Những thuận lợi và khó khăn nghề của nhân sự
Ngày đăng tin: 21/02/2020 21:59
Nghề nhân sự hiện đang là ngành nghề “nóng” trên thị trường lao động thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Không như các nghề nghiệp khác, khi làm ở các vị trí thuộc ngành nhân sự, bạn có thể tìm việc ở nhiều công ty khác bất kể lĩnh vực kinh doanh là gì, đây là lợi thế của nghề Nhân sự so với một số nghề khác.
Ở Việt Nam, ngành nhân sự vẫn còn khá mới mẻ và không nhiều người đánh giá được đúng tầm quan trọng của hoạt động quản trị và phát triển nguồn nhân lực như đúng bản chất của nó là hoạt động liên quan đến mọi hoạt động quản trị khác, có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tổ chức/doanh nghiệp với người lao động. Nghề nhân sự là nghề liên quan đến con người, vì thế những thuận lợi và khó khăn của nó cũng liên quan trực tiếp đến cách nhìn nhận, đánh giá của con người.
1. Thuận lợi của nghề nhân sự
- Nghề nhân sự luôn có những phần thưởng và phúc lợi “vô giá”. Đâu đó không chỉ là một lời khen của Tổng giám đốc, hay là chuyện tăng lương mà còn là tình cảm quý mến của những đồng nghiệp, những phúc lợi, thành tựu mà các đồng nghiệp có được từ những khác biệt do chính sách nhân sự mà mình góp phần tạo ra.
- Thực tế, nghề nhân sự rất rất có ý nghĩa khi nhìn lại thành quả trong việc tuyển dụng, đào tạo phát triển, sắp xếp tổ chức đóng góp phần quan trọng trong sự phát triển và lớn mạnh của doanh nghiệp.
- Chẳng hạn, sau khi tuyển dụng một sinh viên mới ra trường vào làm việc trong doanh nghiệp (với chính sách đào tạo và phát triển được xây dựng từ bộ phận nhân sự), 5 năm sau khi nhìn thấy sự thăng tiến của người này và những đóng góp của họ cho doanh nghiệp, người làm công tác nhân sự sẽ thấy được nỗ lực của mình là có ý nghĩa.
2. Khó khăn của nghề nhân sự
Làm thế nào để hài hòa được lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động là công việc mà người phụ trách nhân sự phải lo tính toán hàng ngày. Điều hòa các mối quan hệ đó là việc rất vất vả, đầy tính nhạy cảm và phải biết cách xử lý nghệ thuật của phòng nhân sự. Tùy theo thực tế của doanh nghiệp, người phụ trách nhân sự luôn phải tìm ra cách ứng phó với các thực tế xảy ra, biết tháo gỡ các khó khăn và xây dựng được tính đoàn kết trong doanh nghiệp, từ đó tạo ra sức mạnh phát triển doanh nghiệp.
- Luôn gặp phải những phàn nàn về chính sách lương. Đây là điều mà rất nhiều giám đốc nhân sự gặp phải. Không chỉ ở những doanh nghiệp có mặt bằng lương thấp, mà ngay cả trong các doanh nghiệp có mặt bằng lương cao hơn mức trung bình.
- Người làm nhân sự đôi khi bị hoảng hốt bởi tình trạng chất lượng lao động đi xuống, năng suất lao động thấp kém…, rồi dần dà xảy ra tình trạng lao động cũ bỏ đi, lao động mới xin vào liên tục. Việc đăng tuyển, tổ chức thi cử, phỏng vấn cứ diễn ra triền miên… làm bộ phận nhân sự bị lao tâm khổ tứ.
- Tuy nhiên, cái khó của nghề nhân sự là lợi ích, thành quả mà nó mang lại cho doanh nghiệp không được thể hiện một cách trực tiếp (như công tác kinh doanh, sản xuất), vì vậy đôi khi từng nơi từng lúc ngay chính những người quản lý doanh nghiệp và cả người lao động chưa có sự trân trọng thỏa đáng đối với nghề này. Và đây là điều có thể làm cho người làm công tác nhân sự bị nản lòng.
Về mặt nào đó, nói nghề này “làm dâu trăm họ” quả thật không sai. Đôi khi có những nỗi buồn không nói nên lời, chẳng biết tỏ cùng ai. Nếu các chính sách của mình thành công thì không nói làm gì, nếu có trục trặc, hoặc chưa cập nhật người làm nhân sự sẽ chịu trách nhiệm đầu tiên. Nguyên nhân có thể do chính nhân sự tại doanh nghiệp hoặc rất có thể do cách quản lý nhân viên của bạn chưa tốt.
Tóm lại, nghề nhân sự ngày càng được quan tâm nhiều hơn thì đòi hỏi và thách thức với người làm nghề lại càng lớn. Người làm nhân sự biết việc – biết làm đúng là người có vị trí thật sự quan trọng trong mô hình quản lý hiện đại và càng quan trọng hơn nếu công ty có chiến lược phát triển bài bản, vững chắc. Hy vọng với những nỗ lực mà bạn đã, đang và sẽ bỏ ra trong nghề nghiệp của mình, bạn sẽ chứng tỏ được vai trò của mình và đáp ứng được những kỳ vọng mà đồng nghiệp và các nhà lãnh đạo đặt ra cho bạn.