• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

27890
Tổng số truy cập:27890
Khách đang online: 318
Từng Bước Để Trở Thành Một Lập Trình Viên Giỏi
Ngày đăng tin: 27/08/2018 09:05

 Như trong bài viết “Tự học lập trình trong 10 năm” của Giáo sư Norvig thì chúng ta đã biết rằng để trở nên tinh thông bất cứ lĩnh vực gì thì ai cũng phải cần tối thiểu 10,000 giờ tập luyện (tương đương khoảng 10 năm). Nhưng bạn có thể nói rằng điều đó chẳng cần kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thì bạn cũng biết  vấn đề ở đây là 10 năm là một quãng thời gian rất dài, và với 10 năm đó thì có thể đã “vật đổi sao dời” hay người còn kẻ mất. Điều quan trọng là làm sao duy trì được động lực làm việc và học tập trong một quãng thời gian dài như vậy

Bước 1: Hãy chọn lấy một ngôn ngữ lập trình, và học từ những thứ căn bản nhất

Trước khi có thể chạy, thì chúng ta phải học cách để đi trước đã. Bạn đi bằng cách học làm thế nào để lập trình trong một ngôn ngữ lập trình nào đó. Bạn đừng có học đi bằng cách cố gắng học 50 triệu thứ cùng một lúc, vì bạn không thể có phép phân thân ra như Tôn Ngộ Không được phải không nào.

Có rất nhiều lập trình viên bắt đầu bằng cách thử và nhảy vào tất cả mọi thứ một lần và không có đủ kiên nhẫn để học chỉ một ngôn ngữ lập trình duy nhất trước khi tiến lên phía trước. Họ nghĩ rằng họ phải biết tất cả những công nghệ mới đang “hot” thì mới có thể kiếm được một công việc lập trình. Trong khi đúng ra thì bạn cần biết nhiều hơn chỉ những kiến thức cơ bản của một ngôn ngữ lập trình duy nhất, bạn phải bắt đầu từ đây, vì như vậy thì bạn mới có thể tập trung được tốt nhất.

Khi bạn đang viết code, hãy cố chắc chắn rằng bạn hiểu tất cả dòng code mà mình viết ra. Điều tương tự cũng cần làm cho bất kỳ dòng code nào mà bạn đọc. Khi viết ra những đoạn code, hãy làm chậm rãi và đảm bảo rằng bạn hiểu nó. Bất cứ điều gì mà bạn không hiểu, thì hãy tìm hiểu và làm rõ nó. Hãy dành thời gian làm điều này thì bạn sẽ không bị hổng kiến thức và mơ hồ về sau này.

Cuối cùng, hãy chuẩn bị tư tưởng là phải đọc qua một cuốn sách hoặc một hướng dẫn thực hành ít nhất 3 lần trước khi bạn có thể hiểu hết nó. Bạn sẽ không thu được phần “lập trình” trong lần thử đầu tiên – không ai từng làm được điều đó cả. Bạn cần lặp lại để bóc trần nó trước khi bạn bắt đầu có thể hiểu và thu nhận kiến thức từ nó và bạn hiểu được điều gì thực sự đang diễn ra. Cho tới một lúc bạn sẽ cảm thấy như bị lạc lối, điều đó là tốt, đó là một phần của quá trình phát triển. Chỉ việc chấp nhận nó và tiến lên phía trước.

Bước 2: Xây dựng một cái gì đó nhỏ thôi

Đừng quá tham vọng tại thời điểm này – nhưng bạn cũng đừng quá nhút nhát. Hãy tìm kiếm ý tưởng tạo ra một ứng dụng mà đủ đơn giản để bạn có thể hoàn thành nó với một số nỗ lực, nhưng không phải là sẽ làm bạn mất vài tháng để hoàn thành. Cố gắng hạn chế nó chỉ trong ngôn ngữ lập trình bạn đã học nhiều nhất có thể. Đừng cố gắng để làm một cái gì đó mà phải áp dụng nhiều công nghệ khác nhau (nghĩa là, sử dụng tất cả những công nghệ từ giao diện người dùng cho đến database) – mặc dù bạn sẽ có thể cần sử dụng một vài framework hoặc API có sẵn.

Tôi đề xuất bạn nên tạo ra một ứng dụng nào đó dành cho thiết bị di động, bởi vì hầu hết các ứng dụng di động thì thưởng nhỏ và khá dễ làm. Thêm nữa, việc học các kỹ năng phát triển cho di động thì rất có ích vì có rất nhiều các công ty đang bắt đầu cần các ứng dụng di động. Ngày nay, bạn có thể xây dựng một ứng dụng di động trong hầu như bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào. Có rất nhiều giải pháp mà cho phép bạn xây dựng một ứng dụng cho các hệ điều hành di động khác nhau sử dụng rất nhiều các ngôn ngữ lập trình.

Và điều này có vẻ là hơi khó. Nhưng đó chính là cách bạn học như thế nào. Bạn phải vật lộn để nhận ra làm thế nào để làm một điều gì đó, sau đó bạn sẽ tìm thấy câu trả lời. Đừng bỏ qua bước này. Bạn sẽ chẳng bao giờ vươn tới đẳng cấp là một nhà phát triển phần mềm chuyên nghiệp nếu bạn không học những thứ khó khăn và nhận ra nhiều điều thú vị trong quá trình nghiên cứu. Đây là một khóa huấn luyện tốt cho tương lai của bạn.

Bước 3: Nghiên cứu về một framework

Lúc này là thời điểm để thực sự tập trung vào một framework. Vì lúc này bạn đã nắm được một lượng kiến thức kha khá về ít nhất là một ngôn ngữ lập trình rồi và đã có một số kinh nghiệm để có thể làm việc cùng một framework cho các ứng dụng di động hoặc web.

Cố gắng đào sâu kiến thức của bạn về framework đó. Điều này sẽ khá mất thời gian, nhưng đầu tư thời gian để học bất cứ thứ gì về framework mà bạn đang sử dụng thì rất tốt. Đừng cố học nhiều framework vào lúc này – nó sẽ chỉ khiến phân tán sự tập trung của bạn mà thôi. Hãy nghĩ về việc học các kỹ năng bạn cần cho một công việc xác định mà bạn muốn nhận, có sử dụng framework và chính ngôn ngữ lập trình mà bạn đang học. Bạn có thể luôn luôn mở rộng tập kỹ năng của mình sau này.

Bước 4: Học về một công nghệ cơ sở dữ liệu

Bạn sẽ có khả năng nhìn thấy lợi ích lớn nhất nếu bạn học về SQL – thậm chí nếu bạn lên kế hoạch sẽ làm việc cùng cơ sở dữ liệu NoSQL như MongoDB hoặc Raven, thì việc học SQL sẽ mang lại cho bạn một nền tảng tốt hơn để làm việc sau này. Có rất nhiều công việc tuyển dụng ngoài kia mà yêu cầu kiến thức về SQL nhiều hơn là NoSQL.

Tôi khuyến khích bạn nên chọn một cuốn sách tốt về công nghệ SQL phù hợp và tạo ra một vài dự án nhỏ, vì vậy bạn có thể thực hành cái mà bạn đang học – luôn luôn thực hành những kiến thức mà bạn đang học.

Bạn phải có đủ kiến thức về SQL để có thể:

-Tạo các bảng (table)

-Thực thi các truy vấn cơ bản

-Join các bảng với nhau để truy xuất dữ liệu

-Hiểu các kiến thức cơ bản về index làm việc như thế nào

-Insert, update và delete dữ liệu

Ngoài ra, bạn sẽ muốn học một số dạng của công nghệ object relational mapping (ORM). Cái mà bạn học sẽ phụ thuộc vào công nghệ nào mà bạn đang làm việc trên đó. Tìm kiếm những công nghệ ORM phù hợp với framework mà bạn đã học. Có thể có một vài lựa chọn ở đây, vì vậy cách tốt nhất là bạn hãy chọn lấy cái phổ biến nhất.

Bước 5: Nhận một công việc hỗ trợ một hệ thống đang tồn tại

Điểm mấu chốt ở đây là không quá nhắm vào một công việc nào đó yêu cầu trình độ cao. Đừng cố thử tìm một công việc trong mơ của bạn ngay lúc này – vì bạn vẫn chưa đủ trình độ. Thay vì đó, cố gắng tìm một công việc dạng bảo trì một hệ thống phần mềm đang tồn tại mà được xây dựng sử dụng ngôn ngữ lập trình và framework mà bạn đã học.

Dồn hết tâm trí của bạn vào công việc này. Học mọi thứ bạn có thể. Làm công việc ở mức tốt nhất bạn có thể. Đừng nghĩ về tiền bạc, đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong dự án này – tất cả sẽ đến sau đó – còn lúc này, bạn hãy chỉ tập trung vào để làm cho công việc hoàn thành một cách hiệu quả nhất có thể và mở rộng các kỹ năng của bạn.

Bước 6: Học những bài thực hành tốt nhất về cấu trúc (structural)

Bây giờ là lúc để bạn bắt đầu nâng cao chất lượng trong việc viết code. Đừng lo lắng quá nhiều về vấn đề thiết kế phần mềm tại thời điểm này. Bạn cần học làm thế nào để viết những đoạn “code sạch” (clean code) mà dễ dàng để hiểu và bảo trì. Để làm được điều này, bạn sẽ cần phải đọc rất nhiều và xem nhiều ví dụ về một số đoạn code tốt (good code).

Bước 7: Học một ngôn ngữ lập trình thứ hai

Tại thời điểm này bạn nên phát triển khả năng bằng cách học một ngôn ngữ lập trình thứ hai thực sự tốt. Bạn nên chọn một ngôn ngữ lập trình mà khác hẳn ngôn ngữ mà bạn đã biết.

Điều này có vẻ như là hơi kỳ quặc, nhưng hãy để tôi giải thích lý do tại sao việc này là rất quan trọng. Khi bạn biết một ngôn ngữ lập trình thật giỏi, thì bạn chỉ hiểu các khái niệm của phát triển phần mềm trong ngôn ngữ lập trình đó, mà việc phát triển phầm mềm thì lại vượt quá một ngôn ngữ hoặc công nghệ riêng rẽ nào. Nếu bạn dành thời gian trong một môi trường hoặc ngôn ngữ lập trình mới, thì bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy mọi thứ theo một cách mới. Bạn sẽ bắt đầu để học một cách thực tiễn hơn là theo cách bắt chước.

 Bước 8: Xây dựng một cái gì đó có giá trị

Chọn một dự án mà sẽ sử dụng được toàn bộ các kỹ năng của bạn. Chắc chắn rằng bạn kết hợp cả cơ sở dữ liệu, framework và mọi thứ khác mà bạn cần để xây dựng một ứng dụng hoàn chỉnh. Dự án này nên là một cái gì đó mà sẽ chiếm của bạn nhiều hơn một tuần làm việc và yêu cầu một số suy nghĩ nghiêm túc và thiết kế. Thử làm một cái gì đó mà bạn có thể kiếm được tiền từ nó để bạn có một vài động lực làm việc.

Nên chắc chắn rằng bạn không phát triển nó ra quá lớn. Bạn vẫn không muốn mang quá nhiều tham vọng vào đây. Chọn một dự án mà sẽ thách thức bạn, nhưng không phải là một dự án mà bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của bạn. Nếu bạn có sự cam kết để theo và hoàn thành dự án này, thì bạn sẽ đi được rất xa, còn nếu bạn không thể… vâng, thì tôi không thể nói trước được điều gì.

Bước 9: Kiếm một công việc tạo một hệ thống mới

Đây là thời điểm để tìm kiếm một công việc mà sẽ thách thức bạn – nhưng đừng quá nhiều. Bạn vẫn sẽ phải học rất nhiều, vì vậy bạn không muốn nhận một công việc mà quá phức tạp so với bạn. Lý tưởng là bạn nên tìm một công việc nơi mà bạn sẽ có cơ hội để làm việc trong một nhóm đang xây dựng một sản phẩm gì đó mới mẻ.

Có thể bạn không phải là người kiến trúc ra hệ thống đó, nhưng việc tham gia tạo ra một ứng dụng sẽ giúp bạn mở rộng các kỹ năng của mình và thách thức bạn trong nhiều cách khác nhau hơn là chỉ ngồi bảo trì một hệ thống phần mềm đang tồn tại.

Bạn đã có một sự tự tin trong việc tạo ra một hệ thống mới rồi, bạn vừa kết thúc việc tạo ra một hệ thống quan trọng cho riêng mình, vì vậy bạn có thể bước vào buổi phỏng vấn mà không cảm thấy quá hồi hộp và cùng với niềm tin rằng bạn có thể làm được công việc đó. Sự tự tin này sẽ giúp bạn có thể nhận được bất cứ công việc nào mà bạn ứng tuyển vào.

Hãy chắc chắn rằng bạn khiến cho nhà tuyển dụng được tập trung. Hãy nêu bật lên tập các kỹ năng xác định mà bạn đã đạt được. Đừng cố gây ấn tượng với bất kỳ ai bằng một danh sách dài dằng dặc của những kỹ năng chả liên quan gì. Tập trung vào những kỹ năng quan trọng nhất và tìm kiếm những công việc mà phù hợp chính xác với chúng – hoặc ít ra thì cũng phù hợp nhất có thể.

Bước 10: Học những bài thực hành tốt nhất về thiết kế phần mềm

Bạn đã sẵn sàng để xây dựng các hệ thống ngay lúc này, nhưng bây giờ bạn cần phải học cách làm thế nào để thiết kế ra chúng.

Bạn nên tập trung vào việc nghiên cứu vào các bài thực hành thiết kế tốt nhất và một số chủ đề nâng cao kiểu như:

-Design patterns

-Inversion of Control (IOC)

-Test Driven Development (TDD)

-Behavior Driven Development (BDD)

-Các phương pháp phát triển phần mềm như: Agile, SCRUM, v.v…

-Message buses và integration patterns

Danh sách này có thể sẽ còn dài ra rất nhiều – bạn sẽ chẳng bao giờ có thể kết thúc việc học và phát triển các kỹ năng của bạn trong lĩnh vực này. Chỉ nên chắc chắn rằng hãy bắt đầu cùng với những thứ quan trọng nhất trước tiên – điều này sẽ phụ thuộc vào cái mà bạn cảm thấy thú vị và nơi mà bạn muốn đến trong sự nghiệp của mình.

Mục tiêu của bạn ở đây là có khả năng không chỉ là xây dựng một hệ thống mà một ai đó đã thiết kế ra, mà nó phải hình thành dựa trên quan điểm của chính bạn về phần mềm nên được thiết kế ra làm sao và những dạng kiến trúc nào thì phù hợp cho những loại vấn đề này.

Bước 11: Tiếp tục học

Tại thời điểm này thì bạn đã làm ra sản phẩm phần mềm, nhưng bạn cần phải tiếp tục phát triển để trở thành một lập trình viên giỏi, thậm chí có thể trở nên “xuất sắc”. Luôn tâm niệm rằng bạn sẽ luôn có một cái gì đó để học thêm.

Phải mất bao lâu thì bạn mới có thể tới được điểm này? Tôi cũng không biết chắc. Nó có thể mất ít nhất một số năm, nhưng có thể phải đến 10 năm hoặc hơn – nó còn tùy thuộc vào việc bạn cống hiến nhiều như thế nào và những cơ hội nào xuất hiện với bạn nữa.

Có một con đường tắt khá tốt đó là cố gắng và luôn luôn bao quanh bạn bởi những lập trình viên giởi hơn bạn để có thể học hỏi từ họ.

Số lượt đọc: 665 -