5 lời khuyên sai lầm khi tìm việc mà ai cũng “tin sái cổ”
Ngày đăng tin: 07/11/2018 11:22
1. Một CV có thể ứng tuyển nhiều công việc
Luôn có hệ thống lọc CV tự động nếu bạn ứng tuyển vào những công ty tầm cỡ và bạn sẽ bị loại nếu vẫn giữ cùng một nội dung như khi bạn vừa ứng tuyển công việc trước đó (khác ngành nghề, vị trí). Thuật toán chọn lọc chủ yếu dựa vào keyword – từ khóa được trình bày trong mỗi CV, điều đó đồng nghĩa rằng một CV vừa được sử dụng để ứng tuyển vị trí Marketing Manager sẽ không có những từ khóa thích hợp nếu dùng để ứng tuyển vị trí Sales Manager hay bất kì vị trí nào khác.
Đừng vì lười biếng mà bỏ lỡ cơ hội, bạn chỉ mất một chút thời gian để chỉnh sửa CV xin việc nhưng thứ bạn nhận được đôi khi là sự ấn tượng của nhà tuyển dụng hoặc thậm chí là lời đề nghị nhận việc bất ngờ.
2. Khả năng của bạn quá tệ, không thể tìm được việc tốt
Tự ti về bản thân và luôn tin rằng mình không thể tìm được một công việc tốt là hành động “tự sát” của những người có nhu cầu tìm việc. Nếu bạn không tin vào năng lực của mình thì bạn sẽ không đủ mạnh dạn để ứng tuyển vào những công việc tốt, cứ mãi theo đuổi một công việc bình thường, mức lương bình thường thì bạn cũng khó có thể thăng tiến trong sự nghiệp.
Dù cho năng lực của bạn ở mức nào thì chắc hẳn bạn cũng sẽ tìm được một vị trí phù hợp với mình, chỉ cần bạn kiên trì theo đuổi. Trước khi được người khác công nhận, bạn phải tự mình nhận ra được giá trị của bản thân. Sự tự tin và thái độ vừa phải “biết người, biết ta” sẽ là chìa khóa giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng mỗi lần phỏng vấn.
3. Có kinh nghiệm là có việc
Đừng nghĩ rằng kinh nghiệm mà bạn có được trong suốt thời gian vừa qua sẽ là vũ khí giúp bạn hạ gục nhà tuyển dụng, chúng không phải là tất cả những gì mà họ tìm kiếm. Với số năm kinh nghiệm cũng như những công việc bạn đã làm ở các công ty cũ, bạn chỉ đủ điểm để vượt qua vòng lọc hồ sơ, bạn có cơ hội được tham gia phỏng vấn nhưng để trở thành ứng viên được chọn lựa cuối cùng, bạn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Đừng chỉ nói mãi về kinh nghiệm, hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn hoàn toàn có đủ kỹ năng cần thiết với yêu cầu công việc, bạn có sự linh hoạt và những ý tưởng mang lại giá trị cho tổ chức. Nói tóm lại, đừng tập trung vào những gì bạn có, hãy nói về những gì mà bạn có thể làm đạt trong tương lai.
4. Hồ sơ bị “ngó lơ” thì xem như hết cơ hội
Thư ứng tuyển đã gửi được một thời gian nhưng vẫn không nhận được hồi âm của nhà tuyển dụng, có lẽ đó là dấu hiệu đáng buồn ngầm thông báo bạn không phải là người phù hợp? Bạn bắt đầu cảm thấy hoang mang và ngập tràn sự thất vọng, tự trách sao mình không chuẩn bị CV xin việc chuyên nghiệp hơn.
Nhưng đừng vội nản lòng, đó chưa phải là kết thúc. Rất nhiều các chuyên gia nhân sự cho rằng việc nhà tuyển dụng phản hồi chậm trễ không hẳn xuất phát từ sự yếu kém của bạn mà vì mỗi ngày họ nhận được rất nhiều hồ sơ ứng tuyển và họ cần thời gian để xử lý, để chọn ra những người xứng đáng nhất. Đừng vì một phút suy nghĩ không chín chắn mà đánh mất cơ hội, bạn phải luôn có niềm tin vào bản thân mình, nhất là khi bạn khao khát được làm việc tại công ty mà mình yêu thích.
5. Không nên ứng tuyển trong các kì nghỉ lễ
Bạn sẽ tiếp tục tìm việc hay tận hưởng những khoảnh khắc thư thái bên gia đình, du lịch cùng bạn bè trong kì nghỉ lễ? Đừng nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ dừng công tác tuyển dụng trong kì nghỉ hoặc thời điểm cuối năm vì bận rộn, thực tế thì các công ty vẫn có nhu cầu tuyển dụng, chỉ là số lượng các vị trí có phần giảm sút; hoặc mỗi khi có một nhân viên đột ngột xin nghỉ việc thì họ vẫn phải tiếp tục đăng tuyển mà không thể viện lý do bận nghỉ lễ với cấp trên.
Hãy tận dụng khoảng thời gian này để chiếm ưu thế, khi có càng ít người ứng tuyển thì khả năng bạn vượt qua vòng phỏng vấn sẽ càng cao, nhà tuyển dụng cũng không đánh giá gắt gao như khi bước vào mùa cao điểm. Săn việc thì săn liền tay, đừng bao giờ dừng lại việc tìm kiếm những công việc “ngon lành”, thành công chỉ đến với những người biết nắm bắt.