì nên tham khảo ngay bài viết này!


 
Tình trạng thất nghiệp kéo dài hơn 9 tháng
 
Theo Tổng Cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 940,5 nghìn người (tăng 27,3 nghìn người so cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,05% (tăng 0,05 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước). 
 
Đặc biệt, nhiều người lao động phải đối diện với thời gian thất nghiệp kéo dài, có khi mất đến 9 tháng tìm việc mà vẫn chưa có kết quả. Tình trạng thất nghiệp kéo dài này khiến tài chính lẫn tâm lý của nhiều người phải chịu áp lực vô cùng nặng nề.
 
Trong đó, nhiều người lao động nghỉ việc chỉ vì lý do đơn giản là không thích công ty cũ. Vậy nếu như bạn cũng đang rơi vào trạng thái chán ngán công ty và có ý định nhảy việc thì điều nên làm lúc này là gì?
 
 
Nên làm gì khi chán ngán công ty cũ?

Xác định lại đam mê và mục đích công việc
 
Nguyên nhân hàng đầu khiến bạn chán việc chính là phải làm một công việc không còn phù hợp với đam mê và mục đích của bản thân trong hiện tại. Vì vậy, điều đầu tiên bạn nên làm là dành thời gian lắng nghe bản thân để xác định lại điều mình thật sự mong cầu là gì.
 
Hiện nay có khá nhiều công cụ giúp bạn xác định được đam mê và mục đích sống. Điển hình có thể kể đến là phân tích SWOT, Circle of Life, Test tâm lý trắc nghiệm… Bạn cũng có thể tìm một mentor tư vấn định hướng, hoặc đơn giản hơn là tự hỏi bản thân những câu hỏi giúp bạn phác họa rõ bức tranh sự nghiệp và cuộc sống mong muốn của mình.

Xác định nguyên nhân cốt lõi khiến chán việc và tìm giải pháp
 
Đôi khi chẳng phải bản chất công việc khiến bạn chán ngán, mà nguyên nhân cốt lõi lại đến từ môi trường làm việc xung quanh. Đó có thể là do lương thấp, do Sếp khó tính, đồng nghiệp toxic, do áp lực nhiều… Khi rơi vào hoàn cảnh này, chúng ta thường nghĩ chỉ cần chuyển sang công ty mới với môi trường làm việc mới thì mọi chuyện sẽ thay đổi tích cực hơn. 
 
Tuy nhiên gốc rễ vấn đề đôi khi lại nằm ở chính bản thân bạn đấy! Chẳng hạn nếu năng lực bạn chưa cao mà đòi hỏi mức thu nhập cao thì không hợp lý. Hoặc không phải do Sếp khó tính mà là do bạn làm việc hay mắc lỗi, hay trì hoãn… Nếu nguyên nhân nằm ở chính mình thì dù có chuyển sang công ty mới thì bạn vẫn sẽ gặp phải những vấn đề tương tự thôi. 
 
Do vậy, thay vì thay đổi công ty thì bạn nên thay đổi chính mình trước. Muốn lương cao thì hãy nỗ lực nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, muốn được Sếp khen thì hãy chăm chỉ làm việc và cố gắng đạt kết quả cao nhất có thể…
 

Góc nhìn tích cực để trân trọng công việc mình đang có
 
“Cỏ bên kia đồi thường xanh hơn”. Con người thường có xu hướng ít trân trọng những gì mình đang có. Và thay vì ngó nghiêng sang đồi cỏ bên kia, sao bạn lại không tưới nước cho đồi cỏ mình đang đứng xanh tốt hơn? 
 
Bạn nên theo dõi tin tức thị trường lao động để nắm được thực trạng thất nghiệp kéo dài mà nhiều người đang phải đối mặt hiện nay. Bên cạnh đó, bạn có thể hỏi bạn bè và người thân nghĩ gì về công việc bạn đang làm, thu nhập và những cơ hội bạn đang có… Qua đó, bạn sẽ có góc nhìn tích cực hơn và biết trân trọng hơn công việc hiện tại của mình. 
 
Trao đổi với cấp trên
 
Đôi khi cấp trên không nắm được những vấn đề nhân viên đang gặp phải để có giải pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời. Do đó, bạn nên trao đổi với cấp trên về những vấn đề mình đang gặp phải trong công việc cũng như những khó khăn, điểm chưa hài lòng, điều cần cải thiện… 
 
Chẳng hạn như máy tính load chậm, quản lý chèn ép, đồng nghiệp đùn đẩy việc, khách hàng vô lý hoặc bạn cần được trang bị thiết bị hỗ trợ công việc… Nếu có thể, bạn nên đề xuất hướng xử lý hợp tình hợp lý để cấp trên tham khảo nhé.
 
 
Cho bản thân thêm thời gian và cơ hội
 
Đừng vội nghỉ việc ngay mà bạn nên cho bản thân thêm thời gian và cơ hội bằng cách nán lại công ty thêm khoảng 3 tháng. 
 
Biết đâu trong 3 tháng này lại có sự thay đổi tích cực nào đó trong công việc thì sao? Chẳng hạn như bạn được tăng lương, Sếp nghỉ việc hoặc bạn được chuyển sang phòng ban khác hợp tính đồng nghiệp hơn… Bạn hãy cố gắng làm việc hết mình trong khoảng thời gian 3 tháng này, để nếu phải rời đi cũng không hối tiếc vì bản thân đã nỗ lực hết sức. 
 
Sau khi đã áp dụng đủ những điều trên mà vẫn không cải thiện được tình hình thì lúc đó bạn nghỉ việc vẫn chưa muộn. Hy vọng những chia sẻ trên hữu ích với những ai đang chán ngán công ty và nhen nhóm ý định nghỉ việc. Chúc bạn sớm tìm được môi trường làm việc ưng ý nhất nhé!
Số lượt đọc: 29 -