• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

63477
Tổng số truy cập:63477
Khách đang online: 362
Nghệ thuật rút lui khỏi công việc "không có tương lai"
Ngày đăng tin: 06/05/2019 14:21

Đầu tiên hãy xem xét 5 dấu hiệu báo trước một công việc kém tiềm năng:

1) Không có mô tả công việc cụ thể
 
Dù rằng vai trò sẽ phát triển theo thời gian, nhưng công ty nên có ý tưởng rõ ràng về trách nhiệm và kỹ năng đòi hỏi đối với mỗi vị trí tuyển dụng ngay từ đầu. Hầu hết chuyên viên tuyển dụng sẽ có thể cung cấp mô tả công việc chính thức đề cập rõ những điều họ tìm kiếm ở ứng viên lý tưởng, và không mơ hồ về vai trò mà nhân viên sẽ đảm nhiệm kiểu như “Sẽ có rất nhiều công việc để thử thách bạn khi bạn gia nhập công ty ...”. Bạn có thể học cách đánh giá nhà tuyển dụng tiềm năng bằng cách hãy xác định rõ, nhiều là bao nhiêu, phạm vi công việc cụ thể là gì, nếu không thì bạn rất nên “Thank you, next” nhé.
 
 
2) Nhà tuyển dụng không có khả năng “sale” vị trí đang tuyển dụng
 
Phỏng vấn không chỉ là dịp để ứng viên chứng minh tiềm năng với nhà tuyển dụng mà nó còn là thời điểm quan trọng để công ty giới thiệu công việc với ứng viên. Vì thế, phỏng vấn viên nên dành một phần của buổi gặp gỡ để giải thích về vai trò và đưa ra những triển vọng hấp dẫn nhất của công việc cho nhân viên tương lai. Nếu họ bỏ qua việc này hoặc không có thông tin cùng lý lẽ thuyết phục, đây có thể là dấu hiệu cho thấy công việc không lý tưởng như bạn hi vọng.
 
3) Phỏng vấn viên không trả lời được câu hỏi của bạn
 
Phỏng vấn là cơ hội để bạn đánh giá liệu mình có phù hợp với vai trò đó hay không, nên đừng ngần ngại đặt câu hỏi. Làm như vậy thể hiện bạn quan tâm tới công việc và giúp bạn nắm bắt nhiều mấu chốt liên quan đến vị trí ứng tuyển lẫn công ty. Môi trường làm việc thế nào, mối quan hệ giữa nhân viên ra sao? Bất cứ vấn đề nào còn chưa rõ hay trăn trở, hãy mạnh dạn trao đổi để thấu đáo hơn về cơ hội đang theo đuổi. Không phải thông tin nội bộ hay số liệu mật thì chẳng lý do gì mà người phỏng vấn lại từ chối trả lời hoặc chuyển hướng quanh co. Tất nhiên, một nhà tuyển dụng không thể trả lời câu hỏi chỉ vì họ chưa cập nhật thông tin hay thiếu kiến thức chuyên môn lại càng là “tiếng còi báo động” rất to.
 
 
4) Phỏng vấn viên đặt câu hỏi không phù hợp
 
Tất cả những người làm công tác tuyển dụng đều phải có hiểu biết rõ ràng về những điều nên, không nên, được phép và không được phép khi phỏng vấn ứng viên.
 
Trước hết là nhu cầu được tôn trọng quyền riêng tư và tránh phân biệt đối xử về tuổi tác, giới tính, sắc tộc. Dù xét về khía cạnh này ở Việt Nam chưa có đạo luật riêng để bảo vệ quyền lợi người lao động như một số nước, nhưng chúng ta vẫn có các quy tắc cơ bản quy định giới hạn của mức độ khai thác thông tin cá nhân. Vì thế, hãy cảnh giác nếu bạn gặp phải một người hỏi quá nhiều và sâu về chuyện riêng tư, quá khứ chỉ nhằm thoả mãn sự tò mò, mà không làm sáng tỏ được gì về chuyên môn hay kỹ năng làm việc. Cứ khéo léo từ chối trả lời, bạn hoàn toàn có quyền! Những câu hỏi này bên cạnh việc chứng minh sự vô ích trong việc sàng lọc tài năng ứng viên thì còn cho thấy vấn đề đáng lo ngại về văn hoá doanh nghiệp, hay đơn giản là về tư duy cũng như phong cách làm việc của bộ phận nhân sự hoặc người quản lý bộ phận.
 
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý dấu hiệu cảnh báo khi nhà tuyển dụng đặt ra nhiều hỏi câu mông lung về công việc hay ngớ ngẩn về cá nhân mình. Dù rằng đâu đó chúng ta vẫn nghe nói về phương pháp phỏng vấn “tung hoả mù” hay “gây xao nhãng” để đánh giá sự nhạy cảm và bản lĩnh của ứng viên, nhưng nếu người quản lý (về mặt chuyên môn hoặc nhân sự trong tương lai) của bạn lại có quá nhiều phát ngôn “thiếu muối” thì đây chính xác là sự yếu kém chứ không phải chiến thuật. Suy nghĩ thật kỹ xem bạn có nên làm việc với người chủ thế này không?
 
5) Không cảm nhận được viễn cảnh tương lai tốt đẹp với những người từng gặp
 
Trong suốt quá trình ứng tuyển, ít nhất bạn cũng tương tác với một số người nhất định tại công ty như: giám đốc nhân sự, quản lý hoặc đồng đội tương lai, bộ phận hỗ trợ và nhiều người khác nữa. Quá trình tiếp xúc đó tạo ra những xung động nào trong bạn? Các nhân viên có nhiệt tình với vai trò của họ và yêu quý công ty không? Mối quan hệ giữa các nhân viên tích cực không, hay bạn lờ mờ cảm nhận được sự căng thẳng, chia rẽ hoặc lo âu? Họ có hứa hẹn sẽ truyền cảm hứng cho năng suất, thúc đẩy sự sáng tạo và khiến bạn háo hức muốn đến công ty mỗi ngày?
 
Các dấu hiệu đã chỉ ra rằng bạn đang ứng tuyển một công việc không tuyệt chút nào, vậy làm sao để cúi chào duyên dáng và rút lui chuyên nghiệp nhất? Hãy tham khảo các chỉ dẫn sau đây cùng Cevn.com.vn:
 
- Hoàn thành buổi phỏng vấn: Nếu có thể, tiếp tục trò chuyện cho đến khi kết thúc. Chờ xem các dấu hiệu bất ổn khi bắt đầu có thể thay đổi vào lúc kết thúc và mang lại kết quả gì không. Bạn có thể trực tiếp đối mặt với các vấn đề phát sinh và đề nghị người phỏng vấn giải quyết chúng. Nhớ rằng, ngay cả khi không thể xoay chuyển tình huống đi chăng nữa, bạn cũng sẽ chỉ “chịu đựng” cuộc trò chuyện này không quá một giờ.

- Đừng “đốt cây cầu”: Thậm chí khi đã 100% tin rằng mình không muốn làm việc cho công ty này, bạn cũng hãy chừa cho mình các cơ hội mở! Bạn không biết được mối liên hệ này sẽ chuyển hướng hoặc giúp ích cho nghề nghiệp của mình ra sao trong tương lai. Người phỏng vấn bạn sẽ chuyển sang làm tại công ty mà bạn hằng mơ ước, hoặc vài năm sau tình hình công ty khởi sắc hơn với nhiều tiềm năng hấp dẫn vẫy gọi bạn nộp đơn trở lại.

- Giao tiếp rõ ràng: Một khi đã xác định đây không phải công việc dành cho mình, hãy chắc chắn là bạn đã nói rõ với người phụ trách về lý do bạn không còn quan tâm đến cơ hội này nữa. Nếu người liên hệ với bạn là Head Hunter, họ có thể dựa trên phản hồi này tìm cho bạn công ty khác phù hợp hơn. Nếu đó là Trưởng phòng nhân sự hoặc Chuyên viên tuyển dụng, họ có thể xem xét bạn cho các vai trò hoặc phòng ban khác trong công ty.
 
- Giữ tinh thần lạc quan: Ngay cả khi buổi phỏng vấn là cơn ác mộng và theo bản năng bạn chỉ muốn gào lên bỏ chạy thì cũng hãy cho mình chút thời gian bước lùi lại, tư duy hợp lý và đưa ra phản hồi tích cực mang tính xây dựng. Những ấn tượng về thái độ chỉ trích hay ứng xử quá tiêu cực có thể trở thành dấu chỉ xấu về tính cách của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Bạn không biết trước được mối quan hệ tích cực với công ty cũ lúc nào sẽ trở nên có ích cho mình thì hãy bảo vệ nó.
 
- Học từ trải nghiệm: Sau khi tạm biệt quy trình phỏng vấn không như mong đợi ấy, dành thời gian suy nghĩ lại xem chuyện này đã sai vì sao và như thế nào. Từ những điều đúc kết được, bạn có thể cải thiện và rút kinh nghiệm cho lần phỏng vấn tiếp theo. Thay vì thất vọng vì đã dành tâm sức cho một cơ hội đáng thất vọng, động viên bản thân rằng bạn đang tiến thêm một bước đến gần hơn với công việc phù hợp.
 
Cũng như cuộc sống, không phải ai ta hẹn hò cũng trở thành người ta cưới và gắn bó hết quãng đời còn lại, không hẳn mọi công ty bạn đến phỏng vấn đều sẽ là nơi bạn làm việc. Nên bạn hãy nhớ rằng sẽ còn rất nhiều buổi phỏng vấn khác, nếu có chút sai lầm với lựa chọn hiện tại, cứ kiên trì tiếp tục! Sống vui, lạc quan về triển vọng bản thân và rồi bạn sẽ sớm sở hữu được công việc lý tưởng như mơ ước.
 
Cevn.com.vn chúc cho những ai đang tìm việc luôn gặp nhiều may mắn, thành công và hài lòng khi đi dự phỏng vấn nhé!
Số lượt đọc: 494 -