Bạn Được Thăng Chức - Chấp Nhận Hay Từ Chối?
Ngày đăng tin: 27/10/2020 22:04
Phản ứng đầu tiên và vội vàng của bạn về việc thăng chức có thể là một sai lầm lớn cho bạn, cả trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống riêng của bạn. Cùng thời điểm này, bạn cũng sẽ phân vân giữa việc nhận hay từ chối, vì hầu như ai cũng muốn đạt đến nấc thang thành công trong sự nghiệp. Làm thế nào bạn có thể quyết định được một cách sáng suốt nhất?
Nếu như bạn không hét lên vì vui sướng khi bạn đón nhận cơ hội này có nghĩa rằng lý trí bạn đang mách bảo một điều quan trọng: Cơ hội này có thể không phù hợp với bạn. Trước khi bạn quyết định chấp nhận hay từ chối vai trò mới, hãy tự hỏi mình 5 câu hỏi sau đây:
1. Bạn đã sẵn sàng đảm nhiệm chức vụ mới chưa?
Sếp bạn có thể đã rất ấn tượng với năng lực của bạn trong công việc hiện tại, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã chuẩn bị tinh thần để nhận thêm nhiều trách nhiệm khác. Đặt chân vào một lãnh địa mới mà không được trang bị kiến thức và kỹ năng có thể gây tổn hại cho nghề nghiệp của bạn. Dù biết rằng cơ hội này sẽ làm bạn tự tin hơn, bạn mới chính là người biết rõ bạn cần chuẩn bị gì hơn là sếp bạn.
2. Bạn có muốn nhận thêm trách nhiệm không?
Nếu bạn chấp nhận vị trí mới này, bạn có phải làm việc nhiều hơn không? Đi công tác thường xuyên hơn? Tham gia nhiều cuộc họp hơn? Bạn có phải giám sát người nào khác không? Quản lý nhiều dự án quan trọng hơn (và cũng căng thẳng hơn) không? Hãy thử tưởng tượng một ngày làm việc của bạn trong vị trí mới và xác định xem bạn có thích những gì bạn nghĩ hay không.
3. Sau lần thăng chức này thì bạn sẽ có thể tiến xa hơn thế nào trong nghề nghiệp?
Vị trí bạn được đề bạt là một bước tiến khi nhìn vào sơ đồ công ty, nhưng sau đó thì sao? Bạn có thể đi xa hơn không, hay là sẽ ở mãi tại vị trí này? Ví dụ, nếu vị trí cao hơn nữa là của sếp bạn hoặc một nhân viên cấp cao khác, bạn phải mất bao lâu mới lên được vị trí này? Và ngay cả khi chiếc ghế này cần tìm chủ mới, bạn có phải là ứng viên sáng giá?
4. Vị trí mới này có thể khiến bạn xa rời công việc yêu thích không?
Là nhân viên công nghệ thông tin, bạn thích làm gì nhất? Phân tích hệ thống? Viết mã code? Thử nghiệm ứng dụng mới? Nếu như chấp nhận vai trò mới, bạn có thể không làm những công việc này nữa, thì vai trò mới có còn ý nghĩa đối với bạn? Bạn cần cân nhắc việc thăng chức phải mang đến cho bạn những trách nhiệm mới, lương bổng và chế độ đủ hấp dẫn để bạn có thể lấp được khoảng trống chán nản khi phải làm ít hơn hoặc từ bỏ những công việc yêu thích trước đây.
5. Vị trí mới có thể ảnh hưởng nhiều đến việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc không?
Bất kể sự thay đổi nào trong công việc cũng ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của bạn. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải xem những trách nhiệm công việc mới có lấy đi thời gian và hạn chế việc bạn tham gia các hoạt động sau giờ làm việc hay không. Nếu bạn dự đoán là có, và bạn không hài lòng về những thay đổi này, thì bạn hãy nên tiếp tục với vị trí hiện tại.
TỪ CHỐI CHỨC VỤ CAO HƠN & VẪN GIỮ ĐƯỢC “HÒA KHÍ” VỚI CÔNG TY
Nếu như bạn quyết định từ chối nhân chức vụ mới cao hơn, hãy gặp riêng sếp bạn và chia sẻ rằng bạn cảm thấy rất vinh dự vì đã được sếp đề bạt. Hãy giải thích rằng bạn thích làm việc cho công ty và bạn rất vui vì những đóng góp của mình được trân trọng. Sau đó, bạn phải nói rõ ràng rằng bạn không thể chấp nhận chức vụ mới tại thời điểm này.
Nếu sếp bạn thực sự muốn biết vì sao bạn từ chối, bạn hãy thẳng thắn rằng vị trí hiện tại là tốt nhất cho bạn – và cho cả công ty. Bạn có thể lý giải thêm là bạn thích công việc hiện tại hơn và nghĩ rằng bạn cần được huấn luyện và đào tạo thêm để đảm nhận trách nhiệm mới do công ty giao phó một cách tốt nhất.
Tất nhiên, bạn có thể lo lắng rằng bạn sẽ không được đề bạt sau lại sau khi đã từ chối một lần, và việc thăng chức của bạn sau này sẽ bị ảnh hưởng đến là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nếu bạn chắc chắn rằng vị trí đó không phù hợp với bạn tại thời điểm hiện tại thì từ chối là quyết định tốt nhất. Bạn hãy tiếp tục làm việc thật tốt để cơ hội sẽ lại tiếp tục đến với bạn. Bạn có thể trao đổi với sếp về những kết quả bạn muốn đạt được tại công ty và bạn cần được đào tạo gì để lúc nào cũng là nhân viên xuất sắc.