Để chế ngự lòng đố kỵ với đồng nghiệp
Ngày đăng tin: 01/05/2023 10:55
Lòng đố kỵ được ví như một con "quái vật mắt xanh" đeo bám cuộc sống và ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống con người. Nhất là trong môi trường văn hóa công sở hiện nay, cảm xúc đó càng chi phối mạnh mẽ. Nó ảnh hưởng theo chiều hướng xấu đến môi trường doanh nghiệp, hủy hoại các mối quan hệ đồng nghiệp, làm giảm hiệu suất và năng suất công việc.
Ghen tỵ, đố kỵ là con dao hai lưỡi trong cuộc sống con người, một mặt nó là động lực để bạn tham gia “cạnh tranh” lành mạnh với đối thủ và cố gắng vươn lên, mặt khác nó là kẻ tiếp tay làm hỏng sự nghiệp của bạn. Vì thế nếu bạn cảm thấy lòng đố kỵ của mình đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát thì hãy khống chế để nó không ăn sâu bám rễ vào cuộc sống của bạn. Ngược lại, khi bạn bị người khác ghen ghét, đố kỵ vì giỏi hơn họ thì hãy tìm cách giải quyết khéo léo. Những đồng nghiệp hay ghanh ghét, đố kỵ, xử sao cho đẹp đã được Cevn bật mí trong bài viết trước. Dưới đây là cách để chế ngự lòng đố kỵ của bạn với đồng nghiệp hiệu quả.
Sự đố kỵ với đồng nghiệp sẽ để lại những hệ quả không tốt cho công việc và mối quan hệ
Làm thế nào để chế ngự lòng đố kỵ với đồng nghiệp
1. Xác định vấn đề
Đố kỵ là một trong những cảm xúc tự nhiên nhưng khiến bạn hao tổn tinh thần nhất. Trong đầu bạn lúc nào cũng xuất hiện hàng chục, hàng trăm câu hỏi thắc mắc rồi tự so sánh hơn thua với người khác và than thở rằng cuộc sống này không công bằng với bạn.
Liệu đồng nghiệp khác có được ưu ái hơn trong công việc hay không, mức lương của họ có nhiều hơn bạn không? Liệu cấp trên của bạn có nhiều mối quan hệ như thế nào? Anh ta có cơ hội đi du lịch hay tham gia vào các hội nghị mà bạn muốn tham gia hay không? Đó là những câu hỏi mà những người đố kỵ thường tự đặt ra cho chính mình.
Lúc này hãy tự nhìn lại bản thân và xác định xem những nghi vấn đó có tồn tại trong đầu bạn, xác định rõ nguyên nhân xuất phát lòng ghen tị sẽ giúp bạn thực hiện đúng cách giảm bớt vấn đề.
2. Phân tích vấn đề
Từ bước xác định ban đầu, tới đây bạn đi sâu hơn vào việc phân tích cốt lõi của vấn đề. Việc đồng nghiệp được ưu ái hơn có thể do bạn chưa hoàn thành công việc đúng thời hạn và tốt bằng cô ấy, mức lương cô ấy nhận được cao là do năng lực và kinh nghiệm cô ấy có dày dặn hơn bạn. Đừng ngại ngùng mà không tự giải đáp với chính mình vì lòng đố kị chính là xuất phát từ việc hiểu sai bản chất vấn đề và suy nghĩ lệch lạc của bạn.
3. Đánh giá vấn đề
Lòng ghen tị thường nảy sinh khi chúng ta cảm thấy người khác có thứ mà bạn đang thiếu. Lúc này tâm lí so sánh và ước ao sẽ xuất hiện. Để giảm bớt lòng ghen tị, hãy dành thời gian đánh giá lại chính mình. Thay vì việc đem bản thân ra so sánh với người khác thì hãy nhìn lại thành tựu mà bạn đã đạt được và chưa đạt được để từ đó cố gắng hơn nữa mỗi ngày. Điều đó sẽ giúp bạn tránh được việc trở thành nạn nhân của sự ghen tị nhỏ nhặt.
Một ví dụ đơn giản sau đây có thể giúp bạn có cái nhìn tích cực hơn về đồng nghiệp thay vì gia tăng sự đố kị với họ. Nhiều nhân viên do tính chất công việc phải thường xuyên xa nhà như biên tập viên truyền hình, kỹ sư cơ xây dựng, phiên dịch viên,... thời gian dành cho gia đình, con cái của họ sẽ không có. Nhưng với bạn, người có thời gian rảnh rỗi hơn việc bạn cùng gia đình và những đứa con của mình vui chơi, trò chuyện là điều rất dễ dàng.
Hơn thua, đố kỵ với đồng nghiệp được và mất gì?
4. Giải quyết vấn đề
Vì lòng đố kỵ ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc của bạn nên hãy đứng lên hành động để thay đổi nó. Bạn có thể nói chuyện với sếp về việc điều chỉnh công việc phù hợp với khả năng và năng lực của bạn; yêu cầu tăng lương hoặc tham gia các lớp phát triển kỹ năng mềm phục vụ công việc. Nếu bạn muốn chuyển đến một bộ phận khác hoặc chỉ đạo một dự án mới, hãy cố gắng hoàn thiện bản thân để đạt được những mục tiêu đó. Đây cũng là kỹ năng giải quyết vấn đề các bạn cần lưu ý để hoàn thiện công việc hiệu quả.
Bạn càng có nhiều định hướng cụ thể cho bản thân, bạn sẽ càng ít ghen tị với những người khác, vì lúc này bạn sẽ chuyên tâm vào việc đạt mục tiêu của bản thân hơn là có thời gian đi so sánh với người khác.
Môi trường công sở luôn có người này, người kia, không tránh khỏi sự ghen ghét, đố kỵ. Trong mối quan hệ công việc, khi bạn phát hiện có 2 trong số những dấu hiệu này, đồng nghiệp đang âm thầm ganh ghét bạn đấy. Hãy tinh ý để nhận ra điều này đề phòng việc bạn bị đồng nghiệp chơi xấu, "đâm sau lưng" và tránh việc tin tưởng vào họ.