5 cách giúp bạn chiếm ưu thế hơn ứng viên khác trong buổi phỏng vấn
Ngày đăng tin: 05/02/2022 20:50
Rất nhiều ứng viên tỏ ra lo lắng quá mức về buổi phỏng vấn, cảm thấy e ngại trước sự thể hiện của những "đối thủ cạnh tranh". Nếu bạn cũng là một trong số này, đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Cevn để rút ra bài học và biết cách chiếm ưu thế hơn ứng viên khác trong buổi phỏng vấn tiếp theo nhé.
Để có thể ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và chiếm được ưu thế trong buổi phỏng vấn, lời khuyên cho bạn là tập trung thể hiện bản thân thật tốt trước nhà tuyển dụng thay vì "chú ý" hay "tập trung" đến các ứng viên đối thủ khác. Điều này dễ khiến bạn cảm thấy tự tin và "đánh mất chính mình".
Đâu là điểm khiến bạn chiếm ưu thế trong buổi phỏng vấn?
5 cách giúp bạn chiếm ưu thế hơn ứng viên khác trong buổi phỏng vấn
1. Tập trung thể hiện kỹ năng nổi bật của bản thân
Bất kỳ ai cũng có những điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình, và bạn cũng không phải ngoại lệ. Hãy tập trung thể hiện tốt chuyên môn, điểm mạnh của bản thân và những giá trị cốt lõi mà bạn có thể mang lại cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn như khả năng góp phần cải thiện hiệu suất kinh doanh hay chất lượng dịch vụ của công ty nhờ kỹ năng thu hút khách hàng, hay kinh nghiệm tham gia nhiều chiến dịch marketing quy mô lớn nhỏ khác nhau,...
2. Đừng quên khoe khéo thành tích cá nhân
Thực tế cho thấy phần lớn các ứng viên thường không gây được ấn tượng ngay từ đầu với nhà tuyển dụng bởi nội dung CV xin việc thiếu "giá trị", không làm nổi bật được lý do vì sao nhà tuyển dụng nên "xếp" bạn vào danh sách ứng cử viên sáng giá.
Vì vậy lý tưởng nhất là nên đề cập đến những thành tích cá nhân cụ thể mà bạn đã đạt được trong suốt quá trình đào tạo hay làm việc thông qua việc ứng dụng thành công các kiến thức và kỹ năng sẵn có trong công việc, có liên quan đến vị trí tuyển dụng, khi được nhà tuyển dụng đề cập đến trong buổi phỏng vấn.
3. Làm rõ kinh nghiệm làm việc cụ thể
Điều quan trọng trong buổi phỏng vấn, là ứng viên phải thể hiện được năng lực thực tế của mình, bằng những con số hay bằng chứng cụ thể.
Định lượng kinh nghiệm làm việc bằng số năm, kèm theo một vài thành tích nhất định như: tăng doanh thu cho doanh nghiệp; cải thiện các thủ tục, quy trình; hay đã thực hiện bao nhiêu giao dịch hàng tháng;... Thành tích cụ thể sẽ giúp chứng minh kinh nghiệm của bạn với nhà tuyển dụng, cho thấy bạn không hề "nói quá" hay đang cố tình đánh bóng bản thân.
4. Thể hiện các kỹ năng mềm cần thiết
Về cơ bản nhà tuyển dụng đánh giá và lựa chọn ứng viên dựa trên 3 yếu tố: tính cách, kỹ năng và kinh nghiệm. Tuy nhiên, dù bạn có trình độ học vấn cao và kinh nghiệm lâu năm đến đâu, nhưng nếu kỹ năng mềm kém, hay tính cách không phù hợp với môi trường và văn hóa công ty, khả năng bị loại là cũng có thể.
Vì thế, trong buổi phỏng vấn, hãy tập trung thể hiện một số kỹ năng mềm thiết yếu phù hợp với vị trí bạn đang ứng tuyển, chẳng hạn: Kỹ năng giao tiếp; kỹ năng xử lý tình huống;... hoặc tính cách chính trực, thân thiện,... Điều này cũng sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Nên thể hiện kỹ năng mềm ra sao để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng?
5. Ngừng lo lắng về những ứng viên khác
Hãy loại bỏ những áp lực vô hình bằng cách ngừng quan tâm về các ứng viên còn lại, xem phần thể hiện của họ có tốt không, hay họ được đánh giá như thế nào trong mắt nhà tuyển dụng.
Bởi bận tâm về đối thủ chỉ làm cho sự tự tin trong bạn giảm sút, trở nên lo lắng thái quá dẫn đến không thể kiểm soát hay thiếu tư duy đúng đắn trong quá trình trả lời câu hỏi. Tập trung vào chính bản thân mình là cách tốt nhất giúp bạn đạt được những mục tiêu đặt ra, trở nên thông minh và linh hoạt trong suốt quá trình phỏng vấn.
Có thể thấy, sự khác biệt về trình độ không phải điều gì quá to tát khiến bạn cảm thấy tự ti hay lo lắng khi bước vào vòng phỏng vấn. Áp dụng những mẹo mà Cevn chia sẻ trên đây, đồng thời tỏ ra tự tin sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội để làm những công việc mình mong muốn!