• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

22116
Tổng số truy cập:22116
Khách đang online: 97
Cãi nhau, mâu thuẫn khi làm việc nhóm thì phải làm sao?
Ngày đăng tin: 23/10/2023 09:29

Khi làm việc nhóm, bạn sẽ phải thường xuyên tranh luận, đóng góp ý kiến, nêu lên quan điểm khi thảo luận nhóm. Đó là điều hoàn toàn bình thường, là chuyện đương nhiên không thể thiếu khi teamwork. Vì khi cả nhóm cùng thảo luận, cùng trao đổi, phản biện, thì mới có thể phân tích kỹ lưỡng vấn đề và chọn ra được giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, khi thảo luận nhóm với tần suất cao thì cũng khó lòng tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm, khiến nảy sinh mâu thuẫn, cãi nhau khi làm việc nhóm, vậy bạn phải làm sao khi lỡ rơi vào trường hợp này?


Mâu thuẫn khi làm việc nhóm phát sinh từ đâu?
 
Bất kỳ điều gì xảy ra cũng đều có nguyên nhân, kể cả cãi nhau, mâu thuẫn khi làm việc nhóm, nhiệm vụ của bạn là phải xác định xem mâu thuẫn phát sinh từ đâu. Khi tìm được chính xác nguyên nhân, thì bạn sẽ dễ có được cách xử lý phù hợp. Chẳng hạn như nếu xích mích phát sinh từ hiểu lầm, hiểu sai lệch ý của nhau, thì sẽ dễ giải quyết hơn những mâu thuẫn cá nhân liên quan tới thái độ, tính cách, lời nói, cách hành xử. Dưới đây là một số lý xảy ra do mâu thuẫn khi làm việc nhóm:
  • Bất đồng quan điểm khi làm việc nhóm, không thống nhất được quan điểm chung;
  • Không lắng nghe quan điểm người khác, luôn cho rằng mình đúng, mình không có gì sai;
  • Không trao đổi rõ thông tin, thiếu sót thông tin, khiến mỗi người hiểu theo một ý khác nhau;
  • Có vấn đề hiểu lầm trong quá trình làm việc nhóm, gây ra xích mích, mâu thuẫn giữa các thành viên;
  • Ghét nhau vì thái độ, tính cách, lời nói, cách hành xử gây khó chịu, không thể hoà hợp khi làm việc nhóm;
  • Tranh cãi liên quan tới cách làm việc, cho rằng mình phải làm nhiều, phải bù đầu bù cổ, đóng góp công sức nhiều, trong khi một số thành viên lại thảnh thơi, thiếu tập trung, không nỗ lực teamwork;
  • Mâu thuẫn khi phân chia công việc, vai trò giữa các thành viên chưa rõ ràng, dẫn tới hiểu lầm, xích mích xoay quanh các nhiệm vụ riêng của từng thành viên, nhất là khi tới deadline mà việc vẫn chưa xong, còn bỏ sót việc…
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, có thể đâu đó vẫn tồn tại nhiều bất đồng khác trong quá trình làm việc nhóm, nếu không sớm giải quyết thoả đáng có thể khiến mọi chuyện trầm trọng hơn, biến thành mâu thuẫn nội bộ, tranh cãi lớn tiếng giữa các thành viên, rồi lại kéo theo nhiều tác hại khôn lường khác trong tương lai…

Mâu thuẫn khi teamwork gây ra những tác hại nào?
 
Bất kỳ mâu thuẫn nào cũng mang lại những tác động tiêu cực, và khi cãi nhau, mâu thuẫn xảy ra khi teamwork, thì lại càng kéo theo nhiều tác hại đáng tiếc hơn. Đầu tiên, mâu thuẫn khi làm việc nhóm sẽ khiến nội bộ cả team bị lục đục, bất hoà, mọi người bằng mặt nhưng không bằng lòng, không phối hợp nhịp nhàng với nhau như trước, tự dưng đã khó chịu với nhau mà ngày nào cũng phải đụng mặt, rồi lại còn phải làm việc cùng nhau nữa, cảm giác sẽ không thoải mái một chút nào. Nếu điều này kéo dài mà không được giải quyết, khả năng cao rằng nó sẽ dần kéo kết quả làm việc nhóm đi xuống, thậm chí có thể tới mức rất tệ, và thường xảy ra những sai sót không đáng có, gây ra nhiều thiệt hại cho cả tập thể.
 
Tệ hơn, teamwork mà để xảy ra mâu thuẫn giữa các thành viên, thì chắc chắn team đó không thể work được, nó còn tệ hơn là tự làm việc một mình, càng làm càng phát sinh bất đồng, xích mích, khó chịu, thì sớm muộn gì cũng banh team. Chắc hẳn rằng bạn không muốn viễn cảnh tồi tệ ấy xảy ra với mình, vậy cãi nhau, mâu thuẫn khi làm việc nhóm thì phải làm sao?

Cãi nhau, mâu thuẫn khi làm việc nhóm thì phải làm sao?
 
Khi là nhân vật chính của cuộc tranh cãi, mâu thuẫn, thì tất nhiên lúc đó bạn đang cực kỳ khó chịu, bực bội, nhất là khi đối phương cũng không kiềm chế được cảm xúc, liên tục buông những hành động và lời nói thách thức, lớn tiếng, nặng nhẹ với mình. Tuy nhiên, bạn không nên đẩy cảm xúc lên cao, mà hãy bình tĩnh lại, hoặc im lặng tới khi mình thật sự bình tĩnh rồi mới bắt đầu giải quyết. Bạn hãy suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng xem mâu thuẫn giữa đôi bên phát sinh từ đâu, từ lúc nào, do vô tình hay cố ý, có hiểu lầm gì trong quá trình làm việc nhóm không?
 
Sau khi có sự nhìn nhận thấu đáo, thì bạn hãy hẹn đối phương một buổi để trao đổi trực tiếp, cùng nhau bày tỏ quan điểm, gỡ rối khúc mắc và hoá giải mâu thuẫn, khả năng cao rằng đối phương cũng sẽ thiện chí để giải quyết, chứ chẳng ai muốn cứ mãi để mâu thuẫn này ở đó, khiến mình cứ cảm thấy khó chịu, không thoải mái khi làm việc nhóm. Còn trong trường hợp đối phương không chịu hợp tác, không muốn giải quyết mâu thuẫn, thì bạn có thể nhờ sự trợ giúp và hoà giải từ phía nhóm trưởng, đứng ở góc nhìn khách quan, công tâm và tiếng nói của họ sẽ có trọng lượng hơn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, sau khi hoá giải được mâu thuẫn, bạn cần làm thêm một bước nữa, đó chính là tránh để những chuyện tương tự phát sinh trong tương lai, để đỡ mắc công lục đục nội bộ, tạo cảm giác bực bội, khó chịu, rồi lại mất thời gian đi giải quyết.

Làm sao để tránh phát sinh mâu thuẫn trong tương lai?
 
Để tránh phát sinh mâu thuẫn, cãi nhau khi làm việc nhóm trong tương lai, thì đầu tiên, bạn phải là một người hoà đồng, biết lắng nghe, minh bạch, rõ ràng trong mọi lời nói, hành động. Khi thoả mãn được các tiêu chí ấy, thì bạn sẽ khó lòng bị lôi vào trung tâm của các cuộc mâu thuẫn. Chẳng hạn như bản chất mình luôn hoà đồng, thân thiện, thì lỡ có những hiểu lầm, xích mích, hay tranh luận trong quá trình làm việc nhóm, thì đối phương cũng không nỡ đẩy lên cao trào thành mâu thuẫn, vì họ thừa biết rằng bạn là một người “lành tính”, không có nhu cầu gây sự, tranh cãi với ai, mà bạn chỉ đang muốn thảo luận để giúp cả nhóm tìm được phương án phù hợp nhất thôi.
 
Hoặc nếu bạn là một người biết lắng nghe, khi có bất đồng quan điểm với đồng nghiệp, sẽ cùng nghe để hiểu được ý của đối phương, rồi cùng nương nhau, phối hợp với nhau để giải quyết, chứ sẽ không trầm trọng hoá lên thành mâu thuẫn, không bao giờ tranh cãi theo kiểu tôi đúng, bạn sai, tôi không thèm nghe bạn nói. Hoặc nếu bạn là một người ngay thẳng, rõ ràng, minh bạch trong suy nghĩ, lời nói, hành động, thì sẽ chẳng bao giờ có ai bắt bẻ được bạn, hay lấy lý do này kia để tranh cãi, và càng không bao giờ có hiểu lầm nào phát sinh xung quanh bạn, vậy là chẳng lo xảy ra mâu thuẫn khi làm việc nhóm nữa. Tất nhiên, để dần hoàn thiện bản thân theo các tiêu chí này, thì bạn cũng cần thời gian để dần thích nghi và thay đổi, chứ không thể bắt bản thân trở nên như thế ngay lập tức, điều quan trọng là bạn đủ quyết tâm và kiên trì, thì bạn sẽ làm được.
 
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng cãi nhau, mâu thuẫn khi làm việc nhóm thì phải làm sao, đồng thời, gợi ý cách tránh phát sinh mâu thuẫn tương tự trong tương lai. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
Số lượt đọc: 161 -