Đối phó thế nào với những câu hỏi hack não khi phỏng vấn?
Ngày đăng tin: 31/01/2024 14:32
Bạn có thể đã trả lời những câu hỏi điển hình như “Tại sao bạn ứng tuyển vào trị trí này?” trong các cuộc phỏng vấn nhiều đến mức phát chán và phát ngán. Nhưng bạn sẽ làm gì nếu người phỏng vấn nghiêng về phía bạn với nụ cười nhẹ, từ từ hắng giọng, nhìn thẳng vào mắt bạn và hỏi một câu hỏi hack não “Bạn làm gì để di chuyển núi Phú Sĩ?”.
Nội tâm của bạn như kiểu: “Ủa, mình đang nghe cái gì vậy? Có nhầm lẫn gì không?”. Không! Bạn không nghe nhầm đâu. Bạn đang đối mặt với một trong những câu hỏi hack não, đòi hỏi bạn phải suy nghĩ theo cách khác thường, có cách nhìn nhận sáng tạo để đưa ra đáp án.
Những câu hỏi này trở nên phổ biến trong nhiều năm qua, được áp dụng bởi những tên tuổi hàng đầu như Google, Apple, Facebook hay gần đây là Tesla. Giải thích về mục đích của các câu hỏi phỏng vấn khiến nhiều người cảm thấy đáng sợ (nhưng đôi lúc cũng buồn cười vì trí tưởng tượng quá phong phú) này, chị Hoàng Thanh Thúy chia sẻ: “Người phỏng vấn không sử dụng chúng chỉ để làm khổ bạn đâu. Lý do chính đằng sau việc đặt những câu hỏi như vậy không phải vì nhà tuyển dụng muốn có câu trả lời đúng mà họ muốn biết ứng viên suy nghĩ và hành động như thế nào.”
Nói cách khác, các câu hỏi phỏng vấn hack não là một cách để hiểu sâu hơn về cách ứng viên giải quyết vấn đề. Điều này giúp nhà tuyển dụng biết được ứng viên có thể thấy nhiều giải pháp cho một vấn đề không, có nhìn vào bức tranh lớn không, có sáng tạo trong cách tiếp cận của mình không, có nhanh chóng tìm ra giải pháp không, có kiên nhẫn không, có làm việc tốt với người khác không và kiểm soát căng thẳng có tốt không…
Bạn có thể đối mặt với các câu hỏi hack não nào?
Theo chị Thanh Thúy, có 3 loại câu hỏi hack não mà nhà tuyển dụng rất yêu thích. Trong đó, phổ biến nhất là câu hỏi trí tuệ. Chị giải thích: “Người phỏng vấn sẽ đặt ra một tình huống lạ lùng và hỏi bạn sẽ làm gì. Chẳng hạn như Nếu bạn bị thu nhỏ lại bằng kích thước của một đồng xu và cho vào máy xay sinh tố. Các lưỡi dao bắt đầu di chuyển sau 60 giây. Bạn sẽ làm gì? Đây rõ ràng là một câu hỏi buồn cười nhưng việc hỏi nó sẽ giúp người phỏng vấn biết được bạn có thể tự suy nghĩ và làm việc dưới áp lực hay không.
Một dạng câu hỏi hóc búa khác là “Bao nhiêu?”. Ví dụ như cần bao nhiêu cuốn sách để lắp đầy một căn phòng trống 40m vuông? Hay Cần bao nhiêu quả bóng tennis để nhét vừa một chiếc xe buýt? Hoặc “Nếu tung hai viên xúc xắc cùng lúc thì xác suất để tổng số đó là 9 là bao nhiêu?”
Chị Thúy cho rằng: “Những câu hỏi này cần bạn suy nghĩ thấu đáo về vấn đề. Nếu không phải là bộ bách khoa toàn thư biết đi, bạn sẽ phải ước tính một số dữ kiện cần thiết để đi đến câu trả lời. Chẳng hạn như tìm ra kích thước của cuốn sách hoặc thể tích của quả bóng, từ đó rút ra kết luận về số lượng cần. Người phỏng vấn thường không mong đợi bạn có được câu trả lời đúng. Có lẽ chính họ cũng không biết câu trả lời chính xác. Họ chỉ muốn lắng nghe cách bạn suy nghĩ và xem liệu bạn có thể phân tích một vấn đề và nghĩ ra cách giải quyết nó hay không”.
Dạng câu hỏi khác có vẻ dễ thở hơn nhưng không kém phần thử thách là “Tại sao?” như “Tại sao nắp cống lại tròn?”. Với câu hỏi này, bạn có thể đưa ra đáp án vì hố ga có hình tròn, hoặc bởi vì nắp cống hình tròn dễ di chuyển hay vì chúng có diện tích bề mặt nhỏ hơn nên chi phí sản xuất rẻ hơn… tùy vào suy nghĩ của bạn nhưng nó cần hợp lý.
“Những câu hỏi hack não là những câu đố mà người phỏng vấn sử dụng để đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề, tính sáng tạo và khả năng tư duy phản biện của ứng viên.”
Gợi ý về cách trả lời các câu hỏi hack não
Các câu hỏi hại não không chỉ xuất hiện trong các buổi phỏng vấn liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, tài chính mà còn ở bất cứ ngành nghề nào khác. Nếu muốn nổi bật hơn các ứng viên khác, theo chị Thanh Thúy, bạn cần chuẩn bị thật tốt bằng cách luyện tập giải các câu đố hóc búa và logic để xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề và cải thiện tốc độ của bạn. “Mở rộng kiến thức về các môn học khác nhau như toán, khoa học và lịch sử cũng có thể giúp bạn giải quyết các câu hỏi hóc búa dễ dàng hơn”, chị Thúy chia sẻ.
Những câu đố hack não luôn có tính thử thách, vì vậy điều quan trọng là bạn phải giữ bình tĩnh, không hoảng sợ, cố gắng hết sức để suy nghĩ thấu đáo về tình huống đó. Hãy nhớ rằng những câu hỏi này có mục đích phức tạp và câu trả lời dường như hiển nhiên có thể sai.
Để có câu trả lời thông minh và chính xác, bạn cần chú ý đến điều được hỏi. Nếu không, bạn có thể bỏ lỡ những tín hiệu hoặc thông tin quan trọng, dẫn đến việc đưa ra câu trả lời sai. Để tránh hiểu sai, hãy ghi nhớ các từ khóa. Nếu có thể, hãy sử dụng bút và giấy để ghi lại thông tin. Bạn cũng có thể đặt những câu hỏi làm rõ để hiểu chính xác những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
Mục đích chính của các câu hỏi hóc búa là để hiểu quá trình suy nghĩ của bạn. Vì vậy, đừng ngại nói to suy nghĩ của mình hoặc các bước thực hiện hay các giả định khi tìm ra cách đi đến kết luận.
Ngay cả khi bạn không giải quyết được các câu hỏi hack não, hãy nhớ giữ thái độ tích cực và đừng để điều đó làm bạn nản lòng. “Đừng để việc vật lộn để trả lời các câu hỏi này làm bạn mất hứng thú và ảnh hưởng đến sự tự tin của bản thân. Đây chỉ là một câu hỏi trong cuộc phỏng vấn và bạn có thể chắc chắn rằng các ứng viên khác cũng sẽ gặp khó khăn với nó. Hãy cố gắng hết sức, tiếp tục và tập trung vào việc tạo ấn tượng bằng câu trả lời thông minh cho các câu hỏi khác’, chị Thanh Thúy đưa ra lời khuyên.