• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

127225
Tổng số truy cập:127225
Khách đang online: 93
Những nỗi sợ thường thấy nơi công sở (Phần 2)
Ngày đăng tin: 05/08/2019 15:19

Lo bị đánh giá thiếu năng lực

Nỗ lực trở thành người xuất sắc là rất tốt, nhưng chủ nghĩa cầu toàn thì mang lại lắm “niềm đau”. Khi bạn đẩy khát khao hoàn thiện bản thân và ý muốn mọi việc phải hoàn hảo lên mức cực điểm thì cuộc sống sẽ tràn ngập căng thẳng, mệt mỏi và âu lo. Mang ý chí này áp vào quá trình làm việc, bạn sẽ luôn lo lắng là mình làm còn chưa tốt, thể hiện chưa đủ, đồng nghiệp chưa thán phục và sếp chưa nể trọng. Gọi chung tình huống này là bạn có nỗi sợ mơ hồ về việc bị đánh giá không đủ năng lực.

Hãy chậm lại vài giây mà lắng nghe xem người xung quanh nói gì! Bạn đã bao giờ bị chê bai hay khiển trách chưa? Công ty có bắt bạn phải trở thành khổ sở như thế này không? Nếu kết quả cho thấy bạn đã làm tốt rồi, nên tự dành cho bản thân sự tán thưởng và thả lỏng tâm trí. Không chỉ bạn mà những người xung quanh sẽ cảm giác rất khiếp sợ nếu bạn cứ ở trong trạng thái không thoả mãn, chẳng hài lòng và ám ảnh về năng lực đến mức cực đoan. Sau tất cả, dường như bạn đang làm giỏi mọi việc trừ một việc là dám tin tưởng vào năng lực của mình?  

Lo không đủ khả năng cập nhật và đuổi theo công nghệ

Với tốc đố cải tiến liên tục và phát triển mạnh mẽ, công nghệ đã nhanh chóng trở thành yếu tố không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực công việc của thời đại số. Và kéo theo sau nó là nỗi lo lắng của người lao động rằng họ không thể bắt kịp sự phổ biến rộng rãi của những phần mềm hay ứng dụng công nghệ cao. Trong khi nhiều người bận tâm rằng việc thiếu điều kiện tiếp cận công nghệ khiến sẽ khiến đồng nghiệp xung quanh đánh giá thấp khả năng, thì không ít người khác lại sợ rằng với vốn kiến thức ít ỏi về kỹ thuật – công nghệ cộng với hạn chế tuổi tác (quá già hoặc quá trẻ) mình sẽ không thể tiếp thu hết những điều mới mẻ.

Chỉ trừ khi bạn học kế toán mà lại muốn đi làm lập trình viên, còn lại mọi thứ đều sẽ có phạm vi và giới hạn. Đừng quá lo lắng, bạn không hề đơn độc trên hành trình tri thức! Với đủ ý chí và mong muốn tiếp thu, sẽ luôn có tập thể đồng đội bên cạnh để cùng bạn dung nạp những cái mới. Hơn hết, bạn chỉ cần có kỹ năng công nghệ, không nhất thiết phải dẫn đầu công nghệ!

Lo mình ăn mặc không phù hợp

Tâm lý muốn được đề cao còn thể hiện ở việc nhiều người hay bận tâm về vẻ ngoài bản thân, nhất là các chị em phụ nữ. Đôi khi chúng ta tưởng tượng quá nhiều về suy nghĩ của người khác, rằng họ thấy hôm nay cô A mang giày màu tươi quá, có vẻ anh B mặc áo hơi nhăn, hình như em C bị béo lên rồi… Sự thực là có mình bạn căng thẳng và lo lắng thôi. Những đồng nghiệp lẫn cấp trên không nhận ra gì hết, hoặc họ thấy nhưng đã quên rồi vì chẳng xem đó là vấn đề.

Thế nên hãy cất đi những lo nghĩ quá mức về việc quần áo, tóc tai, trang phục. Duy trì nó ở mức gọn gàng, trang nhã, thanh lịch và phù hợp với nơi bạn xuất hiện là ổn. Để dành “chất xám” đầu tư vào các ý tưởng sáng tạo và kế hoạch phát triển hiệu quả công việc nhé!

Lo “lên hình” xấu

Tương tự như việc được nhìn thấy thế nào, thì bị lưu lại hình ảnh ra sao cũng trở thành vấn đề. Ngại “lên hình” là biểu hiện của những người rất coi trọng nhưng lại tự ti về hình thể, sợ người khác nhìn thấy vẻ ngoài chưa chăm chút của mình. Khi không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, họ không muốn bất kỳ ai chụp ảnh, quay hình hoặc xem webcam của mình.

Ý thức về sự chỉn chu, bảo vệ hình ảnh cá nhân là tốt nhưng đừng thái quá. Hãy nhớ rằng bạn thực sự trông như thế nào ở bên ngoài, nhiều người đã biết rồi. Một vài khoảnh khắc không như ý hay chất lượng hình ảnh xấu của webcam/ video trực tuyến không làm người xung quanh đánh giá bạn xấu đi. Ngược lại, thần thái tự tin, phong cách tươi vui và hành xử tự nhiên sẽ khiến bạn “toả sáng” trong mắt mọi người mà không cần dày công chuẩn bị. Hãy luôn là chính mình!

Và những nỗi sợ nho nhỏ nhưng không kém phần áp đảo tâm lý khác như:

Ngại phát triển mối quan hệ

Sống trong xã hội đầy bất an, nhiều người chúng ta lại có những mối bận tâm liên quan đến việc phát triển các mối quan hệ xã hội. Cảm giác sợ kết thân với người khác khá tiêu cực, bởi nó gây ra những phản ứng tâm lý khiến không ít người trở nên co cụm, nghi ngại khi tương tác xã hội, sợ bị phán xét, chê bai, chỉ trích. Nó khiến bạn rất dè dặt khi sống cùng tập thể, hoặc là luôn nghi ngờ hoặc mặc kệ xung quanh. Thậm chí nếu nhận thấy ai đó có vẻ quan tâm, yêu mến mình, bạn cũng không dám đón nhận mà lại bật chế độ phòng thủ.

Cách giải quyết là hãy bắt đầu từ những người thân cận, tiếp xúc và xây dựng mối quan hệ đó thành những vòng tròn giao tiếp nhỏ rồi sau đó mở rộng dần ra. Bạn có thể phân biệt hai nhóm quan hệ xã giao và quan hệ thân thiết. Vấn đề niềm tin khó có thể xây dựng trong “một sớm một chiều”, nhưng công sở không phải là nơi toàn những người nguy hiểm. Ghi nhớ rằng, trước khi các điều xấu làm hại bạn, nếu không có nổi một mối quan hệ đúng nghĩa nào thì bạn cũng chẳng thể tồn tại được quá lâu để làm việc và thành công phát triển sự nghiệp.

Ngại ăn uống trước mặt người khác

Nhận thức rằng bản thân mình vụng về, nhiều người sẽ rất ngại khi phải ăn uống trước mặt người khác. Họ sợ bị nhìn thấy những cử chỉ vụng về, thao tác kém khéo léo, đôi tay lấm lem hoặc cái miệng đang tập trung nhai thức ăn. Bên cạnh đó, cũng có người xem ăn uống là những giây phút riêng tư. Thời gian sinh hoạt cá nhân đó họ muốn được tận hưởng sự thoải mái, không gò bó, chẳng phải giữ ý vì xung quanh đang có người khác dòm ngó hay quan sát.

Hiểu tâm lý này, để giúp người cũng là giúp mình, khi đến công sở chúng ta nên ý nhị hơn trong cư xử với các đồng nghiệp. Trừ khi đây là bữa tiệc để chung vui hoặc nhóm bạn rủ nhau cùng ăn trưa, những tình huống không được mời gọi khác bạn nên khéo léo nhường không gian cho “đương sự” tự do thưởng thức bữa ăn của họ hoặc đơn giản là việc ai nấy làm nhé!

Sẽ không dễ chịu gì khi luôn mang nỗi lo lắng khi đến công sở, dù cho khách quan hay chủ quan. Điều quan trọng nhất là bạn cần hiểu rõ gốc rễ của vấn đề để cởi bỏ những rào cản tâm lý và luôn thoải mái làm việc tại “ngôi nhà thứ 2”. Cevn.com.vn hy vọng những thông tin trên sẽ là cơ sở tham khảo tốt để bạn tự tin hơn tại nơi làm việc của mình.

 
Số lượt đọc: 442 -